Từ điển bệnh lý

Rối loạn trầm cảm tái diễn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 18-07-2025

Tổng quan Rối loạn trầm cảm tái diễn

Rối loạn trầm cảm tái diễn là một dạng trầm cảm được phân loại trong hệ thống bệnh lý của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-11). Đặc điểm chính của bệnh là các đợt trầm cảm xuất hiện lặp đi lặp lại, xen kẽ với những khoảng thời gian người bệnh không có biểu hiện rõ ràng nào. Khác với rối loạn lưỡng cực, người mắc rối loạn trầm cảm tái diễn không trải qua các giai đoạn hưng phấn hay tăng năng lượng trong suốt quá trình diễn tiến bệnh.

Rối loạn trầm cảm tái diễn có đặc điểm chính là các đợt trầm cảm thường xuất hiện lặp đi lặp lại, xen kẽ các khoảng thời gian bình thường.Rối loạn trầm cảm tái diễn có đặc điểm chính là các đợt trầm cảm thường xuất hiện lặp đi lặp lại, xen kẽ các khoảng thời gian bình thường.

Sau đợt trầm cảm đầu tiên, nguy cơ tái phát đã lên tới 50%. Nếu người bệnh từng có hai đợt trầm cảm, khả năng xuất hiện đợt trầm cảm thứ ba có thể tăng đến 80%.

Mỗi đợt trầm cảm có thể được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng, tùy vào số lượng triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ xã hội. Một số trường hợp có thể xuất hiện biểu hiện loạn thần đi kèm.

Có hai dạng chính của rối loạn trầm cảm tái diễn:

  • Trầm cảm nặng tái diễn (Recurrent major depressive): Mỗi đợt kéo dài ≥2 tuần, có thể cách nhau vài tháng hoặc vài năm.
  • Trầm cảm ngắn tái diễn (Recurrent brief depressive): Người bệnh thường trải qua các đợt trầm cảm nghiêm trọng ngắn hạn, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Dạng này thường đi kèm với rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder) hoặc rối loạn trầm cảm dai dẳng (persistent depressive disorder).

Đây là một tình trạng có xu hướng mạn tính và dễ tái phát, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống nếu không được theo dõi và điều trị đầy đủ. Việc nhận diện sớm, phân loại chính xác và can thiệp đúng cách có thể giúp cải thiện tiên lượng và giảm nguy cơ tái phát.


Nguyên nhân Rối loạn trầm cảm tái diễn

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân đơn độc nào gây ra rối loạn trầm cảm tái diễn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy đây là kết quả của sự phối hợp phức tạp giữa các yếu tố di truyền, hoạt động của não bộ, nội tiết và tác động từ môi trường - tâm lý - xã hội.

Một số yếu tố sinh học được cho là có liên quan, bao gồm:

  • Sự khác biệt về cấu trúc và phương thức hoạt động của não bộ ở người mắc trầm cảm so với người bình thường.
  • Rối loạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và noradrenaline – những chất có vai trò quan trọng trong việc điều hòa cảm xúc.
  • Giảm nồng độ GABA – một chất ức chế thần kinh – được ghi nhận trong máu, dịch não tủy và não bộ của người trầm cảm.
  • Bất thường nội tiết, gồm trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA), hormon giáp và hormon tăng trưởng.

Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng. Các nghiên cứu trên cặp song sinh cho thấy tỉ lệ trầm cảm tương đồng khá cao ở những cặp sinh đôi cùng trứng, điều này cho thấy nguy cơ mắc bệnh có thể di truyền trong gia đình.

Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý – xã hội cũng góp phần làm tăng nguy cơ tái phát, bao gồm:

  • Đợt trầm cảm đầu tiên càng nặng thì nguy cơ tái phát càng cao.
  • Những sang chấn tâm lý trong thời thơ ấu như bạo hành, bị phân biệt đối xử hoặc thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội có thể để lại ảnh hưởng lâu dài.
  • Sự căng thẳng kéo dài hoặc các biến cố lớn trong cuộc sống như mất việc, ly hôn hoặc mất người thân dễ dẫn đến các đợt trầm cảm mới.
  • Người có khả năng chịu đựng tâm lý thấp, xu hướng dễ lo âu, tự nghi ngờ bản thân hoặc phản ứng tiêu cực với áp lực cuộc sống cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

Các biến cố lớn trong cuộc sống như ly hôn có thể dẫn đến các đợt trầm cảm mới.Các biến cố lớn trong cuộc sống như ly hôn có thể dẫn đến các đợt trầm cảm mới.

Ngoài ra, người có tiền sử rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm kéo dài cũng có nguy cơ cao phát triển rối loạn trầm cảm tái diễn.

Tóm lại, rối loạn trầm cảm tái diễn là một tình trạng bệnh lý phức tạp, hình thành do nhiều yếu tố tác động lẫn nhau. Việc nhận diện và can thiệp từ sớm các yếu tố nguy cơ có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát về sau.


Triệu chứng Rối loạn trầm cảm tái diễn

Rối loạn trầm cảm tái diễn biểu hiện bằng các đợt trầm cảm tái phát, cách nhau bởi khoảng thời gian ít nhất 2 tháng và hoàn toàn không có triệu chứng. Mỗi đợt trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần, chia thành mức độ nhẹ, vừa hoặc nặng, tùy vào số lượng triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng trong mỗi đợt trầm cảm bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã, trống rỗng kéo dài.
  • Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích.
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
  • Khó tập trung, giảm khả năng đưa ra quyết định.
  • Rối loạn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ).
  • Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng.
  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức.
  • Lo âu, bồn chồn.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân.
  • Ý nghĩ tự sát hoặc hành vi tự làm hại bản thân.

Những triệu chứng này có thể tái diễn sau vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mà không triệu chứng. Theo thời gian, mức độ nghiêm trọng của các đợt có xu hướng tăng dần.

Người bị rối loạn trầm cảm thường có ý nghĩ tự sát hoặc hành vi tự làm hại bản thân.Người bị rối loạn trầm cảm thường có ý nghĩ tự sát hoặc hành vi tự làm hại bản thân.


Các biến chứng Rối loạn trầm cảm tái diễn

Rối loạn trầm cảm tái diễn là một bệnh lý mạn tính, với nguy cơ tái phát cao theo thời gian. Thống kê cho thấy, người từng trải qua một đợt trầm cảm có khả năng tái phát lên đến 50%. Nếu đã từng có hai đợt bệnh, nguy cơ tái phát đợt thứ ba có thể tăng đến 80%.

Mỗi lần bệnh tái phát không chỉ làm nặng thêm các triệu chứng mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện ý nghĩ hoặc hành vi tự sát. Nếu không được điều trị đúng cách và đầy đủ, người bệnh có thể trải qua nhiều đợt trầm cảm trong suốt cuộc đời, với mức độ ngày càng tăng dần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Tài liệu y văn cho biết khoảng 10-15% người mắc rối loạn trầm cảm nặng tử vong do tự sát, và tỷ lệ tái phát sau các đợt như sau:

  • 50% sau đợt đầu đầu tiên.
  • 70% sau đợt thứ hai.
  • 90% sau đợt thứ ba.

Một số yếu tố giúp cải thiện tiên lượng bao gồm:

  • Đợt trầm cảm nhẹ, không có triệu chứng loạn thần.
  • Tuân thủ tốt kế hoạch điều trị.
  • Có sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội.
  • Tình trạng tâm lý và khả năng thích nghi xã hội tốt trước khi bệnh khởi phát.

Ngược lại, tiên lượng sẽ kém hơn nếu người bệnh:

  • Có rối loạn tâm thần đi kèm.
  • Rối loạn nhân cách.
  • Phải nhập viện nhiều lần.
  • Tuổi khởi phát bệnh lớn.

Tóm lại, rối loạn trầm cảm tái diễn là một bệnh lý tiến triển lâu dài, dễ tái phát và cần được theo dõi lâu dài. Việc điều trị duy trì và phòng ngừa tái phát là yếu tố quan trọng giúp cải thiện kết quả điều trị và chất lượng sống lâu dài cho người bệnh.


Các biện pháp chẩn đoán Rối loạn trầm cảm tái diễn

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-11

Để chẩn đoán rối loạn trầm cảm tái diễn, cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Đã từng có ít nhất một đợt trầm cảm trước đó kéo dài ít nhất 2 tuần.
  • Hiện tại có ít nhất 5 triệu chứng trầm cảm kéo dài liên tục ≥2 tuần.
  • Khoảng cách giữa các đợt phải có ít nhất 2 tháng không có triệu chứng.
  • Không có bất kỳ giai đoạn hưng cảm, phấn khích hoặc tăng năng lượng xen kẽ giữa các đợt trầm cảm.

Các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết

Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm hoặc cận lâm sàng dành riêng cho chẩn đoán rối loạn trầm cảm tái diễn. Tuy nhiên, một số xét nghiệm cũng được chỉ định để loại trừ các nguyên nhân thực thể có thể gây triệu chứng trầm cảm, bao gồm:

  • Công thức máu.
  • TSH, T4 tự do (tầm soát suy giáp).
  • Xét nghiệm Vitamin D.
  • Xét nghiệm nước tiểu, độc chất học.

Ngoài ra, thang điểm PHQ-9 cũng được dùng để sàng lọc và theo dõi tiến triển trong quá trình điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định rõ vai trò của thang điểm này trong chẩn đoán rối loạn trầm cảm tái diễn.


Các biện pháp điều trị Rối loạn trầm cảm tái diễn

Biện pháp không dùng thuốc

Theo WHO, một số biện pháp hỗ trợ trong trầm cảm nói chung bao gồm:

  • Duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn mỗi ngày.
  • Giữ mối liên hệ với gia đình và bạn bè để có sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
  • Vận động thể chất nhẹ nhàng, ví dụ đi bộ.
  • Giữ thói quen ăn uống và ngủ nghỉ đều đặn.
  • Tránh sử dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Trò chuyện với người thân đáng tin cậy hoặc tìm sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.

Điều trị nội khoa

Thuốc chống trầm cảm đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các đợt trầm cảm cấp tính và ngăn ngừa tái phát. Sau khi các triệu chứng được cải thiện, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc ít nhất trong vòng 1 năm. Đối với những người có tiền sử tái phát sau khi ngừng thuốc, có thể cần duy trì điều trị trong thời gian dài hơn, thậm chí suốt đời.

Danh sách nhóm thuốc thường dùng cho trầm cảm bao gồm:

  • SSRI: Fluoxetine, sertraline, citalopram, escitalopram…
  • SNRI: Venlafaxine, duloxetine…
  • Thuốc điều chỉnh serotonin: Trazodone, vilazodone…
  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình: Bupropion, mirtazapine…
  • Một số thuốc cũ hơn như nhóm ba vòng (TCA) hoặc ức chế men monoamin (MAOI) ít được dùng do nhiều tác dụng phụ.

Một số thuốc bổ sung như thuốc điều chỉnh tâm trạng hoặc thuốc chống loạn thần có thể được cân nhắc trong các trường hợp không đáp ứng đơn trị liệu.

Trị liệu tâm lý

Liệu pháp tâm lý là một phần không thể thiếu trong điều trị rối loạn trầm cảm tái diễn, đặc biệt là trong giai đoạn cấp và phòng ngừa tái phát.

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) được đánh giá cao trong việc hỗ trợ người bệnh thay đổi góc nhìn tiêu cực và duy trì tình trạng ổn định sau đợt cấp.
  • Trị liệu tâm lý cá nhân cũng là một phương pháp có hiệu quả, giúp người bệnh cải thiện mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp xã hội.

Việc duy trì tâm lý trị liệu phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Ở một số người, liệu pháp này có thể ngừng khi triệu chứng thuyên giảm, trong khi những trường hợp khác cần tiếp tục kéo dài để duy trì hiệu quả.

Trị liệu tâm lý là một phần không thể thiếu trong điều trị rối loạn trầm cảm tái diễn.Trị liệu tâm lý là một phần không thể thiếu trong điều trị rối loạn trầm cảm tái diễn.

Các phương pháp khác

Liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng với thuốc và tâm lý trị liệu. Phương pháp này thường mang lại hiệu quả nhanh chóng trong giai đoạn cấp, nhưng không nên lặp lại thường xuyên để duy trì. Sau ECT, người bệnh có thể cần dùng thuốc để giảm nguy cơ tái phát.


Tài liệu tham khảo:

  1. Bains, N., & Abdijadid, S. (2023). Major depressive disorder. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559078/ (Accessed May 3, 2025)
  2. Monroe, S. M., & Harkness, K. L. (2022). Major depression and its recurrences: Life course matters. Annual Review of Clinical Psychology, 18, 329–357. https://doi.org/10.1146/annurev-clinpsy-072220-021440
  3. The Human Condition. (2020, December 29). Recurrent depressive disorder. https://thehumancondition.com/what-is-recurrent-depressive-disorder/ (Accessed May 3, 2025)
  4. World Health Organization. (2023, March 31). Depressive disorder (depression). https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression (Accessed May 3, 2025)



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ