Bác sĩ: ThS.BS Trần Minh Dũng
Chuyên khoa: Tai mũi họng - Tai Mũi Họng
Năm kinh nghiệm:
Mất thăng bằng là triệu chứng phổ biến ở phòng khám và khoa cấp cứu, khiến người bệnh loạng choạng, dễ té ngã. Dù thường đi kèm với chóng mặt, nhưng mất thăng bằng không phải lúc nào cũng do chóng mặt gây ra. Nguyên nhân có thể do rối loạn tiền đình, bệnh lý thần kinh, chấn thương đầu hoặc tác dụng phụ của thuốc. Tình trạng này xảy ra khi các tín hiệu từ tai, mắt, xương khớp đến não bị rối loạn, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát thăng bằng và nhận thức không gian. Nếu không được điều trị, mất thăng bằng có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ chấn thương.
Để duy trì thăng bằng, cơ thể cần sự phối hợp nhịp nhàng của ba hệ thống chính:
- Mắt cung cấp thông tin về vị trí của cơ thể trong không gian.
- Các thụ thể nhận cảm trong cơ xương khớp giúp xác định tư thế và chuyển động.
- Hệ thống tiền đình (tai trong) gửi tín hiệu đến não để điều chỉnh thăng bằng.
- Não bộ (đặc biệt là tiểu não và thân não) có vai trò tổng hợp tín hiệu từ các cơ quan cảm giác để đưa ra phản ứng thích hợp.
- Điều khiển cơ bắp, khớp để thực hiện các phản xạ để giữ cơ thể ổn định.
Bất kỳ sự rối loạn nào trong các hệ thống này đều có thể gây mất thăng bằng, có thể kèm theo chóng mặt hoặc không. Trong đó, phần lớn là các vấn đề xảy ra với hệ thống tiền đình.
Để cơ thể giữ thăng bằng cần các hệ thống phối hợp nhịp nhàng.
Theo Hiệp hội Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, mất thăng bằng và các triệu chứng liên quan như chóng mặt, choáng váng chiếm khoảng 3% các lượt khám tại phòng khám đa khoa và khoa cấp cứu mỗi năm.
- Ước tính có khoảng 15 – 20% người trưởng thành gặp tình trạng này ít nhất một lần trong năm.
- Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác, và phụ nữ có nguy cơ cao gấp 3 lần so với nam giới.
- Khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ chỉ có biểu hiện duy nhất là mất thăng bằng.
- Hơn 50% bệnh nhân bóc tách động mạch đốt sống bị mất thăng bằng hoặc chóng mặt.
- Viêm mê nhĩ: Là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm tai trong, ảnh hưởng đến cả hệ tiền đình (thăng bằng) và ốc tai (thính giác). Bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc viêm tai giữa. Người bệnh thường có chóng mặt dữ dội kéo dài, mất thăng bằng, buồn nôn, kèm theo mất thính lực và ù tai.
- Bệnh Ménière: Do tích tụ dịch ở tai trong, làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu lên não. Bệnh nhân thường trải qua những cơn chóng mặt tự phát kéo dài từ 30 phút đến 12 giờ, kèm theo ù tai, cảm giác đầy tai và nghe kém một bên tai. Nguyên nhân có thể do di truyền, nhiễm virus, bệnh tự miễn hoặc rối loạn mạch máu.
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Khi tinh thể canxi carbonate (sỏi tai) rơi vào các ống bán khuyên, sẽ ảnh hưởng tới sự di chuyển của dịch tai trong. Điều này khiến tai trong gửi tín hiệu sai lệch về vị trí của đầu, gây ra chóng mặt khi thay đổi tư thế như nằm xuống, ngồi dậy hoặc xoay đầu. Cơn chóng mặt thường ngắn (< 1 phút) nhưng dữ dội, có thể gây mất thăng bằng. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người từng bị chấn thương đầu.
Chóng mặt tư thê kịch phát lành tính có thể tự khỏi trong vài tuần
hoặc vài tháng.
- Viêm thần kinh tiền đình: Thường do nhiễm virus gây viêm dây thần kinh tiền đình, dẫn đến chóng mặt đột ngột kéo dài ≥ 24 giờ, kèm theo buồn nôn, mất thăng bằng và ảo thị. Người bệnh không bị nghe kém hay ù tai, và không đi kèm các dấu hiệu thần kinh như yếu liệt hoặc nói khó.
- Rò ngoại dịch: Lỗ rò giữa tai trong và tai giữa, khiến ngoại dịch bị rò rỉ, gây mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn, đặc biệt khi di chuyển. Lỗ rò có thể xảy ra do chấn thương đầu, nhiễm trùng mạn tính hoặc thay đổi áp suất đột ngột (đi lặn, đi máy bay).
- Migraine tiền đình: Là nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt kèm buồn nôn và nhạy cảm với chuyển động. Bệnh thường gặp ở người có tiền sử đau đầu migraine. Các cơn chóng mặt kéo dài từ 5 phút đến 72 giờ, kèm đau đầu một bên, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn. Bệnh không gây mất thính lực nhưng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt do gây mất thăng bằng.
- Đột quỵ: Do giảm lưu lượng máu lên não, ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của não, gây mất thăng bằng, méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, cần gọi cấp cứu ngay lập tức, vì điều trị sớm có thể giảm tổn thương não và cải thiện khả năng hồi phục.
- U thần kinh thính giác: Còn gọi là u thần kinh số VIII, đây là u lành tính ở dây thần kinh tiền đình ốc tai. Khi khối u phát triển, nó có thể chèn ép dây thần kinh, gây ra chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai và nghe kém ở tai bị ảnh hưởng.
- Chóng mặt nhận thức-tư thế dai dẳng: Là tình trạng mất thăng bằng hoặc chóng mặt kéo dài mà không có nguyên nhân rõ ràng. Triệu chứng thường kéo dài nhiều giờ và cường độ thay đổi trong ngày. Tần suất ≥15 ngày trong tháng, kéo dài 3 tháng. Bệnh không có yếu tố khởi phát, nhưng có thể trở nên nghiêm trọng khi đứng lâu, tiếp xúc với hình ảnh động hoặc môi trường có nhiều kích thích thị giác.
- Hạ huyết áp tư thế: Là tình trạng tụt huyết áp đột ngột khi đứng dậy quá nhanh, khiến máu không kịp bơm lên não, gây chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu. Tình trạng này phổ biến hơn ở người cao tuổi, bệnh nhân tiểu đường, người mất nước hoặc đang dùng thuốc hạ áp.
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường làm giảm lưu lượng máu lên não, gây chóng mặt, mất thăng bằng, thậm chí ngất xỉu. Một số trường hợp rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến thiếu máu não hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Thiếu máu não thoáng qua: Do tắc nghẽn tạm thời dòng máu lên não, gây mất thăng bằng, nhìn mờ, yếu liệt thoáng qua. Mặc dù triệu chứng thường biến mất trong vòng 24 giờ mà không để lại di chứng, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao bị đột quỵ.
- Một số loại thuốc có thể gây mất thăng bằng do ảnh hưởng đến tai trong hoặc hệ thần kinh trung ương, bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc huyết áp, tiểu đường…
- Hội chứng sau chấn động não: Là tình trạng kéo dài sau chấn động não, mặc dù triệu chứng ban đầu có vẻ nhẹ. Người bệnh bị chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ và khó tập trung. Triệu chứng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày.
- Chứng chóng mặt do tàu xe: Xảy ra sau khi đi tàu xe, máy bay hoặc máy chạy bộ trong thời gian dài. Người bệnh cảm thấy cơ thể vẫn lâng lâng, cảm giác đang chuyển động dù đã đứng yên, đi kèm với mệt mỏi và mất tập trung. Thông thường, triệu chứng sẽ biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày khi cơ thể thích nghi lại với mặt đất.
Người bị mất thăng bằng có thể cảm thấy cơ thể đang di chuyển dù thực tế vẫn đứng yên, hoặc có cảm giác không vững ở đôi chân, loạng choạng, như thể không gian xung quanh đang xoay tròn. Một số người có thể bị lú lẫn, mất phương hướng, khiến họ khó xác định vị trí của mình.
Mất thăng bằng có thể đi kèm với các triệu chứng sau:
- Cảm giác căn phòng xoay tròn
- Chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác lâng lâng
- Cảm giác muốn ngất xỉu
- Khó đi lại, dễ loạng choạng
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
- Mờ mắt, thay đổi nhịp tim hoặc huyết áp
- Lo lắng, hoảng loạn
Nếu mất thăng bằng xuất hiện cùng bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh nên tìm đến bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.
Mất thăng bằng làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương.
Việc chẩn đoán mất thăng bằng cần bác sĩ khai thác bệnh sử và khám lâm sàng kỹ lưỡng, để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn. Quá trình chẩn đoán có thể bao gồm nhiều xét nghiệm khác nhau nhằm đánh giá sức khoẻ tổng thể, hệ thống tiền đình, thính giác và thần kinh. Một số xét nghiệm phổ biến gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra hạ đường huyết, rối loạn chuyển hóa hoặc bất thường huyết học.
- Điện tâm đồ để phát hiện rối loạn nhịp tim
- Đo thính lực, nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp để đánh giá tổn thương tai trong.
- CT scan sọ não không cản quang để phát hiện đột quỵ cấp.
- Chụp CT mạch máu đầu – cổ để kiểm tra tắc nghẽn mạch máu não.
- Chụp MRI não để đánh giá các tổn thương liên quan đến hệ tiền đình và thần kinh trung ương.
Chụp CT scan sọ não để phát hiện nguyên nhân mất thăng bằng do hệ thần kinh trung ương.
- Siêu âm Doppler động mạch cảnh nếu nghi ngờ thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh mạch máu não.
- Siêu âm tim để tìm kiếm nguyên nhân tim mạch liên quan đến đột quỵ.
- Chụp CT xương thái dương độ phân giải cao để chẩn đoán hội chứng mất xương ống bán khuyên trên.
- Chụp MRI tiêm gadolinium nếu nghi ngờ viêm thần kinh tiền đình.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần thực hiện các bài kiểm tra chức năng tiền đình như test động mắt, kích thích nhiệt hoặc đo điện cơ cổ để đánh giá khả năng thăng bằng.
Việc điều trị mất thăng bằng chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế loại thuốc phù hợp.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Nghiệm pháp Epley là một phương pháp hiệu quả giúp di chuyển sỏi tai ra khỏi ống bán khuyên, đưa chúng về đúng vị trí để giảm chóng mặt. Bệnh nhân có thể được bác sĩ hướng dẫn cách tự thực hiện tại nhà.
Nghiệm pháp Epley đơn giản, dễ thực hiện tại nhà dành cho người bệnh.
Viêm tai trong và viêm thần kinh tiền đình: Nếu mất thăng bằng do nhiễm trùng tai trong, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để điều trị tác nhân gây bệnh.
Bệnh Ménière: Điều trị bao gồm thuốc chống nôn, thuốc giảm chóng mặt và trong một số trường hợp, tiêm thuốc hoặc áp dụng liệu pháp xung lực lên tai trong. Bệnh nhân cũng nên thay đổi lối sống, bao gồm hạn chế muối, rượu, caffeine, bỏ thuốc lá để giảm triệu chứng. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, phẫu thuật có thể được xem xét.
Mất thăng bằng do yếu tố kích thích: Đối với những người dễ bị choáng váng khi nhìn thấy máu hoặc thay đổi tư thế, có thể thực hiện một số biện pháp để tránh ngất xỉu, như nắm chặt bàn tay thành nắm đấm, căng cánh tay, bắt chéo chân, ngồi cúi đầu thấp hơn tim hoặc nằm xuống để giảm nguy cơ té ngã.
Một số bệnh nhân có tình trạng mất thăng bằng kéo dài, cần liệu pháp phục hồi tiền đình với chuyên gia để tập luyện và cải thiện khả năng thăng bằng
Hệ tiền đình đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thăng bằng, nhưng do tính chất phức tạp và nhạy cảm, nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều bệnh lý khác nhau. Việc xác định nguyên nhân gây mất thăng bằng là yếu tố quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, có thể bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống, phục hồi chức năng hoặc can thiệp phẫu thuật.
Trong nhiều trường hợp, mất thăng bằng có thể được kiểm soát hoặc cải thiện đáng kể nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Những trường hợp kéo dài hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt có thể cần liệu pháp phục hồi tiền đình để cải thiện khả năng vận động và giảm nguy cơ té ngã.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!