Từ điển bệnh lý

Sán lá ruột lớn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-02-2025

Tổng quan Sán lá ruột lớn

Fasciolopsis buski, thường được gọi là sán lá ruột khổng lồ, là một loại sán lá thuộc họ Fasciolidae và được George Busk phát hiện lần đầu tiên trong tá tràng của một thủy thủ Ấn Độ vào năm 1843.

Người bệnh nhiễm sán lá ruột lớn ở ruột non, thường là ở tá tràng, gây nên các triệu chứng loét tại chỗ hoặc nhiễm độc toàn thân, xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón, kèm theo có thể xuất hiện nôn, chán ăn. Nặng hơn có nguy cơ tắc ruột cấp, phù, cổ chướng.

Sán lá ruột lớn có mặt ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á, trong đó có Việt Nam, theo các nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 tỉnh, thành có lưu hành sán lá ruột lớn.

Sán lá ruột lớn lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh, vì vậy mỗi người cần biết cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ nhiễm sán lá ruột lớn để giảm thiểu tỷ lệ mắc căn bệnh này trong cộng đồng.

Dịch tễ

Bệnh do Fasciolopsiasis buski phát hiện trên người và lợn tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ,... trong đó có cả Việt Nam. 

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ở Việt Nam sán lá ruột lớn xuất hiện ở các tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Phú Thọ, Cần Thơ, An Giang,...



Nguyên nhân Sán lá ruột lớn

Nguyên nhân gây bệnh sán lá ruột lớn là Fasciolopsis buski, thuộc họ Fasciolidae.

Sán trưởng thành có hình chiếc lá. Kích thước thay đổi, có thể dài từ 20-75mm, chiều ngang từ 8-20mm. Đây là loài sán lá kích thước lớn nhất ký sinh ở người.

Trứng có hình bầu dục, vỏ mỏng, có nắp, dài khoảng 125-140 µm, chiều ngang 70-90 µm, màu sẫm, hơi giống trứng sán lá ruột lớn nhưng noãn hoàng trong trứng chiết quang nhiều hơn và ở giữa nhân hơi phình hơn.

Sán lá ruột lớn trưởng thành có hình dạng như chiếc lá

Sán lá ruột lớn trưởng thành có hình dạng như chiếc lá

Vòng đời của sán lá ruột lớn 

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non người hoặc lợn, mỗi ngày đẻ khoảng 13.000-26.000 trứng và thải ra ngoài môi trường qua phân. 

Trứng tiếp tục phát triển và nở ra ấu trùng lông (Miracidia) bơi lội trong nước

Ấu trùng lông (Miracidia) xâm nhập vào ốc chính là vật chủ trung gian đầu tiên và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, cuối cùng là ấu trùng đuôi (Cercariae).

Ấu trùng đuôi (Cercariae) thoát ra khỏi ốc và bơi lội tự do trong nước, hóa thành nang ấu trùng (metacercariae) bám trên bề mặt các cây thủy sinh.

Người hoặc lợn ăn phải các loại cây thủy sinh có nang ấu trùng còn sống, đến ruột non, sau khoảng 90 ngày chúng sẽ phát triển thành sán trưởng thành. 

Sán lá trưởng thành có thể sống trong khoảng 1 năm.

Vòng đời của sán lá ruột lớn

Vòng đời của sán lá ruột lớn

Sinh bệnh học

Con người bị nhiễm bệnh do ăn phải ấu trùng sán lá ruột lớn có trên các loài thực vật thủy sinh bị nhiễm metacercariae. Sau khi ăn phải, ấu trùng sán lá ruột lớn sẽ đóng nang trong tá tràng và bám vào hỗng tràng và hồi tràng của thành ruột non. Sau đó, sán sẽ sử dụng giác hút ở miệng để bám vào niêm mạc ruột, có thể gây tổn thương cơ học và kích ứng niêm mạc ruột. Sự bám dính này có thể dẫn đến loét, viêm và tổn thương mô tại chỗ. Quá trình bệnh sinh dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Sốt.
  • Giảm cân.
  • Phản ứng dị ứng do sự hiện diện của ký sinh trùng.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng kéo dài, có thể có tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng do kém hấp thu do tổn thương đường ruột. Trong những trường hợp khác, nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn có thể xảy ra do sán lá phá vỡ hàng rào ruột, dẫn đến nhiễm trùng cơ hội tiếp theo. Sán lá trưởng thành cư trú trong ruột non, nơi chúng trưởng thành và sinh trứng. Những quả trứng này sau đó được đưa vào phân của vật chủ, nơi chúng sẽ tiếp tục vòng đời của ký sinh trùng.


Triệu chứng Sán lá ruột lớn

Nhiễm trùng nhẹ F. buski không có triệu chứng, nhưng ở nhiễm trùng nặng, các triệu chứng phổ biến là đau bụng, tiêu chảy, sốt nhẹ, các triệu chứng dị ứng, thiếu máu, báng bụng, tràn dịch các màng như màng tim, màng phổi, màng bụng (cổ chướng) và tắc ruột, đôi khi thậm chí dẫn đến tử vong. 

- Một số bệnh nhân có thể nôn ra sán lá ruột.



Đường lây truyền Sán lá ruột lớn

Người hoặc lợn ăn phải thực phẩm có nhiễm nang trứng sán lá ruột lớn, đặc biệt các thực phẩm thủy sinh (rau ngổ, rau muống nước, rau cần, củ ấu, củ năng, rau cải xoong, củ sen, ngó sen) ăn sống hoặc nấu chưa chín, ăn ốc,...

Sau khoảng 3 tháng nhiễm bệnh, trứng sán lá ruột sẽ xuất hiện trong phân người, và thải ra ngoài qua phân, nếu không điều trị sẽ tiếp tục đào thải trứng trong khoảng 1 năm.

Không lây truyền từ người sang người.





Đối tượng nguy cơ Sán lá ruột lớn

Bất kỳ ai đều có nguy cơ nhiễm sán lá ruột lớn, đặc biệt là những người hay ăn rau sống, ăn ốc.

Ốc là vật chủ trung gian thứ nhất truyền bệnh sán lá ruột lớn

Ốc là vật chủ trung gian thứ nhất truyền bệnh sán lá ruột lớn



Phòng ngừa Sán lá ruột lớn

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh cũng có thể đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của sán lá ruột lớn.

loại ký sinh trùng này.

- Không uống nước lã, không ăn các thực phẩm sống hoặc tái, đặc biệt là ốc và các thực vật thủy sinh, nên rửa rau dưới vòi nước sạch.

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần.

- Không dùng phân tươi trong nông nghiệp.

- Không nuôi thả rông lợn, không thải trực tiếp phân lợn ra sông, ao hồ, điều trị sán cho lợn bị nhiễm bệnh.

- Không phóng uế bừa bãi ở các ao hồ, kênh rạch.

- Phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

- Hiện chưa có vắc xin để dự phòng nhiễm bệnh sán lá ruột lớn do vòng đời của sán khá phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, đây vẫn là một thách thức trong tương lai, vì vậy dự phòng quan trọng nhất trong nhiễm sán lá ruột vẫn là giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm.

Nấu chín thực phẩm là một biện pháp dự phòng nhiễm sán lá ruột


Nấu chín thực phẩm là một biện pháp dự phòng nhiễm sán lá ruột

Một số câu hỏi thường gặp về nhiễm sán lá ruột lớn

- Sán lá ruột lớn có lây không: Sán lá ruột lớn là một bệnh ký sinh không lây từ người sang người hay từ động vật sang người, chỉ nhiễm bệnh khi người hoặc lợn ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán lá ruột lớn.

- Sán lá ruột lớn có nguy hiểm không: Sán lá ruột lớn là một bệnh lý nếu được phát hiện ngay từ sớm có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu để quá lâu khi mà cơ thể nhiễm quá nhiều sán sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.



Các biện pháp chẩn đoán Sán lá ruột lớn

Dựa vào yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Yếu tố dịch tễ như bệnh nhân có thói quen ăn sống hoặc ăn tái các loại thực vật thủy sinh bị nhiễm metacercariae(ví dụ như rau cải xoong, rau cần, rau muống nước, rau ngổ, củ sen, ngó sen, củ ấu, ăn ốc) hoặc sinh sống ở vùng có lưu hành dịch sán lá ruột lớn.

- Tiêu chuẩn vàng khi soi phân tìm được trứng sán lá ruột lớn, hoặc soi dịch tá tràng phát hiện trứng sán, nội soi tá tràng phát hiện sán lá ruột trưởng thành.

- Xét nghiệm máu: 

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi chỉ số bạch cầu ưa acid tăng cao, có thể lên tới 15-20%, bệnh nhân nhiễm sán kéo dài có thể thiếu máu biểu hiện giảm huyết sắc tố tùy vào mức độ thiếu máu.
  • IgE tăng.

- Sinh học phân tử:

PCR xác định sán lá ruột lớn

- Nội soi tá tràng có thể phát hiện sán lá ruột trưởng thành.

- Chẩn đoán hình ảnh: có thể phát hiện các biến chứng trong các thể nặng nhiễm nhiều sán lá ruột, bao gồm:

  • X- quang tim phổi: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim.
  • X- quang ổ bụng không chuẩn bị: hình ảnh tràn dịch màng bụng, tắc ruột.
  • Siêu âm ổ bụng: tràn dịch màng bụng, hình ảnh viêm ruột, tắc ruột.
  • Siêu âm tim, siêu âm màng phổi: tràn dịch màng tim, màng phổi.

Hình ảnh nội soi phát hiện nhiều sán lá ruột lớn mắc kẹt ở hang môn vị (a) và phần đầu tiên (b) và phần thứ hai của tá tràng (c, d)

Hình ảnh nội soi phát hiện nhiều sán lá ruột lớn mắc kẹt ở hang môn vị (a) và phần đầu tiên (b) và phần thứ hai của tá tràng (c, d)

Chẩn đoán phân biệt

Thường nhầm lẫn giữa sán lá ruột lớn với sán lá gan lớn hoặc giun lươn thể đường ruột.



Các biện pháp điều trị Sán lá ruột lớn

Thông thường, bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc uống, nhưng một số bệnh nhân bị nhiễm cần can thiệp phẫu thuật vì tình trạng bệnh quá nghiêm trọng hoặc do chẩn đoán không rõ ràng hoặc thậm chí chẩn đoán sai.

Điều trị đặc hiệu

  • Praziquantel: viên nén 300mg, 600 mg.

Đối với người lớn và trẻ em ≥ 4 tuổi: Liều 25mg/kg/ngày, liều duy nhất, uống ngay sau khi ăn.

Praziquantel uống có hiệu quả ở phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán, nhưng một số bệnh nhân không thể được chẩn đoán hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng và có thể cần điều trị phẫu thuật trước.

Tác dụng phụ: chóng mặt, buồn ngủ, đau bụng thượng vị

Không điều trị cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú thì cần ngừng cho con bú đồng thời vắt bỏ sữa trong suốt thời gian dùng thuốc, có thể cho bé bú lại sau khi kết thúc điều trị 3 ngày.

Chống chỉ định cho những người mẫn cảm với thuốc và các thành phần tá dược kèm theo.

Tắc ruột cấp: phối hợp với ngoại khoa xử trí tắc ruột, sau đó điều trị thuốc đặc hiệu sán lá ruột lớn.

Ngoài ra người bệnh cần chú ý:

  • Nâng cao thể trạng, ăn uống đủ chất.
  • Giảm đau bằng các thuốc chống co thắt cơ trơn trong trường hợp có đau bụng.
  • Bổ sung men vi sinh, vitamin, oresol, 
  • Bổ sung acid folic, sắt, vitamin B12 trong trường hợp thiếu máu nhẹ, uống trong vòng 3-6 tháng, chú ý không bổ sung sắt nếu có nhiễm khuẩn kèm theo.

 Tiêu chuẩn khỏi bệnh

  • Giảm hoặc hết hẳn các triệu chứng lâm sàng.
  • Xét nghiệm phân sau điều trị 1 tháng không phát hiện trứng sán lá ruột lớn.

Sán lá ruột lớn là một bệnh ký sinh trùng gặp nhiều ở các nước châu Á cũng như Việt Nam, hiện tại tỷ lệ nhiễm bệnh này đã giảm rất nhiều do ý thức về giữ vệ sinh trong ăn uống của con người đã được nâng cao. Tuy nhiên một số vùng người dân vẫn giữ thói quen uống nước lã, ăn tái hoặc ăn sống các loại thực vật thủy sinh, dùng phân tươi trong hoa màu. Việc điều trị chậm trễ nhiễm sán lá ruột lớn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, nên việc tránh nhiễm ký sinh trùng trùng này hoàn toàn là giải pháp tốt nhất. Bài viết này giúp của MEDLATEC sẽ giúp mọi người biết được cách thức dự phòng bệnh cũng như những dấu hiệu của nhiễm sán lá ruột để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm.

Hãy đến ngay hệ thống Y tế MEDLATEC để được các chuyên gia truyền nhiễm tư vấn ngay từ sớm khi mà bạn có các triệu chứng mô tả như trên hoặc có thói quen ăn sống các loại thực vật thủy sinh, số điện thoại đặt lịch tổng đài 1900.56.56.56 đặt lịch mọi lúc mọi nơi.


Tài liệu tham khảo:

  • Quyết định 1636/QĐ-BYT 2022 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá ruột lớn của Bộ Y tế.

  • Bệnh sán lá ruột lớn - Ký sinh trùng y học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
  • https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7695077/
  • https://en.wikipedia.org/wiki/Fasciolopsis
  • https://www.ganeshdiagnostic.com/blog/the-fascinating-world-of-fasciolopsis-buski-symptoms-prevention-and-treatment


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ