Từ điển bệnh lý
Nhiễm Adeno virus : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Nhiễm Adeno virus
Adeno là virus có thể gây bệnh ở người tại nhiều cơ quan khác nhau như: bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm họng, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm dạ dày - ruột. Virus này gây bệnh ở người và chủ yếu là trẻ em. Nguy cơ lây nhiễm của Adeno giống như virus cúm hoặc virus SARS-COV-2, với khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người qua đường hô hấp, dịch tiết. Bệnh do virus adeno gây nên biểu hiện triệu chứng cấp tính ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể người, tùy typ virus gây bệnh.
Việt Nam hiện chưa có thuốc điều trị bệnh gây ra do Virus Adeno và cũng chưa có vắc xin đặc hiệu dự phòng cho Adeno Virus. Người bị nhiễm Virus Adeno cần được: phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời các triệu chứng cấp tính (theo các thể bệnh), tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng và tránh các biến chứng nặng, đặc biệt là trẻ em.
Adeno virus thuộc họ Adenoviridae, hình khối 20 mặt kích thước khoảng 70 - 80 nanomet, virus có cấu trúc DNA chuỗi kép, kháng cồn. Virus này được phân loại thành 7 nhóm với hơn 50 tuýp khác nhau, gây bệnh tại các cơ quan khác nhau của cơ thể, tạo nên các triệu chứng bệnh khác nhau.
Virus Adeno
Hiện tại, do tình trạng biến đổi khí hậu, bệnh do virus Adeno có thể xảy ra quanh năm và dễ nhầm lẫn với các bệnh cấp tính do các nhóm virus khác gây nên. Virus Adeno có thể tồn tại trong môi trường lâu dài và lây lan nhanh chóng nhờ vào khả năng chống chịu của nó, đặc biệt là môi trường ẩm thấp, đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trong cơ sở y tế.
Virus Adeno có thể tồn tại trong cơ thể người lâu hơn ngoài môi trường, từ vài tuần đến vài tháng. Bệnh có thể lây truyền khi virus nhiễm vào cơ thể và chưa có hoặc không có triệu chứng, bắt đầu vào thời kỳ ủ bệnh và có thể kéo dài đến 14 ngày hoặc lâu hơn khi cơ thể vẫn còn chứa Virus Adeno.
Nguyên nhân Nhiễm Adeno virus
Triệu chứng Nhiễm Adeno virus
Triệu chứng lâm sàng của người nhiễm virus Adeno khá đa dạng và phụ thuộc vào đối tượng bị nhiễm bệnh, vị trí cơ quan virus xâm nhập. Sau thời gian ủ bệnh (từ 2 đến 14 ngày), một hoặc nhiều triệu chứng có thể xuất hiện như: sốt cao từ 39 độ C, đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, đau bụng, buồn nôn,…
Ở giai đoạn phát bệnh, triệu chứng tại các cơ quan khác nhau với các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm mũi họng, viêm kết mạc, viêm ruột,… do các chủng virus khác nhau gây nên.
Triệu chứng do Adeno virus gây nên các cơ quan
Viêm đường hô hấp cấp (chủ yếu do virus adeno typ 3,7 gây nên) sẽ có các triệu chứng:
- Sốt cao từ 39 độ C, không đáp ứng hoặc ít đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Ho khan hoặc ho có đờm, đau họng
- Chảy mũi nước, ngạt mũi
- Sưng hạch cổ, hạch bạch huyết
- Viêm phổi
Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ em khi nhiễm Adeno virus sẽ tiến triển đến viêm phổi, đây là biến chứng nguy hiểm, khả năng gây tử vong với tỉ lệ 8-10% trẻ em bị viêm phổi. Triệu chứng ở trẻ khi viêm phổi: sốt cao kèm ho nhiều, ho có đờm, sổ mũi, thở nhanh (theo dõi nhịp thở ở trẻ: trẻ <2 tháng tuổi: ≥ 60 lần/phút; trẻ <1 tuổi: ≥ 50 lần/phút; trẻ <5 tuổi: ≥ 40 lần/phút); trẻ có tình trạng co rút lồng ngực hoặc thở rên.
Khi trẻ có xuất hiện các dấu hiệu trên kèm với một trong các dấu hiệu: phập phồng cánh mũi, khó thở, tím tái, … cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời, tránh tiến triển nặng đến suy hô hấp.
Viêm họng - viêm kết mạc (chủ yếu do virus adeno type 3,7 gây nên) với các triệu chứng như:
- Sốt cao từ 39 độ C;
- Đau họng;
- Đau mắt đỏ kèm sưng.
Viêm giác mạc - kết mạc (còn gọi là đau mắt đỏ, do virus adeno type 8,9,37 gây nên)
- Các triệu chứng xuất hiện trong 3 - 5 ngày đầu mắc bệnh: sốt nhẹ, sưng hạch cổ, đau mắt, nhìn mờ, sợ sáng, cộm mắt, chảy nhiều nước mắt do phù mi, phù tổ chức quanh hốc mắt. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, các triệu chứng khó chịu ở mắt có thể khỏi trong 2-3 tuần.
- Trường hợp nặng hơn, có thể gây thủng giác mạc.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được bác sĩ thăm khám và điều trị, hạn chế biến chứng ảnh hưởng đến thị giác hoặc sẹo vĩnh viễn ở giác mạc.
Tiêu chảy cấp - viêm dạ dày - ruột (do virus adeno type 40, 41 gây nên)
Triệu chứng thường gặp: đau bụng, tiêu chảy kéo dài khoảng 5 - 7 ngày, sốt, buồn nôn, nôn hoặc kèm theo các triệu chứng cấp tính của viêm đường hô hấp, viêm họng và viêm kết mạc như đã kể trên.
Các thể bệnh khác
Thể bệnh khác ít gặp hơn do virus adeno type 11,21 gây nên các triệu chứng tại hệ tiết niệu như: bí tiểu, tiểu rắt, tiểu máu, rối loạn chức năng thận, viêm bàng quang.
Một số thể bệnh rất hiếm gặp khác có thể gây nên các bệnh cấp tính như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm gan cấp, viêm túi mật, viêm tụy, suy thận.
Các biến chứng Nhiễm Adeno virus
Biến chứng do nhiễm adenovirus gây ra chủ yếu ở trẻ em gồm:
Biến chứng sớm thường gặp chủ yếu là: Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; Hội chứng viêm toàn thân cấp tính hoặc Sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và suy đa tạng.
Biến chứng muộn: tỉ lệ mắc phải ít hơn, sau giai đoạn cấp tính, một số trẻ có triệu chứng của tắc nghẽn đường thở (khò khè, khó thở, thở nhanh, ho có đờm,…) có thể dẫn đến biến chứng tại các cơ quan như phổi, phế quản làm cho lồng ngực trẻ biến dạng, trẻ chậm phát triển thể chất.
Đường lây truyền Nhiễm Adeno virus
Adeno virus có nguy cơ truyền nhiễm giống virus cúm hay virus gây dịch COVID-19. Virus Adeno lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp trong khoảng cách gần, gián tiếp qua tiếp xúc với dịch hoặc chất tiết của cơ thể người có nhiễm virus.
Đối với thể bệnh tại đường hô hấp, tai mũi họng, virus có thể phát tán qua qua dịch hoặc chất tiết từ mắt, mũi, họng, nước bọt, các đồ vật có dính chất tiết,… dưới dạng các giọt bắn nhỏ li ti khi người bệnh nhiễm virus ho, hắt xì hoặc nói chuyện.
Người tiếp xúc gần với người bệnh, đặc biệt là ở những nơi đông đúc, có nguy cơ cao bị nhiễm.
Adeno virus gây bệnh tại đường tiêu hóa sẽ được đào thải qua phân, đây cũng là nguồn lây chủ yếu cho cộng đồng khi phân của người nhiễm bệnh không được xử lí đảm bảo vệ sinh. Đây là nguồn lây nhiễm chủ yếu ở trẻ em tại trường mẫu giáo.
Ngoài ra, có những người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng (thể ẩn), người này vẫn có thể lây nhiễm virus cho cộng đồng qua các con đường lây nhiễm ở trên.
Phòng ngừa Nhiễm Adeno virus
Bệnh do adenovirus dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp trong cộng đồng, đặc biệt môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, những nơi đông đúc, chật hẹp. Khi nhiễm bệnh do virus cần có các biện pháp phòng tránh phù hợp, hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị riêng adeno virus, cũng chưa có vắc xin đặc hiệu được Bộ Y tế khuyến cáo. Song người dân cần có kiến thức về các bệnh lây qua đường hô hấp, giọt bắn, để phòng tránh cho bản thân và cộng đồng.
- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh (rửa tay thường xuyên với xà phòng, đeo khẩu trang, thường xuyên lau chùi nhà cửa, thông thoáng,…)
- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, đảm bảo dinh dưỡng, có chế độ sống lành mạnh, kiểm soát các bệnh lí nền (nếu có).
- Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm virus hoặc nghi ngờ nhiễm virus. Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên.
- Không sử dụng chung đồ cá nhân có dính chất tiết, giọt bắn từ người bệnh; vệ sinh, tiệt trùng an toàn trước khi sử dụng.
Tiêm chủng đầy đủ, tiêm nhắc lại các loại vắc xin theo đối tượng, nhóm tuổi (đặc biệt trẻ em dưới 2 tuổi).
Dự phòng lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm virus
Các biện pháp chẩn đoán Nhiễm Adeno virus
Chẩn đoán người nhiễm bệnh do Adeno virus hay không dựa vào 3 yếu tố: triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm virus adeno và yếu tố dịch tễ của người bệnh.
- Ca bệnh xác định: người có các triệu chứng lâm sàng cấp tính tại cơ quan hô hấp, tai mũi họng, mắt, tiêu hóa và có kết quả xét nghiệm Virus Adeno dương tính.
- Ca bệnh nghi ngờ: người có biểu hiện nhiễm virus cấp tính và có biểu hiện lâm sàng cấp tính ở một số cơ quan, tổ chức thường gặp như hô hấp, mắt, tai mũi họng, tiêu hóa, sưng hạch cổ.
- Người mang Virus Adeno: người không có triệu chứng lâm sàng nhưng có kết quả xét nghiệm Virus Adeno dương tính.
- Người phơi nhiễm với Virus Adeno: người có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc người mang Virus Adeno.
Người bệnh được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm tìm Adeno virus khi có các dấu hiệu sau:
- Các triệu chứng của viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm kết mạc - giác mạc, rối loạn tiêu hóa.
- Sốt cao liên tục trên 48 tiếng, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc hạ sốt.
- Chỉ số xét nghiệm CRP - phản ứng viêm không đặc hiệu tăng cao
Xét nghiệm virus Adeno có hai loại: xét nghiệm định tính (test nhanh, thời gian có kết quả 30 - 60 phút, chi phí thấp) và xét nghiệm định lượng (PCR - xét nghiệm thuộc nhóm sinh học phân tử, thời gian có kết quả 4-8 tiếng, chi phí cao).
Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm là dịch tỵ hầu (dễ lấy) hoặc máu, dịch ở khí quản, phế quản, phế nang (tùy theo chỉ định của bác sĩ);
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể hỗ trợ theo dõi diễn tiến bệnh hoặc phát hiện sớm các biến chứng, đánh giá mức độ tổn thương như: Xquang tim phổi, Siêu âm, CT scan hoặc MRI trong các trường hợp diễn biến nặng.
Các biện pháp điều trị Nhiễm Adeno virus
Hiện tại, không có thuốc đặc trị riêng cho Adeno virus. Việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng tại các cơ quan trong cơ thể và theo dõi tình trạng người bệnh để tránh biến chứng.
Đối với ca bệnh có ít triệu chứng hoặc mức độ triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước hoặc dung dịch oresol và sử dụng thuốc hạ sốt nếu cần, ăn thức ăn lỏng, chia nhiều bữa nhỏ, chú ý vệ sinh cơ thể, răng miệng, mũi họng, mặc thoáng,….
Tuy nhiên, điều trị tại nhà cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, thở nhanh, không ăn uống được, nôn nhiều, li bì hoặc kích thích... và đến bệnh viện kịp thời.
Tiêu chuẩn nhập viện đối với bệnh do Adeno virus gây nên:
- Bệnh mức độ nhẹ nhưng có yếu tố nguy cơ làm bệnh có thể diễn biến nặng như: trẻ đẻ thiếu tháng, suy dinh dưỡng; trẻ có các bệnh kèm theo như: suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, các bệnh bẩm sinh hoặc người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid.
- Bệnh mức độ trung bình: cần điều trị tại cơ sở y tế
- Bệnh mức độ nặng: cần điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
Tiêu chuẩn xuất viện: Hết sốt ít nhất 2 ngày, các triệu chứng lâm sàng ổn định và kết quả xét nghiệm bình thường.
Virus Adeno phần lớn gây bệnh chủ yếu mức độ nhẹ, người nhiễm virus adeno có khả năng tự khỏi, một số ít trường hợp có thể diễn tiến nặng hơn (trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu).
Hiểu biết về dấu hiệu lâm sàng, theo dõi diễn biến bệnh và biện pháp phòng ngừa bệnh do Adeno virus là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus, cần đến cơ sở y tế để được kịp thời thăm khám và điều trị.
Hệ thống y tế MEDLATEC có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầy đủ các chuyên khoa cùng với sự hỗ trợ của xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, giúp thăm khám và chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời bệnh do Adeno virus cũng như các bệnh do virus khác.
Tài liệu tham khảo:
Quyết định số 3451/QĐ-BYT ngày 26/12/2022 Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do Virus Adeno ở trẻ em.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!