Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Rụng tóc có sẹo là một dạng rụng tóc không hồi phục, trong đó quá trình viêm phá hủy nang tóc vĩnh viễn và thay thế chúng bằng mô sẹo. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các bệnh lý viêm, nhiễm trùng, rối loạn tự miễn hoặc chấn thương.
Rụng tóc có sẹo thường biểu hiện bằng các mảng mất tóc rõ rệt, bề mặt da đầu có thể nhẵn bóng, mất hoàn toàn lỗ chân lông. Một số thể có biểu hiện kèm ban đỏ, vảy, mụn mủ hoặc cảm giác đau, ngứa rát ở vùng tổn thương. Hiện nay, điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát tình trạng viêm và ngăn chặn tiến triển bệnh, nhưng không thể phục hồi vùng tóc đã mất.
Rụng tóc có sẹo là một dạng rụng tóc không hồi phục
Nguyên nhân rụng tóc có sẹo rất đa dạng, bao gồm các bệnh lý viêm, nhiễm trùng, rối loạn tự miễn và các yếu tố chấn thương. Dựa vào cơ chế bệnh sinh, có thể chia nguyên nhân thành hai nhóm chính:
Trong nhóm này, tổn thương chủ yếu xảy ra tại nang tóc do phản ứng viêm mạn tính hoặc rối loạn miễn dịch, dẫn đến phá hủy cấu trúc nang tóc và thay thế bằng mô xơ. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Bệnh viêm nang tóc mạn tính: Viêm nang lông decalvans, viêm nang lông do Staphylococcus.
- Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ dạng đĩa, lichen planopilaris, Pemphigus, epidermolysis bullosa bẩm sinh.
- Rối loạn viêm không rõ nguyên nhân: Viêm tuyến bã dạng hủy hoại (folliculitis keloidalis, acne keloidalis nuchae).
TRong nhóm này, nang tóc bị tổn thương do các tác động bên ngoài. Mặc dù nguyên nhân khởi phát khác nhau, điểm chung của tất cả các trường hợp rụng tóc có sẹo là quá trình viêm mạn tính hoặc hoại tử dẫn đến tổn thương không phục hồi của nang tóc và thay thế chúng bằng mô sợi xơ (sẹo). Một số nguyên nhân thường gặp của rụng tóc có sẹo thứ phát bao gồm:
- Chấn thương vật lý: Các yếu tố vật lý có thể phá hủy cấu trúc da đầu và nang tóc, dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn như:
+ Bỏng nhiệt: Cháy nổ, bỏng do nước sôi hoặc lửa có thể làm tổn thương sâu đến lớp trung bì và mô dưới da, nơi chứa nang tóc.
+ Bỏng hóa chất: Tiếp xúc với các hóa chất ăn mòn mạnh như axit hoặc bazơ có thể phá hủy mô da đầu.
+ Tia xạ: Bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ có thể gặp tình trạng rụng tóc kéo dài hoặc vĩnh viễn nếu liều xạ cao gây hoại tử mô và xơ hóa vùng nang tóc.
+ Phẫu thuật da đầu: Các vết sẹo sau phẫu thuật, nhất là các can thiệp ngoại khoa rộng, có thể khiến vùng da đó không còn khả năng mọc tóc.
- Nhiễm trùng nặng: Một số tác nhân nhiễm trùng có khả năng gây phá hủy mô và nang tóc, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời:
+ Nấm da đầu: Các loài nấm sợi như Trichophyton và Microsporum có thể gây viêm mủ, hoại tử nang tóc nếu nhiễm trùng sâu và lan rộng.
+ Lao da: Dạng lao da khu trú hoặc lan tỏa có thể dẫn đến tổn thương mô sâu, hình thành sẹo và gây rụng tóc vĩnh viễn.
+ Giang mai giai đoạn muộn: Tổn thương giang mai da đầu có thể để lại sẹo sâu nếu tiến triển không kiểm soát.
+ Khối u và tổn thương ác tính: Ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy, hoặc di căn ung thư lên da đầu có thể xâm lấn, phá hủy các cấu trúc da đầu bao gồm cả nang tóc. Sau điều trị, vùng tổn thương cũng thường hình thành mô sẹo gây mất tóc vĩnh viễn.
- Bệnh lý viêm da mạn tính: Một số bệnh lý da hệ thống có thể gây tổn thương sợi collagen và mô liên kết dưới da đầu, dẫn đến phá hủy nang tóc:
+ Xơ cứng bì khu trú: Gây xơ hóa mô dưới da, mất độ đàn hồi và làm teo nang tóc.
+ Sarcoidosis: Là bệnh u hạt mạn tính, có thể biểu hiện tại da đầu và dẫn đến hình thành sẹo gây rụng tóc.
Các bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây rụng tóc có sẹo
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Rụng tóc có sẹo có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương da đầu, nhiễm trùng, hoặc các bệnh lý tự miễn. Việc kiểm soát tốt các yếu tố này có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh. Để hạn chế nguy cơ rụng tóc có sẹo, nên tránh các tác động vật lý mạnh lên da đầu như cào gãi, kéo tóc quá chặt, hoặc tiếp xúc với các tổn thương như bỏng hay vết thương hở.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng da đầu: Vệ sinh cá nhân tốt, không dùng chung lược, mũ bảo hiểm để tránh lây nhiễm vi khuẩn, nấm. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng (viêm nang lông, áp xe da đầu), cần điều trị sớm để tránh tiến triển thành tổn thương sẹo.
- Bảo vệ da đầu khỏi tác nhân môi trường: Tránh ánh nắng mặt trời kéo dài, đặc biệt ở những người có nguy cơ lupus ban đỏ dạng đĩa. Nên đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất mạnh như thuốc nhuộm, duỗi, uốn tóc chứa thành phần gây kích ứng hoặc làm tổn thương da đầu. Dùng dầu gội dịu nhẹ, không chứa sulfate hoặc paraben, giúp duy trì độ ẩm và cân bằng vi sinh vật trên da đầu.
- Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sớm: Rụng tóc có sẹo thường bắt đầu bằng các triệu chứng viêm trước khi gây mất tóc vĩnh viễn. Việc phát hiện sớm giúp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Thăm khám sớm giúp điều trị, dự phòng rụng tóc có sẹo
Chẩn đoán rụng tóc có sẹo dựa trên sự kết hợp giữa lâm sàng, cận lâm sàng và sinh thiết mô bệnh học để xác định nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương nang tóc.
- Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân thường đến khám vì tình trạng rụng tóc không hồi phục, với biểu hiện mất tóc vĩnh viễn, vùng da đầu bị rụng tóc không có dấu hiệu mọc lại.
- Triệu chứng cơ năng: Một số trường hợp có thể đau, ngứa, nóng rát, nhưng cũng có trường hợp không có triệu chứng. Rụng tóc khu trú hoặc lan rộng, có thể kèm theo tổn thương da đầu: Ban đỏ, tăng sừng, vảy, teo da, sẩn viêm, hoặc mụn mủ.
- Trichoscopy (soi da đầu bằng kính hiển vi kỹ thuật số): Hình ảnh mất nang tóc hoàn toàn, vùng da đầu bị xơ hóa. Mất lỗ nang tóc là dấu hiệu đặc trưng giúp phân biệt với rụng tóc không do sẹo. Có thể kèm dấu hiệu viêm như giãn mạch, tăng sắc tố quanh nang tóc, vảy, mủ nang lông.
- Sinh thiết da đầu: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, giúp xác định mức độ tổn thương và nguyên nhân. Quan sát mô bệnh học thấy viêm phá hủy nang tóc, xơ hóa thay thế. Sinh thiết còn giúp xác định được nguyên nhân (ví dụ: lupus ban đỏ dạng đĩa, lichen planopilaris, viêm nang lông decalvans).
- Các xét nghiệm khác:
+ Xét nghiệm miễn dịch: ANA (nếu nghi lupus), kháng thể kháng nhân, RF (nếu nghi bệnh tự miễn).
+ Xét nghiệm vi sinh: Soi nấm, nuôi cấy vi khuẩn (nếu nghi nhiễm trùng).
+ Xét nghiệm huyết thanh học: Giang mai, lao da nếu nghi ngờ căn nguyên nhiễm trùng.
Điều trị rụng tóc có sẹo nhằm mục tiêu kiểm soát quá trình viêm, hạn chế tổn thương lan rộng và cải thiện thẩm mỹ. Do nang tóc đã bị phá hủy vĩnh viễn và thay thế bằng mô xơ, nên việc phục hồi mọc tóc tại vùng tổn thương gần như không thể. Do đó, điều trị cần kết hợp giữa nội khoa, ngoại khoa và chăm sóc hỗ trợ để đạt hiệu quả tối ưu.
Điều trị nội khoa đóng vai trò chính trong kiểm soát viêm và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Các thuốc được lựa chọn tùy theo nguyên nhân và mức độ viêm của từng bệnh nhân.
- Corticosteroid: Được sử dụng trong điều trị rụng tóc có sẹo có viêm:
+ Dạng bôi tại chỗ: Clobetasol propionate 0,05% hoặc betamethasone dipropionate bôi trực tiếp lên vùng tổn thương với liệu trình theo đơn của bác sĩ, giúp giảm viêm và ngăn chặn quá trình phá hủy nang tóc.
+ Tiêm nội tổn thương: Triamcinolone acetonide tiêm vào vùng rụng tóc mỗi 4-6 tuần, giúp giảm viêm hiệu quả mà ít tác dụng phụ toàn thân.
+ Dạng uống (trong trường hợp nặng): Prednisolone 0,5-1 mg/kg/ngày, giảm liều dần trong 4-6 tuần. Được chỉ định trong lupus ban đỏ dạng đĩa, lichen planopilaris tiến triển mạnh hoặc viêm nang lông decalvans lan rộng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Được chỉ định trong các trường hợp không đáp ứng tốt với corticosteroid hoặc cần điều trị duy trì lâu dài:
+ Hydroxychloroquine: Hiệu quả trong lupus ban đỏ dạng đĩa, có thể duy trì 6-12 tháng.
+ Methotrexate hoặc mycophenolate mofetil: Được sử dụng trong trường hợp viêm nặng kéo dài, đặc biệt ở bệnh nhân lichen planopilaris hoặc xơ cứng bì khu trú.
+ Cyclosporine: Hiệu quả cao nhưng cần theo dõi tác dụng phụ trên thận và huyết áp.
- Kháng sinh: Được sử dụng khi có viêm nang lông mạn tính hoặc tình trạng viêm có liên quan đến vi khuẩn.
- Isotretinoin: được dùng trong các trường hợp viêm nang lông kháng trị.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và sinh học:
+ NSAIDs (ibuprofen, celecoxib): Giúp giảm viêm trong các trường hợp nhẹ.
+ Thuốc kháng TNF-α (adalimumab, infliximab): Được cân nhắc trong viêm nang lông decalvans nặng hoặc bệnh lý tự miễn kháng trị.
Chỉ áp dụng khi bệnh đã ổn định, không còn tình trạng viêm tiến triển trong ít nhất 1 năm. Một số phương pháp chính bao gồm:
- Ghép tóc: Đây là kỹ thuật ghép nang tóc từ vùng da đầu lành sang vùng tổn thương, hiệu quả tốt ở các trường hợp tổn thương khu trú, nhỏ và da đầu không bị xơ hóa nặng.
- Phẫu thuật thẩm mỹ
+ Cắt bỏ vùng sẹo: Áp dụng khi tổn thương khu trú và có thể đóng kín da đầu mà không gây căng da quá mức.
+ Mở rộng mô hoặc căng da đầu: Dùng kỹ thuật giãn da để che phủ vùng mất tóc lớn.
Thuốc ức chế miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị rụng tóc có sẹo
Trên đây là các thông tin cần thiết về rụng tóc có sẹo. Để phát hiện và điều trị tốt tình trạng trên, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Harries, M. J., Tosti, A., Bergfeld, W. F., Blume-Peytavi, U., Shapiro, J., Langan, E. A. G. (2016). Towards a consensus classification of the primary cicatricial alopecias. Journal of the American Academy of Dermatology, 75(5), 895–902. https://doi.org/10.1016/j.jaad.2016.06.010
Otberg, N., & Shapiro, J. (2008). Primary cicatricial alopecias: Diagnosis and treatment. Dermatologic Therapy, 21(4), 268–276. https://doi.org/10.1111/j.1529-8019.2008.00214.
Miteva, M., & Tosti, A. (2012). Dermatoscopy guided scalp biopsy in cicatricial alopecia. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 26(6), 736–742. https://doi.org/10.1111/j.1468-3083.2011.04115.
Rossi, A., Carlesimo, M., & Tosti, A. (2009). Treatment of scarring alopecia: Options and prospects. Expert Opinion on Pharmacotherapy, 10(17).
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!