Từ điển bệnh lý
Ngôi thai bất thường : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Ngôi thai bất thường
Ngôi thai biểu thị tư thế của thai nhi so với cổ tử cung của mẹ. Vị trí của ngôi thai sẽ khác nhau tùy vào sự chuyển động của bé. Thông thường khi chưa gần kề ngày sinh thì thai nhi sẽ không có ngôi thai cố định, bé liên tục xoay trở trong buồng tử cung hay còn gọi là ngôi di động.
Khi thai nhi càng lớn thì sẽ càng ít xoay chuyển và dần ổn định ngôi thai để chuẩn bị cho thời kỳ chuyển dạ. Trước khi sinh, phần lớn các bé sẽ ở tư thế ngôi thai đầu, tức là đầu của bé sẽ áp vào cổ tử cung. Đây là lời giải thích vì sao các bé đều ra đời với phần đầu lọt ra trước.
Những trường hợp được coi là có ngôi thai bất thường khi em bé không ở ngôi thai đầu mà là ngôi ngang (bé ốp lưng và vai vào cổ tử cung), hoặc ngôi mông (bé áp mông vào cổ tử cung),... Ngoài ra cũng có những ca sinh non bị ngôi thai bất thường do bé chưa có đủ thời gian để xoay chuyển thành tư thế ngôi đầu. Dĩ nhiên những sản phụ có ngôi thai bất thường đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh nở, đồng thời bác sĩ và hộ sinh cũng mất nhiều thời gian để đỡ đẻ và phải cân nhắc các biện pháp để xử trí kịp thời.
Thông qua siêu âm mẹ biết được ngôi thai bất thường hay bình thường ở bé
Nguyên nhân Ngôi thai bất thường
-
Do mẹ mắc u buồng trứng, u xơ tử cung, dị dạng tử cung hoặc tử cung có vách ngăn,... gây chèn ép khiến cho thai nhi khó vận động xoay chuyển đúng vị trí;
-
Người mẹ đã trải qua nhiều lần sinh nở khiến cho tử cung giãn to, vì thế mà em bé khó xoay và cố định được phần đầu vào khung chậu trong;
-
Mẹ có quá ít nước ối không đủ điều kiện để thai nhi có thể xoay chuyển dễ dàng, ngược lại nước ối quá nhiều cũng làm cho em bé khó cố định được ngôi thai;
-
Có những thai nhi trong tháng cuối thai kỳ vẫn bị nhau thai bám thấp nên sự điều chỉnh ngôi thai gặp nhiều cản trở;
-
Thai nhi không đổi ngôi thai được do dây rốn quá dài và quấn vào cổ;
-
Đầu bé quá to, hoặc dây rốn quá ngắn ngăn không cho bé xoay chuyển được, hoặc bé đang xoay nửa chừng thì không thể xoay tiếp được nữa.
Triệu chứng Ngôi thai bất thường
1. Thai ngôi mông
Là tư thế bé nằm dọc với đầu ở phía trên còn chân hoặc mông nằm bên dưới. Có 2 loại ngôi mông:
-
Ngôi mông hoàn toàn: là khi chân và mông của bé nằm trước eo trên. Thai nhi hiện lên với hình ảnh tư thế ngồi, đùi gập vào trong, đầu gối co lại, nếu sinh ra theo tư thế này thì bộ phận lộ diện đầu tiên sẽ là phần mông của bé;
-
Ngôi mông không hoàn toàn: có 3 kiểu:
-
Kiểu mông: trong quá trình chuyển dạ phần mông có xu hướng lọt ra trước, thai nhi ở trong tư thế duỗi thẳng chân lên đầu;
-
Kiểu bàn chân và kiểu đầu gối: do chân của bé ở vị trí thấp hơn mông nên phần chân sẽ ra ngoài trước.
Ngôi mông chiếm tỷ lệ khoảng từ 3 - 4% trong số các ca sinh nở. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thai ngôi mông có thể là do các yếu tố như:
-
Mẹ có tử cung kém phát triển;
-
Chuyển dạ sinh non, bé chưa kịp xoay chuyển thành ngôi thai thuận;
-
Dị tật thai nhi: não úng thủy, thiểu ối;
-
Bất thường tử cung: u xơ tử cung, tử cung có vách ngăn,...
Sản phụ có thể dựa vào các dấu hiệu sau để tự nhận biết ngôi thai mông:
-
Sờ bụng thấy tử cung dạng hình trứng và trục dọc. Tuy nhiên lại cảm nhận rõ tim thai ở vị trí trên rốn hoặc ngang rốn;
-
Thai nhi thường cử động đạp ở vùng hạ vị và cảm thấy tức ở một bên hạ sườn do sự chèn ép của đầu thai nhi.
Khi thực hiện khám âm đạo trong quá trình chuyển dạ, mặc dù tử cung đã mở nhưng lại không thấy ngôi chỏm mà thay vào đó sẽ thấy đỉnh xương cùng, chân hoặc diện mông.
Hình ảnh mô tả ngôi thai
2. Thai ngôi mặt
Đây là loại ngôi thai chiếm khoảng 0,2% trong số các ca sinh đang chuyển dạ. Lúc này mặt em bé sẽ ngửa tối đa và có thể biểu hiện ngay từ đầu hoặc do thai nhi không cúi đầu tốt.
Nguyên nhân khiến thai nhi ở tư thế ngôi mặt là vì:
-
Do mẹ có các khối u nằm trong tiểu khung như u xơ tử cung;
-
Đầu thai và khung chậu bị bất tương xứng;
-
Bất thường ở thai nhi: bướu cổ, cổ to, dị tật sọ, ngực to,...;
-
Nhau thai bám thấp, dây rốn quấn cổ, đa ối,...
Khi khám bụng sẽ sờ thấy rãnh sâu ở giữa đầu và lưng thai nhi, đây chính là rãnh gáy (dấu hiệu nhát rìu). Trong quá trình mẹ chuyển dạ sẽ khó sờ thấy mặt thai nhi nếu đầu ối còn cao, nhưng khi đã vỡ màng ối, lúc này tử cung mở rộng và khám qua âm đoạ có thể sờ thấy mũi, miệng, vòm mắt, xương gò má và có thể xác định bé đang ở ngôi mặt.
3. Thai ngôi trán
Thai nhi ở ngôi trán sẽ có tư thế đầu nửa cúi nửa ngửa. Tình trạng này rất hiếm gặp và chỉ có thể phát hiện được khi sản phụ đã chuyển dạ ở giai đoạn tiến triển. Tương tự như ngôi mặt, nguyên nhân dẫn tới ngôi trán cũng là do sự cúi đầu của em bé gặp vấn đề, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do sự bất tương xứng đầu chậu, ngoài ra còn có thể là do hệ quả của biện pháp xoay thai do bác sĩ thực hiện.
Khi khám bụng thấy ngôi trán khá tương đồng với ngôi mặt, nhưng phần rãnh gáy lại nông hơn ngôi mặt và sờ được ụ cằm nhưng nếu khám qua âm đạo thì rất khó để nhận ra ụ cằm, trừ khi tử cung đã mở rộng thì sẽ cảm nhận được miệng, mũi như thai ngôi mặt.
4. Thai ngôi ngang
Trong số các loại ngôi khi sản phụ bước vào quá trình chuyển dạ thì thai ngôi ngang có tỷ lệ khoảng 0,5%. Ngôi ngang còn có cách gọi khác là ngôi vai khi em bé nằm ngang so với hướng cổ tử cung. Nếu trục dọc của thai cắt trục dọc của mẹ thành một góc nhọn thì gọi là ngôi chếch nhưng đây cũng chỉ là một loại ngôi tạm thời, khi vào chuyển dạ thực sự thai nhi có thể điều chỉnh thành ngôi dọc hoặc ngôi ngang.
Các nguyên nhân dẫn tới thai ngôi ngang bao gồm:
-
Mẹ sinh nở nhiều lần - đây là lý do hàng đầu và nguy cơ ngôi ngang tăng gấp 10 lần nếu mẹ sinh con thứ 3;
-
Tử cung đổ ra phía trước do thành bụng nhão, khiến thai nhi dễ bị nằm ngang hoặc nằm nghiêng;
-
Khung chậu hẹp, tử cung dị dạng hoặc khối u tiền đạo gây cản trở cho sự xoay chuyển của bé;
-
Khả năng bình chỉnh của bản thân thai nhi bị hạn chế do sinh non, thai chết lưu hoặc thai thứ 2 trong song thai;
-
Tình trạng đa ối, nhau đóng tiền đạo, dây rốn ngắn,...
Rất dễ để nhận biết thai ngôi ngang khi sờ nắn bụng. Thay vì có hình trứng thì bụng của sản phụ sẽ bị bè ngang với đáy của tử cung gần như là nằm ngang rốn. Nắn bụng sẽ thấy đầu em bé nằm ở một phần bên hông mẹ, mông thì nằm bên hông còn lại. Dấu hiệu cho thấy lưng bé quay ra phía trước là sờ được một mặt rắn chạy ngang dưới bụng mẹ, còn nếu lưng bé quay ra sau thì sẽ sờ thấy các chi lổn nhổn.
Khi khám qua ngả âm đạo, thai ngôi ngang biểu hiện rõ nhất là không thể thấy đầu hoặc là môn của thai nhi. Trường hợp cổ tử cung đã mở rộng, thai nhi xuống thấp hơn thì có thể sờ được xương đòn gánh hoặc xương bả vai của bé. Nếu sản phụ đã vỡ ối, chuyển dạ đã lâu thì thai nhi có thể bị lọt chặt một vai vào tiểu khung và bị sa một cánh tay, bàn tay vào âm đạo, thậm chí là lọt ra ngoài âm hộ của mẹ.
5. Thai ngôi phức tạp
Đây là dạng ngôi thai biểu thị một chi bị sa xuống dọc theo ngôi thai hoặc cả 2 chi đều trượt vào tiểu khung. Phổ biến nhất là ngôi chỏm kèm theo sa một bàn tay hoặc sa cả một cẳng tay. Trường hợp khác hiếm gặp hơn là ngôi đầu bị sa một hoặc 2 chân, hoặc ngôi mông bị sa một bàn tay. Ngoài ra ngôi thai phức tạp thường kèm theo với sa dây rốn nên thai thường tiên lượng nặng hơn. Nguyên nhân dẫn đến ngôi thai phức tạp có thể là do đầu thai cao, thai nhỏ, khung chậu hẹp, đa sản,...
Các biến chứng Ngôi thai bất thường
Khi gần tới ngày dự sinh, sản phụ sẽ được bác sĩ thông báo về ngôi thai sau khi khám thai. Có một số trường hợp ngôi thai bất thường nhưng vẫn có thể sinh an toàn theo ngả âm đạo, tuy nhiên biến chứng hoàn toàn có khả năng xảy ra bất cứ khi nào trong suốt quá trình sinh nở, chẳng hạn như:
-
Thai nhi bị ngạt do tổn thương dây rốn, dẫn tới tình trạng suy thai;
-
Cần đặc biệt lưu ý tới các trường hợp bị ngôi thai mông vì có thể đe dọa tới tính mạng của thai nhi và làm tăng tai biến cho sản phụ;
-
Những em bé có ngôi thai ngang cần phải được theo dõi chặt chẽ kết hợp nghỉ ngơi hợp lý ở 3 tháng cuối, tránh nguy cơ vỡ ối non khiến thai nhi bị tử vong. Nếu thai đã đủ tháng cần chủ động tiến hành lấy thai ngay để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé như: sa tay, sa dây rau, vỡ ối,...
Vào những tuần thai cuối, mẹ nên siêu âm định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ
Phòng ngừa Ngôi thai bất thường
Ngày nay vẫn chưa có phương pháp để phòng tránh hiện tượng ngôi thai bất thường. Vì thế, thai phụ tốt nhất là nên tuân thủ lịch thăm khám thai đầy đủ, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường xảy ra với mẹ bầu cũng như với thai nhi.
Danh sách các triệu chứng:
Triệu chứng của ngôi thai bất thường thể hiện trong từng loại ngôi thai. Có những loại ngôi bất thường như sau:
-
Thai ngôi mông;
-
Thai ngôi mặt;
-
Thai ngôi trán;
-
Thai ngôi ngang;
-
Thai ngôi phức tạp.
Các biện pháp chẩn đoán Ngôi thai bất thường
Bên cạnh việc sờ nắn bụng và thăm khám âm đạo như đã đề cập trong từng trường hợp ngôi thai ở trên, các phương pháp khác cũng được kết hợp sử dụng để chẩn đoán ngôi thai bất thường:
-
Nghe tim thai: thực hiện bằng cách dùng ống nghe gỗ Pinard để xác định ngôi thai. Tim thai sẽ truyền tới ống nghe dọc theo cột sống của em bé sát với mỏm cùng vai hoặc thành của tử cung. Vị trí đặt ống nghe sẽ khác nhau tùy vào ngôi thai:
-
Siêu âm và chụp X-quang: thường được áp dụng trong các ca có nhiều yếu tố gây khó khăn trong chẩn đoán ngôi thai như:
-
Những sản phụ có thành bụng chắc và dày;
-
Mẹ thừa cân, béo phì;
-
Rau bám trước;
-
Nhiều ối.
Mẹ nên kiểm tra thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ
Các biện pháp điều trị Ngôi thai bất thường
Dựa trên từng dạng ngôi thai cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương án xử lý khác nhau:
-
Đối với thai ngôi mông: nếu sản phụ có cơn chuyển dạ nhanh, bé nhẹ cân thì có thể sinh thường;
-
Ngôi thai ngang: để tránh sản phụ bị vỡ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ;
-
Ngôi mặt: phụ thuộc vào từng điều kiện và tiên lượng, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ hoặc sinh thường;
-
Các trường hợp đặc biệt phải tiến hành sinh mổ:
-
Quá trình chuyển dạ của thai phụ kéo dài, khó khăn hoặc thai nhi nặng cân không thể lọt qua tử cung;
-
Bé có thai ngôi đầu (tư thế bình thường của thai nhi) nhưng đầu không có đủ độ nghiêng để lọt qua tử cung khiến quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn;
-
Những sản phụ mang thai đôi trở lên và thai nhi có ngôi khác nhau.
-
Thủ thuật xoay ngôi thai:
-
Nếu phát hiện thai nhi ở ngôi bất thường trong tuần thứ 36 - 37 của thai kỳ, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật xoay ngôi thai. Trước khi tiến hành sản phụ sẽ được truyền thuốc làm giãn nở tử cung;
-
Chống chỉ định đối với nhóm thai phụ có các đặc điểm sau:
-
Tim thai có dấu hiệu bất thường;
-
Thiếu ối;
-
Chảy máu âm đạo;
-
Thai đang đi xuống tử cung;
-
Thai có trọng lượng quá nhỏ;
-
Mang song thai hoặc đa thai;
-
Vỡ ối sớm;
-
Rủi ro khi thực hiện xoay ngôi thai:
-
Vỡ ối;
-
Sinh non;
-
Phải sinh mổ khẩn cấp;
-
Ngôi thai có khả năng trở về trạng thái bất thường ngay sau khi xoay ngôi.
-
Tỷ lệ thành công của phương pháp này là từ 60 -70%.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!