Từ điển bệnh lý

Rubella : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-12-2024

Tổng quan Rubella

Rubella hay bệnh sởi Đức là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella gây ra và lây truyền qua các giọt bắn trong không khí, được đặc trưng bởi những nốt ban nhỏ, sốt, tổn thương hạch bạch huyết. Mặc dù bệnh rubella thường ít gây nguy hiểm đối với trẻ em và người trưởng thành tuy nhiên nhiễm virus rubella trong thời kỳ mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây ra dị tật bẩm sinh (hội chứng Rubella bẩm sinh - Congenital Rubella Syndrome - CRS) thậm chí có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu (1). Ước tính có khoảng 100.000 trẻ sơ sinh mắc hội chứng rubella bẩm sinh trên toàn thế giới mỗi năm, >80% được sinh ra ở Châu Phi và một số quốc gia ở Nam và Đông Nam Á. Tại Việt nam tỷ lệ mắc hội chứng rubella bẩm sinh ước tính khoảng 2,4/100.000 dân. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh, nhưng phòng bệnh bằng vắc xin rất hiệu quả (2–4).

Virus Rubella

Virus Rubella

Lịch sử bệnh Rubella

Năm 1740, ca bệnh rubella đầu tiên được mô tả tại Đức bởi Friedrich Hoffmann, sau đó được xác nhận bởi 2 bác sĩ người Đức năm 1752 và 1758, cả 2 tác giả này đều cho rằng rubella được bắt nguồn từ bệnh sởi. Đến năm 1962 virus rubella được phân lập. Sau đó các nghiên cứu tại Úc và Thụy Điển năm 1962-1965 cho thấy rằng hội chứng CRS có nguyên nhân là do virus rubella.

Cấu trúc virus rubella

Virus rubella là một loại virus có vỏ bọc, mang chuỗi RNA đơn với chiều dài khoảng 9,762 nucleotide và đường kính khoảng 70 nm. Thành phần của nó bao gồm một lớp vỏ lipid chứa hai glycoprotein E1 và E2, cùng với nucleocapsid, RNA và protein Capsid. Lõi của nucleocapsid có đường kính từ 30-35nm với một T=4 khối 20 mặt đối xứng. Đối với các loại virus thuộc họ Alphavirus và Flavivirus, glycoprotein E1 của Rubella có thể biểu hiện sự khác biệt đặc biệt về cấu trúc, sự khác biệt này có thể do kết quả của sự chèn cấu trúc này vào khu vực gen của rubella virus.


Nguyên nhân Rubella

Bệnh Rubella do virus Rubella gây ra. Virus rubella là virus duy nhất của chi Rubivirus gây bệnh cho người, cho đến năm 2018 Rubivirus được phân loại thuộc họ Togaviridae, tuy nhiên từ năm 2020, Ủy ban Quốc tế về phân loại virus đã xếp Rubivirus sang họ Matonaviridae. Virus Rubella chỉ gây bệnh cho người, không bền với nhiệt và có thể bị bất hoạt sau 30 phút ở 56 độ C. Khả năng lây nhiễm nhanh chóng bị mất đi khi ở - 20 độ C, dễ bị tiêu diệt bởi tia UV và các chất khử trùng thông thường (3) (5).

Rubella lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hoặc giọt bắn từ đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh Rubella có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 1 tuần trước khi phát ban xuất hiện và có thể lây cho đến 7 ngày sau đó. Thời kỳ lây nhiễm nhiều nhất thường là 1–5 ngày sau khi phát ban. Tuy nhiên 25% - 50% những người bị nhiễm Rubella không phát ban hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn là nguồn lây mạnh cho người khác. Ngoài lây qua các giọt bắn và tiếp xúc, người mẹ mang thai nhiễm Rubella có thể truyền cho thai nhi và để lại hậu quả nghiêm trọng (7,8). Khi người mẹ bị nhiễm virus rubella vào đầu thai kỳ, có 90% khả năng truyền virus cho thai nhi. Trẻ sơ sinh bị Rubella bẩm sinh vẫn có khả năng truyền bệnh trong hơn một năm (3).

Virus Rubella lây qua tiếp xúc và giọt bắn

Virus Rubella lây qua tiếp xúc và giọt bắn



Triệu chứng Rubella

Triệu chứng của Rubella thường xuất hiện sau khoảng 2-3 tuần từ khi tiếp xúc với virus. Ở trẻ em, triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn. Những triệu chứng chính bao gồm:

  • Phát ban đỏ: Phát ban bắt đầu ở sau tai, lan ra khắp mặt, rồi lan ra toàn bộ cơ thể. Phát ban lại biến mất sau 1 đến 3 ngày. Trẻ em thường chỉ bị phát ban. Người lớn thường bị đau đầu, đau khớp và sốt.
  • Sốt nhẹ: Nhiệt độ cơ thể có thể tăng nhẹ lên khoảng 37,5°C đến 38,5°C.
  • Sưng hạch bạch huyết: Đặc biệt là hạch sau tai và cổ.
  • Đau khớp: Ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ, có thể xuất hiện đau khớp kéo dài trong vài tuần.
  • Các triệu chứng nhẹ khác: Đau đầu, mệt mỏi, viêm họng và mắt đỏ.

Phát ban đỏ trên bệnh nhân Rubella

Phát ban đỏ trên bệnh nhân Rubella

Hầu hết người mắc bệnh Rubella thường nhẹ diễn biến lành tính, khoảng 25-50% người mắc Rubella mà không có triệu chứng rõ ràng, điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác mà không biết. Một số trường hợp có các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh não sau nhiễm trùng (4).

Nhiễm rubella ở phụ nữ mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây thai chết lưu hoặc các dị tật bẩm sinh được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh. Nguy cơ lây truyền cho thai nhi phụ thuộc vào thời điểm nhiễm trùng của mẹ; khi nhiễm Rubella xảy ra trước 10 tuần đầu thai kỳ, nó có thể gây ra nhiều dị tật thai nhi ở 90% các trường hợp. Nguy cơ dị tật bẩm sinh giảm xuống khi nhiễm trùng ở giai đoạn sau của thai kỳ. Nhiễm rubella trong quá trình phôi thai dẫn đến bộ ba bệnh lý kinh điển là đục thủy tinh thể, dị tật tim bẩm sinh và điếc chính là các triệu chứng điển hình của hội chứng rubella bẩm sinh:

Giảm thính lực: Ở những thai phụ mắc rubella tại thời điểm 0-8 tuần của thai kỳ, có 38% trẻ sinh ra bị giảm thính lực bẩm sinh, nhóm thai phụ mắc rubella tại thời điểm 9-16 tuần, tỷ lệ trẻ sinh ra bị giảm thính lực bẩm sinh chiếm 43%, nhóm thai phụ mắc rubella tại thời điểm 17-20 tuần, tỷ lệ trẻ sinh ra bị giảm thính lực bẩm sinh chiếm 1%.

Dị tật bẩm sinh tại mắt: Nhóm trẻ có mẹ mắc rubella ở giai đoạn 0-8 tuần của thai kỳ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt bẩm sinh chiếm 12%; nhóm trẻ có mẹ mắc rubella trong khoảng 9-16 tuần của thai kỳ nguy cơ mắc các bệnh về mắt bẩm sinh chiếm 6%. Trường hợp mẹ mắc rubella sau tuần 17, trẻ rất ít có nguy cơ mắc dị tật này.. Các bệnh về mắt có thể gặp như bệnh võng mạc, bệnh tăng nhãn áp, viêm võng mạc, thiểu sản mống mắt và bệnh mắt nhỏ.

Các khuyết tật bẩm sinh tại tim: Trẻ được sinh ra bởi thai phụ mắc rubella ở tuần thai 0-8, tỷ lệ mắc tim bẩm sinh chiếm 24%; ở nhóm trẻ có mẹ mắc rubella giai đoạn thai 9-16 tuần, tỷ lệ này là 9%. Các bất thường về tim có thể gặp: ống động mạch còn hở, thiểu sản động mạch phổi.

 Ngoài ra còn gây nhẹ cân khi sinh, xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, gan lách to và viêm não màng não, tự kỷ, đái tháo đường, chậm phát triển và chứng đầu nhỏ. Trong tất cả các biểu hiện, điếc là phát hiện phổ biến nhất (9-10).

Rubella bẩm sinh

Rubella bẩm sinh



Đối tượng nguy cơ Rubella

Rubella gặp ở nhiều khu vực trên thế giới, cả nam và nữ, trẻ em cũng như người lớn. Bệnh Rubella ảnh hưởng đến cả hai giới như nhau ở trẻ em, trong khi ở người lớn, bệnh Rubella ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ em từ 5 đến 9 tuổi và thanh thiếu niên. Số ca mắc bệnh tăng cao vào mùa Đông, cao nhất là mùa Xuân (3)

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh rubella bao gồm những người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm vắc-xin chưa đầy đủ, đi du lịch đến các vùng dịch lưu hành, tiếp xúc với các thành viên trong gia đình mắc bệnh rubella và suy giảm miễn dịch (5)



Phòng ngừa Rubella

Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là tiêm vắc-xin. Sau khoảng 2-4 tuần sau khi tiêm vắc xin, tỷ lệ hình thành đáp ứng miễn dịch với rubella vào khoảng 95% (3). Vắc-xin phòng bệnh Rubella gồm các loại là: vắc-xin rubella đơn giá, vắc-xin nhị giá phối hợp sởi-rubella (MR), vắc-xin tam giá phối hợp sởi-quai bị-rubella (MMR, Priorix, ROR...), vắc-xin tứ giá phối hợp sởi-quai bị-rubella- thủy đậu.

Vắc-xin kết hợp phòng sởi-rubella (MRVac) là vắc xin thuốc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và được tiêm miễn phí có trẻ em sau 1 tuổi (thường là 18 tháng tuổi).

 Lịch tiêm của vắc-xin này như sau:

  • Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi:: Mũi 1: tiêm trong khoảng trên 12 tháng tuổi;. Mũi 2: Mũi tiêm nhắc lại sau tiêm mũi 1 3 tháng hoặc vào giai đoạn đi học của trẻ lúc 4-6 tuổi (thường cách 4 năm sau mũi 1)
  • Đối với trẻ trên 7 tuổi hoặc người lớn, phụ nữ trước khi mang thai: tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau tối thiểu 1 tháng.
  • Liều dùng 0,5 ml, tiêm dưới da, không tiêm tĩnh mạch.

Chống chỉ định khi tiêm vắc xin:

  • Phụ nữ có kế hoạch mang thai, tránh 3 tháng sau tiêm không mang thai
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Đang mắc các bệnh lý cấp tính như sốt, nhiễm khuẩn,...
  • Mắc bệnh lý gây suy giảm miễn dịch
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin

Các loại vắc-xin đều có những tác dụng phụ không mong muốn nhưng phần lớn là tác dụng phụ nhẹ, kéo dài 1-2 ngày sau khi tiêm vắc-xin và không cần can thiệp về y tế như:

  • Đau nhức ở vùng tiêm
  • Sốt, mệt mỏi, tiêu chảy
  • Đau đầu, kích thích
  • Đau cơ, khớp
  • Buồn nôn, nôn
  • Các phản ứng nặng số phản vệ tương đối ít gặp

Trường hợp gặp bất kỳ phản ứng bất thường sau tiêm, người bệnh cần thông báo ngay với bác sỹ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất



Các biện pháp chẩn đoán Rubella

25 - 50% các trường hợp nhiễm trùng là không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Nhiều trường hợp nhiễm rubella không được phát hiện vì phát ban giống với nhiều bệnh phát ban khác. Bởi vậy thường chẩn đoán Rubella bằng các xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể Rubella (IgM và IgG). Xét nghiệm IgM cho biết người bệnh mới mắc Rubella gần đây, trong khi IgG xác định liệu người đó đã từng tiếp xúc với virus trước đây hoặc đã được tiêm phòng.

  • Xét nghiệm IgM: Nếu dương tính, điều này cho thấy nhiễm Rubella hiện tại hoặc mới xảy ra. Thời điểm tối ưu để tiến hành xét nghiệm IgM là 5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng (sốt và phát ban). Tuy nhiên kết quả IgM có thể bị dương tính giả trong các bệnh gây phát ban bởi các nguyên nhân khác (như EBV, parvovirus B19…). IgM có thể tồn tại trong trong cơ thể khoảng 3 tháng.
  • Xét nghiệm IgG: Được dùng để kiểm tra khả năng miễn dịch của người bệnh đối với virus, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai để đánh giá nguy cơ lây truyền cho thai nhi.

Ngoài ra có thể sử dụng dịch tỵ hầu, dịch ngoáy họng để thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử như Realtime RT-PCR để phát hiện virus từ vài ngày trước đến bảy ngày sau khi phát ban. Thời điểm lấy mẫu tối ưu là 4 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng (6).



Các biện pháp điều trị Rubella

Hiện tại, Rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng như sốt, đau khớp, mệt mỏi và thuốc bôi ngoài da với các nốt phát ban. Người bệnh cần nghỉ ngơi và bổ sung nước điện giải và tăng miễn dịch. Trường hợp nhiễm rubella trong thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng nguyên Rubella để giúp mẹ đề kháng với virus tuy nhiên con vẫn có nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh.

Cách ly với bệnh nhân được chẩn đoán mắc rubella hoặc trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh để tránh hình thành ổ dịch.

Nếu phụ nữ mang thai trong những tháng đầu có triệu chứng như sốt, đau khớp, phát ban rải rác toàn thân cần đến các cơ sở y tế ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng, hạn chế nguy cơ dị tật thai nhi.

Trên đây là tổng hợp những thông tin có liên quan đến Bệnh học Rubella mà MEDLATEC đã cập nhật cho bạn đọc. Để được tư vấn kỹ hơn cũng như đặt lịch khám sức khỏe, Quý khách có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua số đường dây nóng 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.


Tài liệu tham khảo:

  1. Edlich RF, Winters KL, Long WB, Gubler KD. Rubella and congenital rubella (German measles). J Long Term Eff Med Implants. 2005;15(3):319–28.
  2. Ferrari C, Somma G, Gentili S, Manili G, Mauro G, Treglia M, et al. Rubella Vaccine Uptake among Women of Childbearing Age in Healthcare Settings. Healthcare. 2023 Nov 19;11(22):2992.
  3. Rubella [Internet]. [cited 2024 Oct 18]. Available from: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rubella
  4. Rubella | Sách Vàng CDC 2024 [Internet]. [cited 2024 Oct 19]. Available from: https://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2024/infections-diseases/rubella
  5. Leung AKC, Hon KL, Leong KF. Rubella (German measles) revisited. Hong Kong Med J Xianggang Yi Xue Za Zhi. 2019 Apr;25(2):134–41.
  6. Measles, rubella and CRS: disease description, epidemiology and diagnosis. In: Surveillance Guidelines for Measles, Rubella and Congenital Rubella Syndrome in the WHO European Region [Internet]. World Health Organization; 2012 [cited 2024 Oct 18]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK143257/
  7. Zhao Y, Chen D, Chen K, Xie M, Guo J, Chan EWC, et al. Epidemiological and Genetic Characteristics of Clinical Carbapenem-Resistant Pseudomonas aeruginosa Strains in Guangdong Province, China. Microbiol Spectr. 2023 Apr 20;11(3):e04261-22.
  8. Otani N, Shima M, Ueda T, Nakajima K, Takesue Y, Yamamoto T, et al. Changes in the Epidemiology of Rubella: The Influence of Vaccine-Introducing Methods and COVID-19. Vaccines. 2023 Aug;11(8):1358.
  9. Leonor MC, Mendez MD. Rubella. In: StatPearls [Internet] [Internet]. StatPearls Publishing; 2023 [cited 2024 Oct 18]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559040/
  10. Nguyễn Văn Thường. Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng bệnh rubella bẩm sinh và mối liên quan của rubella ở mẹ theo thời kỳ mang thai tới thai nhi 2019.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ