Từ điển bệnh lý
Sa tử cung : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Sa tử cung
Sa tử cung (còn được gọi là sa sinh dục hoặc sa dạ con) thuộc nhóm bệnh lý sa các cơ quan vùng chậu ở phụ nữ, là hiện tượng tử cung bị tụt xuống khỏi vị trí giải phẫu bình thường. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sự suy yếu hoặc tổn thương các cấu trúc nâng đỡ như cân cơ và dây chằng ở sàn chậu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sa tử cung không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra các vấn đề về sinh hoạt, tiểu tiện, và sinh hoạt tình dục.
Nguyên nhân Sa tử cung
Sàn chậu suy yếu là nguyên nhân gây ra sa các cơ quan vùng chậu. Vậy sàn chậu là gì và nó đóng vai trò như thế nào trong việc gây ra bệnh lý sa tử cung? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về sàn chậu, thông qua đó sẽ hiểu về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh lý này.
Sàn chậu bao gồm các cân, cơ và dây chằng đan xen nhau, có nhiệm vụ chính là nâng đỡ và giữ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, bàng quang, trực tràng ở vị trí giải phẫu bình thường. Các cơ và dây chằng này hoạt động như một "cầu nối" chắc chắn giúp duy trì sự ổn định của các cơ quan, giữ cho các cơ quan không bị sa xuống dưới khi vận động mạnh hoặc khi có tăng áp lực ổ bụng. Khi sàn chậu bị suy yếu hoặc tổn thương, sự nâng đỡ này trở nên thiếu hiệu quả, làm cho các cơ quan có nguy cơ tụt xuống , sa ra ngoài âm đạo, trong đó có tử cung.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của sàn chậu, từ đó có thể gây ra bệnh lý sa tử cung:
- Bất thường cấu trúc sàn chậu bẩm sinh: Các dị tật bẩm sinh của cấu trúc sàn chậu, bệnh lý về dẫn truyền thần kinh - cơ, hoặc bệnh lý mô liên kết có thể khiến sàn chậu trở nên lỏng lẻo và suy yếu.
- Yếu tố gây tăng áp lực ổ bụng: Những hoạt động thường xuyên tạo áp lực lên ổ bụng như đeo đai nịt bụng quá chặt, lao động nặng, thường xuyên khuân vác đồ nặng, ho mãn tính kéo dài đều làm tăng nguy cơ suy yếu sàn chậu.
- Mang thai và sinh con qua đường âm đạo: Số lần mang thai và sinh con càng nhiều, đặc biệt qua đường âm đạo, càng làm tăng nguy cơ cơ sàn chậu bị suy yếu.
- Sang chấn trong sản khoa: Những tổn thương xảy ra trong quá trình sinh như sản phụ rặn sinh khi cổ tử cung chưa mở hoàn toàn, hoặc các phương pháp giúp sinh như forceps, giác hút, rách tầng sinh môn mức độ nặng, có thể gây tổn thương sàn chậu.
- Sự suy yếu theo tuổi tác: Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt sau tuổi mãn kinh, dễ suy yếu cơ sàn chậu do quá trình lão hóa tự nhiên.
- Thiếu hụt nội tiết tố sau mãn kinh: Sự suy giảm nội tiết tố estrogen ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng sàn chậu. Estrogen có vai trò quan trọng trong việc duy trì các mô liên kết cơ sàn chậu.
- Thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì tạo áp lực lên cơ sàn chậu, làm cho các cơ và dây chằng dễ bị suy yếu hơn theo thời gian.
Ho mạn tính cũng là một trong các yếu tố nguy cơ của sa tử cung
Triệu chứng Sa tử cung
Sa tử cung có thể chia thành nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, mỗi mức độ có những biểu hiện và ảnh hưởng khác nhau.
- Ở mức độ nhẹ, tử cung vẫn nằm trong âm đạo và có thể được phát hiện khi bác sĩ thăm khám phụ khoa. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường không có triệu chứng bất thường nào rõ rệt, nên nhiều người không nhận ra mình mắc bệnh.
- Khi tử cung tụt xuống thấp hơn, bệnh nhân có thể tự nhận thấy khi đi vệ sinh, sau khi làm việc nặng hoặc khi ho. Người bệnh sẽ cảm nhận thấy một khối tròn, mềm tụt xuống trong âm đạo, khối này có thể co lên trở lại khi nghỉ ngơi. Đồng thời, các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu và trực tràng có thể xuất hiện, bao gồm són tiểu, tiểu lắt nhắt và táo bón.
- Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh có thể tiến triển đến mức độ nặng nhất, tử cung bị sa hoàn toàn ra ngoài âm hộ, gây đau và khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng do các biến chứng như viêm loét, tổn thương nặng nề đến tử cung. Trong hầu hết các trường hợp ở mức độ này, can thiệp phẫu thuật là cần thiết vì tử cung đã mất khả năng tự co lên và nguy cơ viêm nhiễm cao.
Vị trí sinh lí của tử cung và bệnh lý sa tử cung
Phòng ngừa Sa tử cung
Dưới đây là một số cách để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý sa tử cung:
● Vận động nhẹ sau sinh: Sau khi sinh, sản phụ nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tránh các hoạt động mạnh và quá sức.
● Ngăn ngừa táo bón: Nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước. Có thể sử dụng thuốc hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ khi bị táo bón.
● Tránh nhiễm các bệnh lý đường hô hấp: Tăng cường sức đề kháng, tiêm phòng để tránh mắc các bệnh lý gây ho mãn tính kéo dài.
● Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn: Đảm bảo cân nặng của cơ thể nằm trong giới hạn bình thường, chỉ số BMI dao động từ 18,5 đến dưới 25. Trong thời kỳ mang thai, sản phụ cần có kế hoạch tăng cân hợp lý theo khuyến nghị của bác sĩ sản phụ khoa, tránh tình trạng tăng cân mất kiểm soát.
● Khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ, đặc biệt ở lứa tuổi từ 40-60, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu sa tử cung. Phát hiện sớm khi tình trạng sa còn ở mức độ nhẹ sẽ giúp việc điều trị và thực hiện các bài tập vật lý trị liệu trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
● Tập luyện cơ sàn chậu: Thực hiện các bài tập cho cơ sàn chậu tại nhà trong suốt quá trình trước, trong và sau sinh. Bài tập Kegel là một lựa chọn đơn giản và hiệu quả, giúp tăng cường sức mạnh của các cơ vùng chậu, từ đó giảm thiểu nguy cơ sa tử cung,có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào tại nhà.Hướng dẫn thực hiện bài tập Kegel:● Bài tập có thể thực hiện ở tư thế nằm dưới sàn.
● Thả lòng vùng cơ phần mông và bụng, duỗi thẳng lưng, hai cánh tay đặt song song, hai đầu gối co lên
● Bắt đầu bài tập bằng cách thít chặt cơ sàn chậu và nâng hông lên, giữ trong vòng 2- 5 giây. Sau khi thít chặt cơ, thả lỏng xuống 10 giây nhằm giúp các cơ có thể thư giãn, sau đó lặp lại động tác thít chặt – thả lỏng;
● Lặp lại các động tác 10 lần, có thể tăng số giây thít chặt khi đã quen với bài tập. Sa tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ lớn tuổi. Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Nhận biết sớm các triệu chứng và can thiệp kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn, vì vậy việc khám phụ khoa định kì và duy trì lối sống lành mạnh là hết sức cần thiết.
Các biện pháp chẩn đoán Sa tử cung
Để chẩn đoán bệnh lý sa tử cung, cần kết hợp thăm khám và các phương pháp cận lâm sàng tùy mức độ, triệu chứng kèm theo cụ thể trên từng bệnh nhân.
- Khi thăm khám cho bệnh nhân nghi ngờ có sa tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các thao tác như rặn hoặc ho, giúp bác sĩ quan sát rõ hơn tình trạng tụt xuống của tử cung và xác định mức độ sa.
- Bên cạnh đó cũng cần đánh giá xem có cơ quan nào khác trong vùng chậu bị sa kèm theo hay không. Theo thống kê, có đến 40% phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh sa tạng vùng chậu, trong đó khoảng 20% có sa từ hai cơ quan trở lên. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán đầy đủ để điều trị kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Để chẩn đoán bệnh lý sa tử cung, cần kết hợp thăm khám và các phương pháp cận lâm sàng
Trong quá trình chẩn đoán, các xét nghiệm và hình ảnh học đóng vai trò quan trọng. Tùy thuộc vào các triệu chứng như ra huyết bất thường, rối loạn chức năng đường tiết niệu, hoặc rối loạn chức năng đại tiện, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Siêu âm bụng: Giúp đánh giá tình trạng các cơ quan trong ổ bụng và phát hiện bất thường, hỗ trợ trong việc chẩn đoán tình trạng sa tử cung.
- Siêu âm phụ khoa: Hữu ích trong việc kiểm tra tình trạng của tử cung và buồng trứng.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung: Đối với những bệnh nhân có triệu chứng bất thường liên quan đến cổ tử cung, thực hiện xét nghiệm này để loại trừ nguy cơ ung thư.
- Khảo sát niệu động học: Giúp đánh giá chức năng của đường tiểu .
- MRI động học tống phân: Dùng để đánh giá sự chuyển động của các cơ quan trong vùng chậu khi bệnh nhân thực hiện các hoạt động như đi đại tiện, từ đó giúp chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng sa.
- Siêu âm 3D sàn chậu: Cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc sàn chậu, giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn tình trạng của các mô và cơ quan trong khu vực này.
Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả của việc tập vật lý trị liệu phục hồi sàn chậu, các chỉ định khác có thể được thực hiện như:
- Đo áp lực ống hậu môn: Giúp xác định áp lực trong ống hậu môn, từ đó đánh giá chức năng của các cơ thắt hậu môn.
- Đo điện cơ tầng sinh môn: Xác định mức độ hoạt động của các cơ vùng chậu, từ đó đánh giá khả năng hồi phục sau quá trình điều trị.
Việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và hình ảnh học sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn tổng thể và chính xác về tình trạng của bệnh nhân, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp nhất.
Các biện pháp điều trị Sa tử cung
Việc điều trị bệnh lý sa tử cung sẽ được các bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bao gồm mức độ sa tử cung, các triệu chứng kèm theo, có sa kèm các cơ quan khác như bàng quang hay trực tràng hay không. Ngoài ra, mong muốn và khả năng hợp tác của bệnh nhân trong quá trình điều trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị có thể chia thành hai hướng chính: điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa:
Áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân sa tử cung mức độ nhẹ, chưa có biến chứng và chưa ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Người bệnh sẽ được hướng dẫn thay đổi lối sống để hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa tình trạng sa tử cung trở nên nặng hơn.
- Chế độ ăn uống: tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau xanh, và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón, một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng và làm trầm trọng thêm tình trạng sa tử cung.
- Hạn chế các hoạt động gây tăng áp lực ổ bụng: chẳng hạn như khuân vác nặng, lao động nặng hoặc ngồi xổm lâu. Những động tác này có thể khiến các cơ sàn chậu bị tổn thương thêm.
- Giảm cân: Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân là cần thiết để giảm áp lực lên vùng sàn chậu.
- Điều chỉnh tư thế đại tiện: Người bệnh cần được hướng dẫn thay đổi tư thế ngồi khi đi đại tiện nếu tư thế hiện tại không đúng cách. Tư thế đúng sẽ giúp giảm áp lực lên vùng chậu, hỗ trợ cải thiện tình trạng sa tử cung.
Tư thế đi vệ sinh đúng cách là tạo thành một góc 35 độ giữa thân trên và chân, kê ghế dưới chân
Trong quá trình điều trị sa tử cung, ngoài việc thay đổi lối sống cần kết hợp nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng bệnh và mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân. Một số phương pháp bao gồm:
- Sử dụng thuốc nội tiết: Thuốc nội tiết có thể được bôi thoa tại chỗ, làm giảm các triệu chứng khó chịu.
- Điều trị viêm nhiễm: Các loại thuốc kháng viêm hoặc kháng sinh sẽ được chỉ định để điều trị khi có tình trạng này.
- Tập vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu giúp phục hồi sàn chậu, cải thiện khả năng nâng đỡ tử cung. Đây là phương pháp không xâm lấn và mang lại lợi ích lâu dài nếu được thực hiện đều đặn và đúng cách.
- Đặt vòng nâng tử cung: Vòng nâng cổ tử cung là một phương pháp an toàn, không xâm lấn, được đặt trong âm đạo để nâng đỡ tử cung. Hiện nay, việc sử dụng vòng nâng cổ tử cung được coi là phương pháp ưu tiên trong điều trị sa tử cung, với tỷ lệ thành công đạt cao.
Vòng nâng làm bằng chất liệu silicone có ưu điểm là không gây kích ứng, độ bền cao.
Điều trị ngoại khoa
Trong các trường hợp sa tử cung mức độ nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, can thiệp ngoại khoa sẽ được áp dụng. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ sa tử cung: Mức độ tổn thương và mức độ sa của tử cung sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại phẫu thuật.
- Tuổi của bệnh nhân: Tùy theo độ tuổi mà phương pháp phẫu thuật có thể được cân nhắc để phù hợp.
- Tình trạng sức khỏe tổng quát: Tổng trạng chung và các bệnh lí nền của bệnh nhân sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sau phẫu thuật và việc lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp.
- Điều kiện kinh tế và lối sống: Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như khả năng tài chính và lối sống của bệnh nhân để chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Điều kiện trang thiết bị và khả năng của phẫu thuật viên: Trang thiết bị có sẵn và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định phương pháp phẫu thuật.
- Nhu cầu của bệnh nhân: Sau khi được tư vấn kỹ lưỡng về các lựa chọn điều trị, bệnh nhân sẽ được xem xét mong muốn cá nhân, đặc biệt liên quan đến việc còn nhu cầu sinh sản hay không.
Dựa trên các yếu tố này, phẫu thuật viên sẽ quyết định thực hiện phẫu thuật qua đường bụng hoặc ngã âm đạo và lựa chọn giữa việc bảo tồn tử cung hoặc cắt tử cung.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!