Từ điển bệnh lý

Rối loạn khí sắc : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 04-07-2025

Tổng quan Rối loạn khí sắc

Rối loạn khí sắc hay còn gọi là rối loạn cảm xúc, là một nhóm bệnh lý tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi kéo dài, quá mức và không phù hợp về trạng thái cảm xúc. Những rối loạn này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh trong đời sống cá nhân và xã hội của người bệnh.

Theo phân loại trong DSM-5, rối loạn khí sắc được chia thành hai nhóm chính:

  • Rối loạn trầm cảm, bao gồm các dạng như: Trầm cảm nặng, trầm cảm kéo dài, trầm cảm sau sinh, trầm cảm theo mùa, rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt, và rối loạn điều hòa khí sắc.
  • Rối loạn lưỡng cực, bao gồm các dạng như: Lưỡng cực I, lưỡng cực II, rối loạn khí sắc theo chu kỳ và các thể không đặc hiệu.

Các biểu hiện chính thường gặp là:

  • Trầm cảm: cảm giác buồn bã kéo dài, mất hứng thú, mệt mỏi, thay đổi giấc ngủ và ăn uống, có thể kèm theo ý nghĩ tự tử.
    Hưng cảm: hoạt động tăng cao, nói nhiều, tự tin quá mức, hành vi bốc đồng hoặc liều lĩnh.

Về mặt dịch tễ:

  • Rối loạn trầm cảm ảnh hưởng đến khoảng 7,1% người lớn mỗi năm tại Hoa Kỳ, với tỷ lệ mắc suốt đời từ 5–17%.
  • Rối loạn lưỡng cực có tỷ lệ hiện mắc khoảng 2,8% mỗi năm, trong đó rối loạn lưỡng cực I chiếm 0,6% và rối loạn lưỡng cực II khoảng 0,4%.

Chẩn đoán dựa trên đặc điểm triệu chứng, thời gian kéo dài và mức độ ảnh hưởng đến chức năng xã hội, với sự hỗ trợ từ các thang điểm chuyên biệt như HAM-D, MADRS và YMRS.

Rối loạn khí sắc là nhóm bệnh phổ biến, nhưng dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, đặc biệt trong giai đoạn khởi phát. Việc can thiệp sớm và phối hợp nhiều phương pháp điều trị có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng và chất lượng sống lâu dài cho người bệnh.

Rối loạn khí sắc là một nhóm bệnh lý tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi cảm xúc kéo dài, quá mức của người bệnh.

Rối loạn khí sắc là một nhóm bệnh lý tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi cảm xúc kéo dài, quá mức của người bệnh.



Nguyên nhân Rối loạn khí sắc

Rối loạn khí sắc có thể do nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau gây ra, bao gồm bất thường hoạt động của não bộ, yếu tố di truyền, rối loạn nội tiết, bệnh lý nền, thuốc, môi trường và các yếu tố tâm lý xã hội. Các nguyên nhân chính được trình bày như sau:

1. Yếu tố sinh học thần kinh

Người mắc rối loạn khí sắc thường có thay đổi ở một số vùng não như hạch hạnh nhân (thường lớn hơn bình thường) và vỏ não trán ổ mắt. Khi các đợt rối loạn khí sắc tái diễn nhiều lần, có thể dẫn đến hiện tượng giãn não thất, cho thấy tổn thương cấu trúc não có liên quan đến tiến triển bệnh.

2. Chất dẫn truyền thần kinh

Trong trầm cảm, các chất như serotonin và norepinephrine thường bị giảm, gây ra rối loạn điều hòa cảm xúc. Dopamine cũng đóng vai trò quan trọng khi giảm trong trầm cảm và tăng trong các giai đoạn hưng cảm. Ngoài ra, các cytokine gây viêm như nitric oxide (NO), IL-1β, IL-6 và TNF-alpha cũng được cho là có vai trò trong điều hoà cảm xúc bất thường ở người bệnh.

Rối loạn khí sắc có thể do nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau gây ra, trong đó sự thay đổi của các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng.

Rối loạn khí sắc có thể do nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau gây ra, trong đó sự thay đổi của các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng.

3. Yếu tố di truyền

Rối loạn khí sắc có tính di truyền rõ rệt. Nhiều nghiên cứu trên các cặp song sinh và con nuôi cho thấy người có cha mẹ từng mắc bệnh có nguy cơ cao phát triển rối loạn khí sắc.

4. Yếu tố nội tiết

Tăng hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA) dẫn đến nồng độ cortisol cao, được ghi nhận có liên quan đến stress kéo dài và trầm cảm. Nồng độ hormone TSH tăng cao cũng có thể liên quan đến trầm cảm, đặc biệt ở phụ nữ có rối loạn nội tiết. Hormone còn đóng vai trò trong các thể đặc biệt như trầm cảm sau sinh và rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt.

5. Bệnh lý nền và thuốc

Một số bệnh lý thực thể có thể gây ra triệu chứng tương tự rối loạn khí sắc, như: u não, viêm não, giang mai thần kinh, AIDS, ung thư, suy giáp, sốt Q, đa xơ cứng và rối loạn chuyển hóa do lọc máu. Ngoài ra, một số loại thuốc và chất kích thích như amphetamines, cocaine, procarbazine và corticosteroids cũng có thể khởi phát hoặc làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn khí sắc.

6. Yếu tố tâm lý – xã hội

Các biến cố lớn trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, bị lạm dụng hoặc sang chấn tâm lý thời thơ ấu là những yếu tố có thể khởi phát rối loạn trầm cảm. Những người có rối loạn nhân cách, như nhân cách ranh giới hoặc nhân cách ám ảnh cưỡng chế, cũng có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ xã hội và sống trong môi trường không ổn định có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn và kéo dài hơn.



Triệu chứng Rối loạn khí sắc

Về lâm sàng, các biểu hiện thường chia thành hai nhóm chính như sau:

  • Trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác buồn bã kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, mệt mỏi, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, cảm giác vô dụng, mặc cảm tội lỗi và có thể dẫn đến suy nghĩ tự sát. Một số trường hợp còn kèm theo các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi cơ. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể xuất hiện ảo giác hoặc hoang tưởng.
  • Ngược lại, hưng cảm thể hiện qua sự gia tăng rõ rệt năng lượng, trạng thái hưng phấn quá mức hoặc dễ bị kích thích. Người bệnh thường ngủ ít nhưng không cảm thấy mệt, nói nhanh, suy nghĩ liên tục, có xu hướng tự cao, hành vi liều lĩnh như tiêu xài quá mức, quan hệ tình dục không kiểm soát hoặc lái xe ở trạng thái nguy hiểm. Trong các cơn hưng cảm nặng, người bệnh cũng có thể xuất hiện ảo giác hoặc hoang tưởng.

Trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác buồn bã kéo dài và mất hứng thú với các hoạt động thường ngày.

Trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác buồn bã kéo dài và mất hứng thú với các hoạt động thường ngày.



Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn khí sắc

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Theo DSM-5, trầm cảm nặng được chẩn đoán khi:

  • Người bệnh có ít nhất 5 trong số 9 triệu chứng điển hình kéo dài tối thiểu 2 tuần, trong đó phải có ít nhất một triệu chứng là buồn bã hoặc mất hứng thú. 

  • Các triệu chứng phải gây ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng sinh hoạt hoặc chất lượng công việc và không do thuốc hoặc bệnh lý nào khác gây ra.

Rối loạn lưỡng cực I được xác định khi:

  • Người bệnh có ít nhất một cơn hưng cảm kéo dài từ 7 ngày trở lên (hoặc cần nhập viện), có thể kèm hoặc không kèm theo cơn trầm cảm. 

  • Nếu tâm trạng là kích thích thay vì hưng phấn, cần có ít nhất 4 triệu chứng đi kèm để đủ tiêu chuẩn. 

Trong khi đó, rối loạn lưỡng cực II được xác định khi 

  • Người bệnh có ít nhất một cơn trầm cảm nặng và một cơn hưng cảm nhẹ kéo dài từ 4 ngày trở lên. 

Rối loạn khí sắc theo chu kỳ được chẩn đoán khi:

  • Người bệnh thay đổi khí sắc ở mức độ nhẹ, xen kẽ hai giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, kéo dài trên 2 năm ở người lớn hoặc trên 1 năm ở trẻ em, nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán hưng cảm hoặc trầm cảm nặng.

Để hỗ trợ đánh giá mức độ nặng, các thang điểm lâm sàng thường được sử dụng bao gồm: 

  • Thang điểm HAM-D với 17 mục, trong đó điểm từ 0–7 là bình thường, trên 20 cần can thiệp

  • Thang điểm MADRS đánh giá trầm cảm theo thang điểm từ 0 đến 60, trong đó 0–6 là bình thường, 7–19 là nhẹ, 20–34 là trung bình, và trên 34 là nặn

  • Thang điểm YMRS đánh giá hưng cảm với điểm dưới 12 là thuyên giảm, từ 13–25 là trung bình, và từ 38–60 là hưng cảm nặng.

Thăm khám lâm sàng

Khám lâm sàng cần tập trung vào việc đánh giá các giai đoạn biến đổi khí sắc, thời điểm khởi phát, khả năng tiến triển và tần suất tái phát. Bác sĩ thường khai thác kỹ tiền sử gia đình (đặc biệt nếu có người thân mắc bệnh tâm thần) và tiền sử về những đợt thay đổi khí sắc trong quá khứ. 

Ngoài ra, việc tầm soát nguy cơ tự sát hoặc thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cũng là phần bắt buộc trong quá trình đánh giá. Trong khám tâm thần, người trầm cảm thường có nét mặt buồn, tránh giao tiếp bằng mắt, nói chậm, vận động chậm, trong khi người hưng cảm lại có xu hướng nói nhiều, dễ kích thích, tăng hoạt động và có thể hoang tưởng.

Cận lâm sàng hỗ trợ

Cận lâm sàng có thể cần thiết nếu nghi ngờ nguyên nhân thực thể, bao gồm xét nghiệm nước tiểu để phát hiện các chất kích thích, đánh giá hormone tuyến giáp (TSH), chức năng gan – thận, hoặc chụp hình ảnh học não nếu có triệu chứng thần kinh. Những xét nghiệm này giúp loại trừ các nguyên nhân thứ phát và hỗ trợ quá trình chẩn đoán xác định.



Các biện pháp điều trị Rối loạn khí sắc

Điều trị rối loạn khí sắc cần được cá thể hoá, tùy thuộc vào loại rối loạn cụ thể (trầm cảm, lưỡng cực...), mức độ nặng, khả năng tuân thủ điều trị và các nguy cơ đi kèm. Mục tiêu điều trị bao gồm ổn định cảm xúc, phục hồi chức năng xã hội, ngăn ngừa tái phát và giảm nguy cơ tự sát. Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý, can thiệp chuyên sâu trong trường hợp kháng trị và thay đổi lối sống.

1. Điều trị bằng thuốc

Với rối loạn trầm cảm đơn thuần, các nhóm thuốc thường được lựa chọn đầu tiên bao gồm: 

  • Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) như sertraline, fluoxetine, citalopram, escitalopram và paroxetine.

  • Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin–noradrenaline (SNRI) như venlafaxine và duloxetine.

  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình như bupropion và mirtazapine.

  • Ngoài ra, nhóm thuốc ba vòng (TCA) như imipramine và amitriptyline có hiệu quả nhưng thường gây nhiều tác dụng phụ. 

  • Nhóm thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) ít được sử dụng hơn do nguy cơ tương tác với thực phẩm và tác dụng phụ nghiêm trọng.

Với rối loạn lưỡng cực, lựa chọn thuốc phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, bao gồm:

  • Trong cơn hưng cảm hoặc giai đoạn hỗn hợp nặng, có thể sử dụng thuốc ổn định khí sắc như lithium hoặc valproic acid, kết hợp với thuốc chống loạn thần không điển hình như olanzapine, risperidone, quetiapine hoặc aripiprazole. 

  • Với các trường hợp nhẹ hơn, có thể sử dụng đơn trị liệu bằng lithium, valproate, carbamazepine hoặc thuốc chống loạn thần không điển hình.

  • Khi bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm, có thể dùng quetiapine, lurasidone, lamotrigine hoặc phối hợp olanzapine với fluoxetine.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc:

  • Lithium cần theo dõi chặt chẽ chức năng thận, tuyến giáp và nồng độ máu do có chỉ số điều trị hẹp.
  • Valproate có thể gây tăng cân, buồn nôn, rụng tóc, viêm gan, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Lamotrigine cần tăng liều từ từ để tránh hội chứng Stevens-Johnson.
  • Một số thuốc (ví dụ bupropion) chống chỉ định ở người có tiền sử động kinh hoặc rối loạn ăn uống.

2. Liệu pháp tâm lý

Các phương pháp trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát, bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp người bệnh thay đổi các suy nghĩ tiêu cực và hành vi không phù hợp. 
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) phù hợp với người có cảm xúc không ổn định. 
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT) tập trung cải thiện các mối quan hệ xã hội. 
  • Ngoài ra, liệu pháp kích hoạt hành vi giúp người bệnh tham gia vào các hoạt động xã hội tích cực hàng ngày, nhờ đó giúp hỗ trợ nâng đỡ tinh thần.

Các phương pháp trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát.

Các phương pháp trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát.

3. Các phương pháp điều trị chuyên sâu (khi kháng trị)

  • Liệu pháp sốc điện (ECT) được chỉ định trong các trường hợp trầm cảm nặng có nguy cơ tự sát cao, không ăn uống được, phụ nữ mang thai hoặc khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu và suy giảm trí nhớ tạm thời.
  • Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS) là phương pháp không cần gây mê, được thực hiện ngoại trú, có hiệu quả với trầm cảm kháng trị. Tác dụng phụ chủ yếu là đau đầu hoặc cảm giác khó chịu vùng da đầu.
  • Liệu pháp ánh sáng (phototherapy) thường được áp dụng trong trầm cảm theo mùa.
  • Các thuốc như ketamine hoặc esketamine (dạng tiêm hoặc xịt mũi) có tác dụng nhanh trong việc giảm ý tưởng tự sát, nhưng cần được sử dụng lặp lại và theo dõi chặt chẽ. 
  • Trong một số trường hợp kháng trị, có thể cân nhắc sử dụng kích thích dây thần kinh phế vị, tuy nhiên phương pháp này ít được áp dụng rộng rãi.

4. Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị

Một lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị, trong đó:

  • Chế độ ăn cân đối có thể giúp giảm nguy cơ và cải thiện triệu chứng. 
  • Tập thể dục đều đặn và yoga giúp kích thích sản sinh BDNF – yếu tố quan trọng trong điều hòa cảm xúc. 
  • Việc bổ sung omega-3 mang lại tác dụng chống viêm và điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh. 
  • Ngưng hút thuốc lá cũng giúp cải thiện khí sắc và nâng cao chất lượng sống ở người bệnh rối loạn khí sắc.

Tiên lượng rối loạn khí sắc

Tiên lượng của người mắc rối loạn khí sắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm phát hiện bệnh, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng, tần suất tái phát, mức độ tuân thủ điều trị và các rối loạn đi kèm. 

1. Khả năng phục hồi và tiến triển

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn hoặc một phần. Tuy nhiên, đây là nhóm bệnh có tính chất mạn tính và dễ tái phát. 

Trong năm đầu sau chẩn đoán, các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm: khởi phát từ thời thơ ấu, chẩn đoán trễ hoặc không được điều trị đầy đủ. Những yếu tố này làm tăng số đợt tái phát, khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, các chu kỳ cảm xúc diễn ra dày đặc hơn và thời gian ổn định tâm lý bị rút ngắn.

2. Tái phát và biến chứng lâu dài

Về lâu dài, khoảng một phần ba số người bệnh có nguy cơ tái phát, một phần ba có thể tiến triển thành rối loạn loạn thần, và một phần ba còn lại sẽ đi kèm rối loạn lo âu suốt đời. 

Nhiều người bệnh gặp phải tình trạng suy giảm chức năng rõ rệt như mất khả năng lao động, rạn nứt các mối quan hệ xã hội và giảm chất lượng cuộc sống. Tiên lượng thường kém hơn nếu có các yếu tố đi kèm như lạm dụng chất gây nghiện, đi kèm rối loạn lo âu, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình – xã hội hoặc được chẩn đoán trễ, đặc biệt trong rối loạn lưỡng cực.

3. Nguy cơ tự sát

Nguy cơ tự sát là vấn đề nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm. Trong quá trình theo dõi dài hạn, có đến 80,8% người bệnh có ý nghĩ về cái chết và 69,5% có ý tưởng tự sát. Kế hoạch tự sát cụ thể phổ biến hơn ở nữ giới. Nguy cơ cao nhất thường xuất hiện trong giai đoạn đầu điều trị, khi khả năng vận động và sinh hoạt bắt đầu hồi phục nhưng tâm trạng người bệnh vẫn còn u ám. Các giai đoạn hỗn hợp trong lưỡng cực và những thời điểm mang ý nghĩa đặc biệt với người bệnh như ngày giỗ, ngày mất người thân cũng làm tăng đáng kể nguy cơ tự sát.

4. Ảnh hưởng kinh tế và xã hội

Về mặt xã hội và kinh tế, rối loạn khí sắc kéo theo chi phí điều trị cao cả trực tiếp và gián tiếp, chủ yếu do thời gian nằm viện kéo dài và năng suất lao động giảm sút. Khi không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời, người bệnh có thể rơi vào tình trạng lạm dụng rượu hoặc chất kích thích, xuất hiện các rối loạn hành vi như chống đối hoặc tăng động giảm chú ý (ở trẻ em), và thường gặp khó khăn trong quan hệ gia đình cũng như xã hội.



Tài liệu tham khảo:

  1. Burford, M. (2024). Mood disorders: Symptoms, causes, and treatments (Reviewed by K. Daly, M.D.). Verywell Health. https://www.verywellhealth.com/mood-disorders-5120944 (Accessed May 27, 2025)
  2. Coryell, W. (2023). Overview of mood disorders. MSD Manual Professional Edition. https://www.msdmanuals.com/professional/psychiatric-disorders/mood-disorders/overview-of-mood-disorders (Accessed May 27, 2025)
  3. Ferguson, S. (2023). Understanding emotional disorders (Reviewed by L. Lawrenz, PsyD). Healthline. https://www.healthline.com/health/emotional-disorders (Accessed May 27, 2025)
  4. Sekhon, S., & Gupta, V. (2023). Mood disorder. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/sites/books/NBK558911/ (Accessed May 27, 2025)


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ