Bác sĩ: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh
Năm kinh nghiệm:
Các nhà khoa học chia giấc ngủ thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh (NREM)
- Giai đoạn ngủ có vận động nhãn cầu nhanh (REM).
Trong giấc ngủ NREM, lại chia thành 4 giai đoạn ( giai đoạn I đến giai đoạn IV). Như vậy một chu kỳ ngủ gồm 5 giai đoạn và một giấc ngủ bao gồm nhiều chu kỳ ngủ nối tiếp nhau.
Rối loạn giấc ngủ bao gồm mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn cận giấc ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ. Trong đó hay gặp nhất là mất ngủ.
Các khảo sát dân số cho thấy tỷ lệ mắc mất ngủ trong 1 năm là từ 30 đến 45 phần trăm ở người lớn [1]. The DSM-5 của Hội tâm thần học Hoa Kỳ định nghĩa mất ngủ là sự không hài lòng với số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ liên quan đến một hoặc nhiều triệu chứng sau: khó khăn trong việc bắt đầu giấc ngủ, khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ với việc thức dậy thường xuyên hoặc gặp vấn đề khi trở lại giấc ngủ, và thức dậy sớm vào buổi sáng mà không thể trở lại giấc ngủ. Thực tế lâm sàng mất ngủ được chẩn đoán khi bệnh nhân ngủ ít hơn so với bình thường của chính người đó trên 2 giờ mỗi ngày. Nghĩa là một người bình thường hằng ngày họ ngủ được 6h, bây giờ họ chỉ ngủ được 4h thì họ sẽ đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là mất ngủ.
Mất ngủ bao gồm mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính
- Mất ngủ cấp tình, thường kéo dài ngắn ngày, ít hơn một tháng. Nguyên nhân có thể là do người bệnh lo lắng về một vấn đề gì đó trong cuộc sống như thi cử, công việc trọng đại…Mất ngủ tạm thời kiểu này có thể liên quan đến nỗi đau, mất mát như sau khi mất người thân, bị tai nạn, hoả hoạn...
- Mất ngủ mạn tính, bệnh nhân than phiền khó vào giấc ngủ, mặc dù rất buồn ngủ nhưng khi lên giường thì lại trằn trọc mãi không ngủ được, khi ngủ được thì lại hay bị thức giấc và không thể ngủ lại được. Loại mất ngủ này kéo dài, thường trên một tháng [2]
Mất ngủ là tình trạng hay gặp người lớn tuổi và còn gặp ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân gồm:
- Tuổi tác: giấc ngủ thường trở nên khó khăn hơn khi già đi. Ở những người lớn tuổi, quá trình lão hóa cùng với các bệnh kèm theo có thể gây ra tình trạng mất ngủ. Một nghiên cứu trên 6.800 người lớn tuổi ( 65 tuổi trở lên) quan sát thấy tỷ lệ mắc các triệu chứng mất ngủ là 5% mỗi năm, với tỷ lệ mắc hàng năm là 7,97% sau 1 năm theo dõi. Khoảng 50% bệnh nhân có triệu chứng mất ngủ sẽ thuyên giảm trong thời gian theo dõi, với tỷ lệ thuyên giảm cao hơn ở nam giới lớn tuổi so với nữ giới [3]
Mất ngủ hay gặp ở người cao tuổi
- Rối loạn tâm thần: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, loạn thần cấp, rối loạn stress sau sang chấn… Triệu chứng mất ngủ là một biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân có rối loạn tâm thần. Đây là triệu chứng thường xuyên gặp trên lâm sàng, khiến người bệnh khó chịu nhất phải đi khám.
Mất ngủ thường gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa, họ thường khó khăn khi vào giấc ngủ
- Áp lực công việc, thay đổi môi trường sống, mất ngủ do tâm lý.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như thuốc điều trị tăng huyết áp, hen, một số loại thuốc có chứa thành phần Caffein và các chất kích thích.
- Bệnh lý toàn thân: hội chứng ngừng thở trong giấc ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA), bệnh ngưng thở trung ương khi ngủ (CSA), ung thư, bệnh xương khớp, trào ngược dạ dày thực quản…
- Chất kích thích: Cafe, rượu, thuốc lá, ma túy….
Dùng café vào buổi tối có thể gây mất ngủ
- Mất ngủ ở người trẻ chủ yếu do lối sống chưa khoa học, do tâm lý thay đổi.
Mất ngủ bao gồm triệu chứng cảm giác khó vào giấc ngủ hoặc là khó giữ giấc ngủ, các triệu chứng này cần kéo dài ít nhất 1 tháng. Mất ngủ tiên phát do các bệnh toàn thân hoặc bệnh tâm thần khác.
Bệnh nhân than phiền mất ngủ đầu giấc. Nghĩa là họ lên giường đi ngủ nhưng trằn trọc mãi mà không ngủ được. Người bệnh than phiền rằng có thể đêm về sáng họ mới chợp mắt được một tí.Và họ cũng gửi chập chờn chứ không thẳng giấc như mọi khi. Loại mất ngủ này thường hay gặp ở người trẻ tuổi.
Bệnh nhân than phiền mất ngủ giữa giấc, nghĩa là ban đầu họ hơi khó vào giấc, sau đó họ ngủ được đến gần sáng thì tỉnh giấc, và sau đó thì họ không thể ngủ lại được nữa. Loại mất ngủ này lại hay gặp ở những người trung niên.
Ở người cao tuổi thường hay gặp phải tình trạng mất ngủ cuối giấc. Nghĩa là họ có thể đi ngủ sớm, dễ vào giấc ngủ nhưng chỉ ngủ được đến 1-2h sáng thì dậy và không thể ngủ lại được. Tổng thời gian ngủ ban đêm của họ rất ngắn, có người than phiền rằng họ chỉ ngủ được 2-3h.
Mất ngủ hoàn toàn thường ít gặp hơn, người bệnh than phiền rằng họ gần như thức trắng đêm.
Các triệu chứng kèm theo của bệnh mất ngủ bao gồm mệt mỏi vào buổi sáng, bồn chồn, lo lắng khi sắp đến giờ đi ngủ, lo lắng rằng mình không ngủ được sẽ ảnh hưởng đến công việc ngày hôm sau, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều người họ cảm giác rất buồn ngủ khi sắp đến giờ đi ngủ, nhưng khi lên giường thì lại trằn trọc không ngủ được, họ lại càng lo lắng.
Mất ngủ gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mọi người. Tuy vậy, chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng các biện pháp không dùng thuốc như sau.
- Xây dựng cho bản thân lối sống lành mạnh và điều độ. Hãy cố gắng duy trì thời gian bắt đầu đi ngủ và thức dậy nhất quán. Từ đó giúp chúng ta củng cố đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, phòng chống được rối loạn giấc ngủ
- Không dùng các chất kích thích thần kinh như cà phê, thuốc lá, rượu nhất là về chiều tối, điều này có thể gây ra các hưng phấn khiến giấc ngủ khó khăn hơn
- Nên tăng cường tập thể dục vào buổi sáng sớm, tập ít nhất 30-45 phút một ngày, một tuần nên duy trì ít nhất 3 buổi tập. Có các bài tập thư giãn vào các buổi tối hàng ngày. Như các bài giãn cơ, thiền, tập thở nhẹ nhàng trước khi đi ngủ 30 phút
- Cố gắng có được các điều kiện ngủ thỏa mái. Điều chỉnh nhiệt độ phòng mát mẻ, thay đổi ga gối đệm đủ êm ái để không gây cản trở giấc ngủ.
Đây là một liệu pháp sử dụng sự kết hợp giữa các kỹ thuật hành vi và nhận thức để vượt qua các hành vi ngủ không bình thường, những hiểu lầm và những suy nghĩ sai lệch, gây ra rối loạn giấc ngủ. Các kỹ thuật này bao gồm vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp kiểm soát kích thích, liệu pháp hạn chế giấc ngủ, các liệu pháp thư giãn và phản hồi sinh học.
Vệ sinh giấc ngủ bao gồm:
- Các biện pháp giúp điều chỉnh lối sống của người bệnh. Nên đi ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định, dù là ngày nghỉ thì cũng nên ấn định một thời gian đi ngủ và thức dậy. Hạn chế ăn quá no, uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ.
- Loại trừ tất cả những nguyên nhân do các bệnh mạn tính có thể gây ra mất ngủ như đau xương khớp, lượng đường trong máu giảm nhiều do dùng thuốc hạ đường huyết hay đau đầu do tăng huyết áp hay một số rối loạn của các cơ quan tạng phủ nào đó thì cần điều trị những triệu chứng này. Một số người trẻ hơn có thể thay đổi nội tiết dẫn đến khó ngủ thì có khi cũng cần điều chỉnh nội tiết.
- Sau đó cần loại bỏ các nguyên nhân không có lợi cho giấc ngủ như: dùng trà kể cả trà túi lọc hay trà lon, cà phê, rượu, thuốc lá…
- Giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, chuẩn bị giường ngủ yên tĩnh, êm ái, nhiệt độ phù hợp
-Tránh ngủ chợp mắt nhiều lần vào ban ngày, tránh xa thiết bị điện tử có ánh sáng xanh gây ra mất ngủ (điện thoại, máy tính), thay thế bằng cách nghe đài, nghe nhạc nhẹ. Gạt bỏ các bận tâm và căng thẳng trong cuộc sống trước khi đi ngủ, nếu sau khi lên giường ngủ mà mãi không ngủ được thì có thể dậy làm việc tay chân gì đó, sau đó đi ngủ lại.
-Tắm nước nóng, ngâm chân nước nóng khoảng 20 phút trước khi đi ngủ
Ngâm chân bằng thảo dược vào buổi tối có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ tốt
- Dùng một số loại thảo dược hỗ trợ điều trị mất ngủ: tâm sen, long nhãn, cây lạc tiên, hoa tam thất…
Lợi ích ngắn hạn của liệu pháp này tương tự như thuốc, tuy nhiên nó còn mang lại lợi ích lâu dài kể cả sau điều trị. Trong khi đó việc dùng thuốc điều trị mất ngủ khi bệnh nhân ngưng thuốc, chứng mất ngủ có thể quay trở lại và đôi khi kèm theo chứng mất ngủ tái phát.
Việc dùng thuốc điều trị mất ngủ cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Thông thường mất ngủ được điều trị bằng thuốc bình thần. Trong đó hay được dùng nhất là Benzodiazepine: Zolpidem, Szopiclone (Lunesta). Các loại thuốc này có tác dụng ngắn thường được chỉ định cho những bệnh nhân khó vào giấc ngủ. Các loại thuốc này cần được chỉ định cẩn thận. Nói chung, thuốc ngủ không nên được kê đơn quá 2 tuần vì có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc và cai thuốc. Các loại thuốc bình thần tác dụng kéo dài hơn thường được dùng điều trị tình trạng mất ngủ giữa giấc, cuối giấc, ví dụ Bromazepam (Bromalex). Chất chủ vận thụ thể melatonin ramelteon (Rozerem) cũng đã được phê duyệt để điều trị mất ngủ.
Ngày nay, các bác sĩ thường kê đơn thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần mới để điều trị mất ngủ:
- Thuốc chống trầm cảm SSRI ( thuốc tác động chọn lọc trên hệ Serotonin): Sertralin, Paroxetin, Escitalopram… Loại thuốc này hay được kê đơn bởi tác dụng hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, dùng được cho bệnh nhân lớn tuổi.
Thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn điều trị mất ngủ, thuốc này ít tác dụng phụ nên hay được dùng
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA): Amitriptylin, Anafranil… Có tác dụng gây ngủ tốt và giảm các triệu chứng đau của cơ thể. Tuy nhiên loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như khô mồm, bí tiểu, đắng miệng… Cần thận trọng khi dùng cho người già.
- Thuốc an thần kinh mới gồm: Olanzapin, Quetiapin.
Như vậy, rối loạn giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn là gây ra gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại cùng với đội ngũ bác sỹ chuyên môn giỏi là lựa chọn hàng đầu đối với người bệnh khi mắc phải những biểu hiện về rối loạn này. Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi hoặc khám sức khoẻ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!