Từ điển bệnh lý

Sán dây : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Sán dây

Bệnh sán dây là bệnh truyền nhiễm đã được biết từ lâu, là bệnh lây truyền từ động vật ( lợn, trâu, bò) sang con người. Ở Việt Nam gặp 3 loài sán dây chủ yếu là sán dây lợn, sán dây bò, sán dây Châu Á. Con người nhiễm bệnh chủ yếu khi ăn phải trứng sán hoặc ấu trùng sán dây trong thịt lợn, thịt bò, thịt gạo chưa được nấu chín. Sán dây trưởng thành đều ký sinh tại ruột, thường tồn tại rất nhiều năm, người bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt hoặc triệu chứng tiêu hóa mơ hồ, không đặc hiệu.

Bệnh sán dây

Bệnh sán dây

Chẩn đoán xác định bệnh khi tìm thấy trứng sán dây hoặc đốt sán dây trưởng thành trong phân. Các thuốc tẩy sán dây thường dùng như praziquantel, albendazole, niclosamide. Bệnh sán dây thường đáp ứng tốt với thuốc tẩy sán, tuy nhiên người bệnh có thể tái nhiễm.

Các biện pháp phòng bệnh quan trọng như đảm bảo nguồn thịt sạch, hạn chế thói quen sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, phát hiện sớm và điều trị sớm với người bệnh,…


Nguyên nhân Sán dây

- Sán dây lợn có tên khoa học là T. solium, Sán dây bò tên khoa học là Taenia saginata, sán dây châu Á tên khoa học là T. asiatica. 3 loài sán trên đều thuộc Animanlia, ngành Platyhelminthes, lớp Cestoda, bộ Cyclophyllidae, họ Taeniidae, chi Taenia.

- Sán dây lợn ký sinh và hút chất dinh dưỡng tại ruột. Ký sinh trùng dài khoảng 4 – 8 m, có khoảng 900 đốt, cơ thể gồm 3 phần là đầu, cổ và thân. Số lượng trứng trong mỗi đốt khoảng 4000 trứng. Đốt già rụng từng khúc 3 – 6 đốt theo phân ra ngoài, không di động. Sán dây lớn trưởng thành chỉ sống ký sinh ở người trong khi ấu trùng của nó có thể ký sinh trên cả con người và lợn.

- Sán dây bò ký sinh tại ruột người, dài khoảng từ 4 – 12 m, thân dẹt, cấu tạo cơ thể gồm 3 phần: đầu, cổ, thân. Sán trưởng thành có khoảng từ 1000 – 2000 đốt sán, đốt già chứa khoảng 80.000 – 100.000 trứng, theo phân hoặc chủ động bò ra ngoài hậu môn,… Con người là vật chủ chính của sán dây bò trưởng thành, vật chủ trung gian là các trâu, bò. Ở người hầu như không gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.

Sán dây bò ký sinh tại ruột người, dài khoảng từ 4 – 12 m

Sán dây bò ký sinh tại ruột người, dài khoảng từ 4 – 12 m

- Sán dây châu Á thường gặp ở Châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Chúng cũng sống ký sinh tại ruột người, cấu tạo cũng tương tự như sán dây bò và sán dây lợn, đốt già chứa nhiều trứng bài tiết ra phân.

- Chu kỳ phát triển của các loài sán dây trên: sán trưởng thành ký sinh tại ruột người, các đốt già chứa nhiều trứng rụng theo phân bài xuất ra ngoài môi trường, hàng nghìn trứng sán được giải phóng tại ngoại cảnh. Trâu, bò, lợn ăn phải trứng sán, tại ruột động vật, trứng phát triển thành ấu trùng, từ đó vào hệ tuần hoàn đến các cơ vận tạo thành các nang ấu trùng ( lợn gạo, gạo bò,…).

Con người ăn phải thịt lợn, thịt trâu bò bị nhiễm ấu trùng sán dây chưa được nấu chín, tại ruột, ấu trùng phát triển thành sản trưởng thành sống ký sinh trong cơ thể con người hàng chục năm.


Triệu chứng Sán dây

Đa số các bệnh nhân mang sán dây trưởng thành không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt, nhiều người bệnh có thấy cảm nhận sự di chuyển của đốt sán qua hậu môn hoặc nhìn thấy đốt sán trong phân của mình. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 – 3 tháng, người bệnh không có các triệu chứng bất thường gì. Khi sán trưởng thành ký sinh và hút chất dinh dưỡng tại ruột người, các triệu chứng tiêu hóa thường mơ hồ, không đặc hiệu như: buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng vùng thượng vị, người bệnh có thể kèm theo rối loạn đại tiện như đi ngoài phân nát, phân lỏng, đôi khi táo bón, thi thoảng có ngứa hậu môn,… Triệu chứng toàn thân thường không có sốt, đôi khi người bệnh có lo lắng, nhức đầu, sụt cân hoặc nổi mề đay. Rất hiếm khi các đốt sán di chuyển đến các vị trí khác như ruột thừa, ống mật chủ, ống tụy,… tuy nhiên về lý thuyết khi lạc chỗ ký sinh trùng có thể gây tắc nghẽn cơ học.

Triệu chứng bệnh nhân nhiễm sán 

Triệu chứng bệnh nhân nhiễm sán 

Một số người bệnh khi xét nghiệm công thức máu ngoại vi thấy tăng số lượng bạch cầu ái toan, tuy nhiên bất thường này có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau. Tăng nồng độ IgE huyết thanh có thể gặp ở người bệnh nhiễm sán dây, tuy nhiên không đặc hiệu.


Các biến chứng Sán dây

Bệnh sán dây đôi khi khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán chậm chễ tuy nhiên nhìn chung đáp ứng tốt với các thuốc tẩy sán. Khi bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn, ầu trùng có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan như thần kinh trung ương, cơ,… gây diễn biến nhiều năm, các bất thường về thần kinh như động kinh, liệt nửa người, não úng thủy,…, thậm chí có thể có nguy cơ tử vong. Các biến chứng khác của bệnh sán dây là: suy dinh dưỡng, tắc nghẽn cơ học như tắc ống mật, tắc ruột nếu ký sinh trùng lạc chỗ, tái nhiễm,…


Đường lây truyền Sán dây

Bệnh sán dây là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Lợn, trâu, bò ăn phải trứng ấu trùng sán dây trong thức ăn, phân bị ô nhiễm,… hình thành các nang trong cơ bắp hoặc các mô khác. Con người nhiễm bệnh khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có trứng sán dây hoặc ấu trùng sán dây (như thịt lợn gạo, gạo bò) chưa được nấu chín. Người bị nhiễm sán dây có thể tự lây nhiễm trứng và phát triển thành các nang sán. Những người sống với người bị nhiễm sán dây tại ruột có nguy cơ cao mắc bệnh do nuốt phải trứng sán trong thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm (lây truyền qua đường phân – miệng).

Chù kỳ nhiễm sán dây lợn

Chù kỳ nhiễm sán dây lợn


Đối tượng nguy cơ Sán dây

Việt Nam là một nước có truyền thống nông nghiệp thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới. Tỉ lệ chăn nuôi lợn và tiêu thụ thịt lợn cao và thuộc vùng dịch tễ chính của bệnh sán dây lợn và ấu trùng sán dây lợn. Bên cạnh đó, thịt trâu, thịt bò cũng là một trong những nguồn thực phẩm quan trọng hàng ngày.

Người chăn nuôi lợn, bò có nguy cơ cao bị bệnh

Người chăn nuôi lợn, bò có nguy cơ cao bị bệnh

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm sán dây từ người sang người như: nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu; vệ sinh môi trường, vệ sinh hộ gia đình và vệ sinh cá nhân chưa tốt; tiếp xúc với thành viên trong gia đình hoặc cộng đồng có tiền sử thải ra đốt sán; sử dụng chung vật đựng thịt sống, dao thớt chế biến thức ăn hàng ngày; thường xuyên cung ứng thịt lợn, nhiều ruồi nhặng và thói quen sử dụng phân người bón rau. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm sán dây từ người sang lợn, trâu, bò như: nuôi lợn thả rông ( đặc biệt người dân tại khu vực trung du, miền núi); nhà vệ sinh không đảm bảo, cửa lấy phân hố xí gần chỗ nuôi lợn tạo điều kiện lợn có thể ăn, tiếp xúc với phân người ở môi trường hoặc hố xí; sử dụng phân người, nước thải bón rau nuôi lợn; người chăn nuôi lợn, trâu, bò, giết mổ lợn, trâu, bò, cung cấp thịt cho người tiêu dùng bị nhiễm sán dây. Nhiều nguy cơ lây bệnh từ lợn, trâu, bò sang người: tập quán ăn thịt sống, thịt tái; kiểm soát thị thường thịt còn kém; công tác kiểm soát thú y chưa thực sự chặt chẽ,…


Phòng ngừa Sán dây

Các biện pháp phòng bệnh đó là:

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân.

- Thực hiện an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn thực phẩm  thịt lợn, thịt bò, thịt trâu có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn gạo, không ăn các loại thịt tái, thịt lợn, thịt trâu, bò chưa được nấu chín, …

- Hạn chế các tập quán không đảm bảo vệ sinh như sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nuôi lợn thả rông, nhà xí chưa đảm bảo, …

- Người bệnh nhiễm sán dây cần được phát hiện và điều trị sớm.

- Khi có dịch, không nhập/xuất thịt gia súc bị bệnh qua biên giới.


Các biện pháp chẩn đoán Sán dây

Chẩn đoán xác định bệnh sán dây khi tìm thấy trứng hoặc đốt sán trong phân. Trứng các loài sán dây trên khó phân biệt với nhau về mặt hình thái khi soi dưới kính hiển vi điện tử. Trứng và đốt sán đôi khi bài xuất không liên tục, bên cạnh đó xét nghiệm phân còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đọc kết quả, do dó nên lặp lại xét nghiệm phân nhiều lần nếu nghi ngờ bệnh do sán dây. Ngoài ra trứng sán dây bò có thể tìm thấy vùng quanh hậu môn có thể phát hiện bằng cách sử dụng gạc để lấy bệnh phẩm ở hậu môn.

Soi phân tìm nang, trứng sán

Soi phân tìm nang, trứng sán

Các phương pháp chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm miễn dịch và sinh học phân tử cũng được áp dụng. Khi cơ thể nhiễm một loài ký sinh trùng, sau một thời gian cơ thể có thể tạo kháng thể IgG đặc hiệu với loài ký sinh trùng đó. Tuy nhiên xét nghiệm tìm kháng thể IgG với các loài sán dây có thể phản ứng chéo với một số loài ký sinh trùng khác như giun đũa, sán lá,… Bên cạnh đó, ở các khu vực bệnh thường xuyên lưu hành, kết quả xét nghiệm có thể dương tính do có người bệnh đã từng phơi nhiễm với ký sinh trùng trước đó, do vậy không thể chẩn đoán người bệnh đang nhiễm hay đã nhiễm từ trước. Trong bệnh lý nhiễm ấu trùng sán dây lợn, kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính cũng không loại trừ chẩn đoán.

Kỹ thuật PCR nhằm xác định đoạn DNA đặc hiệu với các loài sán dây, có thể giúp phân biệt giữa 3 loài sán trên, tuy nhiên không thể áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế. Đây là kỹ thuật mới yêu cầu máy móc và kỹ thuật hiện đại, cần nghiên cứu và đánh giá thêm.

Một số người bệnh có thể tình cờ phát hiện sán trưởng thành ký sinh tại đường tiêu hóa khi nội soi tiêu hóa.

Bệnh sán dây cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh giun tại ruột như giun đũa, giun móc,… đau bụng và rối loạn tiêu hóa do một số căn nguyên khác như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng mạn tính,….


Các biện pháp điều trị Sán dây

Biện pháp điều trị chính là chỉ định các thuốc tẩy sán thông thường. Các thuốc thường được sử dụng đó là praziquantel, albendazole, niclosamide. Trong các thuốc trên, Niclosamide không vượt qua được hàng rào máu não, liều thường dùng từ 5 – 6 mg/kg/ liều, cần uống nhiều nước khi sử dụng thuốc. Praziquantel có một số tác dụng phụ như khó chịu, đau nhức đầu, chóng mặt, có thể gây đau bụng, buồn nôn, đôi khi nổi mề đay. Liều thường dùng là 15 – 20 mg/kg/ liều x 01 liều duy nhất. Albendazole liều thường dùng là 15 mg/kg/ngày, là thuốc thường được sử dụng trong  điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Thuốc điều trị sán

Thuốc điều trị sán

Cần theo dõi sau điều trị: sau khi điều trị thuốc tẩy sán, người bệnh giảm dần các triệu chứng lâm sàng nếu có, không còn thấy đốt sán theo phân (thường sau vài tháng). Xét nghiệm phân để đánh giá đáp ứng điều trị. Cần giải thích, tư vấn với người bệnh đặc biệt thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp phòng tránh để phòng tái nhiễm.


Tài liệu tham khảo:

1. Silva CV, Costa-Cruz JM. A glance at Taenia saginata infection, diagnosis, vaccine, biological control and treatment. Infect Disord Drug Targets. 2010 Oct;10(5):313-21.

2. Tanowitz HB, Weiss LM, Wittner M. Tapeworms. Curr Infect Dis Rep. 2001 Feb;3(1):77-84

3. Philips CA, Sahney A. Taenia solium. N Engl J Med. 2017 Jan 26;376(4):e4.

4. Okello AL, Thomas LF. Human taeniasis: current insights into prevention and management strategies in endemic countries. Risk Manag Healthc Policy. 2017;10:107-116


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ