Từ điển bệnh lý

Rong huyết : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 11-04-2025

Tổng quan Rong huyết

Rong huyết (metrorrhagia) là tình trạng ra máu bất thường từ tử cung, xảy ra ngoài chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể bao gồm mất cân bằng hormone, u khối phần phụ, viêm nhiễm, hoặc các vấn đề về đông máu. 

Tỷ lệ mắc rong huyết không được xác định chính xác, nhưng ước tính khoảng 10% đến 35% phụ nữ có thể gặp phải tình trạng này trong độ tuổi sinh sản. Việc chẩn đoán và điều trị rong huyết phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của việc ra máu. Việc thăm khám và xử trí kịp thời là rất cần thiết để làm giảm thiểu biến chứng của bệnh.

 Rong huyết là tình trạng xuất huyết từ tử cung bất thường, xảy ra ngoài chu kỳ kinh nguyệt

Rong huyết là tình trạng xuất huyết từ tử cung bất thường, xảy ra ngoài chu kỳ kinh nguyệt



Nguyên nhân Rong huyết

Nguyên nhân gây rong huyết rất đa dạng, có thể liên quan đến các yếu tố nội tiết, bệnh lý tử cung, rối loạn đông máu hoặc các yếu tố bên ngoài như tác dụng phụ của thuốc. 

Mất cân bằng hormone: Các rối loạn nội tiết có thể làm thay đổi sự cân bằng giữa estrogen và progesterone trong cơ thể, gây bong niêm mạc tử cung bất thường. Điều này thường xảy ra trong các giai đoạn như dậy thì, tiền mãn kinh hoặc sau sinh. Khi cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen mà thiếu progesterone, niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức và có thể gây xuất huyết bất thường.

U xơ tử cung: U xơ tử cung là khối u lành tính xuất phát từ cơ tử cung, rất phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các u xơ có thể làm tăng sản xuất estrogen, từ đó kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, gây xuất huyết bất thường. U xơ lớn hoặc nằm ở vị trí sát với niêm mạc tử cung có thể gây rong huyết nghiêm trọng.

Polyp tử cung: Polyp tử cung là những khối u nhỏ, lành tính, phát triển trong niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Chúng có thể gây xuất huyết bất thường, đặc biệt là khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích, chẳng hạn như trong quan hệ tình dục hoặc khi thực hiện các thủ thuật phụ khoa. Polyp có thể làm cho lớp niêm mạc tử cung dễ bong tróc và gây chảy máu.

Viêm nhiễm tử cung: Các bệnh nhiễm trùng như viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu thường do các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm tổn thương lớp niêm mạc, khiến nó dễ chảy máu. Bệnh lý hay kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng dưới, sốt, và tiết dịch âm đạo bất thường.

Rối loạn đông máu: Những phụ nữ có các vấn đề về đông máu như bệnh Von Willebrand, thiếu yếu tố đông máu hoặc các vấn đề về tiểu cầu, có thể gặp tình trạng rong huyết. Vì khả năng đông máu kém, các mạch máu trong tử cung dễ bị vỡ và gây ra máu kéo dài.

Cấy que tránh thai và đặt dụng cụ tử cung: đây là hai phương pháp tránh thai hiệu quả nhưng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, rong huyết. Que cấy tránh thai chứa hormone progestin có tác dụng phụ gây rong kinh, rong huyết kéo dài, ra máu lốm đốm hoặc vô kinh. Tình trạng này thường xuất hiện trong 3-6 tháng đầu và có xu hướng ổn định theo thời gian.Dụng cụ tử cung có thể gây ra máu do phản ứng của niêm mạc tử cung với vật thể lạ.

Ung thư tử cung và các bệnh lý ác tính khác: Rong huyết có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung hoặc buồng trứng. Trong trường hợp này, xuất huyết bất thường xảy ra không chỉ giữa các chu kỳ nguyệt mà còn sau mãn kinh. 

Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra rong huyết như thuốc tránh thai, thuốc chống đông máu (như warfarin), hoặc thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp. Những thuốc này có thể làm thay đổi nội tiết tố hoặc ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể, từ đó dẫn đến xuất huyết bất thường.

Polyp buồng tử cung là nguyên nhân gây rong huyết

Polyp buồng tử cung là nguyên nhân gây rong huyết



Phòng ngừa Rong huyết

Điều chỉnh lối sống: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Phụ nữ cần bổ sung đầy đủ sắt và axit folic để phòng ngừa thiếu máu, đồng thời tăng cường thực phẩm giàu vitamin K giúp hỗ trợ quá trình đông máu. Duy trì cân nặng hợp lý cũng là yếu tố quan trọng, vì sự mất cân bằng giữa mô mỡ và hormone có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Các hoạt động thể chất vừa phải như yoga, đi bộ hay bơi lội giúp cân bằng nội tiết và giảm stress, nhưng cần tránh tập luyện quá sức vì có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, kiểm soát căng thẳng bằng giấc ngủ đầy đủ và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, cà phê cũng góp phần duy trì kinh nguyệt bình thường.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt: Việc ghi chép chu kỳ kinh nguyệt, thời gian hành kinh và lượng máu mất giúp phát hiện sớm những bất thường. Nếu chu kỳ thay đổi thất thường, rong kinh kéo dài hoặc lượng máu kinh tăng nhiều, cần đến bác sĩ để thăm khám và đánh giá nguyên nhân.

Lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp: Các phương pháp tránh thai có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó cần lựa chọn phương pháp phù hợp với từng cá nhân. Ở những phụ nữ có nguy cơ rong huyết, vòng tránh thai nội tiết hoặc thuốc tránh thai kết hợp có thể giúp ổn định nội tiết và kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn. Ngược lại, vòng tránh thai chứa đồng có thể làm tăng nguy cơ rong kinh, do đó cần cân nhắc khi sử dụng.

Sử dụng thuốc hợp lý: Việc sử dụng thuốc nội tiết, thuốc tránh thai hay các loại thuốc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rong huyết. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng NSAIDs kéo dài cũng là một biện pháp quan trọng để tránh ảnh hưởng đến quá trình đông máu. 

Khám sức khỏe định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến rong huyết như u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, rối loạn nội tiết hay rối loạn đông máu. Đặc biệt, với những phụ nữ có tiền sử rong kinh hoặc bất thường về kinh nguyệt, việc kiểm tra định kỳ và xét nghiệm cần thiết sẽ giúp can thiệp sớm, tránh các biến chứng về lâu dài.

Khám phụ khoa định kỳ giúp dự phòng rong huyết

Khám phụ khoa định kỳ giúp dự phòng rong huyết



Các biện pháp chẩn đoán Rong huyết

Để chẩn đoán rong huyết, bao gồm chẩn đoán bệnh, mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể: 

Khám lâm sàng:

Hỏi bệnh:

+Tiền sử kinh nguyệt: thông tin về tần suất, số ngày hành kinh, lượng máu mất và các thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của 6 chu kỳ gần nhất sẽ giúp bác sĩ nhận định về tính chất kinh nguyệt trước đây của bệnh nhân. 

+ Yếu tố nguy cơ: bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử mang thai, sẩy thai, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, và các vấn đề liên quan đến nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh tuyến giáp để đánh giá nguyên nhân gây rong huyết. Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây xuất huyết bất thường.

+ Tính chất ra máu: ra máu không liên quan đến kì nguyệt. Có thể xuất huyết đột ngột hoặc sau quan hệ tình dục, kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng, sốt, nôn,... 

Khám tổng quát:

+ Dấu hiệu thiếu máu: bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như nhợt nhạt, mệt mỏi, tim đập nhanh, có thể chỉ ra sự thiếu máu do rong huyết kéo dài.

+ Dấu hiệu xuất huyết nơi khác trên cơ thể: chảy máu chân răng, vết thương khó cầm máu, xuất huyết dưới da,..đi kèm với tình trạng rong huyết có thể gợi ý một tình trạng rối loạn đông máu.

+ Sút cân bất thường: cần khảo sát kĩ rong huyết có liên quan đến các bệnh lý ác tính.

Khám phụ khoa: Bác sĩ tiến hành đặt mỏ vịt để đánh giá lượng máu, tính chất của dịch và vị trí chảy máu. Đồng thời cần kiểm tra tử cung qua tay để phát hiện u xơ, polyp, dấu hiệu viêm nhiễm hoặc bất kỳ tổn thương nào ở bộ phận sinh dục nữ.

Cận Lâm Sàng:

Xét nghiệm máu:

+ Công thức máu: Giúp đánh giá tình trạng thiếu máu do mất máu kéo dài, đặc biệt quan trọng trong các trường hợp rong huyết kéo dài.

+ Xét nghiệm hormone: Kiểm tra mức độ estrogen, progesterone, FSH, LH, testosterone và prolactin để phát hiện sự rối loạn nội tiết tố có thể là nguyên nhân của rong huyết.

+ Xét nghiệm đông máu: Để phát hiện các rối loạn đông máu như thiếu yếu tố đông máu hoặc bệnh von Willebrand, nguyên nhân phổ biến của rong huyết.

Siêu âm phần phụ: Siêu âm qua bụng hoặc âm đạo là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến giúp phát hiện các bất thường như u xơ, polyp, dày niêm mạc tử cung hoặc khối u ác tính. Siêu âm qua âm đạo thường được sử dụng để quan sát chi tiết tử cung và buồng trứng.

Nội soi tử cung: là phương pháp hiệu quả để phát hiện các polyp, u xơ, hoặc các tổn thương niêm mạc tử cung mà siêu âm không thể phát hiện được. Nội soi cũng cho phép thực hiện sinh thiết để kiểm tra sự hiện diện của ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư.

Sinh thiết nội mạc tử cung: được thực hiện khi có nghi ngờ về ung thư tử cung hoặc các tổn thương ác tính. Các bác sĩ sẽ lấy mẫu mô nội mạc tử cung và tiến hành phân tích tế bào.

Chụp MRI hoặc CT scan: Các phương pháp này giúp đánh giá chi tiết cấu trúc tử cung và buồng trứng, đặc biệt là trong các trường hợp khối u lớn hoặc phức tạp.

Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục: Khi có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng có liên quan đến việc rong huyết, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để điều trị chính xác tác nhân gây bệnh.


Siêu âm đầu dò âm đạo thường được chỉ định để tìm nguyên nhân rong huyết



Các biện pháp điều trị Rong huyết

Điều trị rong huyết phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ra máu bất thường. Mục tiêu điều trị là kiểm soát tình trạng chảy máu, điều trị nguyên nhân và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. 

Điều trị nội khoa

Thuốc nội tiết: Các thuốc có thành phần estrogen hoặc phối hợp estrogen và progesterone thường được sử dụng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giảm rong huyết. 

Thuốc cầm máu và thuốc điều trị đông máu: Trong các trường hợp rong huyết do rối loạn đông máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như acid tranexamic hoặc desmopressin để ngừng chảy máu.

Thuốc giảm đau: Nếu bệnh nhân có đau bụng hoặc chuột rút liên quan đến rong huyết, các thuốc giảm đau như ibuprofen có thể giúp giảm cơn đau và kiểm soát viêm.

Điều trị ngoại khoa

Nạo buồng tử cung: áp dụng trong trường hợp rong huyết không kiểm soát được bằng thuốc hoặc do nguyên nhân u xơ, polyp, hoặc niêm mạc tử cung dày, phương pháp nạo buồng tử cung có thể được chỉ định để làm mỏng niêm mạc và giảm chảy máu.

Nội soi tử cung: khi phát hiện các tổn thương như polyp, u xơ, hoặc niêm mạc tử cung bất thường, nội soi tử cung được chỉ định để loại bỏ các khối u hoặc tổn thương có thể giúp điều trị rong huyết.

Đặt dụng cụ tử cung chứa nội tiết: Một số loại dụng cụ tử cung chứa hormone có thể giúp giảm lượng máu và có thể ngừng xuất huyết hoàn toàn. Đặc biệt trong các trường hợp rong huyết do các khối u lạc nội mạc tử cung.

Phẫu thuật bóc u xơ tử cung: các khối u lớn gây rối loạn nội tiết hoặc chèn ép vào niêm mạc tử cung sẽ được phẫu thuật loại bỏ để cải thiện trình trạng ra máu.

Cắt tử cung: là phương pháp phẫu thuật cuối cùng được cân nhắc khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả và bệnh nhân bị rong huyết nặng hoặc có các vấn đề `

Trên đây là các thông tin cần thiết về viêm rong huyết. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

Benedetti, T. J., Dello Russo, A. L., & Guzman, E. (2018). Anemia in women with abnormal uterine bleeding: Diagnosis and treatment. American Journal of Obstetrics and Gynecology, 219(3), 267.e1-267.e6.

Bober, P., Khan, T., & Lamba, S. (2019). Imaging techniques for abnormal uterine bleeding. Obstetrics & Gynecology Clinics, 46(2), 239-250.

García, R., Martínez, M., & Ruiz, E. (2020). The role of hysteroscopy in abnormal uterine bleeding: A review of techniques and indications. European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology, 252, 31-36.

Khan, M. S., Khan, F. A., & Khan, M. A. (2017). Management of abnormal uterine bleeding: A review. Journal of Obstetrics and Gynaecology, 37(4), 469-475.

Liu, Z., Zhang, L., & Yang, H. (2019). MRI in the diagnosis of abnormal uterine bleeding. European Radiology, 29(6), 3195-3203.

Meyer, P. L., & McCarty, M. A. (2020). Coagulation disorders and abnormal uterine bleeding. Journal of Thrombosis and Haemostasis, 18(5), 1009-1017.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ