Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Mụn cơm sinh dục (Genital warts) là một bệnh lý phổ biến và dễ lây lan, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong cộng đồng. Bệnh gây ra bởi virus Human papillomavirus (HPV). Virus này lây truyền chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả tiếp xúc trực tiếp với da hoặc niêm mạc nhiễm virus. Đặc điểm nổi bật của HPV là khả năng xâm nhập và gây tổn thương lớp biểu mô, dẫn đến sự hình thành nốt mụn đặc trưng trên bề mặt da và niêm mạc.
Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn cầu. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm HPV ở nam giới là 31% đối với bất kỳ loại HPV nào và 21% đối với các loại HPV nguy cơ cao. Sự lây lan của bệnh chịu tác động bởi các yếu tố như số lượng bạn tình, việc sử dụng biện pháp bảo vệ trong quan hệ tình dục và tình trạng miễn dịch của cá nhân. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài tuần đến vài tháng, trung bình là 3 - 6 tháng hoặc kéo dài hơn tùy thuộc vào miễn dịch của từng cơ thể. Có những trường hợp nhiễm HPV nhưng không biểu hiện triệu chứng làm gia tăng tỷ lệ mắc trong cộng đồng.
Mụn cơm sinh dục là bệnh lý nhiễm trùng do HPV gây ra
Virus HPV có hơn 200 tuýp khác nhau, trong đó HPV 6, 11 là hai tuýp phổ biến nhất gây ra mụn cơm sinh dục. Đa phần các chủng này tạo ra các tổn thương ngoài da mà không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, virus vẫn có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng tinh thần và giảm cuộc sống người bệnh. Ngoài ra, mụn cóc sinh dục cũng có thể do một số chủng HPV khác như HPV 16, 18 có nguy cơ cao hơn dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vòm họng. Những con đường lây bệnh và các yếu tố nguy cơ, bao gồm:
Quan hệ tình dục không an toàn: HPV chủ yếu qua đường quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ âm đạo, hậu môn và miệng. Khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ nguy cơ nhiễm HPV sẽ tăng lên. Đặc biệt ở những đối tượng có nhiều bạn tình, bạn tình một đêm hoặc những người không kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm HPV và lây truyền bệnh mụn cơm sinh dục.
Lây qua tiếp xúc trực tiếp da - da: mụn cơm sinh dục còn có thể lây lan qua tiếp xúc da - da, nguy cơ lớn nhất là khi tiếp xúc với các vùng da bị tổn thương do virus. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi không có quan hệ tình dục thâm nhập, vì HPV có thể tồn tại trên bề mặt da và lây truyền qua việc chạm vào.
Suy giảm hệ miễn dịch: những người mắc HIV/AIDS, bệnh lý tự miễn hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dễ bị nhiễm HPV hơn bình thường. Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể khó đào thải được virus, dễ dàng bị tác nhân gây bệnh tấn công và nhân lên, dẫn đến nhiễm trùng kéo dài và xuất hiện mụn cơm sinh dục. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là hành vi làm suy giảm hệ miễn dịch. Những người hút thuốc có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển mụn cơm sinh dục vì cơ thể không thể loại bỏ virus hiệu quả.
Môi trường ẩm ướt: HPV phát triển thuận lợi trong môi trường có độ ẩm cao, tạo điều kiện cho HPV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc niêm mạc. Các yếu tố khác như dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác (khăn tắm, đồ lót,..) làm tăng nguy cơ nhiễm virus.
Quan hệ tình dục không an toàn làm lây lan bệnh mụn cơm sinh dục
Mụn cơm sinh dục gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh, cụ thể:
Biến chứng tại chỗ: mụn cơm sinh dục từ một nốt nhỏ sẽ dễ dàng lan rộng nếu không điều trị kịp thời. Ngay cả khi đã được điều trị khỏi trước đó, mụn có thể xuất hiện và tái phát trở lại khi virus gây bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể. Ngoài ra, khi mụn cơm sinh dục bị trầy xước hoặc viêm nhiễm, chúng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn khác xâm nhập vào, gây nhiễm trùng thứ phát. Bệnh nhân có thể thấy sưng tấy, đau đớn hoặc tiết mủ tại vị trí tổn thương.
Rối loạn tâm lý: khi xuất hiện mụn cơm sinh dục kéo dài sẽ gây ra cảm giác lo âu, xấu hổ, và căng thẳng cho người bệnh. Những yếu tố này có thể tác động xấu đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là trong các mối quan hệ cá nhân và đời sống tình dục.
Nguy cơ ung thư: các tuýp HPV gây ra mụn cơm sinh dục thường ít khả năng dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, khi nhiễm các chủng này sẽ tăng nguy cơ đồng mắc với các tuýp HPV nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, dương vật, vòm họng,.. như HPV 16 và 18.
Ảnh hưởng đến thai kỳ: khi mang thai, sự thay đổi nội tiết và miễn dịch có thể thúc đẩy sự phát triển của mụn cơm sinh dục, khiến chúng lớn hơn và dễ dàng bị lan rộng. Một số ít trường hợp, trẻ sinh qua đường sinh dục có thể bị nhiễm HPV. Tuy nhiên nguy cơ này thấp và không chống chỉ định sinh ngả âm đạo.
Vô sinh: tổ chức sùi mào gà có thể xuất hiện, phát triển làm biến đổi giải phẫu bình thường của cổ tử cung, kết hợp với yếu tố viêm làm cản trở sự di chuyển và hoạt động của tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng thụ thai.
Mụn cơm sinh dục dễ dàng lan rộng và tái phát
Mụn cơm sinh dục hoàn toàn có thể dự phòng được nếu chúng ta có đủ hiểu biết về bệnh. Việc phòng ngừa là việc rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus HPV và hạn chế sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, cụ thể:
Tiêm Vắc xin HPV: đây là việc làm thiết thực nhất để giảm nguy cơ mắc HPV sau này. Tiêm vắc xin HPV được khuyến cáo cho nam và nữ trong độ tuổi 9 đến 26, thậm chí trong khoảng 26 đến 45 tuổi vắc xin vẫn có giá trị nhất định. Hiện nay, vắc xin Gardasil-9 cung cấp sự bảo vệ rộng với 9 tuýp HPV trong đó có 2 tuýp hay gây mụn cơm sinh dục là HPV 6-11 và 2 tuýp nguy cơ cao gây ung thư là HPV 16-18.
Quan hệ tình dục an toàn:
Sử dụng bao cao su: giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV thông qua tiếp xúc với vùng da hay niêm mạc bị tổn thương. Tuy vậy, bao cao su không thể bảo vệ hoàn toàn vì HPV có thể lây qua vùng da không được bảo vệ hoặc với các trường hợp Quan hệ tình dục qua hậu môn, đường miệng.
Giảm số lượng bạn tình: khi quan hệ tình dục với nhiều đối tượng, đặc biệt với các bạn tình chưa tìm hiểu kĩ sẽ gia tăng nguy cơ mắc và lây lan virus HPV. Gia đình nên giáo dục giới tính sớm với các đối tượng vị thành niên, trang bị đẩy đủ kiến thức bảo vệ bản thân khi đến tuổi hoạt động tình dục.
Khám và điều trị sớm: phụ nữ nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HPV và tế bào học cổ tử cung định kỳ để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Người bệnh khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ cần kiểm tra để chẩn đoán và điều trị sớm, tránh lây lan trong cộng đồng.
Tăng cường hệ miễn dịch: thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, không thức khuya, ngủ đủ giấc, tránh stress để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tiêm Vắc xin phòng HPV là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả Mụn cơm sinh dục
Chẩn đoán mụn cơm sinh dục cần dựa vào yếu tố nguy cơ, tiền sử tiếp xúc, các biểu hiện trên cơ thể và một số xét nghiệm cụ thể qua đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp:
Tiền sử bệnh lý: bác sĩ sẽ cần những thông tin liên quan đến lịch sử quan hệ tình dục của bệnh nhân, thói quen vệ sinh cá nhân, tình trạng nhiễm HPV trước đó hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng mụn cơm sinh dục. Ngoài ra, thông tin về sức khỏe hiện tại cũng được khai thác kĩ để đánh giá về hệ miễn dịch của người bệnh.
Khám lâm sàng: Tổn thương đặc trưng là các mụn nhỏ, thường mọc riêng lẻ hoặc theo nhóm, có hình dáng giống mụn cóc, nhô lên trên bề mặt da. Mụn có thể có màu sắc gần giống với da hoặc hơi hồng nhạt, xuất hiện thường là tại cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc đôi khi là miệng.
Cận lâm sàng:
Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) định tuýp HPV: là phương pháp đầu tay để xác định sự hiện diện của virus HPV trong mẫu bệnh phẩm lấy từ các tổn thương. Xét nghiệm PCR giúp phát hiện ADN của virus HPV, bao gồm các tuýp nguy cơ cao như HPV 16, 18 và tuýp nguy cơ thấp như HPV 6, 11.
Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (đối với phụ nữ): đây không phải là cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh mụn cơm sinh dục nhưng cần được thực hiện để phát hiện các thay đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung do HPV, kịp thời điều trị và dự phòng sớm ung thư cổ tử cung.
Sinh thiết: trong trường hợp các tổn thương mụn cơm sinh dục có biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết để xác định bản chất của tổn thương và loại trừ khả năng ung thư.
Nội soi cổ tử cung (đối với phụ nữ): phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ hơn các tổn thương tại cổ tử cung, để chẩn đoán mụn cơm sinh dục với các bất thường khác.
Soi hậu môn: đây là một công cụ quan trọng trong chẩn đoán mụn cơm sinh dục ở các vị trí ngoài cơ quan sinh dục, soi hậu môn giúp bộc lộ tổn thương rõ ràng hơn nhằm đưa ra kết luận chính xác.
Cần phân biệt mụn cơm sinh dục với các bệnh lý khác như mụn cóc thông thường, Herpes sinh dục, giang mai hay một số bệnh lý ngoài da khác. Do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được xác định bệnh lý.
Xét nghiệm PCR định tuýp HPV để chẩn đoán xác định mụn cơm sinh dục
Hiện tại HPV - nguyên nhân gây mụn cơm sinh dục không có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục tiêu của điều trị là loại bỏ các tổn thương, cải thiện triệu chứng và thẩm mỹ, giảm nguy cơ lan rộng, tái phát tổn thương và hạn chế lây nhiễm virus HPV cho bạn tình.
Bác sĩ sẽ đánh giá vị trí số lượng, kích thước tổn thương và tình trạng sức khỏe toàn thân của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
Điều trị nội khoa:
Imiquimod 5% và Podophyllotoxin được CDC (Centers for Disease Control and Prevention - Hoa Kỳ) khuyến cáo sử dụng với các trường hợp mụn nhỏ, dễ tiếp cận.
Acid trichloroacetic (TCA) 80-90%: áp dụng với các mụn nhỏ đến trung bình. Thuốc dùng được cho phụ nữ mang thai hoặc trong trường hợp không thể sử dụng Podophyllotoxin, Imiquimod hay các phương pháp xâm lấn.
Kháng sinh: được chỉ định trong trường hợp mụn cơm sinh dục có bội nhiễm vi khuẩn hoặc có nguy cơ cao nhiễm khuẩn.
Thuốc hỗ trợ tăng cường miễn dịch: thuốc dạng gel thụt âm đạo tại chỗ hoặc đường toàn thân có thể được chỉ định nhằm hỗ trợ miễn dịch tăng khả năng đào thải HPV.
Điều trị ngoại khoa:
Áp lạnh hoặc đốt điện: Áp lạnh loại bỏ tổn thương bằng phương pháp đông lạnh, tạo hoại tử đông. Đốt điện điều trị mụn cơm sinh dục bằng dòng điện cao tần. Những phương pháp này thích hợp cho tổn thương lớn, nhiều vị trí hoặc ở vị trí khó tiếp cận. Cần thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Phẫu thuật: loại bỏ tổn thương bằng phẫu thuật chỉ áp dụng cho mụn lớn, kháng trị hoặc không đáp ứng các phương pháp trên.
Theo dõi và phòng ngừa tái phát: cần phải lưu ý rằng mụn cơm sinh dục có thể tái phát do tính chất tồn tại dai dẳng của virus HPV. Các phương pháp điều trị không thể loại bỏ hoàn toàn HPV ra khỏi cơ thể. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ lịch hẹn tái khám của bác sĩ. Người bệnh sau điều trị có thể theo dõi tại nhà và tái khám định kỳ hoặc khi thấy có bất thường, tổn thương mới cần khám ngay.
Trên đây là các thông tin cần thiết về bệnh mụn cơm sinh dục. Để chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh lý trên, bệnh nhân cần đến kiểm tra, thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong việc chẩn đoán và điều trị mụn cơm sinh dục hiệu qu ả, là điểm đến tin cậy của mọi bệnh nhân có nhu cầu. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
American College of Obstetricians and Gynecologists. (2023). HPV and Genital Warts..
World Health Organization. (2023). Human Papillomavirus (HPV) and Cervical Cancer
Centers for Disease Control and Prevention. (2023). Genital HPV Infection – Fact Sheet.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!