Bác sĩ: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh
Năm kinh nghiệm:
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, đặc trưng bởi các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) có căn nguyên liên quan đến rối loạn gen di truyền. Bệnh tiến triển suốt đời (không bao giờ khỏi), bệnh nhân phải uống thuốc lâu dài và dần dần họ sẽ sa sút về cảm xúc, hành vi, trí nhớ…
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2022) có khoảng 24 triệu người mắc bệnh tâm thần phân liệt, chiếm tỉ lệ 0,32% dân số [1]. Khởi phát ở nam thường sớm hơn ở nữ với độ tuổi khởi phát ở nam trung bình là 20-25 tuổi, nữ là 26-30 tuổi [2].
Các nghiên cứu không đưa ra được một nguyên nhân cụ thể nào gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Quan điểm hiện nay cho rằng cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt là sự tác động cộng gộp của các yếu tố về sinh học, xã hội và tâm lý.
Trên cơ sở các nghiên cứu của nhiều tác giả đưa ra, những người trong gia đình và có quan hệ họ hàng với bệnh nhân tâm thần phân liệt thì có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân của tâm thần phân liệt là do rối loạn về gen di truyền theo kiểu tổ hợp gen ngẫu nhiên, phức tạp gây ra. Người ta đã phát hiện ra 104 gen gây ra tâm thần phân liệt.
Người bình thường mang trung bình 50-60 gen bệnh nhưng không bị bệnh do số lượng gen bệnh không đủ lớn. Những người mang trên 80 gen bệnh sẽ biểu triệu chứng bệnh. Người nào mang càng nhiều gen bệnh thì bị tâm thần phân liệt càng sớm và biểu hiện càng nặng và ngược lại [2].
Gen gây tâm thần phân liệt là các gen điều tiết việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh dopamin ở trong não.
Nghiên cứu về các test tâm lý cho thấy bệnh nhân tâm thần phân liệt có biểu hiện bất thường rõ rệt về chức năng tâm lý. Các stress, sang chấn tâm lý, khó khăn trong ứng xử của người bệnh ở mối quan hệ gia đình, công việc, xã hội... có thể là yếu tố thúc đẩy bệnh khởi phát.
Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt rất đa dạng và phức tạp nhưng hầu hết các tác giả đều chia ra 2 nhóm triệu chứng chính là triệu chứng dương tính và triệu chứng âm tính.
. Các triệu chứng dương tính
Các triệu chứng này còn được gọi là các triệu chứng loạn thần.
Các loại hoang tưởng
Người bệnh có những suy nghĩ không đúng, cố định trên bệnh nhân, họ cho rằng đó là đúng và mọi người xung quanh không thể giải thích, thuyết phục được.
- Hoang tưởng bị theo dõi: người bệnh cho rằng mình bị thế lực nào đó theo dõi, bằng cách đi theo, bằng camera, điện thoại…
- Hoang tưởng liên hệ: bệnh nhân tin rằng một số sách báo, đài, ti vi… ám chỉ, bình luận hay nói về bệnh nhân. Họ cho rằng mọi người xung quanh đang nói chuyện là đang bàn tán, nói xấu về mình.
- Hoang tưởng bị chi phối : bệnh nhân cho rằng mình bị chi phối bởi một người hoặc một thế lực siêu nhiên bằng cách nào đó như bằng sóng điện từ. Bệnh nhân có thể bị điều khiển, kiểm tra về ý nghĩ, cảm giác và vận động bởi một thế lực bên ngoài.
- Các hoang tưởng kỳ quái thường hay gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, nội dung rất phong phú như họ được lên thiên đình sống, họ cho rằng mình là phật tổ, bản thân mình có thể lãnh đạo được cả thế giới, xua được mây, ngăn mưa, đổi hướng đi của cơn bão, hoặc có một năng lực siêu nhiên nào đó.
Người bệnh có những phán đoán sai lầm không phù hợp với khách quan
Các ảo giác
Người bệnh có thể nghe thấy, ngửi thấy, nhìn thấy… những sự vật hiện tượng không có thật. Điều này khiến cho người bệnh cảm giác rất sợ hãi, lo lắng.
- Ảo thanh: thường gặp khoảng 60-70% trong số các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt [2]. Đây được coi là triệu chứng đặc trưng, hay gặp ở người bệnh. Bệnh nhân nghe thấy những tiếng người nói bên tai, trong đầu mình, mặc dù không có ai xung quanh, nhưng được bệnh nhân cho là thật. Nội dung của ảo thanh rất đa dạng và phong phú, có thể là tiếng người khen ngợi, vui vẻ với bệnh nhân, đôi khi là tiếng người chửi bới, nói xấu, có khi đó là tiếng người đe dọa bệnh nhân về một vấn đề gì đó, hay xui khiến bệnh nhân phải làm việc, điều này làm cho bệnh nhân rất sợ hãi, bực tức.
- Ảo thị giác: Bệnh nhân nhìn thấy những hình ảnh mà thực tế là không có ở thực tại khách quan. Ví dụ như nhìn thấy cô tiên đang múa, ma quỷ đang đuổi bắt mình…
- Ảo xúc giác: Bệnh nhân có cảm giác là các con côn trùng bò dưới da, cảm giác châm chích, như là có con gì bò trong xương của mình.
Người bệnh có thể nghe thấy tiếng người khen chê, xui khiến mình mặc dù xung quanh không có ai
Các triệu chứng khác
- Ngôn ngữ thanh xuân: bệnh nhân nói năng rất kì dị, nói những câu không rõ nội dung, lộn xộn và không có ý nghĩa
- Hành vi thanh xuân thường hay gặp là hành vi mà bệnh nhân rất lố lăng, kì lạ, cợt nhả , khó hiểu. Bệnh nhân có lúc khóc, lúc cười, lúc lại đùa cợt.
- Hành vi căng trương lực
Các triệu chứng âm tính
Các triệu chứng này thể hiện sự tiêu hao, sa sút các hoạt động tâm thần sẵn có, đây là triệu chứng của hay gặp của bệnh tâm thần phân liệt sau một thời gian dài bị bệnh.
- Cảm xúc cùn mòn là triệu chứng phổ biến, bệnh nhân biểu hiện nét mặt đơn điệu, không vui cũng không buồn của bệnh nhân. Bệnh nhân mất đi sự cởi mở với mọi người, thu hẹp mối quan hệ xã hội, không quan tâm tới người khác. Bệnh nhân chỉ thích ở trong phòng một mình, không muốn ra ngoài nói chuyện với ai.
- Mất ý chí: Người bệnh mất động lực, ý chí để hoạt động, từ đó lao động và công việc giảm sút. Các thói quen sinh hoạt hằng ngày, về nghề nghiệp của bệnh nhân cũng giảm dần, đến nỗi họ không muốn làm bất kỳ việc gì nữa, do vậy khả năng và hiệu quả lao động bị giảm sút. Họ thất nghiệp, không muốn làm việc, chỉ quanh quẩn ở nhà, thậm chí họ còn không tắm rửa và không vệ sinh cá nhân. Họ hay đi lang thang không mục đích, ăn rác rưởi vứt trên đường, ăn đồ sống bẩn thỉu…
Hiện nay các phương pháp điều trị nhằm điều trị triệu chứng, điều trị củng cố chống tái phát và phục hồi chức năng.
Điều trị bằng thuốc
Đây là liệu pháp thông dụng, có hiệu quả trong điều trị tâm thần phân liệt. Thuốc an thần kinh được dùng cả trong điều trị giai đoạn cấp tính và điều trị củng cố. Ngày nay, khi bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám và điều trị sớm bằng thuốc an thần kinh, hiệu quả cải thiện bệnh rất rõ rệt. Người bệnh có thể dùng thuốc ngoại trú và trở về nhà sinh hoạt và lao động.
Một số loại thuốc an thần thường dùng bao gồm
+ Thuốc an thần cổ điển: Aminazin, Haloperidol…
+ Thuốc an thần mới: Olanzapin, Quetiapin, Risperidol, Clozapin…
Thuốc an thần kinh có hiệu quả cao trong điều trị tâm thần phân liệt
Liệu pháp sốc điện
Một số trường hợp có thể có chỉ định vào viện và thực hiện sốc điện (ECT). Việc tiến hành liệu pháp sốc điện phải được chỉ định chặt chẽ và thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Sử dụng liệu pháp sốc điện giúp bệnh nhân giảm được các triệu chứng loạn thần, ngủ tốt hơn, và đồng thời còn giúp làm tăng tác dụng của thuốc, giảm liều thuốc điều trị.
Phục hồi chức năng
Các liệu pháp phục hồi tâm thần cũng như những hỗ trợ xã hội không chỉ dành riêng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt mà còn tất cả các bệnh nhân có rối loạn tâm thần.
Có rất nhiều các liệu pháp phục hồi tâm thần khác nhau: liệu pháp lao động, liệu pháp âm nhạc, luyện tập kỹ năng… được áp dụng. Các liệu pháp này có thể được triển khai ngay tại những cơ sở điều trị tâm thần hoặc tại các trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần hoặc ở cộng đồng. Những liệu pháp này giúp người bệnh nhanh chóng trở lại với cuộc sống hàng ngày, công việc.
Ngoài ra các can thiệp tâm lí xã hội khác cũng ngày càng trở thành một thành phần không thể thiếu trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Liệu pháp này giúp duy trì và kéo dài trạng thái ổn định sau đợt điều trị tích cực, hạ thấp được liều thuốc củng cố. Nếu kết hợp với dùng thuốc sẽ góp phần làm giảm các triệu chứng dương tính, tăng cường và cải thiện các mối quan hệ xã hội, giảm chi phí điều trị.
Các câu hỏi thường gặp
Bệnh tâm thần phân liệt có phòng ngừa được không?
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh mà chúng ta có thể phòng ngừa. Nên có lối sinh hoạt lành mạnh, ăn ngủ điều độ, tập thể dục mỗi ngày từ 20-30 phút, hạn chế các chấn thương tâm lý, lo lắng quá mức, căng thẳng trong công việc, gia đình…
Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không?
Ngày nay việc phát triển các phương pháp điều trị tâm thần đã giúp những bệnh nhân tâm thần phân liệt cải thiện rất nhiều, đồng thời giúp họ quay lại với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh cần tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý tăng giảm liều thuốc và liên hệ cơ sở y tế khám ngay khi có xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Như vậy, nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt chưa rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta nên theo dõi tình trạng sức khoẻ tâm thần ở những người có yếu tố nguy cơ cao như có cha mẹ, họ hàng gần bị bệnh tâm thần… để kịp thời phát hiện bệnh. Khi phát hiện người thân có những biểu hiện rối loạn tâm thần, nên đưa họ đến khám ngay để bác sĩ phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị hiệu quả. Đối với người bị bệnh tâm thần phân liệt, cần tiếp tục quản lý, theo dõi việc dùng thuốc của bệnh nhân sau khi ra viện để dự phòng tái phát. Hệ thống phòng khám Medlatec với đầy đủ các thiết bị chuyên khoa hiện đại và các bác sĩ chuyên môn giỏi luôn là lựa chọn hàng đầu của người bệnh. Liên hệ ngay với chúng tôi khi bạn có những biểu hiện bất thường về sức khoẻ tâm thần.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!