Từ điển bệnh lý

Nhiễm nấm Sporotrichum : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Nhiễm nấm Sporotrichum

Nhiễm nấm Sporotrichum là một bệnh nhiễm trùng do vi nấm hay gặp và được biết đến từ lâu, ghi nhận tại nhiều nơi thế giới. Vi nấm thường tìm thấy trong môi trường đất, gỗ mục, cỏ mục,.. do đó con người bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc (hít phải hoặc qua các vết xước, vết thương) với bảo tử nấm trong môi trường, bệnh có tính chất nghề nghiệp, hay gặp ở những người làm vườn, trồng trọt,...

Vi nấm thường tìm thấy trong môi trường đất, gỗ mục, cỏ mục,..

Vi nấm thường tìm thấy trong môi trường đất, gỗ mục, cỏ mục,..

Các thể bệnh thường gặp là thể da bạch huyết, tổn thương da, tổn thương niêm mạc; các  nhiễm trùng mô sâu như khớp, tủy xương, màng não, thể lan tỏa thường ít gặp hơn. Nuôi cấy vi nấm và mô bệnh học giúp chẩn đoán xác định. Nhìn chung bệnh do nấm Sporotrichum tiên lượng thường tốt, đáp ứng với các thuốc kháng nấm thông thường như Itraconazole, amphotericin B, tuy nhiên trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm, di chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Nguyên nhân Nhiễm nấm Sporotrichum

Nấm Sporotrichum gây bệnh là một loài nấm lưỡng hình gây bệnh cho cả con người và động vật, trong đó Sporothix schenckii là loài gây bệnh phổ biến nhất, ngoài ra một số loài khác như Sporothrix brasiliensi, Sporothrix globosa, Sporothrix luriei, Sporothrix pallida, …

Nấm Sporotrichum gây bệnh là một loài nấm lưỡng hình gây bệnh cho cả con người và động vật

Nấm Sporotrichum gây bệnh là một loài nấm lưỡng hình gây bệnh cho cả con người và động vật

Vi nấm tồn tại dưới dạng nấm sợi ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể người, và tồn tại dưới dạng nấm men ở 37 độ C trong cơ thể người. Sporotrichum tìm thấy trên toàn thế giới, tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau như đất, rêu, gỗ mục, cỏ khô, thảm thực vật khác,… và dễ dàng phát triển trong môi trường nuôi cấy thông thường tại phòng thí nghiệm.  Yếu tố độc lực chính của vi nấm là thành phần tế bào nấm.


Triệu chứng Nhiễm nấm Sporotrichum

Vi nấm có thể gây bệnh tại nhiều cơ quan, trong đó hay gặp tổn thương da và niêm mạc. Các thể bệnh có thể gặp trên lâm sàng do vi nấm bao gồm:

- Thể da bạch huyết: là thể bệnh hay gặp, liên quan đến việc tiếp xúc với vi nấm qua các vết thương, vết xước,… vùng da và niêm mạc. Sau khoảng 20 – 90 ngày, trên bề mặt da, đặc biệt ở các vùng da như như cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, xuất hiện tổn thương dạng gôm, cục sẩn nhỏ, nổi gờ trên bề mặt da. Tính chất thương tổn thường mọc trên đường bạch huyết; ban đầu cứng, không đau, thường di động; theo tiến triển thời gian thương tổn hóa mủ, bắt đầu từ bề mặt và trung tâm của gôm, sau đó lan ra xung quanh làm cho thương tổn mềm, không đau và không di động. Tính chất mủ không có kén ngòi giống viêm da mủ, số lượng mủ ít, hơi quánh, màu hơi vàng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cơ thể hình thành các ổ áp xe kích thước từ nhỏ đến lớn nằm sâu dưới da, ít khi tự vỡ. Triệu chứng đau thường biểu hiện nhẹ, các triệu chứng toàn thân như sốt cao, đau mỏi người, mệt mỏi,… thường không có.

- Thể tổn thương da: sau một thời gian dài nhiễm trùng do vi nấm tạo các tổn thương da mạn tính với tính chất sùi như hạt cơm, mụn cóc, đôi khi tạo các u kích thước to hơn, phân biệt với thể da bạch huyết với đặc điểm là không lan ra mạch bạch huyết.

Vi nấm tạo các tổn thương da mạn tính với tính chất sùi như hạt cơm

Vi nấm tạo các tổn thương da mạn tính với tính chất sùi như hạt cơm

- Thể tổn thương niêm mạc: vị trí niêm mạc hay gặp tổn thương nhất là niêm mạc mũi, miệng, họng,.. đôi khi chẩn đoán nhầm với nhiễm khuẩn do các vi khuẩn. Người bệnh thường có các thương tổn dạng u nhú, giống mụn cóc thường có mủ, sau tiến triển loét gây đau, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển.

- Thể bệnh ở xương khớp: các khớp tổn thương có thể từ một đến nhiều khớp, có hoặc không kèm theo tổn thương da, vị trí khớp hay gặp chủ yếu ở những khớp nhỡ như khớp khuỷu, gối, cổ tay, cổ chân, ít khi gặp ở khớp vai. Triệu chứng lâm sàng bao gồm đau, viêm khớp, cứng khớp, thoái hóa khớp, hạn chế vận động, … Viêm tủy xương ít gặp hơn, có thể liên quan đến khớp bị thương tổn; viêm gân, viêm bao hoạt dịch đã được báo cáo tuy nhiên hiếm gặp.

- Thể bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương: viêm màng não hiếm gặp, chủ yếu gặp ở đối tượng suy giảm miễn dịch nặng như HIV/AIDS,.. có thể trong bệnh cảnh của thể bệnh lan tỏa. Diễn biến viêm màng não thường mạn tính với biểu hiện không đặc hiệu như sốt, đau đầu kéo dài hàng tuần hàng tháng, biến đổi dịch não tủy tương tự nhiễm trùng do các vi nấm gây bệnh khác như tăng số lượng tế bào dịch não tủy trong đó chủ yếu là bạch cầu lympho, tăng nhẹ protein và giảm glucose,…

- Thể bệnh lan tỏa: ít gặp hơn, thường gặp trên những đối tượng suy giảm miễn dịch, với các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, khó chịu, sốt thất thường, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu, có thể tạo hang ở phổi, áp xe não, viêm màng não, viêm màng tim, tổn thương gan, tổn thương hệ bạch huyết,….

- Ở bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh thường biểu hiện nhiễm trùng nặng hơn, gặp các thể bệnh lan tỏa, khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.


Các biến chứng Nhiễm nấm Sporotrichum

Nhìn chung, tiên lượng nhiễm nấm Sporotrichum tương đối tốt nếu được chẩn đoán và điều trị đúng. Một số trường hợp bệnh lan tỏa có thể gây tổn thương nhiều cơ quan gây khó khăn cho điều trị và theo dõi. Một số biến chứng có thể gặp là: áp xe dưới da, viêm màng não, áp xe não, viêm và thoái hóa khớp, tổn thương gan, tạo hang tại phổi,…tái phát.


Đường lây truyền Nhiễm nấm Sporotrichum

Con người bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với bào tử nấm trong môi trường đất, gỗ mục, cỏ khô,… Khi da, niêm mạc bị xây xước, hoặc con người hít phải các bào tử nấm, vi nấm trong môi trường thuận lợi xâm nhập vào cơ thể người, lan truyền theo đường máu và đường bạch huyết, gây bệnh tại các cơ quan.

Đường lây nhiễm qua vết xước ở da

Đường lây nhiễm qua vết xước ở da

Đã ghi nhận sự lan truyền vi nấm gây bệnh qua một số loài động vật, trong đó thường liên quan đến các loài mèo.


Đối tượng nguy cơ Nhiễm nấm Sporotrichum

Vi nấm có thể tìm thấy nhiều nơi trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ, Nam Phi,… Ở Việt Nam, bệnh hay gặp hơn ở miền Bắc. Do vi nấm thường tìm thấy trong môi trường đất, rêu, gỗ mục nát, cỏ khô,… nên những người thường xuyên làm việc tiếp xúc với môi trường trên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, có yếu tố liên quan đến nghề nghiệp như người nông dân làm vườn, ruộng, người trồng và bán các loại hoa, làm việc tại các nông trường,… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên ít gặp ở trẻ nhỏ.

Người nông dân làm vườn, ruộng, người trồng và bán các loại hoa, làm việc tại các nông trường,…đễ bị nhiễm nấm

Ngoài ra, khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, cơ thể cũng có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn như người nghiện rượu, mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan,… bệnh nhân HIV/AIDS, …


Phòng ngừa Nhiễm nấm Sporotrichum

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là phòng bệnh không đặc hiệu: khi làm việc trong môi trường đất, tiếp xúc với xác động vật có nguy cơ nhiễm nấm cao,… cần thiết sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như ủng, găng tay,…; hạn chế các vết thương, vết xây xước trên da; không dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm,.. với người bệnh; vệ sinh môi trường và vệ sinh cơ thể tốt, đặc biệt các vùng da có nguy cơ cao nhiễm nấm như bàn chân, ngón chân, nách, cơ quan sinh dục; mặc quần áo thoải mái và lựa chọn chất liệu phù hợp; nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch,…


Các biện pháp chẩn đoán Nhiễm nấm Sporotrichum

Chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm vi sinh chẩn đoán căn nguyên. Các xét nghiệm đó là:

- Nhuộm soi vi nấm: bệnh phẩm dịch mủ, dịch áp xe,…, soi dưới kính thấy hình ảnh sợi nấm mảnh.

- Nuôi cấy vi nấm: kết quả dương tính là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán. Bệnh phẩm là dịch mủ, dịch áp xe, đờm, dịch cơ thể, bệnh phẩm mô trong môi trường nuôi cấy thường sử dụng là môi trường Sabouraud ở nhiệt độ phòng. Kết quả có thể trả lời sau 5 ngày đến vài tuần.

- Mô bệnh học: thấy hình ảnh u hạt và sinh mủ, bệnh phẩm nhuộm PAS thấy hình ảnh vi nấm đặc hiệu hình oval, hình điếu xì gà giúp chẩn đoán xác định.

- Phản ứng chuỗi polymerase (PCR): kỹ thuật mới, cần nghiên cứu thêm.

Xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm nấm Sporotrichum

Xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm nấm Sporotrichum

- Xét nghiệm huyết thanh học: không được sử dụng thường quy trong chẩn đoán bệnh nhiễm Sporotrichum. Tuy nhiên làm test da, dùng phản ứng ngưng kết bổ thể có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

Chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh như: thể da bạch huyết cần phân biệt với nhiễm trùng do Mycobacteria không điển hình, bệnh do Nocardia, nhiễm trùng do Leishmania,…; lao da, giang mai, nhiễm trùng do vi khuẩn, vi nấm khác,…


Các biện pháp điều trị Nhiễm nấm Sporotrichum

Các thuốc thường được sử dụng là: dung dịch iodua kali, nhóm Azole như Itraconazol,… và amphotericin B.

- Dung dịch iodua kali với liều tăng dần từ 2 - 4 – 6 – 12 gam trong ngày, thời gian nhiều tuần có thể chỉ định ở những bệnh nhân tổn thương da nhẹ. Một số tác dụng phụ của thuốc cần lưu ý như buồn nôn, phát ban, mùi vị khó uống, sốt và sưng tuyến nước bọt mang tai.

- Nhóm azole: Itraconazole đã được chứng minh có hiệu quả và được khuyến cáo chỉ định trong những trường hợp nhiễm trùng khu trú. Fluconazole, ketoconazole hiệu quả thường kém hơn so với Itraconazole. Posaconazole được chứng minh hiệu quả trên động vật, còn ít báo cáo hiệu quả trên động vật. Isavuconazole hiệu quả kém chống lại vi nấm này trong ống nghiệm, cần nghiên cứu thêm. Đối với trường hợp bệnh từ nhẹ đến trung bình, thường được sử dụng Itraconazole 200 mg x 1 – 2 lần/ngày trong ít nhất 12 tháng.

- Amphotericin B được chỉ định trong trường hợp tình trạng bệnh nặng hoặc nguy hiểm tính mạng. Thường dùng Amphotericin B liều 0,5 – 0,7 mg/kg/ ngày hoặc Ampholid liều 3 – 5 mg/kg/ ngày ( tác dụng phụ ít hoặc hơn so với amphotericin B). Khi người bệnh cải thiện lâm sàng, đáp ứng tốt, có thể chuyển sang phác đồ thuốc uống là Itraconazole 200 mg x 2 lần/ ngày, thường kéo dài ít nhất 1 năm, thậm chí lâu hơn tùy từng cá thể người bệnh. Ngoài ra, amphotericin B còn được chỉ định trong trường hợp viêm màng não trong khoảng 4 – 6 tuần, nếu cải thiện có thể chuyển sang phác đồ Itraconazole uống, duy trì ít nhất 12 tháng.

- Đối với bệnh nhân HIV/AIDS: lựa chọn thuốc kháng nấm tương tự đối với người không nhiễm HIV. Tuy nhiên thời gian điều trị có thể kéo dài hơn, cần chú ý tác dụng phụ của thuốc, tương tác thuốc với các thuốc kháng virus (ARV).

- Phụ nữ có thai: cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị thuốc kháng nấm. Trường hợp nặng thường được chỉ định dùng Amphotericin B liều 0,5 – 0,7 mg/kg/ ngày hoặc Ampholid liều 3 – 5 mg/kg/ ngày. Nhóm Azole thường ít khi được chỉ định ở phụ nữ có thai do tác dụng phụ trên thai nhi, đặc biệt 3 tháng đầu.

- Trẻ nhỏ: các thuốc kháng nấm tương tự đối với người lớn, tuy nhiên liều Itraconazole thường dùng từ 6 – 10 mg/kg/ngày, tối đa là 400 mg/ngày.


Tài liệu tham khảo:

1. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Sporotrichosis. 

2. Aung AK, Spelman DW. Pulmonary Sporotrichosis: An Evolving Clinical Paradigm. Semin Respir Crit Care Med. 2015;36(5):756. Epub 2015 Sep 23.

3. Queiroz-Telles F, Buccheri R. Sporotrichosis In Immunocompromised Hosts. J Fungi (Basel). 2019;5(1) Epub 2019 Jan 11.

4. Rudramurthy SM, Chakrabarti A. Sporotrichosis: Update on Diagnostic Techniques. Curr Fungal Infect Rep. 2017;11:134.

5. Tirado-Sánchez A, Bonifaz A. Sporotrichosis in Children: an Update. Curr Fungal Infect Rep. 2016;10(3):107.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.