Từ điển bệnh lý

Rôm sảy : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Rôm sảy

Rôm sảy là một tình trạng da phổ biến, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể tiết ra quá nhiều mồ hôi, nhưng mồ hôi không thể thoát ra ngoài vì tuyến mồ hôi bị bít tắc. Điều này tạo ra các mẩn đỏ, nổi mụn nước hoặc các đốm nhỏ trên da.

Nốt rôm sảy gây phiền toái tới người mắc bệnh

Nốt rôm sảy gây phiền toái tới người mắc bệnh



Nguyên nhân Rôm sảy

- Bít tắc tuyến mồ hôi: khi mồ hôi không thể thoát ra ngoài do tuyến mồ hôi bị bít tắc, sẽ gây ra sự tích tụ mồ hôi dưới lớp biểu bì da. Điều này làm cho da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ và tạo ra các nốt nhỏ, mụn nước. Do mồ hôi quá nhiều hoặc các tế bào da chết làm tắc nghẽn các tuyến mồ hôi.

- Nhiệt độ cao và độ ẩm: môi trường nóng bức và ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để bệnh rôm sảy phát triển. Đặc biệt, ở những nơi có khí hậu nhiệt đới hoặc trong mùa hè, tình trạng này càng phổ biến.

- Mặc quần áo không thoáng khí: quần áo làm từ các chất liệu không thấm hút mồ hôi hoặc quá chật có thể tạo ra sự cọ xát, làm nóng da và tạo điều kiện cho các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn.

- Quần áo dày, không thấm mồ hôi hoặc bó sát: cũng làm ảnh hưởng tới làn da, tạo môi trường thuận lợi cho bệnh rôm sảy phát triển.

- Tăng tiết mồ hôi: những người có cơ thể dễ dàng đổ mồ hôi quá mức, hoặc tham gia vào hoạt động thể chất mạnh sẽ dễ bị rôm sảy. Mồ hôi tích tụ trong một thời gian dài mà không thể thoát ra ngoài có thể gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi.

- Da nhạy cảm hoặc bị tổn thương: da dễ bị kích ứng, đặc biệt là da nhạy cảm hoặc da đang bị tổn thương do viêm nhiễm, có thể dễ dàng bị mắc bệnh rôm sảy. Các yếu tố như cọ xát hoặc ma sát mạnh cũng có thể gây kích ứng da, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Các yếu tố nội tiết và bệnh lý: bệnh béo phì, hội chứng mồ hôi không kiểm soát, hoặc một số bệnh lý nội tiết như cường giáp làm tăng nguy cơ rôm sảy.

Hormone trong cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiết mồ hôi, làm tăng khả năng mắc rôm sảy.

Béo phì làm tăng nguy cơ bị rôm sảy

Béo phì làm tăng nguy cơ bị rôm sảy



Triệu chứng Rôm sảy

Các tổn thương trên da:

- Mẩn đỏ: vùng da bị ảnh hưởng thường xuất hiện những đốm đỏ li ti, rải rác hoặc tập trung thành từng mảng nhỏ.

- Mụn nước nhỏ: các mụn nước trong suốt hoặc trắng đục có thể nổi lên, dễ vỡ nếu bị cọ xát.

- Sẩn nhỏ: ở một số trường hợp, da có thể nổi các nốt nhỏ cứng, hơi sần.

Ngứa và khó chịu:

- Ngứa: là triệu chứng phổ biến nhất, từ mức độ nhẹ đến ngứa dữ dội.

- Cảm giác châm chích, bỏng rát ở vùng da bị ảnh hưởng, đặc biệt khi đổ mồ hôi nhiều hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao.

- Vị trí xuất hiện: Rôm sảy thường xuất hiện ở những khu vực cơ thể dễ bị tích tụ mồ hôi hoặc bị ma sát, như cổ, vai, ngực, nách, bẹn, mông. Ở trẻ nhỏ, các tổn thương thường thấy ở vùng cổ, trán và lưng.

- Triệu chứng kèm theo (nếu có biến chứng): Nếu rôm sảy kéo dài hoặc không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến nhiễm trùng da với các triệu chứng đỏ da lan rộng, đau và sưng tại vùng bị tổn thương, xuất hiện mủ hoặc dịch vàng, sốt (trong trường hợp nhiễm trùng nặng).



Các biến chứng Rôm sảy

- Nhiễm trùng da: Nguyên nhân do các nốt mụn nước, mụn mủ bị vỡ hoặc tổn thương do gãi ngứa làm vi khuẩn (thường là tụ cầu khuẩn Staphylococcus hoặc liên cầu khuẩn Streptococcus) xâm nhập. Vùng da bị rôm sảy trở nên đỏ, sưng, đau, xuất hiện mủ hoặc vết loét trên da. Có thể xuất hiện vảy vàng do nhiễm trùng. Trong trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể lan rộng gây viêm mô tế bào.

- Viêm nang lông: Nguyên nhân do tắc nghẽn kéo dài tại các ống tuyến mồ hôi và nang lông, kết hợp với sự xâm nhập của vi khuẩn. Gây nổi mụn mủ hoặc các nốt đỏ quanh nang lông. Cảm giác đau và ngứa nhiều tại vùng da bị tổn thương.

- Áp xe da: khi tình trạng nhiễm trùng lan sâu hơn vào các lớp mô dưới da, có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe chứa mủ, xuất hiện khối sưng đỏ, nóng, đau trên da. Cảm giác đau nhói khi chạm vào. Đôi khi có sốt kèm theo.

- Rôm sảy mãn tính: bệnh tái phát liên tục trong điều kiện môi trường nóng ẩm hoặc không được điều trị triệt để. Rôm sảy xuất hiện dai dẳng, khó dứt. Da có thể bị sẫm màu, dày lên hoặc bong tróc do tổn thương lặp đi lặp lại.

Áp xe da là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Áp xe da là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh



Đối tượng nguy cơ Rôm sảy

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện, dễ bị bít tắc khi sản xuất quá nhiều mồ hôi.

- Da nhạy cảm: làn da mỏng và nhạy cảm của trẻ dễ bị kích ứng bởi nhiệt độ cao, ẩm ướt hoặc quần áo không phù hợp.

- Thói quen quấn khăn, mặc nhiều lớp quần áo: điều này làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến mồ hôi không thoát ra ngoài, tạo điều kiện cho rôm sảy xuất hiện.

- Người sống trong môi trường nóng ẩm: những người sống ở vùng có khí hậu nóng, ẩm, đặc biệt vào mùa hè, dễ mắc rôm sảy.

- Không gian sống kém thông thoáng: ở trong môi trường ngột ngạt, thiếu không khí lưu thông cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rôm sảy.

- Người tập luyện thể thao: các hoạt động thể chất mạnh khiến cơ thể đổ mồ hôi liên tục, dễ dẫn đến tình trạng ứ đọng mồ hôi và gây bít tắc tuyến mồ hôi.

- Người lao động nặng: những người làm việc trong điều kiện nóng bức, như công nhân xây dựng hoặc lao động ngoài trời, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Hạn chế vận động do liệt: người phải nằm lâu trong một tư thế hoặc nằm ở nơi môi trường nóng ẩm sẽ dễ bị tích tụ mồ hôi.

- Da bị ma sát liên tục: vùng da tiếp xúc với ga giường hoặc quần áo trong thời gian dài có thể bị kích ứng, gây rôm sảy.

- Người có làn da nhạy cảm hoặc bệnh lý kèm theo: những người có làn da dễ bị kích ứng thường dễ bị rôm sảy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc mồ hôi.

- Bệnh lý cường giáp: người mắc cường giáp có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn bình thường, làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn tuyến mồ hôi.



Phòng ngừa Rôm sảy

- Giữ da mát mẻ và khô ráo: ở nơi thoáng mát, tắm nước mát, lau khô mồ hôi.

- Chọn quần áo thoáng khí: mặc đồ rộng rãi, chất liệu thấm hút tốt như cotton.

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: tắm rửa hàng ngày, tránh dùng sản phẩm gây kích ứng.

- Hạn chế tiếp xúc với môi trường nóng ẩm: sử dụng quạt, máy lạnh trong mùa nóng.

- Chế độ ăn lành mạnh: uống đủ nước, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và C.



Các biện pháp chẩn đoán Rôm sảy

- Bác sĩ sẽ hỏi về thời gian khởi phát, điều kiện thời tiết, môi trường sống và các hoạt động gần đây của bệnh nhân (ví dụ: thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc độ ẩm).

- Triệu chứng kèm theo: tìm hiểu các dấu hiệu như mẩn đỏ, ngứa, châm chích, đau rát hoặc có mủ.

Thăm khám lâm sàng:

- Quan sát tổn thương da: bác sĩ kiểm tra kỹ các vùng da bị ảnh hưởng để xác định loại rôm sảy: rôm sảy tinh, rôm sảy đỏ, rôm sảy sâu.

- Vị trí tổn thương: thường ở cổ, vai, lưng, nách, bẹn, hoặc vùng da có nếp gấp.

- Đánh giá mức độ bệnh: xem xét phạm vi tổn thương da, mức độ viêm, ngứa hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.

- Lấy mẫu da (sinh thiết da): Hiếm khi cần thiết, nhưng có thể thực hiện để loại trừ các bệnh lý da khác (như viêm da tiếp xúc, chàm, hoặc bệnh lý nhiễm trùng da).

Xét nghiệm bổ sung (nếu nghi ngờ nhiễm trùng hoặc biến chứng):

- Cấy dịch mủ: lấy mẫu dịch từ tổn thương để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng (như tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn).

- Công thức máu: đánh giá bạch cầu nếu nghi ngờ nhiễm trùng lan rộng.

Chẩn đoán phân biệt:

- Viêm da tiếp xúc: gây đỏ da và ngứa, thường do tiếp xúc với chất gây dị ứng.

- Chàm (eczema): mẩn đỏ, ngứa dai dẳng và có xu hướng tái phát.

- Nhiễm nấm da: có tổn thương dạng tròn, có vảy.

- Nhiễm khuẩn da: như viêm mô tế bào hoặc viêm nang lông.



Các biện pháp điều trị Rôm sảy

Điều trị không dùng thuốc:

- Giữ da khô ráo và mát mẻ, sử dụng quạt, điều hòa không khí hoặc quần áo thoáng mát để giảm tiết mồ hôi. Nên mặc đồ rộng rãi, làm từ các chất liệu thấm hút mồ hôi như cotton.

- Tắm rửa sạch sẽ: tắm bằng nước mát hoặc nước ấm pha loãng để làm dịu da, có thể thêm bột yến mạch hoặc lá thảo dược lành tính (lá trà xanh, lá kinh giới, mướp đắng) vào nước tắm để giảm ngứa.

- Tránh sử dụng xà phòng hoặc sữa tắm có hóa chất mạnh gây kích ứng da.

- Tránh gãi hoặc làm tổn thương da: gãi ngứa có thể làm tổn thương lớp da và dẫn đến nhiễm trùng. Cắt ngắn móng tay và hướng dẫn trẻ không gãi vùng da bị rôm sảy.

Điều trị bằng thuốc bôi:

- Kem dưỡng ẩm: sử dụng các sản phẩm không chứa hương liệu, không gây bít tắc lỗ chân lông như:

- Sản phẩm chứa calamine hoặc kẽm oxit: giúp giảm ngứa và làm dịu viêm.

- Kem chứa allantoin hoặc panthenol: giúp làm dịu và tái tạo da.

- Corticosteroid dạng bôi: chỉ định trong các trường hợp rôm sảy đỏ có viêm nhiều, ngứa dữ dội:

- Hydrocortisone 1%: bôi một lớp mỏng, tối đa 2 lần/ngày. Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn (3–5 ngày) để tránh tác dụng phụ.

- Khi có dấu hiệu nhiễm trùng: bôi dung dịch sát trùng như milian, povidone-iodine hoặc clindamycin để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

- Thuốc bôi chống viêm và kháng khuẩn kết hợp: đối với các trường hợp rôm sảy có dấu hiệu nhiễm trùng (mụn mủ, loét) bôi thuốc chứa thành phần kết hợp corticosteroid và kháng sinh như fucidin-H hoặc betamethasone/clotrimazole.

Trong những trường hợp rôm sảy nặng, kéo dài hoặc có biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều trị toàn thân:

- Thuốc kháng histamin: dùng để giảm ngứa và cải thiện tình trạng khó chịu.

- Thuốc kháng sinh: chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng da thứ phát dùng đường uống như amoxicillin/clavulanic acid, cephalexin hoặc clindamycin theo chỉ định của bác sĩ.

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): có thể sử dụng khi da sưng, viêm nghiêm trọng, kèm đau.

Phòng ngừa tái phát:

- Giữ không gian sống thông thoáng, mát mẻ, đặc biệt vào mùa hè: Hạn chế để trẻ em hoặc người bệnh ở môi trường nóng ẩm quá lâu.

- Vệ sinh cá nhân đúng cách: tắm rửa thường xuyên, giữ da khô ráo. Thay quần áo sạch sẽ khi đổ nhiều mồ hôi.

- Tránh sử dụng mỹ phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da có thành phần gây bít tắc lỗ chân lông.

- Uống đủ nước hàng ngày và bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C: để tăng sức khỏe cho da.

- Theo dõi và điều chỉnh điều trị: tái khám định kỳ đối với các trường hợp rôm sảy mãn tính hoặc có biến chứng, cần tái khám để điều chỉnh phác đồ điều trị.

- Đánh giá dấu hiệu nghiêm trọng nếu xuất hiện sốt, đau dữ dội, mủ lan rộng hoặc không đáp ứng điều trị sau 5–7 ngày, người bệnh cần liên hệ bác sĩ ngay để xử lý kịp thời.

Trong đa số trường hợp, bệnh rôm sảy có thể tự khỏi sau một vài ngày nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56.



Tài liệu tham khảo:

  1. https://vncdc.gov.vn/cham-soc-tre-bi-rom-say-man-ngua-nd14937.html
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537176/.

3.    https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/sweating-disorders/miliaria.





Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ