Từ điển bệnh lý

Nhịp nhanh kịch phát trên thất : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 21-02-2025

Tổng quan Nhịp nhanh kịch phát trên thất

Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất (PSVT) là một loại rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ nút nhĩ thất (AV) trở lên và được xác định bởi phức bộ QRS hẹp (QRS < 120 mili giây) với tần số thường là trên 160 nhịp mỗi phút.

Trên lâm sàng khi nhắc đến cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thường có hai dạng là vòng vào lại nhĩ thất thông qua đường dẫn truyền phụ hoặc là các cơn tim nhanh trên thất có vòng vào lại ở nút nhĩ thất.

Một cơn PSVT có thể xuất hiện đột ngột và kết thúc đột ngột. 

Bệnh nhân nhịp nhanh kịch phát trên thất cần được tư vấn điều chỉnh lối sống kết hợp điều trị để giảm các triệu chứng của bệnh.

Bệnh nhân nhịp nhanh kịch phát trên thất thường có hồi hộp trống ngực

Dịch tễ

Tỷ lệ nhịp tim nhanh tái nhập nút nhĩ thất là 35 trên 10.000 người mắc mỗi năm hoặc 2,29 trên 1000 người và là nhịp tim nhanh phổ biến nhất ở người trẻ tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc PSVT kịch phát cao gấp hai lần so với nam giới và người lớn tuổi có nguy cơ cao gấp năm lần so với người trẻ tuổi. 

Những bệnh nhân nhi mắc bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ mắc PSVT cao hơn. Ở trẻ em dưới 12 tuổi, đường dẫn nhĩ thất phụ gây nhịp tim nhanh tái nhập là nguyên nhân phổ biến nhất gây PSVT.



Nguyên nhân Nhịp nhanh kịch phát trên thất

PSVT là một loại loạn nhịp nhĩ. Nó xảy ra khi có hoạt động điện bất thường ở tâm nhĩ. Điều này là do một vùng bị kích thích bất thường ở tâm nhĩ hoặc do một mạch ngắn trong tim khiến các tín hiệu điện rối loạn và di chuyển vòng quanh theo một mô hình tròn. Điều này khiến tâm nhĩ co bóp nhanh liên tục.

Giống như các loại loạn nhịp tim khác, PSVT có thể di truyền (yếu tố tiền sử gia đình) hoặc cũng có thể do:

  • Thiếu máu.
  • Mất nước.
  • Tiêu thụ đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine, thực phẩm có nhiều chất béo, đường hoặc carbohydrate có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh sau khi ăn.
  • Các loại thuốc có chứa pseudoephedrine trong điều trị thông mũi.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Đau tim hoặc phẫu thuật tim trước đó.
  • Bệnh tim:bệnh động mạch vành (CAD), suy tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Căng thẳng và rối loạn lo âu thường xuyên.
  • Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc mang thai xuất hiện hồi hộp trống ngực khá phổ biến, có thể giải thích là do các thay đổi về hormon.
  • Béo phì.
  • Hút thuốc lá.
  • Bệnh lý van tim.
  • Cường giáp.
  • Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW): là bẩm sinh, phát triển trong tử cung. Mặc dù xuất hiện từ khi sinh ra, nhịp tim nhanh do kết nối điện bất thường thường mất nhiều năm trước khi trở thành vấn đề. Hội chứng WPW thường quan sát thấy nhịp nhanh vòng vào lại nút nhĩ thất (AVRT).

  • Nhịp tim nhanh nhĩ.



Triệu chứng Nhịp nhanh kịch phát trên thất

Có thể chẩn đoán nhầm nhịp nhanh kịch phát trên thất thành cơn hoảng loạn.

Các triệu chứng có thể xuất hiện và mất đi đột ngột, thời gian khác nhau, có thể vài phút thậm chí vài giờ. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Người bệnh cảm giác lo lắng, khó chịu.
  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Nhịp tim đều nhưng nhanh thường trên 160 nhịp mỗi phút, bắt đầu và dừng lại đột ngột.
  • Đau tức ngực.
  • Hồi hộp đánh trống ngực mặc dù dù không có các yếu tố thay đổi về cảm xúc, tâm lý.
  • Chóng mặt, choáng.
  • Hụt hơi.
  • Ngất xỉu.


Người bệnh nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể ngất xỉu

Người bệnh nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể ngất xỉu



Các biến chứng Nhịp nhanh kịch phát trên thất

PSVT thường ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.

Biến chứng có thể liên quan đến thuốc điều trị hoặc đốt sóng cao tần, thủ thuật xâm lấn có thể có một số biến chứng ví dụ như:

  • Tụ máu.
  • Giả Phình động mạch.
  • Chảy máu.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Ngừng tim.



Phòng ngừa Nhịp nhanh kịch phát trên thất

  • Tránh rượu và caffeine. 
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Ngủ sớm, ngủ đủ giấc
  • Uống đủ nước.
  • Hạn chế lo âu và căng thẳng.
  • Tránh sử dụng thuốc như thuốc thông mũi có chứa pseudoephedrine.
  • Kiểm soát cân nặng, thừa cân, béo phì cần giảm cân một cách khoa học tốt nhất là dưới sự tư vấn của bác sĩ.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại hạt, ngũ cốc, cá, thịt gia cầm, hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt dê và thịt cừu), xúc xích, thịt hun khói, carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, bánh quy giòn), đồ uống có đường (như soda), đồ nướng.
  • Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu.
  • Bệnh nhân bị SVT tái phát mà không có hội chứng tiền kích thích có thể cần duy trì lâu dài bằng thuốc chẹn beta đường uống hoặc canxi để duy trì nhịp xoang. Bệnh nhân cần được tư vấn về cách tự thực hiện các thao tác cường phế vị để quản lý lâu dài nhịp nhanh kịch phát trên.


Duy trì một lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch



Các biện pháp chẩn đoán Nhịp nhanh kịch phát trên thất

Sau khi khám lâm sàng, bao gồm khai thác tiền sử người bệnh, hỏi các triệu chứng cơ năng, nghe tim, bác sĩ sẽ cần làm thêm thăm dò cận lâm sàng để chẩn đoán xác định như điện tâm đồ, x quang tim phổi, siêu âm tim và một số xét nghiệm máu cần thiết khác.

Vì PSVT là cơn kịch phát (thỉnh thoảng và đột ngột), ECG 12 chuyển đạo tại phòng khám có thể không phát hiện bất thường tại thời điểm khám. Để "bắt" được cơn, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân:

  • Đeo holter điện tâm đồ trong 24 giờ hoặc đeo liên tục trong 7 ngày để ghi lại nhịp tim theo thời gian.
  • Thiết bị theo dõi sự kiện: máy điện tâm đồ cầm tay mà người bệnh đeo trong một hoặc hai tháng, chỉ ghi lại khi được kích hoạt bởi nhịp tim bất thường hoặc khi bạn kích hoạt thủ công.
  • Máy ghi vòng lặp cấy ghép: một máy theo dõi sự kiện nhỏ được cấy dưới da phần ngực và người bệnh có thể theo dõi trong nhiều năm để ghi lại các sự kiện hiếm khi xảy ra.
  • Tuy nhiên, xét nghiệm cuối cùng của PSVT là thăm dò điện sinh lý (EP). Xét nghiệm này không chỉ chẩn đoán tình trạng mà còn xác định nguyên nhân chính xác. Xét nghiệm EP chẩn đoán luôn được thực hiện trước khi triệt đốt rối loạn nhịp qua ống thông, thường là một phần của cùng một quy trình. Khi bệnh nhân được gây mê nhẹ, một số dây mềm, hẹp được luồn qua tĩnh mạch và hướng đến tim. Các dây mảnh bên trong ống thông có thể giúp xác định chính xác bất kỳ khu vực nào bên ngoài nút xoang tạo ra tín hiệu điện, sau đó loại bỏ chúng bằng cách cắt đốt qua ống thông.
  • Chẩn đoán phân biệt
  • Cơn hoảng loạn thường dễ bị chẩn đoán nhầm với nhịp nhanh kịch phát trên thất.
  • Nhịp tim nhanh xoang.
  • Nhịp tim nhanh thất.
  • Nhịp tim nhanh bộ nối.
  • Rung nhĩ.
  • Cuồng nhĩ.



Các biện pháp điều trị Nhịp nhanh kịch phát trên thất

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ cần đánh giá huyết động của bệnh nhân, bao gồm các dấu hiệu hạ huyết áp, thiếu oxy, đau ngực, khó thở, sốc, tưới máu cơ quan đích kém và rối loạn tri giác. 

Bệnh nhân có rối loạn về huyết động bác sĩ cần cân nhắc dùng máy khử rung tim để chuyển nhịp đồng bộ ngay.

Nếu bệnh nhân huyết động ổn định, có thể tiến hành một số biện pháp sau:

- Các thủ thuật cường phế vị: có tác dụng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, bao gồm nghiệm pháp Valsalva và xoa xoang cảnh. Các thủ thật này giúp làm chậm quá trình hình thành xung động ở nút xoang, chậm dẫn truyền ở nút nhĩ thất, kéo dài thời gian trơ của nút AV và làm giảm co bóp thất. Các nghiệm pháp này đều cần được nhân viên y tế hướng dẫn kỹ để tránh xảy ra các tai biến không mong muốn.

  • Nghiệm pháp Valsalva: Người bệnh cần hít thở thật sâu sau đó thở ra thật mạnh, đóng nắp thanh môn làm khí không ra ngoài, cần giữ khoảng 10-15 giây. Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, chườm đá lên mặt có thể gây ra phản ứng phế vị tương tự. 

  • Xoa xoang cảnh: đặt bệnh nhân nằm ngửa với cổ duỗi ra, và ấn vào một xoang động mạch cảnh trong khoảng 10 giây. Xoa xoang cảnh chống chỉ định ở những bệnh nhân có tiếng thổi động mạch cảnh, hoặc những người đã từng bị thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc tai biến mạch máu não trong ba tháng qua. Xoa bóp động mạch cảnh không được chỉ định ở trẻ em hoặc trẻ sơ sinh.
  • Ấn nhãn cầu: Mặc dù có thể gây ra phản ứng phế vị, nhưng không khuyến khích vì có thể dẫn đến vỡ nhãn cầu nếu dùng lực quá mạnh.

Nghiệm pháp Valsalva 

Nếu các thao tác kích thích phế vị không hiệu quả, cần điều trị bằng các thuốc cắt cơn, bao gồm:

  • Adenosine: chuyển hóa nhanh ở ngoại vi, do đó phải được đưa vào cơ thể nhanh qua đường tĩnh mạch lớn, lý tưởng nhất là ngoại vi. Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch là 6 mg (liều nhi khoa 0,1 mg/kg, tối đa là 6 mg). Nếu liều khởi đầu không có hiệu quả, có thể lặp lại 1 đến 2 lần liều adenosine 12mg (liều nhi khoa 0,2 mg/kg và tối đa là 12 mg). Mỗi liều adenosine cần được rửa sạch nhanh bằng 10 mL đến 20 mL dung dịch nước muối sinh lý. Nếu bệnh nhân hiện đang dùng carbamazepine hoặc dipyridamole, truyền adenosine bằng đường tĩnh mạch trung tâm, bệnh nhân ghép tim thì bác sĩ cần cân nhắc giảm liều adenosine xuống còn 3 mg. Nếu adenosine không có hiệu quả, các thuốc điều trị thay thế bao gồm: diltiazem, verapamil, chẹn beta giao cảm, Amiodarone, Dronedarone, Digitalis.

  • Diltiazem liều 0,25mg/kg đường tĩnh mạch, sau 15-30 phút nếu cần có thể tăng liều lên 0,35mg/kg và sau đó truyền tĩnh mạch liều lượng 5-15mg mỗi giờ.

  • Verapamil (Isoptin - ống 5mg): liều lượng 2,5mg/lần, tiêm tĩnh mạch chậm trong 2 đến 3 phút, sau 15 đến 30 phút nếu cần có thể tiêm thêm các liều 2,5mg mỗi lần 
  • Esmolol (liều nạp tĩnh mạch 0,5 mg/kg, sau đó là 0,5 mg/kg/phút cho đến 0,2 mg/kg/phút, sẽ cần lặp lại liều bolus cho mỗi lần tăng liều).
  • Metoprolol (2,5 mg đến 5 mg tĩnh mạch sau mỗi hai đến năm phút, không quá 15 mg trong 10 đến 15 phút). 

  • Propranolol: liều dùng là 0.15mg/kg, trong khoảng thời gian hai phút
  • Amiodarone: liều 5mg/kg truyền tĩnh mạch nhanh trong khoảng 60 phút bằng cách pha 2 ống amiodaron (300mg) trong 100 đến 150 mL huyết thanh đẳng trương (người lớn)
  • Dronedarone: tương tự Amiodarone, liều dùng 400mg/12 giờ.
  • Digitalis: Digoxin liều 0,5mg tiêm tĩnh mạch, có thể cho lại sau 4 đến 6 giờ nếu cần hoặc sau đó 0,25 - 0,125 mg cứ 2 đến 4 giờ một lần. Tổng liều 1- 1,25mg/ngày. Đặc biệt điều trị trên bệnh nhân có kèm theo suy tim.

Các biện pháp trên không hiệu quả, bệnh nhân cần được sốc điện để chuyển nhịp.

- Phá hủy qua ống thông: được coi là liệu pháp đầu tay cho PSVT vì tính an toàn và có hiệu quả tốt. Thường thì hợp lý hơn khi tiến hành phá hủy qua ống thông trực tiếp thay vì thử dùng thuốc trước.

Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, thầy thuốc cần xác định rõ nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ để đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp cho người bệnh. Tình trạng rối loạn nhịp này đa phần không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân có kèm theo nhiều bệnh lý tim mạch thì tình trạng nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể góp phần làm nặng bệnh thêm thậm chí ngừng tim. Duy trì một lối sống lành mạnh cũng như thói quen khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm các bệnh lý nếu có để có biện pháp điều trị sớm tránh tối đa các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng. 

Hãy liên hệ ngay từ hôm nay qua tổng đài 1900 56 56 56  của MEDLATEC.



Tài liệu tham khảo:

  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22232-paroxysmal-supraventricular-tachycardia-psvt
  • https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/paroxysmal-supraventricular-tachycardia
  • https://medlineplus.gov/ency/article/000183.htm
  • https://timmachhoc.vn/chan-doan-va-dieu-tri-ban-dau-loan-nhip-nhanh-tren-that-qrs-hep/
  • https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/catheter-ablation
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441972/#:~:text=The%20differential%20diagnosis%20includes%20sinus,flutter%2C%20or%20multi%20atrial%20tachycardia.
  • http://benhvientanphu.vn/Image/Picture/phac%20do%20dieu%20tri/Hoi%20suc%20cap%20cuu/12%20NH%E1%BB%8AP%20NHANH%20K%E1%BB%8ACH%20PH%C3%81T%20TR%C3%8AN%20TH%E1%BA%A4T%20-%20BV%20115.pdf


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ