Từ điển bệnh lý

Nám nội tiết : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Nám nội tiết

Ở người khỏe mạnh, việc điều hòa sắc tố da sẽ do hoạt động của hormone melanotropin hoặc intermedin (MSH). MSH được sản xuất chủ yếu ở tế bào hắc tố ở da, một phần nhỏ được tiết ra từ vùng dưới đồi cũng như thùy trước tuyến yên. MSH có tác dụng làm tăng tiết melatonin, đây là thành phần tạo nên sắc tố ở da.

Nám da là một rối loạn tăng sắc tố da phổ biến, diễn biến mãn tính và tái phát, nguyên nhân là do các tế bào hắc tố sản xuất quá nhiều melanin, đây là thành phần tạo nên sắc tố trên da, melanin lắng đọng nhiều ở các lớp của da gây nên các mảng sắc tố bất thường.

Nám nội tiết là tình trạng nám da, xuất hiện khi có sự mất cân bằng nội tiết trong cơ thể. Nám da nói chung và nám nội tiết nói riêng thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi sinh sản, thường xuất hiện ở những vùng da hở, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tình trạng nám da như nồng độ các hormone, ánh nắng mặt trời, yếu tố gen…Một số yếu tố khác như lạm dụng mỹ phẩm, một số thuốc gây tăng nhạy cảm với ánh sáng là những yếu tố thúc đẩy sự hình thành và tiến triển của nám. Việc điều trị nám khá khó khăn, tỷ lệ tái phát còn cao.

Trên thế giới có khoảng 1% dân số có nám da, nhưng ở những nhóm có nguy cơ cao như những người có làn da sậm màu, tỷ lệ này có thể lên đến 9-50%.

Nám nội tiết xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn khá đáng kể so với nam giới. Đa số các trường hợp nám đều xuất hiện ở độ tuổi sinh sản. Một nghiên cứu trên 324 phụ nữ mắc nám da tại 09 quốc gia cho thấy độ tuổi trung bình mắc bệnh là 34 tuổi.



Nguyên nhân Nám nội tiết

Nguyên nhân gây nám nội tiết vẫn chưa có những bằng chứng rõ ràng. Các hormone sinh dục là yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý này. Việc nám nội tiết xuất hiện chủ yếu ở độ tuổi sinh đẻ giúp củng cố thêm giả thuyết này.

Những yếu tố dẫn đến mất cân bằng nội tiết như mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, khối u buồng trứng hay điều trị bằng liệu pháp bổ sung nội tiết tố nữ…đều làm gia tăng tình trạng nám da. Theo một số nghiên cứu, những phụ nữ mang thai có khoảng 14.5-56% có tình trạng nám da, tỷ lệ này là 11-46% ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai nội tiết.

Nồng độ các hormone sinh dục như estrogen hay progesterone ở mức bao nhiêu có thể khởi phát tình trạng nám da, điều này vẫn còn có nhiều tranh cãi. Có những nghiên cứu cho thấy nồng độ estrogen thấp ở những phụ nữ có nám da, tuy nhiên cũng có những nghiên cứu ghi nhận nồng độ estrogen, thậm chí cả hormone kích thích nang trứng FSH, hormone kích thích hoàng thể LH tăng ở những phụ nữ nám da.

Ngoài các hormone liên quan đến nội tiết sinh dục, một hormone khác cũng có tác động đến việc sản xuất melanin đó là hormone kích thích tuyến thượng thận ACTH. ACTH được tiết ra từ thùy trước tuyến yên. Cả ACTH và MSH đều được tạo thành từ cùng một tiền chất là proopiomelanocortin (POMC). Do đó, ACTH cũng có tác động lên các tế bào hắc tố gây tiết melatonin.

Ở nam giới, mức testosterone thấp được ghi nhận ở những người có tình trạng nám da.



Triệu chứng Nám nội tiết

Biểu hiện của nám nội tiết là những chấm sắc tố sẫm màu, thường có dạng hình tròn, vị trí chủ yếu ở vùng mặt với các kiểu hình như nám má, nám trung tâm khuôn mặt và nám hàm dưới. Nám nội tiết thường có chân ăn sâu xuống các lớp của thượng bì, có trường hợp đến lớp trung bì da, do đó nám nội tiết còn được gọi là nám chân sâu.

Các vị trí nám da: A. Nám hàm dưới; B: Nám má; C: Nám trung tâm khuôn mặt

Các vị trí nám da: A. Nám hàm dưới; B: Nám má; C: Nám trung tâm khuôn mặt

Ngoài biểu hiện của nám trên da, các bệnh nhân nám nội tiết có thể có những biểu hiện rối loạn liên quan đến nội tiết khác. Ở nam giới có thể gặp các biểu hiện như rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục…Ở nữ giới có thể gặp các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, cơ quan sinh dục ngoài có xu hướng teo nhỏ hoặc có thể gặp các biểu hiện giống như tiền mãn kinh (bốc hỏa, cáu gắt,...)

Các bệnh nhân nám da do tăng nồng độ hormone kích thích tuyến thượng thận ACTH có thể gặp những biểu hiện như dấu gai đen, tăng huyết áp, yếu liệt cơ…


Các biện pháp chẩn đoán Nám nội tiết

Việc chẩn đoán nám nội tiết chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng cũng như các yếu tố nguy cơ như mang thai, sử dụng thuốc tránh thai nội tiết hay đang điều trị liệu pháp nội tiết tố…Một số trường hợp nám không điển hình hay không rõ ràng, có thể sử dụng các phương tiện như đèn Wood hay máy soi da để đánh giá rõ hơn vị trí cũng như mức độ lắng đọng sắc tố.

 Hình ảnh tăng lắng đọng Melanin ở các lớp của da ở người nám da

 Hình ảnh tăng lắng đọng Melanin ở các lớp của da ở người nám da

Nám nội tiết cần phân biệt với các bệnh lý gì

Nám da do những nguyên nhân khác không phải nội tiết.

  • Nốt ruồi Hori: thường gặp hơn ở những phụ nữ châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là tình trạng tăng sắc tố da dạng chấm, đốm xuất hiện chủ yếu ở má, tuy nhiên không đáp ứng với các biện pháp điều trị nám thông thường.
  • Bệnh hắc tố Riehl: nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý là do các hóa chất mỹ phẩm. Bệnh cũng biểu hiện tăng sắc tố da chủ yếu vùng mặt và cổ. Bệnh còn được gọi là bệnh viêm da tiếp xúc sắc tố.
  • Bệnh ban đỏ rối loạn sắc tố Perstans (Erythema dyschromicum perstans-EDP) hay còn được gọi là bệnh da xám. Đây là một bệnh lý khá hiếm gặp, biểu hiện bằng những mảng da có màu xám tro.
  • Bệnh Lichen phẳng sắc tố: đây là bệnh khá hiếm gặp, biểu hiện trên da là những mảng hoặc đốm màu nâu, xám nâu hình bầu dục hoặc dạng đốm ở những vị trí nếp gấp hoặc những vị trí tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
  • Phát ban do thuốc cố định: thường biểu hiện bằng những đốm tròn hoặc bầu dục màu đỏ sẫm hoặc nâu đen. Đây là tình trạng phản ứng thuốc trên da, thường tái phát ở cùng vị trí khi tiếp xúc với thuốc gây phản ứng.
  • Bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa: ban dạng đĩa trên mặt, xen kẽ giữa các vùng tăng sắc tố là những vùng giảm sắc tố.
  • Viêm da do ánh sáng: thường gặp ở những bệnh nhân đang dùng một số thuốc gây ra tình trạng quá mẫn khi tiếp xúc với ánh nắng như lợi tiểu Thiazid, Nsaid, Amiodarone…
  • Tăng sắc tố sau viêm: xuất hiện những vị trí tăng sắc tố dạng mảng hoặc đốm, xuất hiện trên nền da bị viêm trước đó.

Hình ảnh tăng sắc tố sau viêm

Hình ảnh tăng sắc tố sau viêm

Lentigines hay còn gọi là đồi mồi trên da, mà những mảng chấm nâu sẫm, thường gặp ở người lớn tuổi ở các vị trí có tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.


Các biện pháp điều trị Nám nội tiết

Điều trị và dự phòng nám nội tiết

Việc điều trị nám da trong đó có nám nội tiết khá khó khăn, nhiều trường hợp bệnh không thuyên giảm hoàn toàn và tỷ lệ tái phát khá cao. Trong đa số các trường hợp, việc điều trị cần phối hợp nhiều phương pháp từ thay đổi lối sống giúp tăng cường sức khỏe, bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, làm sáng da, tẩy tế bào chết, sử dụng các chất chống oxy hóa và các bước giúp tái tạo lại lớp bề mặt của da. Việc sử dụng một số mỹ phẩm lành tính, an toàn giúp che bớt các tổn thương cũng là một phương án được xem xét, giúp các bệnh nhân giảm bớt các tác động tâm lý, cải thiện hơn chất lượng cuộc sống.

Các biện pháp thay đổi lối sống như giữ tinh thần thoải mái, hạn chế các tình trạng stress, ngủ đủ giấc hàng ngày, uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể, giữ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng giữa các nhóm thực phẩm, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafein hay thuốc lá cần được các bệnh nhân có nám nội tiết đặc biệt lưu ý.

Bảo vệ da trước tác động của ánh nắng mặt trời: đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong điều trị cũng như quản lý nám nội tiết. Việc bảo vệ da bao gồm tránh nắng, hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng, mặc quần áo tránh nắng cũng như sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng SPF từ 50 trở lên. Gần đây, một số kem chống nắng được bổ sung thêm oxit sắt (kem chống nắng có màu), loại kem chống nắng này có tác dụng bảo vệ da tốt hơn. Nên bôi kem chống nắng với lượng vừa đủ vào buổi sáng, tối thiểu 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng, và nên thoa lại sau mỗi 2 đến 3 giờ khi ở ngoài trời.

Với các trường hợp nám da nhẹ, có thể sử dụng kem hydroquine 4% bôi tại vị trí tổn thương một hoặc hai lần mỗi ngày, đây là lựa chọn đầu tay. Việc điều trị nên kéo dài 2 đến 4 tháng, một số trường hợp có thể kéo dài 6 tháng. Với những bệnh nhân không dung nạp (một phần hoặc hoàn toàn) với hydroquine, có thể sử dụng một số biện pháp thay thế như axit azelaic , axit kojic, niacinamide.

Với các trường hợp nám da từ trung bình đến nặng có thể sử dụng kem 3 thành phần fluocinolone-hydroquinone-tretinoin (TCC) là điều trị đầu tay. Nên bôi kem một lần vào buổi tối trong 2 đến 6 tháng.

Với các trường hợp kháng trị liệu tại chỗ, có thể xem xét điều trị liệu pháp laser hoặc liệu pháp ánh sáng hoặc sử dụng hóa chất để lột bỏ lớp da phía trên.

Đối với nám da nói chung và nám nội tiết nói riêng, việc bổ sung estrogen để điều trị nám chưa được khuyến cáo, do những tác động của estrogen lên các cơ quan khác trong cơ thể.

Với các bệnh nhân có thuyên giảm sau điều trị, việc phòng ngừa tái phát vô cùng quan trọng do bệnh lý có tỷ lệ tái phát cao. Duy trì lối sống lành mạnh, sử dụng kem chống nắng, duy trì thuốc làm sáng da không có thành phần hydroquine là những biện pháp được đặt ra. Một số trường hợp có thể sử dụng kem hydroquine 4% hoặc TCC hai lần một tuần để dự phòng.



Tài liệu tham khảo:

  1. Tamega Ade A, Miot LD, Bonfietti C, Gige TC, Marques ME, Miot HA. Clinical patterns and epidemiological characteristics of facial melasma in Brazilian women. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2013;27(2):151–156. doi: 10.1111/j.1468-3083.2011.04430.x
  2. Ortonne JP, Arellano I, Berneburg M, Cestari T, Chan H, Grimes P, et al. A global survey of the role of ultraviolet radiation and hormonal influences in the development of melasma. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2009;23(11):1254–1262. doi: 10.1111/j.1468-3083.2009.03295.x.
  3. Handel AC, Lima PB, Tonolli VM, Miot LD, Miot HA. Risk factors for facial melasma in women: a case-control study. Br J Dermatol. 2014;171(3):588–594. doi: 10.1111/bjd.13059.
  4. Pearl E Grimes, MD, Melasma: Epidemiology, pathogenesis, clinical presentation, and diagnosis, uptodate, 2024
  5. Pearl E Grimes, MDValerie D Callender, MD, FAAD, Melasma: Management, uptodate, 2024


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ