Từ điển bệnh lý

Nang tuyến bartholin : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-09-2021

Tổng quan Nang tuyến bartholin

Bartholin là một tuyến có dạng hình cầu, kích thước nhỏ chỉ khoảng 1cm, nằm ở phía trong hai bên thành âm đạo vị trí 4h và 8h vùng tiền đình âm hộ gần màng trinh. Tuyến Bartholin lần đầu tiên được mô tả vào năm 1677 bởi nhà Giải phẫu học Caspar Secundus Bartholin người Hà Lan. Tuyến Bartholin ở nữ thì tương tự tuyến Cowper ở nam giới. Tuyến có chức năng tiết nhầy được lót bởi lớp tế bào trụ, ống tuyến dài 2,5 cm. Tuyến tiết chất nhầy bôi trơn khi quan hệ tình dục và giữ ẩm cho âm đạo. Lỗ của ống tuyến nằm ở nếp gấp giữa màng trinh và môi nhỏ và được lót bởi biểu mô lát.
Nang tuyến Bartholin hình thành là do tắc nghẽn ống tuyến trong khi tuyến bên dưới vẫn tiếp tục hoạt động tiết chất nhầy. Nguyên nhân của sự tắc nghẽn ống tuyến có thể do viêm nhiễm gây phù nề và tắc ống tuyến. 
Nang và absces tuyến Bartholin là bệnh lý phụ khoa rất hay gặp ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Theo thống kê, nang tuyến Bartholin chiếm khoảng 2% trong số bệnh lý phụ khoa ở nữ giới. Phần lớn bệnh xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. 
Nang tuyến Bartholin cần được thăm khám và điều trị từ sớm

Nang tuyến Bartholin cần được thăm khám và điều trị từ sớm


Nguyên nhân Nang tuyến bartholin

Nguyên nhân hình thành nang tuyến Bartholin là do các ống tuyến bị tắc nghẽn trong khi tuyến vẫn tiết ra chất nhầy, điều đó làm hình thành nang có thành mỏng bao bọc tại vị trí tuyến. Nguyên nhân gây ra tình trạng tắc ống tuyến là do:
•    Nhiễm trùng: Phổ biến là vi khuẩn kỵ khí, riêng vi khuẩn hiếu khí thì lậu chiếm tỷ lệ cao nhất. Một số vi khuẩn hay gặp như: lậu, chlamydia, Gardnerella, Ecoli… Nghiên cứu của Brook đã phân lập và báo cáo có đến 67 loại vi khuẩn có thể gặp trong các trường hợp viêm- abscess tuyến Bartholin. Bên cạnh những nguyên nhân viêm do các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục thì các phẫu thuật tại vùng âm hộ - âm đạo cũng 
•    Do chấn thương đường sinh dục nữ
Khi nang tuyến Bartholin bị nhiễm trùng sẽ làm cho nang phát triển rất nhanh và gây đau. Cũng cần lưu ý rằng tuyến Bartholin có thể bị viêm- absces mà không hề có tổn thương nang trước đó.


Triệu chứng Nang tuyến bartholin

Trong giai đoạn đầu mới hình thành và không có phản ứng viêm, các nang tuyến Bartholin kích thước thường nhỏ và chúng thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Các nang thường được bệnh nhân vô tình phát hiện khi rửa vệ sinh hàng ngày hoặc đặt thuốc âm đạo hoặc vô tình được bác sĩ phát hiện khi đi khám phụ khoa. Nang tuyến Bartholin thường chỉ bị 1 bên nên triệu chứng chủ yếu là thấy một bên âm hộ ngoài lớn hơn bình thường.
Khi các nang Bartholin phát triển to hơn có thể làm cho người phụ nữ khó chịu, gây đau khi ngồi, đau và vướng khi quan hệ tình dục. Hình thành nang tuyến do các tuyến bị nghẽn tắc, sẽ không tiết chất nhờn nên người phụ nữ còn thấy đau rát khi quan hệ, khi kích thích bàng quang gây rối loạn tiểu tiện.
Trường hợp nhiễm trùng, nang có thể sưng to hơn, nóng đỏ không điều trị kịp thời có thể hóa abces rất nhanh trong 2-3 ngày. Bệnh nhân sốt, rất đau vùng âm hộ, đau và khó khăn khi đi lại khi ngồi. 

nang tuyến bartholin có thể không có triệu chứng

Nang tuyến bartholin có thể không có triệu chứng


Đường lây truyền Nang tuyến bartholin

Hầu hết phụ nữ có thể bị nang tuyến Bartholin khi có nhiễm trùng có vi khuẩn lây qua đường tình dục từ bạn tình. Trước đây người ta thấy phần lớn do vi khuẩn lậu và Chlamydia nhưng hiện tại rất nhiều vi khuẩn được tìm thấy như: ureplasma, Gardnerella…


Đối tượng nguy cơ Nang tuyến bartholin

Đa số nang tuyến Bartholin thường gặp ở nhóm phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên nhóm có tỷ lệ mặc cao nhất là 20-29 tuổi. Một số yếu tố gây tăng nguy cơ mắc bệnh có thể gặp là: 
•    Phụ nữ có thai.
•    Phụ nữ có bệnh lý nền: tiểu đường, ung thư.
•    Phụ nữ có miễn dịch kém, sức đề kháng kém, các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV.
•    Phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn hoặc có mắc bệnh lây qua đường tình dục.


Phòng ngừa Nang tuyến bartholin

Để tránh hình nang tuyến Bartholin thì chính là cần phòng tránh các nguyên nhân dễ gây viêm tắc nghẽn tuyến tiết nhày này. Một số biện pháp mọi người cần thực hiện và lưu ý:
•    Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng các: hạn chế rửa nước sau mỗi lần đi tiểu tiện, cần giữ khô ráo, có thể sử dụng thêm dung dịch vệ sinh nhưng chỉ 1- 2 lần/ ngày. Tuyệt đối không ngâm, không thụt rửa vào âm đạo dù dùng bất cứ dung dịch nào. 
•    Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi
•    Sử dụng các biện pháp như bao cao su vừa tránh thai, vừa tránh các bệnh lây qua quan hệ tình dục. Nên có lối sống lành mạnh, không quan hệ sớm và không nên có nhiều bạn tình.
•    Trường hợp thấy bất thường như sưng đau vùng sinh dục thì người phụ nữ đừng ngại, hãy đến ngay các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa sản như bệnh viện MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh sớm.
•    Với phụ nữ mang thai nếu thấy sưng đau bộ phận sinh dục ngoài cần đi khám sớm để được bác sĩ điều trị kịp thời do nang tuyến Bartholin rất dễ viêm và abces hóa ở nhóm phụ nữ này.

bệnh lý nang tuyến bartholin cần được thăm khám và điều trị kip thời

Bệnh lý này cần được thăm khám và điều trị kịp thời


Các biện pháp chẩn đoán Nang tuyến bartholin

1. Chẩn đoán bệnh Nang tuyến Bartholin
Khi khám một bệnh nhân nghi nghờ nang tuyến Bartholin, bác sĩ cần hỏi về tiền sử bệnh phụ khoa đặc biệt liên quan nang hay viêm/ abces tuyến bartholin trước đó; tiền sử điều trị các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh lý lây qua đường tình dục. Thời gian khởi phát các triệu chứng, tính chất đau, các thuốc đã dùng… Nang tuyến Bartholin thường có thời gian hình thành kéo dài và không có triệu chứng rõ ràng.
Khám phụ khoa sẽ thấy phần âm hộ ngoài hai bên mất tương xứng, một bên to hơn. Là nang tuyến thì không đau, khi viêm cấp hoặc hình thành abces thì bệnh nhân thấy rất đau. Cần đánh giá kích thước, khả năng di động, mật độ của nang. Khi đã abces hóa thì khối thường mềm, có thể kèm chảy mủ.
Với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc mãn kinh, nang hoặc abces Bartholin có thể biến chứng thành ung thư. Do đó, ở nhóm bệnh nhân này, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định sinh thiết để loại trừ khả năng ung thư tuyến Bartholin.

2. Chẩn đoán phân biệt

  • Nang tuyến Bartholin có một số triệu chứng tương tự, cần phân biệt với: u mỡ/ u nang ở vùng môi lớn, nang tuyến Skene, tụ máu vùng âm hộ,…
  • Tụ máu vùng âm hộ thường gặp sau chấn thương hoặc có tiền sử chấn thương vùng âm hộ.
  • U mỡ bản chất là u đặc, có thể cũng phát triển trên ở vùng âm hộ, là u lành nhưng kích thước thường rất lớn.
  • U tuyến mồ hôi thì ít gặp hơn, có thể phát triển trên cả môi nhỏ và môi lớn. U có thể từ vài mm cho tới 2-3 cm, không phát triển nhanh. 
  • Nang biểu bì vùng âm hộ cũng thường gặp và giống nang bã ở các nơi khác của cơ thể. Nang thường lành tính và di động tốt.
  • Nang nhầy âm hộ: nang thường nhỏ, nằm nông ngay dưới da và không có triệu chứng.
  • Nang tuyến Skene: vị trí ở cạnh lỗ niệu đạo, nang lành và không triệu chứng, khi nang lớn có thể gây rối loạn tiểu tiện.
  • Với những trường hợp khó chẩn đoán, cần bóc trọn cả khối u và gửi giải phẫu bệnh lý để xác định đúng tính chất khối u.

Các biện pháp điều trị Nang tuyến bartholin

1. Xét nghiệm thăm dò
Với các trường hợp nang tuyến Bartholin, bác sĩ cần chỉ định siêu âm để đánh giá cụ thể nang. Một số xét nghiệm như PCR tìm các tác nhân gây bệnh lây qua quan hệ tình dục, cấy dịch âm đạo tìm nguyên nhân gây viêm nhiễm và làm kháng sinh đồ để có phác đồ điều trị phù hợp.
Hiện tại ở bệnh viện MEDLATEC có đầy đủ phương pháp thăm dò hình ảnh như siêu âm, các xét nghiệm tìm nguyên nhân viêm nhiễm:
- Siêu âm phần mềm: cho biết đầy đủ các đặc tính của nang tuyến Bartholinn: kích thước nang, tính chất dịch, ranh giới, mức độ thâm nhiễm các tổ chức xung quanh,…
- Xét nghiệm 12 tác nhân lây qua quan hệ tình dục: tìm một số tác nhân gây viêm hay gặp như lậu, Chlamydia, gardnerella,…
- Cấy dịch làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp.

2. Các biện pháp điều trị bệnh Nang tuyến Bartholin
Viêm nang tuyến Bartholin có thể tự khỏi. Chỉ với các nang có kích thước nhỏ, không chảy mủ, không có triệu chứng sưng đau thì nang có thể tự biến mất mà không cần can thiệp. Nhưng bệnh nhân vẫn cần phải khám định kỳ để phòng tái phát và đánh giá sự phát triển của nang.
Khi nang tuyến Bartholin bị viêm gây sưng nóng đỏ đau, nếu điều trị kháng sinh, chống viêm kịp thời tình trạng viêm có thể hết, nang có thể tan hoặc vẫn tồn tại. Sử dụng gạc chườm hơi nóng cũng có thể làm giảm các triệu chứng. 
Trường hợp nang tuyến bartholin hóa mủ, tình trạng viêm nặng hơn, bệnh nhân sốt đau đớn. Lúc này, bác sĩ cần chích rạch tháo mủ. Khi rạch nang tuyến bartholin, bác sĩ tiêm tê tại chỗ và dùng dao mổ rạch để giúp mủ được thoát ra. Kích thước nang sẽ giảm đi, sau khi lấy hết mủ, bác sĩ tiếp tục đặt lam hoặc chèn gạc để dẫn lưu hết mủ sau một vài ngày. Hàng ngày bệnh nhân vẫn cần bơm rửa betadine để làm sạch mủ, tránh giả mạc, để vết thương khô thoáng giúp nhanh đầy nhanh liền.
Bóc tách nang được ra khi triệu chứng viêm nang, abces tái phát nhiều lần hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi. Người phụ nữ cần đến thăm khám bác sĩ vào thời điểm không bị viêm nang cấp để có thể bóc được chọn nang tuyến Bartholin. Với nhóm > 40 tuổi cần đặt ra phẫu thuật và sinh thiết để loại trừ ung thư âm hộ. Những trường hợp nang không thay đổi triệu chứng và kích thước thì phẫu thuật không bắt buộc 
Nhóm phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi nếu nang không có triệu chứng thì không cần bóc nang. Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh phụ khoa để tránh viêm nhiễm nang tái phát. Tránh ẩm ướt vùng âm hộ, tầng sinh môn, không thụt rửa nước vào trong âm đạo là một trong những biện pháp tốt nhất làm giảm tình trạng viêm nang tái phát.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.