Từ điển bệnh lý

Nang gan : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-04-2025

Tổng quan Nang gan

Bệnh nang gan được định nghĩa là những tổn thương nhỏ bất thường chứa đầy dịch phát triển bên trong mô gan và thường xuất phát từ bên trong tế bào gan, biểu mô tế bào mật, trung mô. Chúng có thể chứa các thành phần dịch hoặc rắn. Có thể có đơn độc một nang hoặc nhiều nang gan. 

Nang gan có thể có nguồn gốc từ nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Chúng phổ biến và thường không có triệu chứng, đa phần là lành tính (không phải ung thư).

Hầu hết các trường hợp nang gan chỉ cần theo dõi mà không phải can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nang sẽ đủ lớn để gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng nguy hiểm như xuất huyết do vỡ nang và cần can thiệp phẫu thuật. 

Nang gan khá phổ biến hiện nay và đa phần lành tínhNang gan khá phổ biến hiện nay và đa phần lành tính

Phân loại

Có các loại nang gan như sau:

Nang gan đơn độc

Đây là dạng nang gan phổ biến nhất. Cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Hầu hết các nang gan đơn độc này là bẩm sinh và thường phát sinh từ các ống dẫn mật tăng sản không được kết nối với hệ thống mật. Đa phần các nang này được phát hiện tình cờ khi siêu âm.

Bệnh gan đa nang (PCLD)

Có hai cơ chế được đề xuất cho sự phát triển nang trong PCLD. Cơ chế đầu tiên được cho là do các ống dẫn mật bất thường bị giữ lại tách khỏi đường mật và giãn nở dần dần, hình thành nang. Một cơ chế khác được đề xuất là sự suy yếu của lông mao trong đường mật, dẫn đến sự tăng sinh quá mức của các tế bào cholangiocyte và sự hình thành nang. PCLD là bẩm sinh và thường liên quan đến bệnh thận đa nang trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD). Các đột biến ở những bệnh nhân này đã được xác định trong (gen PKD1 và PKD2).

Trong bệnh thận đa nang lặn trên nhiễm sắc thể thường, bệnh nhân có xu hướng tử vong ngay sau khi sinh do biến chứng phổi. Tuy nhiên, những người sống sót có xu hướng bị xơ gan hơn là u nang.

Tiêu chuẩn Gigot cho PCLD dựa trên các phát hiện hình ảnh và bao gồm 3 loại:

  • Loại I: có ít hơn 10 nang gan lớn và đường kính tối đa nhỏ hơn 20cm, phần lớn nhu mô gan còn lại chưa bị tổn thương.
  • Loại II: tổn thương lan tỏa nhu mô gan do nhiều nang với phần lớn nhu mô gan còn lại chưa bị tổn thương.
  • Loại III: tổn thương lan tỏa nhu mô gan do các nang gan có kích thước khác nhau với một số vùng nhỏ nhu mô gan bình thường.

Phân loại của Qian dựa trên số lượng nang và chủ yếu được sử dụng để sàng lọc các thành viên trong gia đình và bao gồm 5 cấp độ:

  •  Độ 0: không có nang.
  •  Độ 1: 1-10 nang.
  •  Độ 2: 11-20 nang.
  •  Độ 3: > 20 nang.
  •  Độ 4: > 20 nang và gan to có triệu chứng. 

Khối u nang

Đây là những khối u nang lành tính phát triển từ đường mật trong gan hoặc ngoài gan. Các u nang này chứa dịch nhầy và có thể xuất hiện ở các phần khác nhau của đường mật, từ gan đến ống mật chủ. Mặc dù hiếm, nhưng bệnh lý này có thể gây rối loạn chức năng của hệ thống mật nếu các u nang này quá to gây tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng. Cơ chế sinh bệnh là những tổn thương này vẫn chưa được biết đến. 


Nguyên nhân Nang gan

Nang gan có thể được phân loại thành nang có nhiễm trùng và không nhiễm trùng. 

  • Nang gan bẩm sinh: Những nang này không có nguyên nhân rõ ràng, có thể liên quan yếu tố di truyền, nang có ngay trong giai đoạn bào thai hoặc khi trẻ sinh ra. Ví dụ bệnh gan đa nang (Polycystic Liver Disease - PLD), bệnh này là di truyền, có nhiều nang gan hình thành trong gan và thường liên quan bệnh thận đa nang (Polycystic Kidney Disease - PKD).
  • Bệnh von Meyenburg (Von Meyenburg Complex): Đây là một tình trạng bẩm sinh hiếm gặp, trong đó các nang nhỏ trong gan được hình thành do sự phát triển bất thường của các ống mật.
  • Tắc nghẽn ống mật: Khi có nguyên nhân làm tắc nghẽn đường mật, các ống mật có thể giãn ra và hình thành nang. Nguyên nhân có thể là do sỏi mật, viêm đường mật, hoặc các tổn thương tắc nghẽn khác trong hệ thống mật.
  • Áp xe gan: Khi các ổ áp xe trong gan lành và tạo thành các khoang chứa dịch bên trong có thể hình thành nang gan. 
  • Nhiễm ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng như sán lá gan có thể xâm nhập vào gan và gây ra các tổn thương, dẫn đến hình thành nang gan. 
  • Tổn thương gan: Các tổn thương gan do chấn thương, viêm gan mạn tính hoặc các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành nang trong gan.
  • Nang gan do điều trị y tế: Các tổn thương mạch máu trong quá trình điều trị, sự giãn rộng ống mật sau các quá trình như phẫu thuật cắt bỏ u gan đều có nguy cơ tạo thành các nang bên trong gan.

Triệu chứng Nang gan

Triệu chứng của nang gan phụ thuộc vào số lượng, kích thước, nguyên nhân hình thành nang gan và hiện tại đã có biến chứng hay chưa.
Thông thường các nang gan là lành tính và không có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Đau tức hạ sườn phải: Nang nhỏ bệnh nhân có thể không có cảm giác gì, nang lớn hơn hoặc nhiều nang gây chèn ép bệnh nhân có đau âm ỉ hoặc thỉnh thoảng xuất hiện một cơn đau nhói. 
  • Cảm giác đầy bụng: Nếu nang gan lớn gây chèn ép lên các cơ quan khác trong bụng, bệnh nhân có thể cảm thấy đầy bụng hoặc khó chịu.
  • Vàng da và củng mạc vàng (đặc biệt khi nang gây tắc nghẽn đường mật): Nếu nang gây tắc nghẽn các ống mật trong gan, mật có thể không được bài tiết đúng cách, bilirubin ứ lại và tăng cao trong máu. Đây là một triệu chứng phổ biến khi có sự tắc nghẽn đường mật do u nang.
  • Khó tiêu hoặc buồn nôn: Nang gan có thể gây rối loạn chức năng gan, làm suy giảm khả năng tiêu hóa và dẫn đến các triệu chứng như khó tiêu, buồn nôn, hoặc chán ăn. Các triệu chứng này thường không đặc hiệu và có thể gây nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác.
  • Sốt và mệt mỏi (nếu có nhiễm trùng): Mặc dù hiếm, nhưng nếu nang gan bị nhiễm trùng, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, và mệt mỏi. Nhiễm trùng trong nang gan có thể gây viêm đường mật hoặc áp xe gan, dẫn đến các triệu chứng này.
  • Sờ thấy khối u ở bụng: Trong một số trường hợp, nếu nang gan lớn hoặc có nhiều nang, có thể cảm nhận được khối u khi sờ bụng ở vị trí hạ sườn phải.

Nang gan lớn có thể làm người bệnh đau hạ sườn phảiNang gan lớn có thể làm người bệnh đau hạ sườn phải


Các biến chứng Nang gan

Các nang lớn hơn có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng đáng kể và biến chứng như:

  • Xuất huyết do vỡ nang gan.
  • Xoắn ống mật.
  • Xoắn nang gan.
  • Suy gan rất hiếm xảy ra, có thể gặp ở bệnh nhân bị gan đa nang (PCLD).
  • Ung thư gan: rất hiếm gặp.

Các biện pháp chẩn đoán Nang gan

Ngoài các triệu chứng lâm sàng có thể có như kể trên thì đa phần các nang gan là được phát hiện thông qua chẩn đoán hình ảnh.

Chẩn đoán hình ảnh: là phương pháp chính trong chẩn đoán nang gan.

  • Siêu âm ổ bụng: đây là phương pháp chẩn đoán đầu tay, không xâm lấn, an toàn và ít tốn kém. Siêu âm giúp đánh giá kích thước, hình dạng, số lượng nang.
  • Cắt lớp vi tính ổ bụng: nếu siêu âm chưa đủ để chẩn đoán rõ ràng cần hỗ trợ từ CT ổ bụng, hoặc giúp phân biệt nang gan với một số bệnh lý khác. CT rất nhạy và giúp thầy thuốc có kế hoạch điều trị phù hợp cho từng cá thể.
  • Chụp cộng hưởng từ: MRI gan là phương pháp có độ chính xác cao trong việc xác định nang gan và phân biệt các tổn thương gan khác. MRI có thể cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc và tính chất của nang gan. Ưu điểm là chính xác, bệnh nhân không phải chịu bức xạ, tuy nhiên chi phí cao.

Siêu âm ổ bụng hiện vẫn là phương pháp đầu tay giúp phát hiện nang ganSiêu âm ổ bụng hiện vẫn là phương pháp đầu tay giúp phát hiện nang gan

Xét nghiệm máu:

  • Chức năng gan đa phần bình thường, nếu có các biến chứng thì các chỉ số máu như AST, ALT, bilirubin có thể thay đổi, nếu có nhiễm trùng chỉ số bạch cầu và CRP có thể tăng hoặc nếu liên quan ký sinh trùng bạch cầu ái toan và IgE máu tăng.
  • AFP: Chất chỉ điểm ung thư gan, giúp phân biệt nang gan với u ác tính ở gan. AFP âm tính không có ý nghĩa loại trừ ung gan, tuy nhiên AFP tăng cao giúp bác sĩ định hướng và tránh bỏ sót các tổn thương nguy hiểm như ung thư.

Chẩn đoán phân biệt

  • Bệnh Caroli: Là một bệnh lý hiếm gặp của hệ thống đường mật, đặc trưng bởi sự giãn rộng và bất thường của các ống mật trong gan. Đây là một bệnh lành tính, di truyền lặn liên quan đến các đột biến gen trên nhiễm sắc thể thường. 
  • U máu trong gan: Là khối u lành tính của gan bao gồm các cụm khoang chứa đầy máu được lót bởi các tế bào nội mô, được cung cấp bởi các nhánh của động mạch gan. Trên siêu âm mô tả như một nốt đồng nhất tăng âm với ranh giới được xác định rõ. Thường không có triệu chứng lâm sàng và cần siêu âm đánh giá định kỳ để theo dõi.
  • Sarcoma phôi không biệt hóa ở gan: Là một khối u gan ác tính cao (thường xuất hiện ở độ tuổi 6-10 tuổi), tiên lượng xấu, cần phẫu thuật và hóa trị.
  • Di căn gan dạng nang: Là một tình trạng hiếm gặp khi các khối u hoặc tổn thương từ các cơ quan khác trong cơ thể di căn đến gan và tạo thành các nang hoặc khối u dạng nang. Đây là một dạng di căn đặc biệt, trong đó tổn thương trong gan có thể xuất hiện dưới dạng nang chứa dịch, khác với dạng u đặc thường gặp trong di căn gan, nguồn gốc di căn đến có thể là từ các khối u ác tính ở dạ dày, đại tràng, phổi, vú, buồng trứng, thận và tiên lượng các khối di căn gan này rất xấu.
  • Tụ máu: chủ yếu xảy ra sau chấn thương bụng kín. Đây được coi là cơ quan bụng bị tổn thương thường xuyên thứ hai trong chấn thương kín sau lách.
  • Nang sán: Bệnh nhân thường không có triệu chứng, nhưng có thể đau khi nang phát triển. Bệnh nhân thường có khối u sờ thấy được ở góc phần tư trên bên phải của bụng. Biến chứng nghiêm trọng nhất của nang sán là vỡ nang. Chúng có thể vỡ vào đường mật bên cạnh gây vàng da hoặc viêm đường mật, qua cơ hoành vào ngực hoặc vào khoang phúc mạc gây sốc. Nang có thể gây chèn ép mô xung quanh. Điều trị thường thông qua phẫu thuật cắt bỏ kết hợp với các thuốc điều trị giun sán như albendazole. Trong một số trường hợp, có thể tiến hành chọc hút, nhưng có nguy cơ tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi.
  • Áp xe gan: Bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng, sốt cao và tăng bạch cầu. Trong bệnh amip, bệnh nhân thường mô tả tiền sử tiêu chảy, sụt cân và tiền sử đi du lịch đến vùng lưu hành. Áp xe gan sẽ xuất hiện trên hình ảnh chụp

Các biện pháp điều trị Nang gan

Điều trị nang gan tùy thuộc vào kích thước, số lượng và triệu chứng của nang. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Nang gan đơn độc: Các nang này thường không triệu chứng lâm sàng và không cần can thiệp. Bệnh nhân thường sẽ được tư vấn theo dõi định kỳ trên siêu âm đánh giá kích thước, tiến triển của nang. Tùy vào tình trạng nang mà thông thường bác sĩ có thể chỉ định siêu âm 3-12 tháng. Có một số u nang đơn giản thậm chí có thể tự khỏi và biến mất trong quá trình theo dõi mà không cần can thiệp.

Bệnh nhân có triệu chứng hoặc nang to, nang đang tăng kích thước khi theo dõi bằng siêu âm và có lo ngại rằng tổn thương có thể là khối u tân sinh. Một số phương pháp điều trị bao gồm chọc hút bằng kim có hoặc không tiêm chất gây xơ hóa như (tetracycline, ethanol hoặc ethanolamine), dẫn lưu bên trong với phần mở rộng và các mức độ cắt bỏ gan khác nhau. Phương pháp nội soi là phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn hiện tại. Với sự trợ giúp của chất gây xơ hóa, tỷ lệ tái phát giảm đáng kể.

Bệnh gan đa nang: Một số thuốc sử dụng trong quá trình điều trị bệnh gan đa nang (PCLD) như: 

  • Thuốc đối kháng thụ thể somatostatin: Octreotide là thuốc đối kháng thụ thể somatostatin có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân PCLD.
  • Chất ức chế mTOR: mTOR là một protein quan trọng trong việc điều hòa sự phát triển tế bào và sự tạo ra mạch máu mới. Sirolimus (rapamycin) cho thấy có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh và phản ứng tổng hợp của các tế bào làm giảm kích thước nang trong bệnh gan đa nang.
  • Thuốc đối kháng thụ thể estrogen: Các thuốc đối kháng thụ thể estrogen như tamoxifen có khả năng gắn vào thụ thể estrogen trong tế bào gan và ngăn không cho estrogen kích thích sự phát triển của các nang. Tuy nhiên sử dụng thuốc này để điều trị bệnh gan đa nang hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu.
  • Thuốc đối kháng thụ thể vasopressin-2: Việc kích hoạt thụ thể vasopressin dẫn đến tăng sản xuất cAMP, dẫn đến sự phát triển của nang. Thụ thể này có thể dẫn đến giảm tốc độ phát triển và tăng trưởng của nang. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không phân tích tác dụng của tolvaptan đối với nang gan. 

Liệu pháp phẫu thuật

  • Các nang gan kích thước nhỏ dưới 4cm và không có triệu chứng lâm sàng thường sẽ không cần can thiệp.
  • Nếu nang có liên quan đến nhiễm ký sinh trùng cần phải điều trị các thuốc diệt giun sán ngay, hoặc có nhiễm trùng thì cần điều trị kháng sinh.
  • Nang có kích thước lớn, nhiều nang và kích thước nang tăng nhanh qua các lần tái khám thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị. Phẫu thuật nội soi hiện là liệu pháp can thiệp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị nang gan. Một số trường hợp bác sĩ cũng có thể tiến hành chọc hút nang gan, đây là một thủ thuật đơn giản, trong đó một kim được đưa vào nang gan qua da để hút dịch từ trong nang ra ngoài, cũng có thể kết hợp tiêm chất gây xơ (như ethanol hoặc tetracycline) trong lúc chọc hút.

Kết luận

Nang gan chiếm đa số là tổn thương lành tính, thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân siêu âm ổ bụng để chẩn đoán các bệnh lý khác. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng và chỉ cần theo dõi định kỳ. Tuy nhiên có một số trường hợp nang gan phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải thăm khám kỹ càng kết hợp với các xét nghiệm kỹ thuật cao như cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ gan. Hệ thống Y tế MEDLATEC với đầy đủ máy móc hiện đại sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán sớm và lập kế hoạch theo dõi điều trị bệnh lý nang gan cho bạn.

Hãy đặt lịch khám sức khỏe định kỳ ngay tại MEDLATEC sẽ giúp bạn biết được mình có đang bị bệnh nang gan không để được bác sĩ tư vấn chi tiết về quá trình theo dõi và điều trị bệnh nếu có. 

Số điện thoại đặt lịch tổng đài 24/7: 1900 56 56 56


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ