Từ điển bệnh lý

Sán lá phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Sán lá phổi

Bệnh sán lá phổi được phát hiện lần đầu tiên từ khoảng năm 1878 từ trường hợp một con hổ Bengal bị chết. Ngay sau đó, đã có không ít quốc gia phát hiện ra nhiều người bị sán lá phổi xâm nhập cơ thể thông qua đường ăn uống. Tại Việt Nam, trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh sán lá phổi là một người đến từ thị xã Châu Đốc vào năm 1906 và đến nay các con số mắc bệnh sán lá phổi đã tăng lên rất nhiều.

Bệnh sán lá phổi được biết đến là một trong những căn bệnh cực kỳ phổ biến ở khu vực Đông nam châu á bởi thói quen ăn uống không lành mạnh (Ăn sống một số loại tôm cua). Mà theo nghiên cứu y học cho thấy rằng có tới 80% loài cua sống ở môi trường nước ngọt có chứa sán lá phổi.

Sán lá phổi có rất nhiều loài khác nhau (hơn 40 loài) thế nhưng có 2 loài thuộc nhóm sán lá phổi có mức độ gây hại nhất đó chính là Paragonimus heterotremus và Paragonimus westermani. Các loài sán lá phổi này thường có kích thước khá lớn, độ dài khoảng 8-16mm và có hình dáng như hạt cà phê, màu hoi hồng hoặc màu đỏ bã trầu, vỏ sán có gai nhỏ, mạng lưới ống ruột ngoằn ngoèo,... có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường những con sán đã trưởng thành.

Sán lá phổi

Sán lá phổi

Sán lá phổi sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua đường ăn uống sau đó sẽ ký sinh tại các nhóm phế quản trong phổi hoặc ký sinh tại nhu mô phổi. Ở giai đoạn đầu mắc bệnh hầu như người bệnh không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào cho tới khi bệnh đã chuyển biến khá nặng mới phát hiện ra. Một vài trường hợp sán lá phổi đã phát triển quá mạnh và kết hợp với bệnh lao có thể gây tử vong.


Nguyên nhân Sán lá phổi

Hầu hết các loại tôm và cua sống trong môi trường nước ngọt đều có nguy cơ có sán lá phổi ký sinh. Chính vì vậy, Người bệnh bị sán lá phổi xâm nhập vào cơ thể chủ yếu đến từ việc ăn uống, cụ thể là ăn các loại tôm cua chưa được nấu chín hẳn hoặc thậm chí ăn sống.

Hầu hết các loại tôm và cua sống trong môi trường nước ngọt đều có nguy cơ có sán lá phổi ký sinh.

Hầu hết các loại tôm và cua sống trong môi trường nước ngọt đều có nguy cơ có sán lá phổi ký sinh.


Triệu chứng Sán lá phổi

Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh cũng như các bệnh lý nền kèm theo mà mỗi người bệnh lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những triệu chứng xuất hiện do bệnh sán lá phổi điển hình, hầu hết các trường hợp bị bệnh đều có như:

  • Rối loạn tiêu hóa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh: Ngay sau khi nhiễm phải các loại ấu trùng sán thông qua việc ăn uống thì người bệnh sẽ có hiện tượng bị đau bụng dẫn tới tiêu chảy.

Rối loạn tiêu hóa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh sán lá phổi

Rối loạn tiêu hóa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh sán lá phổi

  • Ở giai đoạn ấu trùng sán lá phổi đã di chuyển từ dạ dày lên đến vùng phổi thì người bệnh sẽ có triệu chứng tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Khi sán đã ký sinh tại phổi và sinh sản thì bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh rõ rệt hơn nữa, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Ho kéo dài, ho khạc đờm có kèm máu, đau tức ngực, sốt nhẹ, cơ thể dần yếu ớt, khả năng hô hấp bị hạn chế,...

Một vài trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bệnh khá phức tạp sẽ bị chẩn đoán nhầm giữa sán lá phổi với bệnh lao phổi. Thậm chí người bệnh có thể mắc phải 2 căn bệnh này cùng lúc.


Các biến chứng Sán lá phổi

Bệnh sán lá phổi là căn bệnh nguy hiểm thế nhưng khả năng phát hiện ra bệnh sớm lại khá khó khăn bởi bệnh thường phát triển âm thầm cho tới khi các ấu trùng sinh sôi nảy nở nhiều mới xuất hiện các triệu chứng bệnh rõ rệt.

Loại sán lá phổi nguy hiểm nhất chính là Paragonimus Westermani, chúng sẽ phát triển lớn tới mức to bằng đầu ngón tay và di chuyển trong phổi gây ra các hốc nang lớn. Thông thường trong mỗi nang trứng sẽ có 2 ấu trùng sống trong môi trường chất dịch màu đỏ, sán mẹ có thể tích tụ nhiều nang trứng thành một hốc nang trứng hoặc một chuỗi dài trong lá phổi. Chính vì vậy, người bệnh sẽ có triệu chứng ho kèm đờm có lẫn màu đỏ (máu cử người bệnh cộng với chất dịch trong nang trứng). Bệnh phát triển mạnh sẽ chuyển thành dạng mạn tính, các cơn ho sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và mức độ ảnh hưởng cũng nghiêm trọng hơn tiến triển thành dạng mạn tính, đặc biệt người bệnh sẽ bị ho nhiều vào sáng sớm.

Loài sán Paragonimus Westermani thậm chí có thể lây lan và ký sinh lên cả các phủ tạng khác và một số cơ quan lân cận. Ở mỗi vị trí sán lá phổi ký sinh lại gây ra những biến chứng khác nhau:

  • Ấu trùng Paragonimus Westermani ký sinh ở gan sẽ gây ra tình trạng áp xe gan, viêm gan,...
  • Ký sinh ở phổi sẽ gây ra: Viêm phổi, viêm màng phổi

Người bệnh bị nhiễm sán lá phổi sẽ có triệu chứng ho kèm đờm có lẫn màu đỏ

Người bệnh bị nhiễm sán lá phổi sẽ có triệu chứng ho kèm đờm có lẫn màu đỏ

  • Ký sinh ở bụng gây viêm ruột, viêm phúc mạc, viêm tinh hoàn
  • Ký sinh ở não là trường hợp nguy hiểm nhất: người bệnh có nguy cơ sẽ bị động kinh và dẫn tới tử vong khá nhanh nếu không kịp phát hiện.

Sán lá phổi còn có thể thay đổi tổ chức của các phế quản nhỏ và tổ chức bình thường gây ra tình trạng biến chuyển tổ chức biểu bì trụ sang tổ chức biểu bì lát tầng, sẽ hình thành các tổ chức xơ xung quanh nang sán.

Đặc biệt chú ý trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh lao phổi kết hợp với tình trạng sán lá phổi, đây được xem là trường hợp có nguy cơ gây tử vong cao nhất.


Đường lây truyền Sán lá phổi

Bệnh sán lá phổi không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thế nhưng có thể lây truyền một cách gián tiếp qua nhiều đối tượng. Cụ thể:

- Sán lá phổi trong giai đoạn ký sinh tại nhu mô hoặc phế quản nhỏ trong phổi sẽ đẻ trứng, những nang trứng này sẽ được thoát ra ngoài môi trường thông qua việc ho ra đờm hoặc thông qua quá trình đại tiện.

- Ngay khi được thoát ra ngoài môi trường, các nang trứng sẽ có thể sống trong môi trường có nước và nở ra thành ấu trùng sau khoảng 16 ngày ở nhiệt độ thời tiết mùa hè.

- Các con ấu trùng sán sẽ ký sinh tại các con ốc thuộc giống Melania sau một thời gian sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi. Những con ấu trùng đuôi sẽ tiếp tục di chuyển tìm kiếm các con cua, tôm để ký sinh tại đó và phát triển thành nang trùng.

- Khi chúng ta ăn phải các loại tôm cua có chứa những nang trứng này sẽ dễ dàng mắc bệnh sán lá phổi.

Chu kỳ phát triển sán lá phổi

Chu kỳ phát triển sán lá phổi


Đối tượng nguy cơ Sán lá phổi

Loại bệnh lý này thường chỉ xuất hiện khi người bệnh ăn phải các loại động vật có chứa sán, cụ thể là ăn sống tôm cua nước ngọt. Một vài trường hợp bệnh sán lá phổi có thể mắc phải do người bệnh vô tình uống phải nước bẩn có chứa sán. Chính vì vậy, những người được coi là đối tượng dễ mắc bệnh sán lá phổi thường thuộc những nhóm sau:

  • Những người sống ở các vùng sông nước dễ bị ngập lụt.
  • Những người có thói quen ăn đồ tươi sống như gỏi tôm cua, ăn đồ tươi sống kiểu Nhật.

Những người có thói quen ăn gỏi tôm, cua sống dễ bị nhiễm sán lá phổi

Những người có thói quen ăn gỏi tôm, cua sống dễ bị nhiễm sán lá phổi

  • Các bệnh nhân có sức đề kháng kém sẽ dễ mắc bệnh hơn, nguy cơ bệnh phát triển cũng nhanh và mạnh hơn.

Phòng ngừa Sán lá phổi

  • Cần phát hiện sớm các trường hợp người bệnh sán lá phổi, điều trị dứt điểm nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh.
  • Chú ý tới chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Không nên ăn các loại đồ ăn sống như tôm, cua nước ngọt.
  • Vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến thức ăn một cách sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các loại tôm, cua, cá sống.

Vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến thức ăn một cách sạch sẽ

Vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến thức ăn một cách sạch sẽ

  • Luôn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh nguồn nước.

Các biện pháp chẩn đoán Sán lá phổi

Ngay khi người bệnh nhận thấy cơ thể đang có những triệu chứng bệnh nghi ngờ là do sán lá phổi gây ra thì hãy liên hệ ngay tới các cơ sở y tế uy tín để khám bệnh. Các bác sĩ sẽ tìm hiểu các triệu chứng bệnh và tiền sử bệnh tình của người bệnh trước sau đó sẽ chỉ định thực hiện một số biện pháp để chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị bệnh hợp lý nhất.

Chẩn đoán xác định tình trạng bệnh:

  • Tìm hiểu nguyên nhân có thể gây bệnh như ăn thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín. Chủ yếu là tôm, cua, cá hoặc ốc nước ngọt.
  • Xét nghiệm đờm và phân để xác định có trứng sán lá phổi hay không. Biện pháp này cần thực hiện nhiều lần để tránh tình trạng bỏ sót nguy cơ bệnh.
  • Thực hiện xét nghiệm ELISA máu (một chỉ số xác định người bệnh có dương tính với sán lá phổi hay không)

Xét nghiệm máu ELISA máu chẩn đoán nhiễm sán lá phổi

Xét nghiệm máu ELISA máu chẩn đoán nhiễm sán lá phổi

  • Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính vùng phổi nhằm xác định mức độ tổn thương đến lá phổi. Một số dạng thương tổn do sán lá phổi gây ra mà có thể xác định qua hình ảnh chụp X-quang và chụp cắt lớp như: Tình trạng tràn dịch hay tràn khí màng phổi, hang, nốt mờ, mờ khoảng kẽ, các kén hình nhẫn,...
  • Các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh: tăng IgE máu ngoại vi, tăng bạch cầu ái toan.

Chẩn đoán phân biệt với các dạng bệnh lý khác:

  • Người bệnh bị sán lá phổi ở dạng mạn tính sẽ có nhiều triệu chứng bệnh gần giống với bệnh lao phổi. Bác sĩ cần thực hiện một số biện pháp nhằm phân biệt bệnh sán lá phổi và lao phổi như: Nội soi phế quản, thực hiện xét nghiệm ELISA máu, sinh thiết phổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân mắc cả bệnh lao phổi và bệnh sán lá phổi cùng một lúc.
  • Phân biệt sán lá phổi với ung thư phổi: Dựa vào hình ảnh chẩn đoán các khối u từ phổi, dịch màng phổi và hạch thượng đòn.
  • Ngoài ra, những căn bệnh sau cũng có thể bị nhầm lẫn với sán lá phổi: giãn phế quản, nấm phổi, bệnh phổi biệt lập hoặc các hội chứng bệnh khác (Loeffler, histoplasma, coccidioidomycosis, nocardia).

Tại BVĐK MEDLATEC, các bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm sán lá phổi sẽ được tiến hành chụp cắt lớp vi tính phổi 128 dãy phát hiện tổn thương, làm xét nghiệm ELISA máu, xét nghiệm đờm tìm ký sinh trùng.


Các biện pháp điều trị Sán lá phổi

Bệnh nhân mắc bệnh sán lá phổi cần được chẩn đoán bệnh một cách chính xác thì mới có thể lựa chọn phương pháp chữa trị hiệu quả. Hầu hết trường hợp bệnh nhân sán lá phổi được phát hiện kịp thời đều có thể điều trị khỏi bằng các loại thuốc đặc trị sau đây:

  • Praziquantel: Đây là loại thuốc điều trị sán lá phổi phổ biến nhất hiện nay bởi tính hiệu quả cao cũng như ít tác dụng phụ nhất. Liều dùng thông thường sẽ là 25mg/kg mỗi lần uống, ngày uống 3 lần và thực hiện ít nhất 3 ngày. Loại thuốc này chống chỉ định với phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú, người mắc bệnh sán mắt, gạo, sán tủy sống và những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Trong trường hợp phụ nữ đang cho con bú cần phải điều trị bằng thuốc này thì phải tạm ngừng cho con bú trong khoảng ít nhất 72 giờ sau khi uống thuốc. Tác dụng phụ của thuốc: đau đầu, sốt, chóng mặt, khó chịu, buồn ngủ, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy kèm máu,...
  • Thuốc Triclabendazole: Loại thuốc này được chỉ định sử dụng với liều 10mg/kg mỗi lần uống, sử dụng 1 - 2 lần/ ngày.
  • Thuốc Bithionol: Liều dùng 30mg/kg/ngày và cần thực hiện uống đều đặn trong vòng 20-30 ngày liên tục.
  • Thuốc Niclosamid: Sử dụng 1 liều duy nhất với liều lượng 2mg/kg. Loại thuốc này mặc dù có tác dụng khá cao nhưng lại được ít sử dụng bởi tác dụng phụ mà thuốc gây ra khá nguy hiểm, có thể dẫn tới tai biến nặng.

Trong quá trình điều trị bệnh sán lá phổi thì người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như kiêng cữ một số loại thức ăn đồ uống như: rượu bia, các đồ ăn chưa được nấu chín.

Tài liệu tham khảo:
  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sán lá phổi | HEALTH VIỆT NAM
  • Bệnh sán lá phổi và những điều cần biết | VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
  • Sán lá phổi - căn nguyên gây viêm phổi mạn tính | MEDLATEC
  • Chẩn đoán và điều trị sán lá phổi | BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH QUẢNG NINH
  • Biến chứng nguy hiểm do ấu trùng sán lá phổi Paragonimus westermani | Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ