Từ điển bệnh lý

Suy tuyến yên : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-12-2024

Tổng quan Suy tuyến yên

Tuyến yên là một tuyến nội tiết có kích thước nhỏ, nặng khoảng 0.5g, nằm trong hố yên ở vùng nền sọ. Tuyến yên tiết ra các hormone như GH, LH, FSH, ACTH, TSH, prolactin,...các hormone này tác động lên các tuyến nội tiết trên cơ thể như tuyến sinh dục, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến vú…

Cấu trúc tuyến yên

Cấu trúc tuyến yên

Suy tuyến yên là tình trạng suy giảm quá trình tiết hormone của tuyến yên, quá trình này có thể là kết quả của các bệnh lý của tuyến yên hoặc có thể do các bệnh lý của vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi và tuyến yên thuộc trục nội tiết dưới đồi- tuyến yên, sẽ tiết ra các hormone gây tăng cường hoặc ức chế quá trình tổng hợp hormone của tuyến yên.

Biểu hiện lâm sàng của suy tuyến yên rất phong phú, phụ thuộc vào nguyên nhân, loại hormone bị thiếu hụt cũng như mức độ thiếu hụt. Bệnh nhân có thể có triệu chứng tùy từng mức độ, nhưng cũng có trường hợp không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt.

Bệnh lý này có tỷ lệ mắc trong cộng đồng dân số vào khoảng 29-45/100.000 người theo khảo sát trên 146.000 người tại Tây Ban Nha. Trung bình mỗi năm có 4.2 người mắc mới trên 1000.000 người. Tỷ lệ mắc bệnh tương tự nhau giữa nam giới và nữ giới cũng như không có sự khác biệt về tỷ lệ giữa các nhóm tuổi.


Nguyên nhân Suy tuyến yên

Như đã nói ở trên, suy tuyến yên có thể do các rối loạn trong quá trình sản xuất hormone của tuyến yên hoặc rối loạn của vùng dưới đồi.Trong một nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kì cho trên 773 người trưởng thành có mắc suy tuyến yên thì có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu là do u tuyến yên, khối u ngoài tuyến yên và nguyên nhân không do khối u.

Bệnh vùng dưới đồi

Tổn thương khối u – Khối u lành tính (u sọ hầu) và khối u ác tính (di căn từ phổi, vú, v.v.)

Bức xạ – Đối với các bệnh ác tính ở hệ thần kinh trung ương và vòm họng

Tổn thương thâm nhiễm – Bệnh Sarcoidosis, Bệnh mô bào Langerhans

Nhiễm trùng – Viêm màng não lao

Khác – Chấn thương sọ não, đột quỵ

Bệnh tuyến yên

Tổn thương khối u – U tuyến yên, các khối u lành tính khác, u nang

Phẫu thuật tuyến yên

Bức xạ tuyến yên

Tổn thương thâm nhiễm – Viêm tuyến yên, bệnh nhiễm sắc tố sắt

Nhiễm trùng/áp xe

Nhồi máu – Hội chứng Sheehan

Xuất huyết não

Đột biến gen

Sella rỗng

Thuốc men

Glucocorticoid

Thuốc phiện

Chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch

Progestogen liều cao (ví dụ, megestrol acetate)

 Rối loạn vùng dưới đồi

  • Vùng dưới đồi (hypothalamus) còn được coi là “chỉ huy” của tuyến yên. Bất cứ sự thay đổi nào của hoạt động ở vùng dưới đồi đều tác động dẫn đến tuyến yên tăng hoặc giảm tiết hormone tương ứng.
  • Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến các rối loạn trong hoạt động của vùng dưới đồi như các khối u, do chiếu xạ, do các bệnh lý gây rối loạn thâm nhiễm, do tình trạng nhiễm vi khuẩn vi rút, do chấn thương sọ não hay do tai biến mạch máu não
  • Các khối u lành tính xuất hiện ở vùng dưới đồi như u sọ hầu, hoặc các khối u thứ phát tại dưới đồi do di căn từ cơ quan khác đến như ung thư phổi, ung thư vú.
  • Tiền sử có chiếu xạ: những người có tiếp nhận điều trị bằng chiếu xạ trước đây, đặc biệt là xạ trị vùng đầu mặt như trong u não hay trong các u ác tính vùng hầu họng có nguy cơ mắc các rối loạn trong hoạt động của vùng dưới đồi.
  • Tình trạng nhiễm trùng: một số các nhiễm trùng đặc biệt viêm màng não có thể dẫn đến suy tuyến yên. Các tác nhân thường gặp như vi khuẩn lao, nấm Cadidas, virus HIV…
  • Chấn thương sọ não: những chấn thương gây tổn thương vùng nền sọ có thể gây rối loạn quá trình sản xuất hormone vùng dưới đồi và hậu quả là ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên
  • Đột quỵ não: các trường hợp nhồi máu não, xuất huyết não, kể cả tai biến mạch não thoáng qua đều có thể gây nên những ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên.

 Rối loạn hoạt động tại tuyến yên

  • Các khối u tuyến yên: Các khối u lành tính hay ác tính, khối u nguyên phát tại tuyến yên hay di căn từ các cơ quan khác đến, các nang tuyến yên đều có thể gây nên tình trạng suy tuyến yên. Cơ chế của tổn thương này chủ yếu do các khối u chèn ép lên các tế bào, gây suy giảm hoạt động tiết hormone.
  • Phẫu thuật tuyến yên: Các phẫu thuật vùng tuyến yên chủ yếu liên quan đến điều trị các khối u. Tình trạng suy tuyến yên sau phẫu thuật có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Điều trị xạ trị vùng tuyến yên: cách điều trị này chủ yếu áp dụng ở những bệnh nhân có khối u ác tính vùng tuyến yên. Việc xạ trị sẽ gây tổn thương tế bào và gây suy tuyến yên.
  • Bệnh máu nhiễm sắc di truyền: bản chất đây là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa sắt, gây lắng đọng sắt ở các tế bào tuyến yên.
  • Viêm tuyến yên: gồm nhiều loại, viêm hạt, viêm tuyến yên lymphocytic, viêm tuyến yên có u vàng xanhthoma…
  • Hoại tử tuyến yên: hay còn gọi là hội chứng sheehan. Hội chứng này thường gặp nhất ở các phụ nữ sau sinh có biến chứng
  • Xuất huyết vùng tuyến yên: các tình trạng xuất huyết vùng tuyến yên sẽ làm tổn thương tế bào dẫn đến rối loạn tiết hormone
  • Nhiễm trùng vùng tuyến yên: những viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, nấm…sẽ làm tổn thương tế bào và gây rối loạn tiết hormone.

Triệu chứng Suy tuyến yên

Tuyến yên là một tuyến nội tiết, chịu trách nhiệm sản xuất khá nhiều loại hormone có tác dụng kiểm soát các tuyến nội tiết “đích”. Do đó biểu hiện lâm sàng của suy tuyến yên cũng khá tương tự với triệu chứng lâm sàng của tình trạng suy các tuyến nội tiết đích. Tùy theo hormone nào của tuyến yên bị ảnh hưởng mà biểu hiện có thể khác nhau.

Các triệu chứng của suy tuyến yên, cũng như mức độ biểu hiện sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tốc độ quá trình khởi phát tổn thương, mức độ thiếu hụt của hormone, số lượng hormone bị thiếu hụt cũng như mức độ chèn ép của khối u nếu có.

Các hormone và tuyến đích của tuyến yên

Các hormone và tuyến đích của tuyến yên

Hormone Corticotropin-ACTH

  • Đây là hormone chỉ huy của tuyến thượng thận, do đó khi thiếu hụt hormone này sẽ gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận thứ phát. Tuy nhiên khi thiếu hụt ACTH chủ yếu chỉ có những biểu hiện của thiếu hụt cortisol tuyến thượng thận, còn các hormone khác ít ảnh hưởng. Đây chính là sự khác biệt chính giữa suy tuyến thượng thận thứ phát (do suy tuyến yên) và suy tuyến thượng thận tiên phát (tổn thương tại chính tuyến thượng thận)
  • Biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt hormone. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong do trụy tim mạch. Các trường hợp thiếu hụt ít nghiệm trọng hơn có thể có biểu hiện mệt mỏi, huyết áp thấp, hạ huyết áp theo tư thế, nhịp tim nhanh. Các trường hợp thiếu cortisol nhẹ thường gây nên tình trạng ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, người mệt mỏi thường xuyên, suy giảm chức năng sinh dục….

Hormone kích thích tuyến giáp - TSH

  • Khi có thiếu hụt TSH sẽ dẫn đến việc tuyến giáp giảm sản xuất các hormone thyroxin gây nên các biểu hiện như mệt nhiều, tăng cân không lý do, da khô, rụng tóc, táo bón, nữ giới gây rối loạn kinh nguyêt…Các biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt các hormone thyroxin. Một số bệnh nhân chỉ có giảm TSH đơn thuần, không có biến động hormone của tuyến giáp.

Hormone tăng trưởng GH

  • Tình trạng thiếu hormone tăng trưởng GH sẽ có biểu hiện nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Thiếu hormon này sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng chiều cao, khi trưởng thành thường có thể trạng thấp bé hơn so với mức bình thường. Nếu tình trạng thiếu hụt hormone xảy ra ở người trưởng thành thường gây các biểu hiện như giảm mật độ xương, rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ tim mạch…

Hormone kích thích nang trứng FSh và hormone hoàng thể hóa LH

  • Đây là các hormone tác động lên tuyến đích là tuyến sinh dục, có tác dụng kích thích tuyến sinh dục tiết các hormone Gonadotropin. Khi các hormone này tiết ra không đủ, sẽ dẫn đến tình trạng suy sinh dục. Biểu hiện của suy sinh dục nguyên phát (do tổn thương tại buồng trứng/tinh hoàn) và suy sinh dục thứ phát (do tổn thương tuyến yên, dưới đồi) khá giống nhau
  • Ở nữ giới giai đoạn chưa mãn kinh thường có triệu chứng của tình trạng suy buồng trứng sớm như rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh, hay có những cơn bốc nóng, giảm tiết dịch âm đạ gây khô âm đạo, vô sinh và cơ quan sinh dục teo nhỏ. Ở phụ nữ đã mãn kinh có tình trạng giảm nồng độ các Gonadotropin sinh lý, do đó hầu như những bệnh nhân có suy tuyến yên gây giảm tiết FSH, LH sẽ không có biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên khi làm xét nghiệm, nồng độ các hormone tương ứng có thể thấp hơn so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi.
  • Ở nam giới, các hormone FSH, LH chủ yếu tác động lên tinh hoàn, do đó thiếu hụt các hormone này sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của tinh hoàn với các biểu hiện như giảm tiết hormone sinh dục nam testosterone gây giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, giảm chất lượng tinh dịch (chất lượng tinh trùng cũng như số lượng tinh trùng), có những cơn bốc nóng hay giảm mật độ xương.

 Prolactin

  • Prolactin có tác dụng kích thích tế bào tuyến vú tiết sữa. Hormone này thường tăng lên trong những tháng cuối của thai kì và duy trì nồng độ cao trong quá trình cho con bú. Prolactin thường ít khi giảm tiết độc lập mà thường đi kèm với rối loạn các hormone khác.
  • Thiếu hụt Prolactin sẽ gây biểu hiện không tiết sữa sau sinh.

Các biện pháp chẩn đoán Suy tuyến yên

 Xét nghiệm máu

  • Các xét nghiệm chung: Thiếu máu mức độ nhẹ thường là thiếu máu đẳng sắc

+ Đường máu thường thấp hơn so với khoảng tham chiếu. Bệnh nhân có thể có những cơn hạ đường máu tùy mức độ, từ nhẹ đến nặng, thậm chí hôn mê do đường máu thấp.

+ Có thể gặp rối loạn điện giải, chủ yếu là Natri máu, rối loạn mỡ máu (tăng cao hoặc giảm thấp hơn so với ngưỡng bình thường).

  • Các xét nghiệm hormone tuyến yên: khi xét nghiêm hormone thường nên kết hợp cả xét nghiệm hormone tuyến yên và các hormone tuyến đích để đánh giá và tiên lượng được mức độ bệnh.
  • Hormone tăng trưởng: GH giảm (thường không rõ ràng, có thể làm thêm nghiệm pháp kích thích GH - Growth Hormone Stimulation Tests), IGF-1 giảm
  • Hormone kích thích tuyến giáp: TSH giảm, T3 /FT3, T4/FT4 giảm
  • Hormone kích thích tuyến thượng thận: ACTH giảm, Cortisol máu giảm. Các xét nghiệm khác cũng có thay đổi nhưng ít giá trị trong thực tế lâm sàng như Cortisol niệu/24 giờ, 17-cetosteroid, 17-corticoid. Aldosteron ít bị thay đổi.
  • Hormone kích thích nang trứng FSH và kích thích hoàng thể LH: ở nữ giới Estradiol, Progesterone giảm, ở nam giới nồng độ testosterone giảm.
  • Prolactin giảm nếu có tổn thương tế bào tiết hormone này.
  • Một số test kích thích tuyến yên: sử dụng các chế phẩm có cấu trúc giống hormone vùng dưới đồi để kích thích tuyến yên tiết hormone. Nếu tuyến yên không tăng tiết được hormone tương ứng có thể chẩn đoán suy tuyến yên. Tuy nhiên phương pháp này chi phí cao, hóa chất hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên ít được sử dụng trong thực hành lâm sàng.
  • Test TRH: có tác dụng tăng tiết TSH và Prolactin
  • Test LH-RH: có tác dụng tăng tiết LH và FSH
  • Test CRH: tăng tiết ACTH
  • Test Metyrapon đánh giá tiết ACTH

 Chẩn đoán hình ảnh

Tùy theo nguyên nhân gây nên suy tuyến yên có thể có những bất thường trên chẩn đoán hình ảnh khác nhau.

Chẩn đoán hình ảnh thường dùng là cộng hưởng từ tuyến yên hoặc cắt lớp vi tính tuyến yên. Trên hình ảnh có thể bắt gặp các bất thường như khối u, hình ảnh nhồi máu tuyến yên, chảy máu tuyến yên hay có thể thấy hình ảnh tuyến yên rỗng…

 Hình ảnh cộng hưởng từ khối u tuyến yên

 Hình ảnh cộng hưởng từ khối u tuyến yên

Việc chẩn đoán xác định suy tuyến yên sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng gợi ý của tuyến đích, sự thiếu hụt các hormone của tuyến yên cũng như tuyến đích. Tuy nhiên hai hormone GH và ACTH có nồng độ biến thiên trong ngày, do đó việc xét nghiệm GH và ACTH để chẩn đoán thường không dùng làm tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán mà phải dựa trên các test kích thích.


Các biện pháp điều trị Suy tuyến yên

Nguyên tắc điều trị

  • Việc điều trị chủ yếu với mục tiêu đưa nồng độ hormone các tuyến đích như tuyến giáp, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận về giới hạn bình thường để cải thiện các triệu chứng cho bệnh nhân cũng như điều trị nguyên nhân (nếu có chỉ định). Thuốc điều trị bản chất là hormone các tuyến đích được tổng hợp. Trong thực hành lâm sàng, hầu như không sử dụng các hormone tuyến yên để bổ sung cho bệnh nhân bởi các hormone này dù ở dạng tái tổ hợp, nhưng nếu bổ sung theo đường uống thì hấp thu rất kém do bị các men tiêu hóa ở dạ dày và ruột tác động, còn nếu sử dụng theo đường tiêm thì có thể sinh ra các tự kháng thể, các tự kháng thể này sẽ làm thuốc giảm dần và mất tác dụng.
  • Trong quá trình điều trị, cần theo dõi diễn biến của các triệu chứng, đáp ứng của điều trị cũng như sự thay đổi của nồng độ các hormone để điều chỉnh liều phù hợp. Việc điều trị bổ sung các hormone nội tiết dạng tổng hợp nên được cá thể hóa liều lượng với từng bệnh nhân để nâng cao được hiệu quả điều trị.

Điều trị cụ thể

  • Hormone tuyến giáp:
  • Có thể bổ sung dưới ba dạng: Levothyroxin (L-T4), hoặc Liothyronin (L-T30 hoặc dạng phối hợp giữa T3 và T4 như Liotrix.
  • Nên dùng liều vừa phải rồi điều chỉnh liều dần, nhất là ở trên các đối tượng có nguy cơ tim mạch cao, người lớn tuổi…
  • Hormone tuyến thượng thận:
  • Thuốc thường dùng là hydrocortisol có hàm lượng 10mg. Liều uống thông thường để bổ sung hormone 0,5–1 mg/kg/ngày và điều chỉnh theo từng bệnh nhân cụ thể.
  • Do cortisol là một hormone có tác dụng kiểm soát các quá trình stress trong cơ thể, do đó cần điều chỉnh liều hydrocortisol khi có bệnh cấp tính, chấn thương, nhiễm trùng….
  • Trong trường hợp có suy tuyến thượng thận cấp tính, có thể sử dụng hydrocortisol dạng tiêm để bù hormone được nhanh chóng hơn.
  • Hormone sinh dục
  • Với các trường hợp suy tuyến yên gây suy sinh dục, cần bổ sung hormone để duy trì hoạt động tình dục cũng như giảm nguy cơ loãng xương sớm. Tuy nhiên, việc bổ sung chỉ thực hiện khi đến tuổi dậy thì. Với các trẻ em có suy tuyến yên làm giảm hormone sinh dục, việc điều trị hormone trước tuổi dậy thì có thể gây cốt hóa sớm và giảm chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành
  • Nam giới: bổ sung Testosterone dạng tiêm bắp
  • Nữ giới bổ sung 17β-estradiol (Ostragel) và progestatif.
  • Hormone tăng trưởng
  • Với các bệnh nhân trưởng thành có suy tuyến yên gây suy giảm hormone tăng trưởng hầu như không có chỉ định điều trị.
  • Với trẻ em có suy tuyến yên, để đảm bảo việc phát triển thể chất, cần bổ sung GH dang tiêm hàng tuần khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Khi bổ sung GH cần lưu ý các nguy cơ tác dụng phụ như loãng xương ở bệnh nhân.

Điều trị theo nguyên nhân

  • Tùy theo từng nguyên nhân gây suy tuyến yên, có thể có những điều trị đặc hiệu khác nhau như phẫu thuật cắt u, điều trị các tình trạng nhiễm trùng, nhiễm nấm

Suy tuyến yên là một bệnh lý tuy không thường gặp, nhưng là bệnh lý có biểu hiện triệu chứng khá đa dạng, phụ thuộc vào loại hormone bị ảnh hưởng. Đồng thời đây cũng là bệnh lý có thể gây nên những nguy cơ cao cho sức khỏe do vốn dĩ tuyến yên là tuyến “chỉ huy” của rất nhiều tuyến nội tiết khác. Vậy nên khi có những triệu chứng nghi ngờ cần đi khám chuyên khoa để được làm các xét nghiệm, siêu âm chụp chiếu để chẩn đoán và có điều trị phù hợp.


Tài liệu tham khảo:

  1. Arafah BM. Medical management of hypopituitarism in patients with pituitary
  1. Pituitary 2002; 5:109.
  2. Grossman AB. Clinical Review#: The diagnosis and management of central hypoadrenalism. J Clin Endocrinol Metab 2010; 95:4855.
  3. Esteban NV, Loughlin T, Yergey AL, et al. Daily cortisol production rate in man determined by stable isotope dilution/mass spectrometry. J Clin Endocrinol Metab 1991; 72:39.
  4. Debono M, Ghobadi C, Rostami-Hodjegan A, et al. Modified-release hydrocortisone to provide circadian cortisol profiles. J Clin Endocrinol Metab 2009; 94:1548.
  5. Arlt W, Rosenthal C, Hahner S, Allolio B. Quality of glucocorticoid replacement in adrenal insufficiency: clinical assessment vs. timed serum cortisol measurements. Clin Endocrinol (Oxf) 2006; 64:384.
  6. Peter J Snyder, MD, Causes of hypopituitarism, uptodate, 2024.
  7. Peter J Snyder, MD, Clinical manifestations of hypopituitarism, uptodate, 2024.
  8. Peter J Snyder, MD, Treatment of hypopituitarism, uptodate, 2024.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ