Từ điển bệnh lý

Phình động mạch chủ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 06-03-2025

Tổng quan Phình động mạch chủ

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy dọc từ tim xuống bụng, động mạch chủ đi qua đoạn bụng thì có tên là động mạch chủ bụng. 

Phình động mạch chủ bụng (Abdominal aortic aneurysm - AAA) là tình trạng động mạch chủ giãn to ta, chỉ khu trú ở một đoạn động mạch chủ bụng với đường kính chỗ phình lớn hơn 1,5 lần đường kính so với bình thường. Chỗ phình động mạch chủ bụng có thể lớn dần theo thời gian dẫn đến vỡ, khi đó người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn. 

Một đoạn động mạch chủ bụng có đường kính lớn hơn 3,0 cm được coi là phình. Khoảng 80% phình động mạch chủ bụng xảy ra giữa động mạch thận và chỗ chia đôi động mạch chủ. Phình động mạch chủ bụng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 14 tại Hoa Kỳ. 

Phân loại phình động mạch chủ bụng 

  • Theo kích thước:
  • Phình nhỏ: Đường kính < 40 mm.
  • Phình trung bình: Đường kính 40 - 55 mm.
  • Phình lớn: Đường kính > 55 mm.
  • Phình rất lớn: Đường kính ≥ 60 mm.
  • Theo vị trí:
  • Phình động mạch (ĐM) chủ đoạn trên thận: Khối phình bao gồm một hoặc nhiều mạch tạng nhưng không lan lên trên cơ hoành.
  • Phình ĐM chủ đoạn quanh thận: Khối phình nằm quanh vị trí xuất phát của ĐM thận nhưng không có tổn thương ĐM mạc treo tràng trên kèm theo.
  • Phình ĐM chủ đoạn dưới thận: Khối phình xuất phát dưới chỗ chia ĐM thận.



Nguyên nhân Phình động mạch chủ

Nguyên nhân phình động mạch chủ bụng thường liên quan đến sự suy yếu và thoái hóa của thành động mạch theo thời gian. Một số yếu tố dẫn đến sự thoái hóa thành động mạch có thể biết đến như: 

  • Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis): Đây là nguyên nhân chính gây phình động mạch chủ bụng. Mảng xơ vữa hình thành từ cholesterol và chất béo lắng đọng trên thành mạch máu, gây tổn thương và làm thành động mạch yếu dần.
  • Tăng huyết áp (Hypertension): Huyết áp cao kéo dài gây áp lực lớn lên thành động mạch, dẫn đến tổn thương và giãn động mạch.
  • Hút thuốc lá: Nicotine và các hóa chất trong thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc động mạch, làm yếu thành mạch và tăng nguy cơ xơ vữa.
  • Lão hóa: Tuổi tác càng cao, các sợi collagen và elastin trong thành động mạch càng mất đi tính đàn hồi, khiến động mạch dễ bị giãn hoặc tổn thương.
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc phình động mạch chủ bụng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số hội chứng di truyền (như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos) làm suy yếu cấu trúc mô liên kết của thành động mạch.
  • Viêm nhiễm và tổn thương mạch máu: Viêm động mạch, nhiễm trùng động mạch, chấn thương động mạch. 
  • Bất thường bẩm sinh: Động mạch chủ yếu hoặc có dị dạng từ khi sinh.



Triệu chứng Phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ bụng thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình hay rõ ràng để nhận biết trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi chỗ phình lớn dần hoặc có biến chứng, có thể xuất hiện những triệu chứng sau: 

  • Đau bụng hoặc đau lưng âm ỉ: Đau liên tục, không giảm khi nghỉ ngơi, thường ở vùng bụng dưới hoặc lưng. Cơn đau có thể lan ra hông hoặc chân.
  • Cảm giác đập thình thịch trong bụng: Một số người bị phình động mạch cảm nhận được nhịp đập mạnh bất thường ở vùng giữa bụng (gần rốn), đặc biệt khi nằm ngửa.

Triệu chứng khi túi phình lớn hoặc sắp vỡ

  • Đau dữ dội và đột ngột: Đau bụng hoặc đau lưng xuất hiện đột ngột, dữ dội, có thể lan ra các vùng khác như ngực, mông hoặc chân.
  • Khối u mạch đập: Trong một số trường hợp, có thể sờ thấy khối u phồng lên ở bụng dưới kèm theo cảm giác mạch đập.

 Triệu chứng khi vỡ phình động mạch

  • Đau bụng dữ dội, không thể chịu đựng.
  • Sốc xuất huyết: Huyết áp tụt, mạch nhanh, mất ý thức.
  • Xuất huyết nội tạng: Gây tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp thời.

 Khi nào nên đi khám bác sĩ?

  • Đau bụng hoặc đau lưng kéo dài, nhất là ở người trên 60 tuổi, có tiền sử hút thuốc hoặc tăng huyết áp.
  • Khi phát hiện cảm giác mạch đập bất thường trong bụng.

Đau bụng hoặc đau lưng kéo dài, nhất là ở nam giới trên 60 tuổi khả năng rất cao là triệu chứng của phình động mạch chủ bụng Đau bụng hoặc đau lưng kéo dài, nhất là ở nam giới trên 60 tuổi khả năng rất cao là triệu chứng của phình động mạch chủ bụng 



Các biến chứng Phình động mạch chủ

  • Vỡ phình động mạch chủ bụng: Phình động mạch chủ bụng tiến triển với tốc độ trung binh 1-6mm/ năm. Ở những người có yếu tố nguy cơ như nghiện thuốc lá, rượu bia thì khối phình tiến triển nhanh hơn. Nguy cơ vỡ tăng lên nếu đường kính khối phình trên 5,5 cm hoặc tốc độ giãn nhiều hơn 5mm trong vòng 6 tháng. Khi động mạch chủ bụng vỡ phình thì cần phải được phẫu thuật cấp cứu càng nhanh càng tốt để bảo toàn tính mạng của người bệnh. 
  • Chèn ép các cấu trúc xung quanh: Khi túi phình lớn, có thể chèn ép các cơ quan và mạch máu lân cận gây ứ nước ở thận (chèn ép niệu quản), phù chi dưới (chèn ép tĩnh mạch chủ dưới), đau bụng hoặc đau lưng (chèn ép dây thần kinh hoặc cơ quan gần động mạch). 
  • Nhiễm trùng túi phình: Phình động mạch có thể bị nhiễm trùng, thường do vi khuẩn.
  • Huyết khối trong túi phình: Huyết khối có thể bong ra, gây thuyên tắc mạch ở các chi dưới hoặc cơ quan khác.





Đối tượng nguy cơ Phình động mạch chủ

Nguy cơ phình động mạch chủ bụng tăng đáng kể khi có các yếu tố sau: 

  • Tuổi trên 60: Nguy cơ mắc phình động mạch chủ bụng tăng đáng kể sau 60 tuổi. Phình động mạch đường kính lớn hơn 4cm xuất hiện ở khoảng 1% nam giới trong độ tuổi từ 55 đến 64 và tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 2% đến 4% mỗi thập kỷ sau đó.
  • Hút thuốc: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu, đặc biệt ở nam giới. Hút thuốc lá được phát hiện là một yếu tố nguy cơ chính gây ra phình động mạch. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ có liên quan chặt chẽ nhất với phình động mạch chủ bụng. Nguy cơ mắc bệnh có liên quan trực tiếp đến số năm hút thuốc lá và mối liên quan này giảm dần sau khi cai thuốc lá. 
  • Tăng huyết áp cũng được phát hiện có liên quan đến bệnh phình động mạch. 
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh là một yếu tố tiềm ẩn làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Tiền sử gia đình có người thân đã từng phẫu thuật để điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ lên gấp bốn lần

Do đó, hướng dẫn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American College of Cardiology) ban hành năm 2005 khuyến cáo rằng:

  • Nam giới từ 60 tuổi trở lên là anh chị em ruột hoặc con của bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng nên được khám sức khỏe và sàng lọc siêu âm để phát hiện bệnh sớm (nếu có). 
  • Nam giới từ 65 đến 75 tuổi đã từng hút thuốc nên được khám sức khỏe và sàng lọc siêu âm một lần để phát hiện bệnh phình động mạch. 

Hiệp hội phẫu thuật mạch máu Canada (The Canadian Society for Vascular Surgery) khuyến cáo nên sàng lọc cho nam giới từ 65 đến 75 tuổi, nên sàng lọc riêng cho những phụ nữ có nhiều yếu tố nguy cơ (hút thuốc, bệnh mạch máu não và tiền sử gia đình).

Nam giới từ 65 đến 75 tuổi đã từng hút thuốc nên được khám sức khỏe và sàng lọc siêu âm một lần để phát hiện bệnh phình động mạch

Nam giới từ 65 đến 75 tuổi đã từng hút thuốc nên được khám sức khỏe và sàng lọc siêu âm một lần để phát hiện bệnh phình động mạch



Phòng ngừa Phình động mạch chủ

Phòng ngừa phình động mạch chủ bụng dựa vào việc loại bỏ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh: 

  • Hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá không những giảm được nguy cơ mắc bệnh phình động mạch chủ bụng mà còn dự phòng được nhiều bệnh lý về tim mạch khác. 
  • Kiểm soát huyết áp: Tuân thủ chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp của bác sĩ nhằm duy trì huyết áp ổn định, sẽ giúp bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa giãn nở gây yếu thành mạch. 
  • Quản lý mỡ máu và cholesterol: Giảm chất béo bão hòa, mỡ động vật. Tăng cường ăn rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và cá để bảo vệ thành động mạch. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì chế độ ăn uống cân đối và tập luyện đều đặn để giữ cân nặng khỏe mạnh.
  • Khám bệnh định kỳ: Nam giới trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc, người có tiền sử gia đình bị phình động mạch nên khám bệnh định kỳ mỗi 6 tháng và siêu âm bụng giúp phát hiện sớm phình động mạch chủ bụng ngay cả khi chưa có triệu chứng.
  • Lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên (các bài tập như đi bộ, bơi lội giúp cải thiện sức khỏe tim mạch), hạn chế rượu bia và chất kích thích, giảm căng thẳng tâm lý,... đều rất tốt cho hệ tim mạch.



Các biện pháp chẩn đoán Phình động mạch chủ

Chẩn đoán phình động mạch chủ bụng cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và chủ yếu là các cận lâm sàng liên quan. 

Triệu chứng lâm sàng 

  • Thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình. 
  • 30% bệnh nhân sờ thấy khối phình đập ở bụng.
  • Dấu hiệu Debakey dương tính: Còn đưa được bàn tay vào dưới sườn để thấy cực trên của khối phình, gợi ý phình ĐM chủ bụng dưới thận.
  • Đau lưng âm ỉ. 
  • Vỡ phình ĐM chủ bụng: đau bụng dữ dội, đột ngột, dấu hiệu sốc mất máu nếu tình trạng chảy máu không được kiểm soát.

 Cận lâm sàng 

  • Siêu âm mạch máu ổ bụng: Độ nhạy 98%, độ đặc hiệu 99% trong phát hiện phình ĐM chủ bụng và đánh giá đường kính khối phình. 
  • CT Scan (có cản quang): Xác định chính xác kích thước, hình dạng và mức độ lan rộng của phình động mạch, đặc biệt cần thiết khi lập kế hoạch phẫu thuật.

 Chẩn đoán xác định 

Phình động mạch chủ bụng được xác định khi:

  • Đường kính động mạch chủ >3 cm.
  • Tăng kích thước nhanh (≥0,5 cm/năm)



Các biện pháp điều trị Phình động mạch chủ

Điều trị phình động mạch chủ bụng bao gồm theo dõi không xâm lấn và can thiệp phẫu thuật nếu khối phình to, dọa vỡ. 

 Theo dõi 

  • Có thể theo dõi định kỳ nếu đường kính khối phình < 55mm hoặc tốc độ tiến triển < 10mm/năm
  • Đường kính khối phình 25 - 29 mm: Theo dõi bằng siêu âm 4 năm 1 lần
  • Đường kính khối phình 30 - 39 mm: Theo dõi bằng siêu âm 3 năm 1 lần
  • Đường kính khối phình 40 - 44 mm: Theo dõi bằng siêu âm 2 năm 1 lần
  • Đường kính khối phình > 45mm: Theo dõi bằng siêu âm mỗi năm 1 lần.

 Kiểm soát yếu tố nguy cơ

  • Hút thuốc là làm tăng nhanh kích thước khối phình gấp hai lần so với người đã bỏ hoặc không hút thuốc.
  • Thay đổi chế độ ăn và lối sống giúp làm giảm sự phát triển của khối phình động mạch chủ bụng.
  • Điều trị ổn định các bệnh lý nền: Tăng huyết áp bằng thuốc ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi,...
  • Kiểm soát tốt lipid máu.

Điều trị nội khoa đối với các khối phình ĐM chủ bụng nhỏ nhằm: ngăn ngừa các biến cố tim mạch, hạn chế tăng kích thước khối phình ĐM chủ bụng và chuẩn bị bệnh nhân một cách tối ưu để giảm rủi ro khi can thiệp, phẫu thuật khi có chỉ định. Những bệnh nhân này đều có nguy cơ biến cố tim mạch rất cao, vì vậy tất cả các biện pháp phòng ngừa biến cố tim mạch thứ phát đều phải được áp dụng. 

Can thiệp phẫu thuật

  • Khi đường kính khối phình > 55mm hoặc tốc độ tiến triển > 10mm/năm. Bệnh nhân có các triệu chứng đau bụng, đau lưng dữ dội. 
  • Phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng nhân tạo.
  • Can thiệp nội mạch (EVAR) đặt stent graft qua động mạch đùi để che phủ túi phình. 
  • Xử trí phình ĐM chủ bụng vỡ hoặc doạ vỡ

Bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ bụng thường có biểu hiện đau bụng hoặc đau lưng dữ dội và khối u bụng đập. Vỡ phình động mạch thường gây hạ huyết áp nghiêm trọng do đó cần được cấp cứu nhanh chóng. 

  • Phình ĐM chủ bụng vỡ: phẫu thuật cấp cứu là chỉ định tuyệt đối.
  • Phình ĐM chủ bụng doạ vỡ: phẫu thuật cấp cứu hoặc đặt Stent Graft cấp cứu.

Đặt stent graft trong trường hợp cấp cứu dọa vỡ khối phình động mạch chủ bụng

Đặt stent graft trong trường hợp cấp cứu dọa vỡ khối phình động mạch chủ bụng 

Đa số các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ trên phim chụp X quang hoặc người bệnh đến trong tình trạng cấp cứu do vỡ phình động mạch. Do đó, đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao cần chủ động thăm khám bệnh định kỳ và đặc biệt phải báo ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu nghi ngờ kể trên. Bạn đọc có thể đặt lịch thăm khám với bác sĩ Tim mạch thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được khám sức khỏe và sàng lọc bệnh phình động mạch chủ bụng. 



Tài liệu tham khảo:

  1. https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/7831/6912
  2. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3076160/
  3. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3076160/
  4. https://www.researchgate.net/publication/367906653_NGHIEN_CUU_DAC_DIEM_LAM_SANG_CAN_LAM_SANG_VA_KET_QUA_SOM_DIEU_TRI_PHINH_DONG_MACH_CHU_BUNG_DUOI_THAN_BANG_CAN_THIEP_NOI_MACH
  5. https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/phinh-dong-mach-chu-bung-nhung-dieu-can-biet-145.html
  6. Giáo trình Nội khoa trường Đại học Y Dược Huế 
  7. Sách lâm sàng tim mạch học (Phiên bản 2-2024) Nhà xuất bản Y Học


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ