Từ điển bệnh lý

Móng mọc ngược : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-03-2025

Tổng quan Móng mọc ngược

  • Móng mọc ngược là tình trạng bờ móng chọc vào nếp móng liền kề, dẫn đến viêm và có thể nhiễm trùng. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến ngón chân cái ở người trẻ tuổi, có thể xảy ra ở một hoặc hai cạnh bên móng. Móng tay ít bị ảnh hưởng hơn. Móng mọc ngược có thể do cắt móng không đúng cách, đi giày chật hoặc do cấu trúc móng bất thường.

    Ở giai đoạn nhẹ, bệnh có thể tự khỏi hoặc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được xử lý đúng cách, móng mọc ngược có thể gây sưng viêm kéo dài, hình thành mô hạt và cần can thiệp y tế, thậm chí phẫu thuật.


Nguyên nhân Móng mọc ngược

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến móng mọc ngược, bao gồm:

  • Cắt tỉa móng sai cách: Do móng bị cắt quá ngắn hoặc bo tròn hai bên (thay vì cắt thẳng) có thể làm da gấp vào bên trong.
  • Giày dép quá chật hoặc không vừa, tạo áp lực lên móng, đặc biệt là ở ngón cái, khiến móng dễ đâm vào da.
  • Dáng đi đứng bất thường có thể tạo áp lực không đều lên ngón chân và bàn chân, làm tăng nguy cơ móng mọc ngược.
  • Chấn thương: Do va đập mạnh, vật nặng rớt lên chân hoặc do chơi thể thao làm móng bị biến dạng, dẫn đến mọc lệch.
  • Dị tật móng bẩm sinh: Một số người sinh ra đã có móng cong hơn bình thường.
  • Vệ sinh chân kém hoặc đổ mồ hôi nhiều: Gây ra tình trạng độ ẩm cao khiến da quanh móng mềm hơn, tạo điều kiện cho móng đâm vào trong.
  • Yếu tố di truyền: Một số người có móng chân to hoặc cong do di truyền từ gia đình, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cắt tỉa móng sai cách là nguyên nhân làm móng mọc ngược.Cắt tỉa móng sai cách là nguyên nhân làm móng mọc ngược.



Triệu chứng Móng mọc ngược

Bệnh tiến triển qua ba giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Móng bắt đầu đâm vào da, gây viêm, biểu hiện là sưng, đỏ nhẹ quanh nếp móng. Người bệnh có cảm giác đau khi chạm vào hoặc đi giày chật.
  • Giai đoạn 2: Viêm nhiễm trở nên rõ ràng hơn với sưng, đỏ, đau dữ dội và tiết dịch mủ hoặc dịch trong. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do cơn đau tăng dần.
  • Giai đoạn 3: Hình thành mô hạt, khiến vùng da quanh móng dày lên và che lấp phần móng bị đâm vào. Nếu không điều trị, vùng viêm có thể nhiễm trùng nặng hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng.

Ngoài ba giai đoạn trên, một số trường hợp có thể bị biến chứng nhiễm trùng lan rộng, chảy mủ, hoặc xuất hiện mảng da cứng, thậm chí móng bị biến dạng theo thời gian.


Các biến chứng Móng mọc ngược

Móng mọc ngược không chỉ gây đau đớn và khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị đúng cách. Mức độ nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm nhiễm và thời gian mắc bệnh:

Biến chứng thường gặp

  • Nhiễm trùng (viêm quanh móng): Khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương, khu vực quanh móng có thể bị viêm, sưng đỏ, có mủ và gây đau nhiều hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng.
  • Tái phát: Dù đã được điều trị, móng mọc ngược vẫn có thể xuất hiện trở lại, đặc biệt nếu không chăm sóc móng đúng cách hoặc có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.

Biến chứng nghiêm trọng

  • Hình thành mô hạt: Một số trường hợp nhiễm trùng kéo dài sẽ gây ra sự phát triển quá mức của mô hạt, làm tăng viêm và khó điều trị.
  • Biến dạng móng: Việc điều trị bằng phẫu thuật có thể khiến móng mọc lại không đều hoặc không đạt được độ dài như trước. Trong một số trường hợp, móng có thể không mọc lại hoàn toàn.
  • Viêm xương: Nếu nhiễm trùng lan đến xương ngón chân, người bệnh có nguy cơ bị viêm tủy xương, một biến chứng nghiêm trọng cần điều trị bằng kháng sinh dài ngày hoặc can thiệp phẫu thuật.
  • Sẹo lồi: Ở những người có cơ địa sẹo lồi hoặc viêm mạn tính kéo dài, mô xung quanh móng có thể phát triển dày lên, gây mất thẩm mỹ và khó khăn khi đi lại.

Đối tượng nguy cơ Móng mọc ngược

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị móng mọc ngược, bao gồm:

  • Độ tuổi: Tình trạng này phổ biến ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi do sự phát triển nhanh của móng và tăng tiết mồ hôi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới, đặc biệt là trong độ tuổi 20-40.
  • Chơi thể thao: Những người tham gia các môn thể thao cần chạy nhảy nhiều (như bóng đá, điền kinh) có nguy cơ cao hơn.
  • Bệnh lý nền: Tiểu đường, tim mạch hoặc nhiễm nấm móng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gây khó khăn trong việc hồi phục.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như retinoids, thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng biểu bì và thuốc kháng virus có thể gây viêm quanh móng, làm tăng nguy cơ móng mọc ngược.

Người tham gia các môn thể thao như điền kinh dễ có nguy cơ bị móng mọc ngược.Người tham gia các môn thể thao như điền kinh dễ có nguy cơ bị móng mọc ngược.


Các biện pháp chẩn đoán Móng mọc ngược

Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ thường xác định bệnh dựa trên các dấu hiệu:

  • Sưng, đỏ, viêm ở rìa móng.
  • Đau nhói, đặc biệt khi ấn vào vùng da xung quanh.
  • Có mủ hoặc dịch tiết nếu nhiễm trùng.
  • Có mô hạt ở giai đoạn muộn.

Chẩn đoán móng mọc ngược chủ yếu dựa trên dấu hiệu lâm sàngChẩn đoán móng mọc ngược chủ yếu dựa trên dấu hiệu lâm sàng

Chẩn đoán phân biệt

Một số bệnh lý có triệu chứng cũng tương tự móng mọc ngược:

  • Viêm quanh móng: Do vi khuẩn hoặc nấm, thường gây sưng, đỏ và chảy mủ quanh móng.
  • Dị vật: Do cơ thể phản ứng lại với vật lạ như mảnh vụn, dằm nhỏ đâm vào da quanh móng.
  • U hạt mủ: Mô hạt có thể hình thành giống như giai đoạn muộn của móng mọc ngược, nhưng rất dễ chảy máu.
  • Các bệnh da liễu khác: Một số tình trạng như nấm móng, u xương dưới móng, khối u lành tính hoặc ác tính cũng có thể gây sưng đau vùng quanh móng.

Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Thông thường, không cần xét nghiệm để chẩn đoán móng mọc ngược.
  • Nếu có tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định cấy vi khuẩn để xác định tác nhân gây bệnh.
  • Chụp X-quang đôi khi cần thiết nếu nghi ngờ tổn thương xương dưới móng hoặc có biến chứng viêm xương. Nhất là ở bệnh nhân trẻ <20 tuổi có móng chọc thịt tái phát nhiều lần thì cần loại trừ u xương sụn.
  • Sinh thiết: Nếu không có móng chọc thịt mà xuất hiện mô hạt ở quanh ngón chân, có thể liên quan đến bệnh lý u hắc tố không nhiễm sắc tố, cần sinh thiết. 

Các biện pháp điều trị Móng mọc ngược

Việc điều trị móng mọc ngược phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở giai đoạn đầu, các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm đau và ngăn chặn tình trạng viêm tiến triển. Khi bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, phẫu thuật sẽ có thể cần thiết.

Chăm sóc tại nhà:

  • Ngâm chân: Ngâm chân vào nước muối ấm có thể giúp giảm viêm và làm mềm da, giúp móng mọc đúng hướng.
  • Giữ vệ sinh: Rửa sạch vùng móng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Đi giày rộng rãi: Hạn chế đi giày chật, thay vào đó nên chọn giày thoải mái, giúp giảm áp lực lên ngón chân.
  • Kê bông hoặc chỉ nha khoa: Một số trường hợp nhẹ có thể đặt một mảnh bông nhỏ hoặc chỉ nha khoa dưới góc móng để tách móng khỏi nếp gấp bên, ngăn móng không đâm sâu vào da.

Can thiệp y khoa: 

Nếu móng mọc ngược gây đau nghiêm trọng, nhiễm trùng hoặc không cải thiện với cách chăm sóc tại nhà, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Dùng thuốc: Nếu nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa thuốc đường uống hoặc bôi thuốc mỡ kháng sinh, kháng viêm tại chỗ.
  • Cắt bỏ phần móng mọc ngược: Một phần móng có thể được loại bỏ để giảm áp lực lên vùng da tổn thương.
  • Phẫu thuật: Khi bệnh tái phát hoặc tiến triển nặng, bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ hoàn toàn một phần móng và phá hủy vùng mầm móng sau khi tiêm thuốc tê cục bộ. Sau khi cắt bỏ, nếu bệnh vẫn tái phát, bác sĩ có thể dùng các loại hoá chất để phá huỷ vĩnh viễn nền móng bên ở gần đó.
  • Đốt điện, sóng cao tần và tia laser cũng là một trong những hình thức để điều trị tình trạng móng mọc ngược.


Khi chăm sóc tại nhà không hiệu quả, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật. Khi chăm sóc tại nhà không hiệu quả, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật.

Móng mọc ngược là một vấn đề phổ biến nhưng có thể được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Với những trường hợp nhẹ, các biện pháp tại nhà có thể làm giảm triệu chứng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu móng bị viêm nhiễm nặng hoặc tái phát nhiều lần, việc can thiệp y tế là cần thiết để tránh biến chứng. Nếu bạn gặp tình trạng móng mọc ngược kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.


Tài liệu tham khảo:

Tài liệu tham khảo

  1. Adigun, C. G. (2021). Ingrown toenails. Cẩm nang MSD - Phiên bản dành cho chuyên gia. Retrieved March 2, 2025, from https://www.msdmanuals.com/vi/professional/rối-loạn-da-liễu/bệnh-lý-móng/móng-chân-mọc-ngược.
  2. Chabchoub, I., & Litaiem, N. (2022). Ingrown toenails. In StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2025 Jan-. Retrieved March 2, 2025, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546697/.
  3. Elbendary, A. M. (2024). Ingrown Nail (Onychocryptosis) Workup. Medscape. Updated December 10, 2024. Retrieved March 2, 2025, from https://emedicine.medscape.com/article/909807-overview#showall.
  4. Morrison, W. (2021). What to know about ingrown toenail surgery. Medical News Today. Updated January 25, 2021. Retrieved March 2, 2025, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/326019.
  5. Rishe, J. (2023). What to do about an ingrown toenail. Medical News Today. Updated November 30, 2023. Retrieved March 2, 2025, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/166268.
  6. Tosti, A. (2023). Ingrown nails. UpToDate. Last updated October 30, 2023. Literature review current through January 2025. Retrieved March 2, 2025, from https://www.uptodate.com/contents/ingrown-nails?search=Ingrown%20toenails&source=search_result&selectedTitle=1%7E18&usage_type=default&display_rank=1#H1120256079.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ