Từ điển bệnh lý

Suy buồng trứng sớm : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-12-2024

Tổng quan Suy buồng trứng sớm

Đại cương

Khái niệm trước đây “ suy buồng trứng” hay hiện tại là “ suy buồng trứng sớm”( POI- Premature Ovarian Insufficiency) để chỉ sự suy giảm chức năng buồng trứng một cách nhanh chóng so với độ tuổi của người phụ nữ. Chức năng buồng trứng bị suy giảm nghiêm trọng không thể phục hồi, đó là tình trạng giảm tiết hormone nữ- estrogen, sự cạn kiệt về số lượng các nang của buồng trứng. Biểu hiện gợi ý để bác sĩ hướng tới chẩn đoán suy sớm buồng trứng là tình trạng vô kinh, mất kinh nhiều tháng. Suy buồng trứng cũng có thể gặp khi người phụ nữ đi khám vô sinh và trước đó có sự rối loạn kinh nguyệt. Một số thuật ngữ khác như “ tiền mãn kinh sớm”, “ suy buồng trứng” cũng được sử dụng trong y văn và tài liệu khoa học để thay thế cho’ suy buồng trứng sớm”.

Thực hành lâm sàng, việc chẩn đoán POI đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn khi tiêu chí và đặc điểm mỗi tiêu chí không thống nhất giữa các nghiên cứu, các hiệp hội. Hai tiêu chí được quan tâm nhiều nhất là tình trạng vô kinh và chỉ số FSH nội tiết của buồng trứng. Với chỉ số FSH, nhiều ngưỡng được đưa ra như 30 UI/l hay 40 IU/l với Hiệp hội mãn kinh quốc tế (IMS), 2016. Hiện nay, tiêu chuẩn được dùng phổ biến nhất là của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Con người Châu Âu (ESHRE). Theo ESHRE, chẩn đoán POI ở những phụ nữ trước 40 tuổi, khi nồng độ hormon nội tiết FSH ở ngưỡng trên 25 IU/l được xét nghiệm ít nhất hai lần cách nhau bốn tuần và tình trạng kinh nguyệt thưa- vô kinh ít nhất 4 tháng.

ESHRE đưa ra ngưỡng tiêu chuẩn của FSH thấp hơn là 25 UI/l nhầm mục đích tránh bỏ sót nhóm suy buồng trứng do yếu tố tự miễn. Suy buồng trứng do tự miễn thường FSH tăng không cao. Các nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, vô kinh khác như do có thai, PCOS- hội chứng buồng trứng đa nang, tăng Prolactin... đều cần được loại trừ trước đó.

Dịch tễ

Năm 1942, ca suy buồng trứng sớm đầu tiên được mô tả bởi Fuller Albright, lúc đầu họ gọi là suy buồng trứng nguyên phát. Một nghiên cứu với mẫu khoảng hơn 1800 phụ nữ trong 4 năm( 1928-1932) của Caulum và CS cho thấy tỉ lệ mắc suy buồng trứng sớm là 1%. Các nghiên cứu sau này, trên nhiều nước, chủng tộc khác nhau thì tỉ lệ mắc POI dao động từ 1,1% tới 1,9 %. Một nghiên cứ phân tích tổng hợp của Golezar thì tỉ lệ mắc POI trên toàn cầu là 3,7%. Sự khác nhau giữa khu vực địa lí, chủng tộc, lối sống, văn hóa, môi trường là những yếu tố làm thay đổi tỉ lệ mắc POI. Tỉ lệ mắc cao nhất ở nhóm phụ nữ da trắng và Mỹ gốc Phi.

Tỉ lệ mắc POI thay đổi theo tuổi: trước 25 tuổi là 1/ 10000; 25-30 tuổi là 1/1000, 35-40 tuổi là 1/100.


Nguyên nhân Suy buồng trứng sớm

Cho tới nay, nguyên nhân của suy buồng trứng sớm còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ( 70-90% các trường hợp POI). POI có thể và do tự phát hoặc vô căn không rõ nguyên nhân .

Nhiều yếu tố được coi là nguyên nhân của POI và đã được ghi nhận qua nhiều nghiên cứu:

  • Yếu tố di truyền: bất thường gen/ bất thường nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, BPES loại 1
  • Yếu tố tự miễn
  • Rối loạn chuyển hóa: suy giáp
  • Yếu tố do thầy thuốc( hóa xạ trị, phẫu thuật): điều trị ung thư, phẫu thuật vùng chậu, mổ u buồng trứng
  • Nhiễm trùng( lao, quai bị, các virus gây suy giảm miễn dịch)
  • Yếu tố môi trường: hóa chất, hút thuốc lá
    • Nguyên nhân di truyền: Di truyền là yếu tố dẫn tới POI, thường do bất thường gen hoặc NST, chiếm khoảng 10,8% phụ nữ POI

-Bất thường NST giới tính như XO- hội chứng Turner, đây là bất thường hay gặp nhất gây POI. Bất thường do thiếu hụt nguyên một NST X ở phụ nữ bị Turner dẫn tới suy giảm dự trữ buồng trứng sớm, dẫn tới vô sinh vì không được phát hiện và chẩn đoán sớm. Những đứa trẻ Turner thường chậm phát triển, vô kinh nguyên hoặc thứ phát, thể trạng thấp bé. Tuyến sinh dục ở những người này kém phát triển so với người nữ bình thường. Một số trường hợp 45XO turner vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường. Tất cả những phụ nữ nghi POI đều cần được làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ.

-Bất thường về gen: Cho tới nay các nghiên cứu đã phát hiện khoảng hơn 50 gen được coi là nguyên nhân gây POI

  • Tiền đột biến FMR1trên nhiễm sắc thể X cũng được coi là nguy cơ gây POI. Tỉ lệ người mang đột biến này bị POI vào khoảng 13%.
  • Đột biến gen BMP-15 của nhiễm sắc thể X- gen tham gia vào quá trình hình thành nang trứng
  • Một số gen ít phổ biến như: XISTPOLG, CENPIPGMRC1 FOXO4 , AGTR2 , BHLHB9 , FSHR , GNAS , FOXL2 , 

Nguyên nhân về di truyền trong thực hành lâm sàng ít được các bác sĩ chỉ định do phát hiện đa số gen nhỏ, riêng lẻ. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ giải trình tự toàn bộ gen mã hóa protein (WES) xuất hiện, đây được coi là công cụ vô cùng hữu ích trong việc tìm các gen gây POI, rất có ý nghĩa với những phụ nữ POI điều trị vô sinh. Kì vọng trong tương lai việc điều trị vô sinh cho phụ nữ POI có đột biến gen sẽ có những thành tựu đột phá mới.

  • Nguyên nhân tự miễn dịch: khoảng 30% POI được thấy có mối liên quan tới bệnh lí tự miễn.

Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ dương tính với các kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng DNA, kháng SSA, kháng thể kháng SCL- 70… ở nhóm phụ nữ suy buồng trứng sớm chưa rõ nguyên nhân là 15% và đều được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tự miễn trên lâm sàng như: lupus, hội chứng Sjögren, xơ cứng bì

  • Rối loạn chuyển hóa, nội tiết:

Có thể kể đến các bệnh như: suy giáp, cường cận giáp, viêm tuyến giáp mạn tính -Hashimoto, suy thượng thận, tiểu đường typ 1.

  • Do thầy thuốc : Khoảng 16% bệnh nhân POI có liên quan do các yếu tố y khoa, thầy thuốc gây ra
  • Phẫu thuật buồng trứng: u, nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng gây suy giảm chức năng buồng trứng. Sau phẫu thuật buồng trứng cần thời gian để phục hồi, tuy nhiên các bác sĩ cần lưu ý để phát hiện các trường hợp suy buồng trứng, giảm dự trữ buồng trứng không thể phục hồi sau phẫu thuật.
  • Các yếu tố hóa, xạ trị khi điều trị các bệnh lí ung thư ở nữ giới có thể là nguyên nhân gây POI. Cần có kế hoạch theo dõi, dự phòng POI ở nhóm bệnh nhân này nếu họ có nguyện vọng sinh sản và chưa có hoặc chưa đủ con. POI là hậu quả sau phẫu thuật liên quan vùng chậu và can thiệp vào buồng trứng, do đó người bệnh và bác sĩ cần thảo luận đầy đủ về vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản của bênh nhân sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm virus có thể gây POI ở nữ giới. Theo các nghiên cứu và báo cáo, có hai loại virus được coi là nguy cơ có thể gây POI.
  • Virus quai bị: Khi nhiễm virus quai bị, ngoài gây vieenm tuyến nước bọt, virus này có thể gây viêm, gây teo và suy buồng trứng ở phụ nữ. Đa số có thể phục hồi và không để lại di chứng, tuy nhiên cần theo dõi sau nhiễm virus quai bị để bảo tồn cơ quan sinh sản và khả năng sinh sản cho bệnh nhân nữ.
  • Một số virus, vi khuẩn gây suy giảm hệ miễn dịch và các thuốc điều trị có thể gây POI như: CMV, sốt rét, thủy đậu, lao…Nhóm này chiếm 3 tới 7% nguyên nhân gây POI mặc dù cơ chế gây POI hiện nay vẫn đang được nghiên cứu them.
    • Yếu tố môi trường:

Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm và độc tố từ môi trường có thể gây POI cho phụ nữ. Một vài thành phần từ nhựa, nilon, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá bằng cơ chế nào đó đã và đang gây rối loạn, suy giảm chức năng buồng trứng. Ngoài tác nhân khói thuốc lá đã được chứng minh rõ, còn các tác nhân khác từ môi trường vẫn đang được các chuyên gia tìm hiểu và cần có câu trả lời rõ trong tương lai.

Việc đi tìm lời giải thích, nguyên nhân của POI cần thực hiện song hành với tư vấn POI đặc biệt ở nhóm có nguy cơ mang các yếu tố bất thường như NST, gen, chưa sinh con hoặc còn nguyện vọng sinh sản, giúp sớm bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân một cách tốt nhất.


Triệu chứng Suy buồng trứng sớm

Đặc trưng của Suy buồng trứng sớm (POI) là sự rối loạn chức năng buồng trứng. Tuy nhiên, khác với sự suy giảm chức năng buồng trứng ở phụ nữ mãn kinh đó là do buồng trứng lão hóa không đảo ngược được, nhóm nữ suy buồng trứng sớm đôi khi vẫn có sự thay đổi, dao động hormon của buồng trứng, đôi khi vẫn có rụng trứng và bác sĩ không thể đoán- tiên lượng trước, khả năng rụng trứng một cách tự nhiên khoảng 20% và vẫn thụ thai được là khoảng 5-10% phụ nữ POI. Sự thay đổi này làm cho triệu chứng lâm sàng của POI cũng thay đổi, đa dạng hơn và nó phản ánh về sự cạn kiệt nang của buồng trứng, tình trạng giảm tiết estrogen và FSH của buồng trứng.

- Kinh thưa, vô kinh: Đầu tiên là tình trạng rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa, vô kinh. Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc POI là 10% tới 28% ở nhóm nữ vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát khoảng 4 tới 18%. Tình trạng mất kinh, vô kinh có thể liên tục hoặc ngắt quãng hoặc xen kẽ với những khoảng kinh có chu kì khá đều, cuối cùng là vô kinh hoàn toàn. Mất kinh liên tục trong 4 tháng ở người phụ nữ cần nghĩ tới POI.

- Triệu chứng do giảm tiết estrogen: như các triệu chứng ở nhóm phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh: vận mạch, sinh niệu dục, tim mạch, loãng xương…Những cơn bốc hỏa, đau đầu kéo dài, mất ngủ; khô rát- teo- đau âm đạo, đau lúc giao hợp gặp ở nữ trước tuổi 40 thì bác sĩ cần loại trừ có suy buồng trứng sớm hay không.

- Khám lâm sàng: Bác sĩ cần tìm kiếm các triệu chứng của POI: giảm / mất sắc tốt da, yếu tố toàn thân như da khô, tóc rụng, đau mỏi xương khớp- thoái hóa. Tìm sự thay đổi của cơ quan sinh dục: teo âm hộ âm đạo, teo cổ tử cung.

- Những triệu chứng định hướng nguyên nhân của POI: triệu chứng thay đổi da- tóc- móng hướng tới nguyên nhân suy buồng trứng do tự miễn, của đột biến gen/ nhiễm sắc thể: chiều cao thấp bé, vùng mỡ cổ và lưng dày- hội chứng Turner, chỉ số khối của cơ thể thay đổi do nguyên nhân các bệnh lí rối loạn chuyển hóa, nội tiết: tuyến giáp, tiểu đường…

- Khai thác tiền sử gia đình bản thân của những phụ nữ nghi POI cũng góp phần không nhỏ trong định hướng chẩn đoán và chẩn đoán sớm POI.

Gia đình: Quan tâm tới bệnh lí mãn tính, nội tiết, di truyền. Tiền sử thai lưu, thai bất thường, sinh con dị tật trong gia đình, họ hàng gần.

Bản thân người phụ nữ: Cần hỏi tiền sử phụ khoa kinh nguyệt, dậy thì. Về tiền sử sản khoa: sinh sản. Vấn đề tiếp xúc với nguy cơ: hóa chất, xạ trị, phóng xạ, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trong thời gian dài… gây suy giảm chức năng buồng trứng.

Biều hiện suy buồng trứng sớm

Biều hiện suy buồng trứng sớm


Các biện pháp chẩn đoán Suy buồng trứng sớm

Trong thực hành lâm sàng, chẩn đoán sớm POI giúp đưa ra phương án hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho người phụ nữ là một thách thức cho các chuyên gia sản phụ khoa. Việc chẩn đoán muộn có thể làm mất cơ hội sinh sản, mang thai tự nhiên của người phụ nữ.

Tiêu chí giúp chẩn đoán POI là triệu chứng vô kinh và sự thay đổi chỉ số FSH. Các báo cáo và thực hành lâm sàng, các bác sĩ thường lấy theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Con người Châu Âu (ESHRE): vô kinh ít nhất 4 tháng và chỉ số FSH tăng hơn 25 IU/l, cần xét nghiệm FSH máu hai lần cách nhau ít nhất là 4 tuần.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, sự phát triển của xét nghiệm có thêm chỉ số AMH- Hormone anti-Mullerian- chỉ số đánh giá dự trữ của buồng trứng và chỉ số nang thứ cấp vào ngày thứ 2 của chu kì kinh- AFC được coi là những chỉ số góp phần khảo sát dự trữ buồng trứng.

Chỉ số AMH là hormon do tế bào hạt các nang noãn non và nang tiền hốc tiết ra. AMH được coi như chỉ số đánh giá dự trữ buồng trứng. AMH không thay đổi theo các ngày trong chu kì kinh. AMH thường đạt đỉnh ở tuổi 25 và có thể thay đổi bởi một số yếu tố như thuốc tránh thai, xạ trị khi điều trị ung thư, sau phẫu thuật u buồng trứng. Cần kết hợp nhiều yếu tố và kiểm tra lại 2-3 lần trước khi bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng là POI.

  • Chẩn đoán nguyên nhân

Chẩn đoán phân biệt vô kinh do các nguyên nhân khác:

  • Phụ nữ có thai.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Rối loạn chức năng của vùng dưới đồi.
  • Bệnh lí bất thường của tuyến yên.
  • Bệnh lí tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp.
  • Bất thường cơ quan sinh dục như tử cung
  • Bệnh lí tiểu đường
  • Do lối sống, chế độ tăng giảm cân đột ngột.

Cận lâm sàng: Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân gây POI

  • Test thử thai.
  • XN sinh hóa kiểm tra hormone tuyến giáp- tuyến yên- tuyến thượng thận: prolactin, cortisol và androgen…
  • Nội tiết nữ, AMH
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ
  • Xét nghiệm gen FMR (đặc biệt nhóm phụ nữ dưới 30 tuổi được chẩn đoán POI)
  • Xét nghiệm đánh giá bệnh tự miễn: kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng giáp, kháng thể kháng tuyến thượng thận
  • Vi chất như acid folic, B12.
  • Các thăm dò chức năng như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, MRI đánh giá cơ quan sinh dục nữ nếu có chỉ định.

Chẩn đoán suy buồng trứng sớm cần được làm rõ và chính xác do có thể mang lại những tiêu cực nặng nề tới người phụ nữ. Cần chẩn đoán nguyên nhân của POI đầy đủ trong mọi trường hợp, đặc biệt các nguyên nhân về di truyền, tự miễn và các bệnh lí rối loạn chuyển hóa kèm theo khác.



Các biện pháp điều trị Suy buồng trứng sớm

Đã có tiêu chí để chẩn đoán POI, tuy nhiên không có chỉ số, phương pháp nào có thể dự đoán chính xác thời điểm POI. Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được các nghiên cứu chứng minh gây ra POI hoặc các yếu tố nguy cơ có mối liên quan chặt chẽ với POI thì cần được theo dõi và dự phòng sớm.

Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy khoảng 5- 10% phụ nữ được chẩn đoán POI vẫn có thể thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, POI làm cho tình trạng vô sinh, xin noãn, xin phôi ở người phụ nữ tăng lên cao. Bên cạnh việc chẩn đoán sớm thì các phương pháp điều trị cần được thảo luận sớm để tránh suy giảm nhanh chức năng sinh sản, bảo tồn chức năng sinh sản ở phụ nữ POI.

Liệu pháp hormon thay thế (HRT)

Nhiều năm trở lại đây, giữa các chuyên gia, các hiệp hội sản phụ khoa có sự đồng thuận, khuyến cáo mạnh điều trị HRT theo phác đồ liên tục hoặc theo chu kì. Việc điều trị cần liên tục cho tới khi tới tuổi mãn kinh tự nhiên như các phụ nữ khác. HRT giúp bổ sung hormon thay thế như estrogen và progetin, đưa nồng độ các hormon này về mức bình thường, điều này làm trì hoãn các triệu chứng nặng nề do POI và giảm estrogen gây ra cho người phụ nữ. Liệu pháp HRT đã chứng minh được hiệu quả ưu việt và tính an toàn trong nhiều năm, nhưng nhiều báo cáo cho thấy một tỉ lệ không nhỏ khoảng 52% phụ nữ được chẩn đoán POI chưa bao giờ dùng POI hoặc được bắt đầu điều trị khá muộn hoặc ngưng điều trị rất sớm khi người phụ nữ quanh tuổi 45. Ở nhóm nữ POI khi không dùng HRT cần theo dõi sát vì nguy cơ biến chứng tim mạch, loãng xương, rối loạn chuyển hóa, thần kinh cao hơn rất nhiều nhóm được điều trị đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện tại không có nghiên cứu nào đưa ra nồng độ liều estrogen tối ưu cho nhóm POI. Một số nghiên cứu cho thấy lợi ích hơn của dùng estrogen bôi qua da làm giảm tác động đến nồng độ SHBG. Bổ sung progestogen theo chu kỳ kinh, các bác sĩ cũng cân nhắc tới vấn đề chảy máu âm đạo do dừng thuốc nội tiết ở mỗi tháng. Sự chỉnh liều hormon cá thể hóa từng trường hợp là điều luôn được các chuyên gia khuyến cáo. Một số nghiên cứu cũng nhắc đến việc bổ sung các nội tiết khác như androgen để đảm bảo chức năng buồng trứng và tình dục.

Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu( PRP)

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi truyền PRP tự thân vào buồng trứng sẽ có thể làm tăng khả năng sinh sản, phát triển các nang trứng, tăng tỉ lệ thụ thai ở những phụ nữ điều trị IVF khi được chẩn đoán POI. Phương pháp này được coi là phát hiện rất hữu ích có tính ứng dụng cao với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản. Một nghiên cứu trên 663 phụ nữ POI điều trị vô sinh được truyền huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào buồng trứng, kết quả nghiên cứu cho thấy các thông số đánh giá khả năng sinh sản như AMH, AFC, FSH đều thay đổi theo hướng tích cực( tăng AMH, tăng AFC và giảm nồng độ hormon FSH). Sau truyền PRP trên nhóm nữ POI, sau đó thực hiện ICSI đều khả quan: tăng số nõa, số phôi và tăng tỉ lệ thụ tinh thành công.

Điều trị vô sinh

Thực hành lâm sàng chỉ cho thấy khoảng 5-10% phụ nữ POI có thể vẫn có cơ hội có thai tự nhiên do các nang trứng tồn dư còn khả năng phát triển và phóng noãn. Tới 90% POI cần bác sĩ bảo tồn khả năng sinh sản cũng như hỗ trợ để có thai được.

Vai trò của các thuốc có tác dụng kích thích trứng, kích thích hoạt động của buồng trứng như gonadotropin, chất đồng vận và chất đối kháng GnRH, clomiphene, glucocorticoid và HRT luôn được các chuyên gia hỗ trợ sinh sản xem xét nghiên cứu. Đồng vận GnRH chưa chứng minh được vai trò của mình. Một vài phác đồ như dùng DHEA hay thuốc tránh thai với các chu kì kích trứng, hỗ trợ sinh sản ở nhóm POI hiện nay vẫn đang được nghiên cứu.

Quản lí bệnh nhân suy sớm buồng trứng

  • Nhóm trước tuổi dậy thì có thể cần kích thích dậy thì, nếu cần thiết
  • Mục tiêu làm giảm các triệu chứng của mãn kinh
  • Phải phòng ngừa, quản lí các bệnh mãn tính. Chú trọng đặc biệt với bệnh lí tim mạch, loãng xương và bệnh chuyển hóa
  • Hỗ trợ về tâm lí
  • Bảo tồn, duy trì tối đa khả năng sinh sản
  • Cần cố gắng xác định nguyên nhân gây POI nếu có thể.
  • Quản lí khả năng sinh sản
Dự đoán POI và bảo tồn khả năng sinh sản

Một số phụ nữ có đột biến NST X như Turner XO hoặc đột biến gen trên NST X như FMRI... Những người phụ nữ này tỉ lệ POI thường tăng hơn nhóm phụ nữ bình thường. Cần dự đoán sớm POI ở nhóm nay nếu có các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa.

Về triệu chứng lâm sàng, cần quan tâm tới nhóm phụ nữ có chu kì kinh nguyệt không đều, thậm chí thiểu kinh vô kinh trước khi họ có những biểu hiện mãn kinh rõ ràng. Mặt khác cần lưu ý triệu chứng vô kinh, kinh thưa có thể nằm ở hai nhóm phụ nữ đối ngược nhau: buồng trứng đa nang- AMH cao và suy buồng trứng sớm- AMH thấp. Vì vậy, cần tư vấn, khai thác kĩ tiền sử, các triệu chứng liên quan và xét nghiệm AMH trước khi đưa ra chẩn đoán sớm. Hiện nay, AMH được coi là chỉ số đánh giá dự trữ trứng tuy nhiên cần hiểu AMH có thể dao động và nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm AMH, bác sĩ cần làm rõ, kết hợp đa yếu tố để đánh giá dự trữ trứng, tình trạng POI của người phụ nữ.

Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn nguyện vọng sinh con mà điều trị ung thư gây ảnh hưởng tới chức năng buồng trứng, những phụ nữ mắc bệnh chuyển hóa, tự miễn cần được tư vấn sớm về khả năng mắc POI và cần được tư vấn về khả năng mang thai- kế hoạch và thời gian dự định sẽ có thai và các hướng bảo tồn khả năng sinh sản nếu chưa muốn sinh con ngay. Nhiều lựa chọn cho bệnh nhân như chữ trứng, chữ phôi, xin phôi, xin trứng, xin con nuôi...là các giải pháp cần được nhắc tới.

Xét nghiệm AMH

Xét nghiệm AMH
Các lưu ý để tăng tỉ lệ thụ thai với POI

Dù được chẩn đoán POI nhưng khoảng 5-10% phụ nữ vẫn có rụng trứng tự nhiên nên vẫn cần sử dụng thuốc tránh thai hoặc dùng HRT nếu suy giảm trầm trọng chức năng của buồng trứng.

Những trường hợp tiên lượng mắc POI còn dự trữ trứng có thể cân nhắc thực hiện hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm IVF, những trường hợp này đôi khi liều thuốc tiêm kích trứng sẽ cao hơn nhóm phụ nữ cùng tuổi. Nhiều trường hợp phải thực hiện nhiều chu kì kích trứng để gom trứng, gom phôi.

Ở nhóm POI đã cạn kiệt trứng có thể lựa chọn xin trứng, xin phôi từ nguồn hiến tặng.

Về cơ bản POI không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nhưng cần lưu ý, đôi khi một số nguyên nhân của POI( bao gồm cả nguyên nhân chưa được xác định rõ) có thể ảnh hưởng đến thai kì. Bác sĩ cần tầm soát, sàng lọc các bệnh lí: di truyền, nội khoa... theo nguyên nhân và hướng dẫn thai phụ theo dõi sát thai kì tại những cơ sở y tế phù hợp.


Tài liệu tham khảo:


1.Premature Ovarian Insufficiency: Past, Present, and Future.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34041247/

2.Current Understanding of the Etiology, Symptomatology, and Treatment Options in Premature Ovarian Insufficiency (POI). https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7949002/

3.Therapeutic options for premature ovarian insufficiency: an updated review. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8815154/

4.ESHRE Guideline: management of women with premature ovarian insufficiency. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27008889/

6. Biological therapies for premature ovarian insufficiency: what is the evidence? https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC10512839/

7. A Systematic Review Evaluating the Efficacy of Intra-Ovarian Infusion of Autologous Platelet-Rich Plasma in Patients With Poor Ovarian Reserve or Ovarian Insufficiency. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7797441/

8. Diagnostic challenges in suspected premature ovarian insufficiency. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9801049/

9.Premature ovarian insufficiency - aetiopathology, epidemiology, and diagnostic evaluation. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6196779/

11. Premature ovarian insufficiency and infertility. https://www1.racgp.org.au/ajgp/2023/january-february/premature-ovarian-insufficiency-and-infertility/

12. Premature Ovarian Insufficiency - an update on recent advances in understanding and management. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4743275/

13. Premature ovarian insufficiency: Pathogenesis and management. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8141617/

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ