Từ điển bệnh lý

Rối loạn thị giác : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-05-2025

Tổng quan Rối loạn thị giác

Rối loạn thị giác là nhóm triệu chứng xảy ra khi quá trình tiếp nhận, dẫn truyền, xử lý hình ảnh của hệ thị giác gặp bất thường. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tạm thời hoặc kéo dài, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau như nhìn đôi, nhìn mờ, mất màu sắc hoặc mất thị giác một phần.

Người bệnh thường mô tả khả năng nhìn không còn bình thường, ví dụ như thấy hai hình ảnh của một vật, hình ảnh như kính vỡ, hoặc thị trường bị khuyết một bên. Trong nhiều trường hợp, rối loạn thị giác là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý thần kinh, miễn dịch, chuyển hóa hoặc mạch máu tiềm ẩn.

Rối loạn thị giác có thể là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý thần kinh, miễn dịch hoặc mạch máu tiềm ẩn.Rối loạn thị giác có thể là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý thần kinh, miễn dịch hoặc mạch máu tiềm ẩn.

Theo các tài liệu chuyên môn, một số dạng rối loạn thị giác phổ biến gồm:

  • Song thị (diplopia): Là hiện tượng hai hình ảnh chồng lên nhau. Nếu tình trạng này vẫn còn khi che một mắt là song thị đơn (do bất thường tại giác mạc, thủy tinh thể...). Nếu mất đi khi che một mắt là song thị đôi (thường do lệch trục nhãn cầu, tổn thương dây thần kinh vận nhãn).
  • Rối loạn thị giác do đau đầu migraine: Thường kéo dài dưới 60 phút, không tổn thương cấu trúc mắt. Bệnh nhân có thể thấy ánh sáng kiểu nhấp nháy, zic-zac, hiệu ứng kính vạn hoa, thậm chí mất thị lực thoáng qua.
  • Viêm thần kinh thị giác: Thường gặp trong bệnh đa xơ cứng, gây giảm thị lực trung tâm, giảm khả năng phân biệt màu sắc, đau khi cử động mắt. Đây là biểu hiện đầu tiên ở 20% bệnh nhân MS.
  • Mù màu (color blindness): Chủ yếu do di truyền, làm giảm khả năng phân biệt màu sắc, thường gặp nhất là mù màu đỏ – xanh lục.
  • Mờ mắt, mất thị lực tạm thời: Có thể do tật khúc xạ, đột quỵ, tổn thương vỏ não thị giác hoặc ảnh hưởng chuyển hóa (như tăng đường huyết, thiếu vitamin).

Rối loạn thị giác không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhìn mà còn liên quan trực tiếp đến an toàn khi lái xe, làm việc, sinh hoạt và chất lượng sống. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện khi chức năng thị giác đã giảm đáng kể hoặc xuất hiện biến chứng. Việc nhận diện sớm biểu hiện bất thường và được thăm khám kịp thời đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thị lực.


Nguyên nhân Rối loạn thị giác

Rối loạn thị giác có thể xuất phát từ nhiều cơ chế khác nhau, tùy theo vị trí tổn thương trong hệ thị giác. Từ giác mạc, thủy tinh thể đến dây thần kinh thị giác, vỏ não vùng chẩm – bất kỳ mắt xích nào trong đường dẫn truyền thị giác cũng có thể là nguyên nhân. Đa số trường hợp là lành tính, nhưng cũng không hiếm trường hợp cảnh báo bệnh lý thần kinh, miễn dịch hoặc mạch máu nghiêm trọng.

Rối loạn tại đường dẫn truyền thị giác

Một trong những nguyên nhân quan trọng là viêm thần kinh thị giác – tổn thương phổ biến ở người mắc bệnh đa xơ cứng (MS). Đây có thể là biểu hiện khởi phát duy nhất của bệnh, thường xảy ra ở người trẻ, gây giảm thị lực trung tâm kèm cảm giác đau nhức khi vận động mắt. Ngoài giảm thị lực, người bệnh còn có thể thấy màu sắc nhạt hơn bình thường, hình ảnh thiếu độ rõ nét hoặc xuất hiện vùng mờ ngay chính giữa tầm nhìn. Trên thực tế, nhiều trường hợp có tổn thương thần kinh thị giác dưới lâm sàng, chỉ phát hiện qua các kỹ thuật chuyên sâu như điện thế gợi thị giác hoặc chụp cắt lớp võng mạc (OCT).

Một biểu hiện đặc biệt khác ở nhóm bệnh này là hiện tượng mắt bị mờ tạm thời khi tăng thân nhiệt (ví dụ sau khi tắm nước nóng, hoặc vận động thể lực). Đây gọi là hiện tượng Uhthoff – một dấu hiệu cho thấy đường truyền tín hiệu từ mắt lên não bị suy yếu tạm thời do tổn thương mất bao thần kinh myelin.

Viêm thần kinh thị giác là một nguyên nhân gây rối loạn thị giác phổ biến, thường gặp ở người mắc bệnh đa xơ cứng.Viêm thần kinh thị giác là một nguyên nhân gây rối loạn thị giác phổ biến, thường gặp ở người mắc bệnh đa xơ cứng.

Tổn thương tại hệ thần kinh trung ương

Khi tín hiệu hình ảnh được truyền đến não nhưng vỏ não không xử lý chính xác, người bệnh có thể mất một phần tầm nhìn, nhìn lệch, hình ảnh bị méo hoặc khó xác nhận vị trí trong không gian. Tình trạng này thường gặp khi có tổn thương tại thùy chẩm do đột quỵ, u não hoặc viêm não, gây ra hiện tượng mù 1 bên trường nhìn (hemianopia) hoặc nhìn hình ảnh như kính vỡ. Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có cảm giác “nhìn thấy” nhưng thực chất đã bỏ sót một phần hình ảnh, làm tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe hoặc đi lại.

Mù màu bẩm sinh thường liên quan đến bất thường di truyền trên nhiễm sắc thể X, phổ biến ở nam giới.Mù màu bẩm sinh thường liên quan đến bất thường di truyền trên nhiễm sắc thể X, phổ biến ở nam giới.


Các biến chứng Rối loạn thị giác

Tiên lượng của rối loạn thị giác phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương tại thời điểm phát hiện và khả năng đáp ứng điều trị. Một số trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn, trong khi những tình huống khác để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống.

Khả năng phục hồi

  • Viêm thần kinh thị giác trong bệnh đa xơ cứng thường có tiên lượng khá tốt. Hầu hết bệnh nhân cải thiện thị lực trong vài tuần đến vài tháng sau đợt viêm cấp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm nhận thị lực chưa trở lại hoàn toàn bình thường, đặc biệt là khi quan sát màu sắc hoặc vật thể chuyển động nhanh. Một số trường hợp có biểu hiện tổn thương dây thần kinh thị giác mạn tính, kể cả khi thị lực trung tâm đã hồi phục.
  • Rối loạn thị giác do migraine thường không gây tổn thương thực thể tại mắt hoặc thần kinh thị giác. Các biểu hiện thị giác như ánh sáng chớp, vệt sáng hay vùng mờ thường tự giới hạn trong vòng 10-60 phút và hồi phục hoàn toàn sau mỗi cơn.
  • Song thị đôi do tổn thương dây thần kinh vận nhãn có khả năng cải thiện tốt trong các trường hợp nguyên nhân do mạch máu nhỏ (như ở người lớn tuổi có bệnh lý nền). Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là u nội sọ, phình động mạch hoặc bệnh lý tiến triển như nhược cơ, việc hồi phục thị giác phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện và điều trị nguyên nhân từ sớm.
  • Mù màu bẩm sinh là tình trạng không hồi phục. Người bệnh thường phải thích nghi trong sinh hoạt hằng ngày và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Ngược lại, mù màu mắc phải do thuốc hoặc bệnh lý thần kinh thị giác có thể cải thiện một phần nếu xử lý sớm yếu tố gây tổn thương,

Biến chứng có thể gặp

Nếu không được phát hiện và điều trị đúng lúc, rối loạn thị giác có thể dẫn đến:

  • Mất thị lực không hồi phục: Gặp trong các trường hợp tổn thương nặng dây thần kinh thị giác, đột quỵ vùng chẩm hoặc chèn ép kéo dài do u.
  • Ảnh hưởng chức năng sinh hoạt và nghề nghiệp: Người bệnh có thể gặp khó khăn trong học tập, làm việc, lái xe, sử dụng thiết bị điện tử hoặc thực hiện các công việc cần độ chính xác cao.
  • Tăng nguy cơ tai nạn và chấn thương: Rối loạn thị giác làm giảm khả năng định hướng không gian, tăng nguy cơ té ngã hoặc va chạm, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Một số trường hợp kéo dài có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, tránh né các hoạt động xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân mất tự tin vào khả năng thị giác của mình.

Các yếu tố ảnh hưởng tiên lượng

  • Nguyên nhân cụ thể: Rối loạn thị giác do migraine hoặc viêm nhẹ thường có khả năng hồi phục tốt. Ngược lại, những tổn thương liên quan đến thần kinh trung ương hoặc viêm mạn tính có xu hướng để lại di chứng.
  • Thời điểm can thiệp: Việc điều trị càng sớm càng tăng khả năng bảo tồn chức năng thị giác. Điều này đặc biệt đúng với các trường hợp viêm thần kinh thị giác, tổn thương chèn ép dây thần kinh vận nhãn hoặc thiếu máu não.
  • Bệnh nền đi kèm: Người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, đa xơ cứng hoặc tiền sử đột quỵ thường có nguy cơ hồi phục kém hơn hoặc tái phát nhiều lần.
  • Tuổi và khả năng thích nghi: Người trẻ thường hồi phục nhanh và thích nghi tốt hơn với những khiếm khuyết nhỏ trong thị giác. Ngược lại, người lớn tuổi dễ gặp khó khăn khi phải thay đổi thói quen sinh hoạt.

Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn thị giác

Việc chẩn đoán rối loạn thị giác cần bắt đầu từ khai thác triệu chứng kỹ lưỡng, kết hợp khám lâm sàng mắt và thần kinh, sau đó định hướng các xét nghiệm phù hợp với từng nhóm nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết

Rối loạn thị giác không chỉ đơn thuần là “nhìn mờ” mà còn có nhiều biểu hiện khác nhau, giúp bác sĩ nhận biết nguyên nhân tiềm ẩn:

  • Nhìn đôi (song thị) là dấu hiệu khá phổ biến. Nếu che một mắt mà vẫn còn thấy song thị, thường là do vấn đề tại chính mắt đó, như giác mạc bị tổn thương hoặc thủy tinh thể bị đục. Ngược lại, nếu hiện tượng này biến mất khi che một bên mắt thì nguyên nhân thường là do hai mắt không phối hợp tốt, có thể do lệch trục thị giác hoặc tổn thương các dây thần kinh vận nhãn.
  • Mờ mắt thoáng qua hoặc mất một vùng trong tầm nhìn có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ, viêm dây thần kinh thị giác hoặc tổn thương vỏ não thị giác. Một số người bệnh chỉ phát hiện ra khi gặp khó khăn trong việc đọc, lái xe hoặc đi lại.
  • Chớp sáng, hình ảnh lăng kính vạn hoa hoặc mảng tối hình vòng cung thường gặp trong rối loạn thị giác do migraine. Những biểu hiện này thường xảy ra ở cả hai mắt, kéo dài dưới một giờ và sẽ tự hết mà không để lại tổn thương nào.
  • Mất màu, hình ảnh trở nên nhạt màu, thiếu độ tương phản là dấu hiệu điển hình trong viêm dây thần kinh thị giác. Thậm chí, người bệnh có thể gặp những biểu hiện này ngay cả khi thị lực trung tâm vẫn còn tương đối tốt.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Không có một tiêu chuẩn chung cho tất cả các rối loạn thị giác, nhưng một bước chẩn đoán quan trọng là xác định vị trí tổn thương theo lâm sàng:

  • Nếu triệu chứng chỉ xuất hiện ở một mắt, cần nghĩ đến nguyên nhân tại mắt (giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc).
  • Nếu triệu chứng xuất hiện ở cả hai mắt, đặc biệt là cùng một bên của trường nhìn, thường gợi ý tổn thương tại hệ thần kinh trung ương.
  • Đối với song thị, việc phân biệt giữa song thị đơn và đôi giúp loại trừ sớm các nguyên nhân nguy hiểm.

Ngoài ra, một số yếu tố cần đặc biệt lưu ý khi bác sĩ khai thác bệnh sử:

  • Khởi phát đột ngột, từ từ.
  • Triệu chứng kèm theo (đau mắt, đau đầu, sốt, yếu liệt).
  • Tiền sử migraine, đa xơ cứng, bệnh lý chuyển hóa hay dùng thuốc đặc biệt.
  • Triệu chứng tái phát nhiều lần.

Các dấu hiệu như mất màu, thường xuyên nghiêng đầu để nhìn rõ hơn, hoặc mất một bên tầm nhìn nên được xem là dấu hiệu nghiêm trọng cần đánh giá chuyên sâu.

Tiền sử Migraine là một yếu tố cần chú ý đặc biệt khi khai thác bệnh sử.Tiền sử Migraine là một yếu tố cần chú ý đặc biệt khi khai thác bệnh sử.

Xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết

Việc lựa chọn xét nghiệm phụ thuộc vào hướng chẩn đoán mà bác sĩ định hướng từ lâm sàng:

  • Khám mắt cơ bản: Bao gồm đo thị lực, soi đáy mắt, kiểm tra sắc giác, trường nhìn, phản xạ đồng tử. Đây là bước đầu tiên để xác định tổn thương tại mắt hay dây thần kinh thị giác.
  • Test che mắt: Một kỹ thuật đơn giản để phân biệt song thị đôi hay đơn, từ đó giúp loại trừ tổn thương hệ vận nhãn hay tật khúc xạ.
  • Điện thế gợi thị giác (VEP): Được sử dụng trong các trường hợp nghi viêm thần kinh thị giác, giúp xác định độ trễ và suy giảm tín hiệu từ mắt lên não. Đây là xét nghiệm có độ nhạy cao trong bệnh đa xơ cứng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI não và ổ mắt): Là công cụ chẩn đoán hình ảnh thiết yếu trong trường hợp nghi tổn thương trung ương, đặc biệt nếu có biểu hiện thần kinh kèm theo. MRI giúp phát hiện viêm, u, tổn thương tổn thương lớp bao thần kinh trong các bệnh như đa xơ cứng hoặc viêm thần kinh thị giác.
  • Chụp OCT (cắt lớp võng mạc): Đánh giá độ dày lớp thần kinh trong võng mạc và tế bào hạch. Đây là phương pháp không xâm lấn, có giá trị trong theo dõi tổn thương thần kinh thị giác, kể cả trong giai đoạn chưa có triệu chứng rõ ràng.
  • Xét nghiệm dịch não tủy hoặc máu có thể được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân rối loạn thị giác liên quan đến bệnh lý tự miễn, như viêm thần kinh thị giác tái phát hoặc hội chứng tủy thị thần kinh (NMO). Các xét nghiệm này giúp phát hiện những dấu hiệu đặc hiệu của bệnh, như sự xuất hiện của kháng thể bất thường (anti-AQP4, anti-MOG) hoặc dấu ấn viêm trong hệ thần kinh.

Các biện pháp điều trị Rối loạn thị giác

Việc điều trị rối loạn thị giác phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ ảnh hưởng đến thị lực và khả năng hồi phục của hệ thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng chỉ thoáng qua và tự giới hạn. Tuy nhiên, một số tình huống cần can thiệp y tế sớm để ngăn ngừa tổn thương thị lực không hồi phục.

Rối loạn thị giác do viêm thần kinh thị giác

Viêm thần kinh thị giác là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn thị lực ở người mắc bệnh đa xơ cứng. Trong giai đoạn cấp, bác sĩ thường chỉ định sử dụng methylprednisolone liều cao – dưới dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch – để giúp thị lực hồi phục nhanh hơn. Việc điều trị sớm trong những ngày đầu có thể mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc corticoid không làm thay đổi tiên lượng lâu dài về thị lực, tức là không làm giảm nguy cơ mất thị lực về sau. Sau giai đoạn cấp tính, thị lực có thể cải thiện dần trong vòng vài tuần đến vài tháng. Dù vậy, một số người bệnh vẫn có thể gặp tình trạng nhìn mờ nhẹ, giảm màu sắc hoặc cảm giác không rõ khi nhìn vật chuyển động nhanh.

Ở những trường hợp có nguy cơ tái phát, bác sĩ có thể xem xét điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch để kiểm soát bệnh tốt hơn về lâu dài.

Corticoid được chỉ định trong giai đoạn cấp của viêm thần kinh thị giác.Corticoid được chỉ định trong giai đoạn cấp của viêm thần kinh thị giác.

Rối loạn thị giác do lệch trục mắt và tổn thương dây thần kinh vận nhãn

Song thị đôi có thể do lệch trục nhãn cầu hoặc tổn thương thần kinh vận nhãn. Trong những trường hợp này, mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân nhìn rõ trở lại và giảm cảm giác nhìn đôi gây khó chịu.

Các biện pháp điều chỉnh bao gồm:

  • Che một bên mắt hoặc sử dụng kính mờ một phần để loại bỏ hình ảnh phụ, giúp người bệnh chỉ nhìn bằng một bên mắt.
  • Gắn lăng kính Fresnel vào kính gọng để điều chỉnh hình ảnh, thường được áp dụng khi lệch trục mắt ở mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Phẫu thuật điều chỉnh cơ vận nhãn có thể được thực hiện nếu tình trạng lệch trục kéo dài và ảnh hưởng lâu dài đến thị giác.
  • Tiêm botulinum toxin vào cơ đối vận trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như liệt dây thần kinh VI, để tạm thời cải thiện tình trạng lệch trục mắt và song thị.

Nếu nguyên nhân gây song thị là do tổn thương mạch máu nhỏ (thường gặp ở người cao tuổi có bệnh nền), tình trạng này đôi khi có thể cải thiện tự nhiên sau vài tháng mà không cần điều trị đặc hiệu.

Rối loạn thị giác liên quan migraine

Các triệu chứng thị giác trong migraine thường xuất hiện thoáng qua, không gây tổn thương thực thể ở mắt. Vì vậy, điều trị tập trung vào kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát.

Khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh nên nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh và âm thanh lớn. Nếu có kèm đau đầu, có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc thuốc đặc hiệu cho migraine nếu đã được chỉ định trước đó.

Với những người có biểu hiện migraine thị giác lặp lại hoặc ảnh hưởng sinh hoạt, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị dự phòng bằng thuốc phù hợp để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn.

Rối loạn thị giác do mù màu

Mù màu bẩm sinh hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, một số biện pháp hỗ trợ có thể giúp người bệnh thích nghi trong sinh hoạt như:

  • Sử dụng kính lọc màu hoặc kính chuyên dụng hỗ trợ phân biệt màu sắc.
  • Áp dụng các mẹo nhận biết màu theo vị trí hoặc bối cảnh, chẳng hạn như phân biệt đèn giao thông theo vị trí chứ không dựa vào màu.
  • Dùng phần mềm chuyển đổi màu trên máy tính hoặc điện thoại, đặc biệt trong học tập và công việc có liên quan đến xử lý màu.
  • Trường hợp mù màu mắc phải do tổn thương dây thần kinh thị giác, nhiễm độc thuốc hoặc bệnh lý nội khoa có thể cải thiện nếu phát hiện sớm và xử trí nguyên nhân kịp thời.

Các nguyên nhân khác

  • Tật khúc xạ (như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị) là nguyên nhân phổ biến gây nhìn mờ. Tình trạng này có thể được điều chỉnh hiệu quả bằng kính gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ.
  • Đục thủy tinh thể hoặc bệnh lý giác mạc: Những trường hợp này thường điều trị bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể hoặc can thiệp chuyên khoa phù hợp với mức độ tổn thương.
  • Nguyên nhân chuyển hóa hoặc nhiễm độc: Cần loại bỏ yếu tố nguy cơ (rượu, thuốc độc thần kinh), điều chỉnh rối loạn chuyển hóa như thiếu vitamin B12. Ở một số trường hợp, nếu tổn thương đã ảnh hưởng dây thần kinh thị giác, khả năng hồi phục thị lực có thể bị giới hạn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Costello, F. (2016). Vision disturbances in multiple sclerosis. Seminars in Neurology, 36(2), 185–195. https://doi.org/10.1055/s-0036-1579692
  2. Feroze, K. B., Gurnani, B., & O'Rourke, M. C. (2024, August 11). Transient loss of vision. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430845/
  3. Friedman, D. I. (2016, February 5). Visual disturbances: Related to migraine or not? https://practicalneurology.com/articles/2016-feb/visual-disturbances-related-to-migraine-or-not
  4. Griff, A. M., & Holland, K. (2019, August 31). What’s causing disturbances in my vision? Healthline. https://www.healthline.com/health/visual-disturbances
  5. Griff, A. M., & O'Connell, K. (2019, December 24). What you need to know about color blindness. Healthline. https://www.healthline.com/health/color-blindness
  6. Lazarus, R. (n.d.). Top 9 causes of visual distortions. Optometrists.org. https://www.optometrists.org/general-practice-optometry/guide-to-eye-conditions/guide-to-blurry-vision-and-headaches/top-9-causes-of-visual-distortions/

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ