Từ điển bệnh lý

Rối loạn cương dương : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-04-2025

Tổng quan Rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương (Erectile Dysfunction) là tình trạng nam giới không có khả năng đạt hoặc duy trì sự cương cứng đủ để thỏa mãn trong quan hệ tình dục. Trình trạng này diễn ra trong ít nhất 3 tháng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm lý của bệnh nhân. 

Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn tình dục phổ biến nhất ở nam giới, với tỷ lệ mắc tăng dần theo độ tuổi, từ 3% ở nam giới dưới 40 tuổi đến 50% ở nam giới từ 40-70 tuổi và có thể lên đến 70% ở những người trên 70 tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm mạch máu, thần kinh, nội tiết, tâm lý hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh lý khác. Việc nhận biết và chẩn đoán bệnh sớm là cần thiết để nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn tình dục phổ biến nhất ở nam giới

Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn tình dục phổ biến nhất ở nam giới



Nguyên nhân Rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là hậu quả của nhiều yếu tố tác động đến cơ chế cương cứng của dương vật, bao gồm hệ mạch máu, thần kinh, nội tiết, tâm lý và tác động của thuốc hoặc chất kích thích. Việc xác định chính xác nguyên nhân giúp lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân do mạch máu: Cơ chế cương dương phụ thuộc chủ yếu vào sự giãn nở của các mạch máu trong thể hang, giúp tăng lưu lượng máu đến dương vật. Các bệnh lý mạch máu có thể làm giảm dòng máu đến cơ quan này, gây rối loạn cương, cụ thể: 

Xơ vữa động mạch: là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm 50-70% các trường hợp rối loạn cương dương ở nam giới trên 50 tuổi. Xơ vữa động mạch làm hẹp lòng mạch, giảm lượng máu đến thể hang, dẫn đến sự cương dương không hoàn toàn hoặc mất khả năng cương cứng.

Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tổn thương nội mạc mạch máu, giảm sản xuất nitric oxide, một chất giãn mạch quan trọng trong quá trình cương dương. Ngoài ra, thuốc điều trị tăng huyết áp, đặc biệt là thuốc thuộc nhóm chẹn beta giao cảm và lợi tiểu, cũng có thể gây ra tình trạng này.

Biến chứng mạch máu do đái tháo đường: Nam giới mắc đái tháo đường có nguy cơ rối loạn cương dương cao gấp 2-3 lần so với người không mắc. Tăng đường huyết kéo dài gây tổn thương vi mạch và dây thần kinh kiểm soát cương dương, làm suy giảm chức năng tình dục.

Suy tĩnh mạch dương vật: Ở một số trường hợp, máu không được giữ lại trong thể hang do bất thường ở hệ tĩnh mạch thoát máu, khiến dương vật không thể duy trì sự cương cứng lâu dài.

Nguyên nhân do thần kinh: Quá trình cương dương được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, do đó các tổn thương thần kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng cương:

Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm không kiểm soát tốt hoặc nghiện rượu mạn tính. Tổn thương thần kinh làm gián đoạn tín hiệu từ não bộ đến dương vật, dẫn đến rối loạn cương dương.

Chấn thương tủy sống: là nguyên nhân quan trọng gây rối loạn cương ở nam giới trẻ tuổi, đặc biệt trong các trường hợp chấn thương vùng thắt lưng – cùng. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào mức độ chấn thương, nhưng đa phần khó hồi phục về trạng thái bình thường. 

Phẫu thuật vùng chậu: Các can thiệp như cắt bỏ tuyến tiền liệt do ung thư, phẫu thuật đại trực tràng hoặc cắt bỏ bàng quang có thể làm tổn thương dây thần kinh điều khiển cương dương, dẫn đến rối loạn cương dương tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Bệnh lý thoái hóa thần kinh: Bệnh Parkinson, Alzheimer có thể làm suy giảm phản xạ cương thông qua ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật. Bệnh lý gây suy giảm dẫn truyền thần kinh toàn hệ thống cơ thể không chỉ mỗi dương vật.

Nguyên nhân do nội tiết: Hormon đóng vai trò quan trọng trong điều hòa ham muốn và khả năng cương dương. Những bất thường về nội tiết có thể dẫn đến bệnh lý này:

Giảm testosterone: Testosterone thấp có thể làm giảm ham muốn tình dục và ảnh hưởng đến khả năng cương của dương vật. Sự suy giảm testosterone có thể do tuổi tác, bệnh lý tuyến yên hoặc suy tinh hoàn nguyên phát.

Tăng prolactin: Do u tuyến yên hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc, gây ức chế sản xuất testosterone, làm giảm ham muốn và khả năng cương.

Rối loạn tuyến giáp: Cường giáp và suy giáp đều có thể liên quan đến rối loạn cương, do ảnh hưởng đến chuyển hóa hormone sinh dục nam.

Nguyên nhân do tâm lý

Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong cơ chế cương dương, đặc biệt ở nam giới trẻ tuổi.

Lo âu, trầm cảm: Trầm cảm có liên quan đến giảm sản xuất dopamin và serotonin, đây là các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong quá trình cương dương.

Căng thẳng kéo dài: Stress làm tăng nồng độ cortisol, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng đến phản xạ cương của dương vật.

Áp lực tâm lý trong quan hệ tình dục: Gặp ở nam giới trẻ, đặc biệt trong lần quan hệ đầu tiên hoặc khi có sự kỳ vọng quá cao. Một số trường hợp, đối tác có những tác động, kích thích không phù hợp có thể khiến quá trình cương dương gặp khó khăn. Đa phần, rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý chỉ xuất hiện vài lần nhưng có thể tiến triển thành rối loạn cương thực thể nếu lo âu kéo dài do không có sự hiểu rõ về rối loạn.

Nguyên nhân do thuốc và chất kích thích: Một số loại thuốc và chất kích thích có thể ảnh hưởng đến khả năng cương dương như thuốc điều trị tăng huyết áp (nhóm chẹn beta giao cảm và lợi tiểu có thể làm giảm lưu lượng máu đến dương vật), thuốc chống trầm cảm (nhóm SSRIs có thể gây ức chế chức năng tình dục, làm giảm ham muốn và khả năng cương), thuốc chống loạn thần có thể ảnh hưởng đến hệ dopamine, làm suy giảm phản xạ tình dục. Các chất kích thích như rượu gây suy giảm chức năng gan, ảnh hưởng đến chuyển hóa testosterone và ức chế hệ thần kinh trung ương. Thuốc lá làm co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến dương vật, là yếu tố nguy cơ quan trọng gây rối loạn cương dương ở nam giới hút thuốc lâu năm. Ngoài ra, ma túy (cocaine, heroin, cần sa) là những chất ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và làm suy giảm phản xạ của dương vật.

Stress kéo dài có thể gây rối loạn cương dương

Stress kéo dài có thể gây rối loạn cương dương



Phòng ngừa Rối loạn cương dương

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp làm tổn thương mạch máu nhỏ ở dương vật, gây rối loạn cương. Nam giới nên duy trì huyết áp < 130/80 mmHg bằng cách hạn chế muối (< 5g/ngày), ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ, tránh thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, kiểm soát tốt đường huyết.

Ăn uống lành mạnh: thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tuần hoàn máu và nội tiết tố. Ăn đủ các chất chống oxy hóa như rau xanh, cà chua, việt quất giúp giảm viêm và cải thiện chức năng nội mô; axit béo omega-3 có trong cá hồi, quả óc chó giúp cải thiện tuần hoàn; L-arginine có trong hạnh nhân, hạt bí, thịt gà giúp tăng sản xuất nitric oxide (NO), cải thiện cương dương. Thực phẩm nên tránh như đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn (tăng nguy cơ xơ vữa động mạch), rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích.

Tập thể dục thường xuyên: Lựa chọn loại hình thể dục phù hợp (đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe) giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm nguy cơ rối loạn cương dương. Tập các bài tập Kegel giúp tăng cường cơ sàn chậu, hỗ trợ duy trì cương.

Kiểm soát căng thẳng và sức khỏe tâm lý: thực hiện các biện pháp giúp giảm stress như tập yoga, thiền, hít thở sâu. Ngủ đủ giấc trong ngày và thường xuyên trao đổi, tâm sự với người thân để giải tỏa căng thẳng.

Thực hiện đời sống tình dục lành mạnh: Việc duy trì tần suất quan hệ tình dục hợp lý giúp cải thiện lưu thông máu đến dương vật, cải thiện chức năng cương dương và hạn chế nguy cơ suy giảm ham muốn tình dục. Quan hệ tình dục chung thủy giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chức năng cương dương. Ngoài ra, tránh lạm dụng nội dung khiêu dâm và thủ dâm quá mức. Thói quen này có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương do giảm nhạy cảm với kích thích thực tế và ảnh hưởng đến tâm lý tình dục. Việc giao tiếp cởi mở với bạn đời cũng rất quan trọng. Sự thấu hiểu và chia sẻ với bạn đời giúp giảm căng thẳng và tạo sự thoải mái trong đời sống tình dục.

Khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc sớm: Nam giới trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ cao nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Nếu có dấu hiệu rối loạn cương dương sớm, nên đi khám để có hướng điều trị kịp thời.

Thực hiện lối sống tình dục lành mạnh giúp dự phòng rối loạn cương dương

Thực hiện lối sống tình dục lành mạnh giúp dự phòng rối loạn cương dương



Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn cương dương

Chẩn đoán rối loạn cương dương không chỉ giúp xác định tình trạng rối loạn mà đồng thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh mạch máu, đái tháo đường, suy giảm nội tiết tố và rối loạn tâm lý.

Hỏi bệnh lâm sàng: 

Khai thác bệnh sử:

Bác sĩ sẽ khai thác quá trình bệnh lý của bệnh nhân thông qua các câu hỏi. Một số câu hỏi quan trọng gồm:

+ Thời gian khởi phát: Xuất hiện từ từ hay đột ngột? Khởi phát đột ngột, dao động theo hoàn cảnh thường do nguyên nhân tâm lý

+ Mức độ rối loạn: Không thể cương hoàn toàn hay mất dần khả năng duy trì cương? Mất cương từ từ, tiến triển dần có thể từ nguyên nhân thực thể (mạch máu, thần kinh, nội tiết).

+ Tình huống xảy ra triệu chứng: dấu hiệu cương buổi sáng có còn không? Có cương khi thủ dâm không? Nếu có thì có thể do yếu tố tâm lý, ngược lại thì tìm kiếm bất thường thực thể.

+ Tình trạng xuất tinh: có kèm theo xuất tinh sớm, xuất tinh muộn hoặc không xuất tinh không?

+ Ham muốn tình dục: giảm ham muốn có thể liên quan đến suy sinh dục.

Khai thác yếu tố nguy cơ:

+ Tiền sử mắc các bệnh lý mạch máu (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu), bệnh lý thần kinh (chấn thương tủy sống, đột quỵ, bệnh Parkinson), bệnh nội tiết (Giảm testosterone, tăng prolactin, rối loạn tuyến giáp).

+ Tiền sử phẫu thuật vùng chậu: Cắt tuyến tiền liệt, phẫu thuật bàng quang, trực tràng.

+ Dùng thuốc điều trị bệnh lý khác như thuốc chống trầm cảm (SSRIs, TCA), thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu (tăng huyết áp), thuốc chống loạn thần (Risperidone, Haloperidol).

Đánh giá bằng thang điểm IIEF-5

Các bác sĩ có thể sử dụng thang điểm IIEF-5 (International Index of Erectile Function - 5 items) được sử dụng để đánh giá mức độ rối loạn :

22 - 25 điểm: Không có rối loạn cương dương.

17 - 21 điểm: rối loạn cương dương nhẹ.

12 - 16 điểm: rối loạn cương dương mức độ trung bình.

5 - 11 điểm: rối loạn cương dương nặng.

Thăm khám thực thể: Mục tiêu của khám lâm sàng là phát hiện dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn gây rối loạn cương dương.

 Khám tổng quát: Đo huyết áp, BMI, khám tim mạch, tìm các dấu hiệu thần kinh bệnh lý nội tiết.

Khám cơ quan sinh dục:

Quan sát đánh giá bộ phận sinh dục nam:

+ Dương vật: dương vật nhỏ, dương vật cong (bệnh Peyronie).

+ Tinh hoàn: thể tích tinh hoàn nhỏ, mềm → nghi ngờ suy sinh dục.

+ Dấu hiệu sinh dục khác: Ngực to (tăng prolactin), ít lông mu (thiếu testosterone).

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: các chỉ số cần làm để đánh giá nội tiết và các bệnh lý liên quan/

+ Testosterone toàn phần, testosterone tự do, LH, FSH, Prolactin: kiểm tra nội tiết sinh dục nam.

+ Đường huyết, HbA1c: Kiểm tra đái tháo đường.

+ Cholesterol, triglyceride, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol: đánh giá nguy cơ xơ vữa mạch.

+ TSH, FT4: Đánh giá chức năng tuyến giáp.

Siêu âm Doppler dương vật: giúp đánh giá tốc độ dòng máu tâm thu (PSV): bình thường khí PSV > 35 cm/s. Nghi ngờ có rối loạn cương dương do mạch máu khi PSV < 25 cm/s.

 Test cương dương vật bằng Alprostadil: Tiêm PGE1 vào thể hang nếu không cương tốt, có thể do nguyên nhân mạch máu, thần kinh.

Xét nghiệm nội tiết có thể được chỉ định để tìm nguyên nhân gây rối loạn cương dương

Xét nghiệm nội tiết có thể được chỉ định để tìm nguyên nhân gây rối loạn cương dương



Các biện pháp điều trị Rối loạn cương dương

Điều trị rối loạn cương dương cần kết hợp nhiều phương pháp từ thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, liệu pháp tâm lý đến các can thiệp ngoại khoa. Việc lựa chọn phương pháp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và mong muốn của bệnh nhân.

Thay đổi lối sống và kiểm soát yếu tố nguy cơ: Việc điều chỉnh lối sống giúp cải thiện chức năng cương và hỗ trợ các phương pháp điều trị khác.

Kiểm soát tốt bệnh lý nền:

+ Tăng huyết áp: kiểm soát bằng thuốc thích hợp, tránh nhóm chẹn beta giao cảm và lợi tiểu.

+ Đái tháo đường: Duy trì HbA1c < 6,5% để hạn chế tổn thương thần kinh và mạch máu.

+ Rối loạn lipid máu: Điều chỉnh thay đổi lối sống và dùng thuốc nếu cần thiết.

Cải thiện chế độ ăn uống:

+ Tăng thực phẩm giàu L-arginine (hạnh nhân, hạt bí, thịt gà) giúp tăng nitric oxide, cải thiện lưu thông máu.

+ Bổ sung flavonoid (trái cây, ca cao, trà xanh) giúp bảo vệ nội mô mạch máu.

+ Tránh rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích gây tổn thương mạch máu dương vật.

Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục: Béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương gấp 3 lần. Giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện cương dương. Tập thể dục thường xuyên tối thiểu 150 phút/tuần giúp cải thiện lưu lượng máu. Tăng cường các bài tập Kegel giúp tăng cường cơ sàn chậu, hỗ trợ khả năng duy trì cương.

 Điều trị nội khoa

+ Nhóm ức chế PDE-5 (Phosphodiesterase type 5 inhibitors): đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cương dương, giúp tăng cường nitric oxide và cải thiện lưu lượng máu đến dương vật.

+ Liệu pháp hormone: Áp dụng cho nam giới có testosterone thấp và có triệu chứng giảm ham muốn. Có thể sử dụng dưới dạng tiêm bắp gel bôi da, miếng dán hằng ngày.

+ Thuốc tiêm cương dương (Alprostadil - PGE1): tiêm trực tiếp vào thể hang để kích thích cương dương. Liều dùng 2.5 - 20 mcg Alprostadil có tác dụng sau 5 - 20 phút. Lưu ý tác dụng phụ như đau dương vật, cương kéo dài (> 4 giờ), nguy cơ xơ hóa mô cương.

+ Thuốc đặt niệu đạo (MUSE - Alprostadil): đặt thuốc dạng viên nhỏ vào lỗ niệu đạo để kích thích cương. Tác dụng trong 5 - 10 phút, kéo dài 30 - 60 phút. Tuy nhiên hiệu quả kém hơn đường tiêm thể hang.

Liệu pháp tâm lý: Rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý chiếm 10 - 20% tổng số ca. Vì vậy liệu pháp nhận thức - hành vi giúp kiểm soát lo âu, áp lực tình dục và rất có ích trong cải thiện vấn đề cương dương. 

Điều trị ngoại khoa

Thiết bị hút chân không: bơm tạo áp lực âm để kéo máu vào dương vật, sau đó dùng vòng thắt gốc dương vật để duy trì cương đem lại hiệu quả cương dương đạt 60 - 80%, phù hợp cho bệnh nhân không đáp ứng với thuốc uống. Tuy nhiên có thể làm dương vật mất tự nhiên, gây đau, bầm tím.

Phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo: Áp dụng cho bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp khác. Hiệu quả 85 - 90%, tỷ lệ hài lòng cao nhưng có nguy cơ nhiễm trùng, hỏng thiết bị. Gồm hai loại chính:

+ Loại bơm (3 mảnh): Có thể bơm căng khi cần, cho cảm giác tự nhiên hơn.

+ Loại bán cứng: Luôn cứng một phần, ít tự nhiên hơn.

Trên đây là các thông tin cần thiết về rối loạn cương dương. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

American Urological Association. (2018). Erectile Dysfunction: Diagnosis and Treatment Guidelines.

Campbell, J. D., Regan, J., & Khera, M. (2021). Erectile dysfunction: Current perspectives on management and treatment. International Journal of Impotence Research, 33(2), 1-12.

Hatzimouratidis, K., Giuliano, F., Moncada, I., Salonia, A., Verze, P., & Khoury, S. (2019). European Association of Urology Guidelines on Male Sexual Dysfunction: Erectile dysfunction and premature ejaculation. European Urology, 76(5), 637-657.

Kessler, A., Sollie, S., Challacombe, B., & Briggs, K. (2020). The global prevalence of erectile dysfunction: A review of population-based studies from 2001 to 2019. International Journal of Impotence Research, 32(2), 1-11.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ