Từ điển bệnh lý

Rối loạn phóng noãn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-12-2024

Tổng quan Rối loạn phóng noãn

Sinh lý phóng noãn

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, đa phần chỉ có một nang trứng phát triển đến lúc trưởng thành được phóng noãn. Quá trình phóng noãn là kết quả của sự điều hòa phức tạp giữa các hormone từ trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, diễn ra theo một nhịp sinh học chặt chẽ.

Trục hạ đồi đóng vai trò khởi động chu trình bằng cách tiết hormone giải phóng gonadotropin (GnRH), kích thích tuyến yên sản xuất hai hormone quan trọng là hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone lutein hóa (LH). FSH đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành của nang trứng, trong khi LH kích thích quá trình rụng trứng. Dưới tác động của FSH, các nang trứng bắt đầu phát triển và tiết ra estrogen, một hormone quan trọng giúp điều hòa hoạt động của trục nội tiết và chuẩn bị nội mạc tử cung cho khả năng mang thai.

Khi nang trứng đạt đến giai đoạn trưởng thành, lượng estrogen tiết ra đủ cao sẽ kích thích phản hồi của tuyến yên bằng sự gia tăng đột ngột nồng độ LH, thường được gọi là "đỉnh LH" sẽ kích hoạt quá trình phóng noãn. Sau khi phóng noãn, phần còn lại của nang trứng chuyển đổi thành hoàng thể, một cấu trúc tạm thời có nhiệm vụ tiết hormone progesterone và một lượng nhỏ estrogen. Những hormone này hỗ trợ duy trì lớp nội mạc tử cung ở trạng thái sẵn sàng tiếp nhận phôi thai nếu thụ tinh xảy ra.

Nếu không có hiện tượng thụ thai, hoàng thể sẽ thoái hóa sau khoảng 14 ngày, làm sụt giảm nồng độ progesterone và estrogen. Sự sụt giảm hai hormone này dẫn đến bong lớp nội mạc tử cung, gây ra hiện tượng kinh nguyệt và sau đó một chu kỳ mới bắt đầu.

Các giai đoạn của nang noãn trên buồng trứng

Các giai đoạn của nang noãn trên buồng trứng

Rối loạn phóng noãn là gì?

Dựa trên sinh lý phóng noãn đã trình bày ở trên, rối loạn phóng noãn được hiểu là bất kỳ nguyên nhân nào gây cản trở quá trình phát triển và trưởng thành của nang trứng, khiến nang trứng không thể phóng noãn một cách bình thường.

Ở lứa tuổi dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh, hiện tượng rối loạn phóng noãn sinh lý thường xảy ra. Trong giai đoạn dậy thì, hoạt động xung GnRH từ vùng hạ đồi chưa ổn định, dẫn đến sự tiết bất thường của FSH và LH từ tuyến yên. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn chỉnh của nang trứng, khiến hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên không xảy ra hiện tượng phóng noãn. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, chức năng của buồng trứng suy giảm dẫn đến rối loạn nhịp điệu hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Hệ quả là các chu kỳ kinh nguyệt có thể không rụng trứng do rối loạn phóng noãn, hoặc có hiện tượng phóng noãn nhưng không đi kèm hành kinh.



Nguyên nhân Rối loạn phóng noãn

Ngoài các nguyên nhân sinh lí, các nguyên nhân khác của rối loạn phóng noãn có thể bắt nguồn từ các bất thường trên trục nội tiết hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Vô kinh chức năng vùng hạ đồi: Do giảm hoặc rối loạn tiết hormone GnRH, làm suy giảm quá trình sản xuất FSH và LH ở tuyến yên, dẫn đến sự gián đoạn phát triển nang trứng.
  • U tiết prolactin (prolactinoma): Nồng độ prolactin tăng cao ức chế trục nội tiết, làm giảm FSH và LH, từ đó gây ức chế quá trình phóng noãn.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Tình trạng rối loạn chức năng buồng trứng do mất cân bằng hormone, dẫn đến sự phát triển không đầy đủ của nang trứng và không có phóng noãn.
  • Suy buồng trứng sớm (POI): Buồng trứng không còn khả năng sản xuất trứng hoặc hormone ở độ tuổi sớm hơn bình thường, gây vô sinh và rối loạn phóng noãn.

Bên cạnh các nguyên nhân nội tiết, những yếu tố lối sống cũng đóng vai trò quan trọng:

  • Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn thiếu cân đối, ít vận động, hoặc thừa cân béo phì có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone sinh dục.
  • Stress kéo dài: Tình trạng căng thẳng tâm lý có thể làm rối loạn chức năng hạ đồi, dẫn đến rối loạn nhịp sinh học của trục nội tiết.



Triệu chứng Rối loạn phóng noãn

Rối loạn phóng noãn biểu hiện qua các triệu chứng đa dạng, hai dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:

  • Xuất huyết tử cung bất thường: Đây là triệu chứng thường gặp, có thể biểu hiện dưới dạng kinh nguyệt không đều, rong kinh, kinh thưa hoặc vô kinh.
  • Vô sinh: Rối loạn phóng noãn là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến vô sinh ở phụ nữ. Trong độ tuổi sinh sản, nhiều phụ nữ vẫn có chu kỳ kinh nguyệt đều dù không có phóng noãn, dẫn đến khó phát hiện và thường chỉ khi gặp khó khăn trong việc mang thai, họ mới thăm khám phụ khoa, hiếm muộn.

Các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với những rối loạn nội tiết hoặc tổn thương thực thể khác, do đó cần được thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.



Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn phóng noãn

Việc chẩn đoán rối loạn phóng noãn dựa trên kết hợp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, nhằm xác định nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

● Lâm sàng

Bệnh nhân thường đến khám với các triệu chứng điển hình như:

  • Xuất huyết tử cung bất thường: Bao gồm vô kinh, kinh thưa, hoặc ra máu không theo chu kỳ.
  • Vô sinh: Đây là lý do phổ biến khiến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tìm đến các cơ sở y tế, đặc biệt khi kinh nguyệt vẫn đều nhưng không có phóng noãn.

Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng thường gặp khi có rối loạn phóng noãn

Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng thường gặp khi có rối loạn phóng noãn

● Cận lâm sàng

Siêu âm đầu dò âm đạo:

  • Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng đầu tay để đánh giá cấu trúc tử cung và buồng trứng. Tìm kiếm các dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) như sự hiện diện của nhiều nang trứng nhỏ (hình ảnh "chuỗi hạt"), hoặc các bất thường cấu trúc khác.

Xét nghiệm máu:

  • Đánh giá hormone sinh dục: Bao gồm FSH, LH, estradiol, progesterone, và prolactin để xác định sự rối loạn trong trục nội tiết hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng.
  • Xét nghiệm hormone tuyến giáp: T3, T4, TSH để loại trừ các rối loạn tuyến giáp, là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn phóng noãn.
  • Đánh giá các bệnh lý chuyển hóa: Kiểm tra đường huyết và HbA1c để phát hiện tiểu đường hoặc kháng insulin, thường gặp ở bệnh nhân PCOS.

Các xét nghiệm bổ sung khác:

  • Đánh giá dự trữ buồng trứng: Thông qua xét nghiệm hormone AMH để xác định khả năng dự trữ trứng.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Trong một số trường hợp, có thể được chỉ định để đánh giá sự thay đổi nội mạc tử cung và loại trừ các tổn thương ác tính.

Cần loại trừ các nguyên nhân khác gây xuất huyết tử cung bất thường như bệnh lý ở tử cung (u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung…) hoặc rối loạn đông máu. Việc chẩn đoán đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng.


Các biện pháp điều trị Rối loạn phóng noãn

Điều trị rối loạn phóng noãn cần được cá thể hóa, dựa trên nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi, mong muốn sinh sản của bệnh nhân, và các yếu tố đi kèm khác. Mục tiêu điều trị bao gồm phục hồi chức năng phóng noãn, cải thiện khả năng sinh sản, và điều chỉnh các rối loạn nội tiết liên quan.

Điều trị theo nguyên nhân

Vô kinh chức năng vùng hạ đồi:

  • Điều chỉnh cân nặng: Tăng cân đối với bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc giảm cân nếu thừa cân.
  • Giảm stress: Tập luyện các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc tư vấn tâm lý.

U tiết prolactin (prolactinoma):

  • Sử dụng thuốc ức chế prolactin: Bromocriptine hoặc cabergoline là lựa chọn hàng đầu.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp khối u lớn hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS):

  • Điều chỉnh lối sống: Tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân để cải thiện độ nhạy insulin và cân bằng hormone.
  • Thuốc hỗ trợ phóng noãn: Clomiphene citrate, letrozole hoặc gonadotropin nếu mong muốn mang thai.
  • Điều trị kháng insulin: Metformin được sử dụng để cải thiện tình trạng kháng insulin.
  • Thuốc tránh thai nội tiết: Dùng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giảm triệu chứng tăng androgen ở bệnh nhân không có kế hoạch mang thai.

Suy buồng trứng sớm:

  • Liệu pháp hormone thay thế (HRT): Cung cấp estrogen và progesterone để kiểm soát triệu chứng mãn kinh sớm và duy trì sức khỏe xương.
  • Các biện pháp hỗ trợ sinh sản: Có thể cần sử dụng trứng hiến nếu buồng trứng không còn khả năng hoạt động.

Rối loạn tuyến giáp:

  • Suy giáp: Bổ sung hormone tuyến giáp (levothyroxine).
  • Cường giáp: Sử dụng thuốc kháng giáp, i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật nếu cần.

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa hoặc có nguyên nhân không thể khắc phục.

Kích thích buồng trứng: Sử dụng gonadotropin kết hợp theo dõi bằng siêu âm và xét nghiệm hormone để kích thích sự phát triển và phóng noãn của nang trứng.

Quá trình hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Quá trình hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Điều chỉnh lối sống và hỗ trợ toàn diện

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng cân đối.
  • Tăng cường vận động, giảm cân nếu thừa cân để cải thiện chức năng phóng noãn.
  • Giảm stress để ổn định hoạt động trục hạ đồi - tuyến yên.

Theo dõi và đánh giá lại

Quá trình điều trị cần được theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh kế hoạch tùy theo đáp ứng của bệnh nhân. Phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa nội tiết và sản phụ khoa là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Rối loạn phóng noãn là một vấn đề phổ biến nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường, kết hợp với chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện đáng kể chức năng phóng noãn và khả năng sinh sản. Đồng thời, điều chỉnh lối sống và quản lý tốt các yếu tố nguy cơ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ