Từ điển bệnh lý

Rối loạn lipid máu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng gây ra nhiều biến chứng đến tim mạch và ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu không được điều trị sớm. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này để cùng dự phòng cũng như phát hiện và điều trị sớm.

Rối loạn Lipid máu là bệnh gì?

Rối loạn Lipid máu là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng cao cholesterol, triglycerid, có kèm hoặc không tình trạng tăng cao LDL-C và/hoặc giảm HDL-C.

Bệnh thường được phân thành hai loại:

- Rối loạn Lipid máu nguyên phát: thường do đột biến ở đơn gen hoặc đa gen, dẫn đến sản xuất lượng cholesterol và triglicerid quá nhiều; hoặc làm giảm quá trình tiêu thụ dẫn đến hàm lượng này tăng cao trong máu.

- Rối loạn Lipid máu thứ phát: đây là loại thường gặp hơn do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt ở các nước phát triển. Trong số các yếu tố tác động gồm có:

+ Lối sống và sinh hoạt không điều độ, lười vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn giàu chất béo, sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn một cách thường xuyên. Lối sống - ăn uống - sinh hoạt không khoa học này gây ra nhiều nguy cơ xơ vữa động mạch, dẫn đến các tai biến mạch máu có thể gặp sau này.

Sinh hoạt không điều độ có thể dẫn đến rối loạn lipid máu

Sinh hoạt không điều độ có thể dẫn đến rối loạn lipid máu

+ Các bệnh lý rối loạn chuyến hoá khác là yếu tố nguy cơ cũng như thuận lợi của bệnh, VD như đái tháo đường, ở bệnh nhân đái tháo đường, hàm lượng lipid trong máu tăng cao do rối loạn chuyển hoá kèm theo, đặc biệt thể trạng ở đối tượng này thường thừa cân hoặc béo phì, kèm theo tình trạng ăn uống nhiều calo nhưng ít vận động - đây là lối sống thường gặp của những bệnh nhân đái tháo đường

+ Lạm dụng rượu: tình trạng rối loạn lipid máu đặc biệt hay gặp ở người sử dụng nhiều rượu bia, đi kèm với nó là tình trạng gan nhiễm mỡ; lâu dần kéo dài tình trạng này sẽ làm gan nhiễm mỡ nặng, thậm chí có thể dẫn đến xơ gan.

Lạm dụng rượu bia

Lạm dụng rượu bia

+ Có thể gặp trong các bệnh lý như suy giáp, xơ gan mật nguyên phát hoặc các bệnh gan ứ mật...

+ Ngoài ra có thể do tác dụng phụ của một số thuốc kháng virus, một số loại hormon được bổ sung vào cơ thể...


Triệu chứng Rối loạn lipid máu

Rối loạn Lipid máu là một bệnh lý diễn biến âm thầm, thường chỉ gây triệu chứng khi có các biến chứng ở các cơ quan, bộ phận; như xơ vữa mạch máu dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... hoặc gan nhiễm mỡ, viêm tuỵ cấp... Ngoài ra, có thể nổi các u vàng dưới da ở các vùng như mí mắt, gân duỗi của chân tay, khuỷu tay hoặc đầu gối...

- Xơ vữa mạch máu: đây là loại biến chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân bị rối loạn Lipid máu, chúng thường biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu của các cơ quan, bộ phận mà mạch máu đó cung cấp.

+ Nếu xơ vữa mạch máu chi có thể gây tê bì chân tay, yếu chi, dị cảm, kiến bò... nặng hơn có thể bị hoại tử chi và phải cắt cụt.

+ Trường hợp xơ vữa mạch máu não sẽ dẫn đến các biểu hiện của thiếu máu não như hoa mắt, chóng mặt hoặc các biểu hiện thần kinh khu trú như: liệt yếu chân tay, méo miệng, liệt mặt, nói khó, nói ngọng.. Nhiều trường hợp gây tai biến mạch máu não với di chứng rất nặng nề không thể hồi phục.

+ Xơ vữa mạch vành tim sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim với các biểu hiện đau nhói ở ngực, cơn đau lan lên cánh tay, hoặc có thể gặp tình trạng rối loạn nhịp, suy tim do các tổn thương thiếu máu cơ tim gây ra, nặng hơn có thể tử vong do nhồi máu cơ tim không được cấp cứu kịp thời.

- Gan nhiễm mỡ: ban đầu có thể chỉ nhiễm mỡ khu trú thành các đảo gan nhiễm mỡ, sau đó lan toả ra toàn bộ gan và tăng dần mức độ từ nhẹ đến nặng, lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan.

- Viêm tuỵ cấp: đây là biến chứng cấp tính của rối loạn Lipid máu, thường do nồng độ triglycerid trong máu tăng cao, bệnh xuất hiện với triệu chứng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, buồn nôn và nôn nhiều, đôi khi có thể kèm theo sốt. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như suy đa tạng, ngừng tuần hoàn nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Rối loạn lipid máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp

Rối loạn lipid máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp


Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn lipid máu

Bệnh lý rối loạn Lipid máu được chẩn đoán chủ yếu dựa vào xét nghiệm để định lượng nồng độ các chất trong máu như cholesterol, triglycerid, LDL, HDL...

Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể tìm kiếm nguyên nhân như xét nghiệm chức năng tuyến giáp, xét nghiệm gen, xét nghiệm đường máu...

Đồng thời, để tầm soát các biến chứng của bệnh, bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định một số thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh như: điện tim, siêu âm tim, siêu âm mạch; chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính đánh giá nhu mô và mạch máu não; ngoài ra có thể siêu âm ổ bụng đánh giá tình trạng gan nhiễm mỡ và xem tuỵ có viêm hay không, đặc biệt, với kĩ thuật fibroscan và cộng hưởng từ gan, có thể đánh giá chính xác mức độ nhiễm mỡ của gan, từ đó có hướng xử trí và theo dõi điều trị một cách thích hợp. Trong một số trường hợp siêu âm không đánh giá được tuỵ do vướng hơi hoặc do bụng quá béo, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính để đánh giá tình trạng viêm tuỵ như kích thước tuỵ, thâm nhiễm viêm - hoại tử của tuỵ, các biến chứng như tụ dịch, nang giả tuỵ, tắc mạch...

Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện ra bệnh rối loạn lipid máu

Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện ra bệnh rối loạn lipid máu


Các biện pháp điều trị Rối loạn lipid máu

Thuốc giảm mỡ máu: tùy thuộc loại mỡ máu nào tăng cao, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Nếu trường hợp BN tăng chủ yếu là Cholesterol, LDL – Cholesterol thì nên được điều trị bằng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin như Lipitor, Crestor, Pitator. Nếu BN chủ yếu tăng Triglycerid thì cần dùng nhóm thuốc Fibrate như Lipanthyl. Trong những trường hợp mỡ máu quá cao BN có thể cần được nhập viện để điều trị.

Mỡ máu

Mỡ máu

Tuỳ theo nguyên nhân cũng như các biến chứng mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc thích hợp. Như thuốc điều trị đái tháo đường, điều trị suy giáp... với những trường hợp rối loạn Lipid máu thứ phát.

Một số trường hợp gây các biến chứng xơ vữa, tắc mạch có thể được sử dụng các thuốc chống đông, thuốc giảm mỡ máu hay phải cấp cứu - can thiệp trong các trường hợp tai biến, viêm tuỵ cấp.

Tuy nhiên, phần quan trọng của điều trị còn nằm ở lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống. Bạn cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, không thức khuya, tập thể dục thể thao đều đặn; lối sống lành mạnh, không bia rượu, không các chất kích thích; chế độ ăn uống ít chất béo, nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Vậy xây dựng chế độ ăn như thế nào cho người bị rối loạn Lipid máu?

Chế độ dinh dưỡng hợp lý có tầm quan trọng rất lớn trong dự phòng, điều trị cũng như ngăn ngừa những biến chứng của bệnh. Trong xây dựng chế độ ăn, cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Giảm lượng calo trong ngày theo nhu cầu cơ thể, nhằm cung cấp đủ để tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên cần lưu ý khẩu phần ăn không được giảm đột ngột vì có thể gây tụt đường huyết, mà cần giảm từ từ cho cơ thể thích nghi dần dần.

- Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày: lượng chất béo chỉ cần khoảng 15-20% trong tổng nguồn năng lượng cung cấp cho cơ thể. Tuy nhiên cần lưu ý hạn chế chất béo bão hoà và nên xài các loại thực phẩm chứa nguồn chất béo không bão hoà. Không sử dụng các thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol cao như da động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng hay các loại hải sản như cua, tôm...

- Đảm bảo lượng protein trong khẩu phần ăn đủ cho cơ thể, khoảng từ 12 –20% tổng nguồn năng lượng. Sử dụng các sản phẩm cung cấp nguồn protein từ đậu nành, sử dụng các thịt ít chất béo, thịt trắng...

- Nên sử dụng khoảng 55-60% nguồn năng lượng từ ngũ cốc. Bệnh nhân rối loạn lipid máu có thể sử dụng gạo lứt để thêm chất xơ nhằm đảo thải lượng chất béo ra ngoài. Cùng với đó là hạn chế các đồ ăn, đồ uống ngọt hàng ngày.

- Đảm bảo cung cấp lượng vitamin và chất khoáng đầy đủ để đảm bảo các quá trình trao đổi chất và chuyển hoá. Do đó, rau củ quả và chất xơ cần được bổ sung đầy đủ.

- Các bữa ăn nên được chia thành nhiều bữa, cách nhau khoảng 3-4 tiếng, có đủ các nhóm thực phẩm chính và các thực phẩm bổ sung.

Các loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn ở người bị rối loạn lipid máu?

Như đã nêu trên, chế độ dinh dưỡng cực kì quan trọng. Do đó, loại thực phẩm nào nên sử dụng rất quan trọng. Vì nếu sử dụng không đúng loại, tỉ lệ các chất cung cấp cho cơ thể sẽ không đúng, dẫn đến hiệu quả trong dự phòng và điều trị bệnh bị giảm.

Các thực phẩm sau được nhiều chuyên gia cũng như các hiệp hội khuyên dùng cho bệnh nhân rối loạn lipid máu:

- Các loại ngũ cốc thô: bánh mì đen, gạo lứt...

- Thịt nạc, thịt trắng bỏ da

- Các loại cá nên được sử dụng thường xuyên

- Các loại sữa tách béo

- Các loại dầu thực vật, các hạt cung cấp dầu như lạc, hạt dẻ, vừng

- Tỏi, hành tây: đây là hai loại thực phẩm gia vị có tác dụng giảm cholesterol máu, giúp dự phòng và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên đây là hai loại thực phẩm có nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày, do đó cần hạn chế ở các bệnh nhân có tiền sử bệnh này.

- Đậu tương: có tác dụng làm giảm cholesterol máu, do đó đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương thường được các bệnh nhân ưa chuộng và tin dùng

- Súp lơ, mướp đắng, mầm đậu xanh, cà rốt: chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, giúp điều hoà mỡ máu, điều hoà trao đổi chất và tăng sức đề kháng.

- Các loại nấm: một số loại nấm như nấm hương, linh chi, mộc nhĩ... rất tốt cho sức khoẻ.

- Các loại hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi nên được tăng cường thêm.

Để được tư vấn và chẩn đoán chính xác căn bệnh rối loạn chuyển hoá lipid máu, bạn có thể đển BVĐK MEDLATEC ở 42 Nghĩa Dũng, chúng tôi luôn có các máy móc tiên tiến nhất (như máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy hàng đầu của Đức, máy chụp cộng hưởng từ 1.5T của Mỹ,máy đo độ đàn hồi và nhiễm mỡ của gan Fibroscan hàng đầu hiện nay, hệ thống máy xét nghiệm tự động lớn nhất miền Bắc...) cùng với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn; giúp bạn yên tâm khi đến thăm khám và điều trị.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.