Từ điển bệnh lý

Sẩn ngứa : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-04-2025

Tổng quan Sẩn ngứa

Sẩn ngứa là biểu hiện tổn thương da với đặc trưng là các nốt nổi cao kèm cảm giác ngứa dữ dội, gây khó chịu cho người bệnh. Các nốt sẩn này có thể rải rác hoặc tụ thành từng mảng, thường nổi rõ hơn khi gãi và có thể lan rộng ra nhiều vùng da khác nhau. Sẩn ngứa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thường khởi phát một cách đột ngột và có thể tự hết sau vài ngày hoặc kéo dài dai dẳng nhiều tuần.

Nguyên nhân gây sẩn ngứa rất đa dạng. Trong nhiều trường hợp, đây là phản ứng của cơ thể với các yếu tố dị ứng như thức ăn, thuốc, hóa mỹ phẩm, côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Mặt khác, sẩn ngứa cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý toàn thân. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Khi bị sẩn ngứa, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hay gãi nhiều vì có thể làm tình trạng da nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị đúng cách, giúp kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát.

Sẩn ngứa cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý toàn thânSẩn ngứa cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý toàn thân


Nguyên nhân Sẩn ngứa

  • Dị ứng: Là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, như dị ứng thực phẩm như hải sản, đậu phộng, sữa, trứng hoặc các chất phụ gia thực phẩm. Một số trường hợp dị ứng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và một số thuốc giảm đau có thể gây ra sẩn ngứa. Ngoài ra, côn trùng cắn như muỗi, rệp, kiến, bọ chét hoặc do tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm, kim loại niken, cao su (latex), môi trường sống ô nhiễm cũng là nguyên nhân da nổi sẩn.
  • Bệnh da liễu: Sẩn ngứa là triệu chứng gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý về da. Có thể kể đến như viêm da cơ địa, gây tổn thương dạng sẩn trên da một số vùng hoặc toàn thân, kèm theo ngứa và tái lại theo đợt. Mề đay biểu hiện bằng các mảng sẩn phù xuất hiện đột ngột, thường liên quan đến cơ chế dị ứng hoặc rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Ngoài ra, một số bệnh khác như lichen phẳng, ghẻ, viêm nang lông cũng có thể gây tổn thương dạng sẩn kèm theo ngứa.
  • Nhiễm trùng: Do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cũng có thể gây sẩn ngứa. Các bệnh do virus như sởi, thủy đậu, zona, sốt xuất huyết hoặc HIV có thể làm xuất hiện tổn thương trên da kèm theo ngứa. Nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu và liên cầu, gây ra viêm da mủ hoặc chốc lở, cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng như giun sán có thể kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng tiết histamin và gây ngứa lan tỏa.
  • Bệnh lý hệ thống: Cũng là một yếu tố quan trọng gây sẩn ngứa. Các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan có thể dẫn đến ứ mật, làm xuất hiện triệu chứng ngứa toàn thân. Suy thận mạn gây tích tụ độc tố trong máu, khiến da bị khô, kích ứng và ngứa. Ngoài ra, đái tháo đường, rối loạn nội tiết như cường giáp, suy giáp hoặc thay đổi nội tiết trong thai kỳ, mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến da, làm tăng nguy cơ sẩn ngứa.
  • Yếu tố khác: Ngoài các nguyên nhân nêu trên, sẩn ngứa còn có thể hình thành do các yếu tố khác. Căng thẳng tâm lý kéo dài ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và làm tăng giải phóng histamin – một chất trung gian gây ra phản ứng dị ứng trên da như nổi sẩn, ngứa. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là khi trời lạnh, hanh khô hoặc nóng ẩm, có thể làm da bị mất cân bằng độ ẩm, trở nên nhạy cảm và dễ kích ứng. Hay các tác động cơ học như mặc quần áo quá chật, ma sát nhiều, đổ mồ hôi cũng có thể kích thích da, làm xuất hiện các tổn thương dạng sẩn ngứa.

Dị ứng là nguyên nhân hay gặp nhất gây sẩn ngứaDị ứng là nguyên nhân hay gặp nhất gây sẩn ngứa


Phòng ngừa Sẩn ngứa

Dự phòng sẩn ngứa tập trung vào việc hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích, duy trì làn da khỏe mạnh và kiểm soát các bệnh lý liên quan:

  • Tránh các tác nhân kích thích: Là nguyên tắc quan trọng nhất. Nếu đã xác định được nguyên nhân gây sẩn ngứa, cần tránh tiếp xúc với thực phẩm, thuốc hoặc hóa chất có thể gây dị ứng. Khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất dễ gây kích ứng da, nên đeo găng tay, đi ủng, mặc quần áo bảo hộ và rửa tay sạch sau khi tiếp xúc.
  • Chăm sóc da đúng cách: Là biện pháp giảm nguy cơ kích ứng và viêm da. Nên sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa hương liệu hay chất tẩy mạnh. Dưỡng ẩm da thường xuyên bằng kem dưỡng không chứa chất gây kích ứng, đặc biệt vào mùa hanh khô. Đồng thời, tránh gãi mạnh khi bị ngứa vì có thể làm tổn thương da, gây nhiễm trùng hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm.
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt hợp lý giúp duy trì sức khỏe làn da và hệ miễn dịch. Nên ăn uống lành mạnh, tránh thực phẩm dễ gây dị ứng nếu có cơ địa nhạy cảm. Uống đủ nước để giữ ẩm cho da và tăng cường đào thải độc tố. Giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh bụi bẩn, lông thú hoặc nấm mốc vì có thể gây kích ứng da.
  • Kiểm soát bệnh lý nền: Rất cần thiết trong dự phòng sẩn ngứa. Nếu có các bệnh lý như viêm da cơ địa, tiểu đường, bệnh gan hoặc suy thận, cần điều trị và theo dõi chặt chẽ để hạn chế ảnh hưởng đến da. Với những người có tiền sử nhiễm ký sinh trùng, nên tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giảm căng thẳng và duy trì lối sống lành mạnh: Stress có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa và tăng nguy cơ bùng phát các bệnh lý da liễu, vì vậy kiểm soát căng thẳng góp phần quan trọng trong dự phòng sẩn ngứa. Ngoài ra, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và thực hành các phương pháp thư giãn như yoga, thiền cũng giúp ổn định tinh thần và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Dưỡng ẩm da đúng cách giúp tăng hàng rào bảo vệ da, dự phòng sẩn ngứaDưỡng ẩm da đúng cách giúp tăng hàng rào bảo vệ da, dự phòng sẩn ngứa


Các biện pháp chẩn đoán Sẩn ngứa

Chẩn đoán sẩn ngứa là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp giữa khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và trong một số trường hợp cần đến các xét nghiệm hỗ trợ. Do sẩn ngứa là biểu hiện của rất nhiều nguyên nhân khác nhau – từ những rối loạn tại chỗ trên da đến các bệnh lý toàn thân, nên cần chẩn đoán chính xác để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

Khám lâm sàng

- Hỏi bệnh:

+ Thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng, tiến triển tổn thương da theo thời gian, mức độ ngứa, các yếu tố làm nặng hay cải thiện triệu chứng.

+ Yếu tố nguy cơ: 

  • Tiền sử dị ứng: với thuốc, thức ăn, thời tiết, mỹ phẩm…
  • Tiền sử dùng thuốc gần đây.
  • Tiếp xúc với côn trùng, thú nuôi, hóa chất tẩy rửa
  • Thói quen sinh hoạt và vệ sinh cá nhân.
  • Tiền sử bệnh lý nội khoa như gan, thận, đái tháo đường, rối loạn nội tiết…
  • Yếu tố tâm lý: rối loạn lo lâu, căng thẳng, mất ngủ kéo dài.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý da cơ địa hoặc bệnh lý dị ứng.

- Khám bệnh

Bác sĩ sẽ quan sát kỹ vùng da tổn thương: Vị trí, hình thái sẩn (kích thước, màu sắc, mật độ), có kèm mụn nước, tróc vảy, chảy dịch hay không. Sẩn ngứa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng vị trí xuất hiện đôi khi cũng gợi ý nguyên nhân (ví dụ: sẩn ngứa ở kẽ ngón tay, cổ tay gợi ý ghẻ; sẩn đối xứng 2 bên tay chân gợi ý viêm da dị ứng…).

Việc khám toàn thân cũng rất cần thiết, vì một số bệnh nội khoa có thể có biểu hiện ngoài da, như xơ gan (da sẫm màu, ngứa dai dẳng), suy thận (da khô, ngứa toàn thân), hoặc bệnh ác tính (sẩn ngứa không rõ nguyên nhân, kéo dài dai dẳng).

Cận lâm sàng

Tùy theo nghi ngờ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu: 

+ Công thức máu: Đánh giá tình trạng viêm nhiễm, dị ứng (bạch cầu ái toan tăng).

+ Chức năng gan, thận: Kiểm tra nguyên nhân toàn thân gây ngứa mạn.

+ IgE huyết thanh: Tăng trong các phản ứng dị ứng.

- Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng: Nếu nghi ngờ nhiễm giun sán.

- Cạo da, soi tươi, nuôi cấy vi sinh: Phát hiện nấm, ghẻ, vi khuẩn gây viêm da.

- Sinh thiết da: Chỉ định khi nghi ngờ bệnh lý da hiếm gặp hoặc sẩn ngứa kéo dài không rõ nguyên nhân.


Các biện pháp điều trị Sẩn ngứa

Điều trị sẩn ngứa tập trung vào kiểm soát triệu chứng ngứa, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và ngăn ngừa tái phát. Phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc, chăm sóc da và điều chỉnh lối sống:

  • Loại bỏ nguyên nhân: Là bước quan trọng nhất trong điều trị sẩn ngứa. Cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây dị ứng như thực phẩm, thuốc hoặc hóa chất để người bệnh tránh tiếp xúc với các yếu tố này. 
  • Điều trị bằng thuốc: Giúp giảm ngứa và cải thiện tổn thương da:
  • Thuốc kháng histamin: Thế hệ 1 (chlorpheniramine, diphenhydramine) có tác dụng an thần, giúp giảm ngứa nhưng có thể gây buồn ngủ. Kháng histamin thế hệ 2 (loratadine, cetirizine, fexofenadine) ít gây tác dụng phụ hơn và thường được ưu tiên. 
  • Nếu sẩn ngứa nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thêm corticosteroid đường uống hoặc bôi ngoài da để giảm viêm, tuy nhiên, cần dùng theo chỉ định để tránh tác dụng phụ. Trong trường hợp nhiễm khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng, có thể cần kháng sinh, thuốc kháng nấm hoặc thuốc điều trị ghẻ.
  • Chăm sóc da: Đóng vai trò hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát. Cần giữ da sạch sẽ, tránh gãi mạnh gây tổn thương và bội nhiễm. Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp giảm khô da và ngứa, đặc biệt trong các trường hợp viêm da cơ địa hoặc bệnh lý da mạn tính. Các loại kem chứa calamine, menthol hoặc kẽm có thể giúp làm dịu da.

 Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp tăng hàng rào bảo vệ da, dự phòng sẩn ngứa

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp tăng hàng rào bảo vệ da, dự phòng sẩn ngứa

Trên đây là các thông tin cần thiết về sẩn ngứa. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

  1. Williams, K. A., Roh, Y. S., Brown, I., Sutaria, N., Bakhshi, P., & Choi, J. (2021). Pathophysiology, diagnosis, and pharmacological treatment of prurigo nodularis. Expert Review of Clinical Pharmacology,4(1)
  2. Zeidler, C., Yosipovitch, G., & Ständer, S. (2018). Prurigo nodularis and its management. Dermatologic Clinics, 36(2), 189–197. https://doi.org/10.1016/j.det.2018.02.003
  3. Singam, V., Rastogi, S., Patel, K. R., Lee, H. H., & Silverberg, J. I. (2020). Association of prurigo nodularis and lichen simplex chronicus with hospitalization for mental health disorders in US adults. Archives of Dermatological Research, 312(8), 587–593. https://doi.org/10.1007/s00403-020-02046-5
  4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu, Bộ Y tế Việt Nam (2023).

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ