Từ điển bệnh lý

Tăng huyết áp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tăng huyết áp

Hiện nay, tăng huyết áp (THA) vẫn là một vấn đề lớn đối với sức khỏe của con người với tỉ lệ số người mắc ngày càng tăng cao ở cả các nước phát triển cũng như đang phát triển. Tỉ lệ mắc THA ở các quốc ga trên thế giới khoảng 30 đến 45%. Theo thống kê năm 2015 trên thế giới có khoảng 1,13 triệu người mắc THA. THA cũng là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh như bệnh mạch vành, suy thận, xơ vữa mạch ngoài vi và cũng là nguyê nhân gây tử vong hàng đầu, năm 2015 có khoảng 10 triệu người tử vong trong đó có 3.5 triệu do tai biến và 4,9 triệu do thiếu máu cơ tim.

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, từ đó máu được đưa đi muôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp phụ thuốc vào 4 yếu tố gồm:

- Sức co bóp của cơ tim.

- Độ nhớt của máu, thể tích máu.

- Sức cản của thành mạch.

- Thần kinh giao cảm.

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch

Huyết áp gồm 2 loại là huyêt ap tâm thu (HATT) và huyết áp tâm trương (HATTr). HATT là áp lực của máu lên thành của động mạch khi tm bóp. HATTr là áp lực của máu tác động lên thành của động mạch khi tim giãn.

Định nghĩa tăng huyết áp

Các hiệp hội tim mạch đều đưa ra các khuyến cáo về THA, trong đó phần lớn các hiệp hội trong đó có hội tim mạch Việt Nam, hiệp hội THA quốc tế đều khuyến cáo rằng THA  khi HA tâm thu ≥ 140mmHg và hoặc HA tâm trương  ≥ 90mmHg do nhân viên y tế đo ở điều kiện tiêu chuẩn.

- THA khi HA tự đo tại nhà ≥ 135/85mmHg.

- THA khi đo HA bằng holter huyết áp 24h  ≥ 130/80mmHg.

Các thể tăng huyết áp:

- THA tâm thu đơn độc khi HATT ≥ 140 mmHg và HATTr < 90 mmHg.

- THA tâm trường đơn độc khi HATT < 140 mmHg và HATTr ≥ 90 mmHg.

- THA áo choàng trắng: HA bình thường khi đo tại nhà hay đo liên tục bằng holter huyết áp, ngược lại HA đo tại phòng khám lại cao.

- THA ẩn dấu:  HA đo tại nhà hay đo HA liên tục thì cao nhưng đo HA tại phòng khám lại bình thường.

- Bệnh THA hay THA nguyên phát.

- THA thứ phát.

- THA giao động.

- THA cơn.


Các biến chứng Tăng huyết áp

- Biến chứng trên mắt: THA làm tổn thương mạch máu ở võng mạch, làm thành ĐM cứng và dày lên gây hẹp lòng mạch. Ngoài ra THA còn gây xuất huyết kết mạc, võng mạc, phù gai thị gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

- Biên chứng trên tim mạch: THA làm tổn thương lớp nội mạc gây xơ vữa mạch máu nhất là ở BN THA kết hợp mỡ máu cao, đái tháo đường làm hẹp, tắc lòng mạch nhất là mạch vành. THA còn lại phì đại thành tim dẫn đến suy tim.

 THA làm tổn thương lớp nội mạc gây xơ vữa mạch máu

THA làm tổn thương lớp nội mạc gây xơ vữa mạch máu

- Biến chứng trên thận: THA làm tổn thương màng lọc của các tế bào cầu thận, xuất hiện protein niệu và lâu dần có thể gây suy thận. Ngoài ra THA có thể làm hẹp động mạch thận dẫn đến suy thận.

- Biên chứng trên mạch máu ngoại vi: THA có thể làm giãn, phình, lóc tách động mạch, đặc biệt là động mạch chủ có thể gây tử vong. Bên cạnh đó THA còn làm hẹp, tắc các động mạch ngoại vi do tổn thương lớp nội mạc.

- Biến chứng trên não: THA có thể gây ra xuất huyết não, nhồi máu não, thiếu máu não …


Đối tượng nguy cơ Tăng huyết áp

Nguy cơ tim mạch (nguy cơ tim mạch tổng thể) là nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch trong khoảng thời gian nhất định, thường trong vòng 10 năm.

Đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể dựa vào các yếu tố:

+ Chí số HA tâm thu và HA tâm trương.

+ Các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đi kèm.

+ Tổn thương cơ quan đích có hoặc không có triệu chứng.

+ Đái tháo đường.

+ Bệnh thận mạn hoặc bệnh tim mạch.

- Dựa vào 5 yếu tố trên chia thành 4 mức độ nguy cơ: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp.

- Nguy cơ rất cao khi có một trong các biểu hiện sau:

+ Có các bệnh tim mạch như: bệnh động mạch vành hoặc tái tưới máu động mạch khác, đột quỵ, lóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại vi.

Nguy cơ tăng huyết áp rất cao khi có biểu hiện bệnh động mạch vành

Nguy cơ tăng huyết áp rất cao khi có biểu hiện bệnh động mạch vành

+ Bệnh tim mạch được chẩn đoán trên hình ảnh: hẹp ≥ 50% lòng mạch khi chụp mạch hoặc siêu âm.

+ Đái tháo đường có tổn thương có quan đích: Protein niệu, THA độ 3, tăng cholesterol.

+ Suy thận với MLCT <30ml/phút.

+ Nguy cơ tim mạch tổng thể trong 10 năm≥10% theo thang điểm SCORE.

- Nguy cơ cao khi có một trong các biểu hiện sau:

+ Sự gia tăng rõ của một yếu tố nguy cơ tim mạch như: Cholesterol > 8mmol/l, THA độ 3 (HA ≥ 180/110 mmHg).

+ Các bệnh nhân ĐTĐ chưa có tổn thương cơ quan đích.

+ Dày thất trái do THA.

+ Suy thận mức độ vừa với mức lọc cầu thận từ 30-59 ml/phút.

+ Nguy cơ tim mạch tổng thể trong 10 năm từ 5-10% theo thang điểm SCORE.

- Nguy cơ vừa:

+ Nguy cơ tim mạch tổng thể trong 10 năm từ 1% đên 5% theo thang điểm SCORE.

+ THA độ 2.

+ Người trung niên.

- Nguy cơ thấp: Nguy cơ tim mạch tổng thể trong 10 năm <1% theo thang điểm SCORE.


Phòng ngừa Tăng huyết áp

- Dự phòng tăng huyết áp ở người lớn chính là các biện pháp điều trị thay đổi lối sống.

- Ngoài ra cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh THA để từ đó phát hiện điều trị sớm THA để hạn chế các biến chứng do THA gây ra.

- Bệnh nhân được chẩn đoán THA cần được tư vấn, giải thích để hiểu về bệnh, từ đó tích cực thay đổi lối sống, tuân thủ các thuốc điều trị để dạt được cũng như duy trì được HA mục tiêu.

Nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh THA để từ đó phát hiện điều trị sớm

Nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh THA để từ đó phát hiện điều trị sớm


Các biện pháp chẩn đoán Tăng huyết áp

Các phương pháp đo huyết áp

- Đo huyết áp tại phòng khám: là đo huyết áp tại cơ sở y tế, do nhân viên y tế đo. Tuy nhiên để chẩn đoán tăng HA cần phải thực hiện nhiều lần đo ở nhiều lân thăm khám trừ trường hợp HA tăng cao từ độ 3 trở lên (≥180/110 mmHg).

- Đo huyết áp ngoài phòng khám gồm dao huyết áp tại nhà do bệnh nhân tự đo và đo holter huyết áp 24 giờ (đo HA liên tục). Đây là phương pháp rất quan trọng để chẩn đoán các thể THA ẩn dấu hay THA áo choàng trắng.

Các máy đo huyết áp

- Máy đo HA tự động/ bán tự động; máy đo huyết áp thủy ngân hoặc đồng hồ (sử dụng tai nghe) đều có thể sử dụng. Tuy nhiên các máy đo huyết áp này cần được kiểm chuẩn định kỳ (thường 6 tháng/lần) và băng cuốn của máy đo HA phải phù hợp với kích cỡ chu vi cánh tay (bao hơi bao quanh 80% chu vi cánh tay).

Máy đo huyết áp sử dụng tai nghe

Máy đo huyết áp sử dụng tai nghe

- Kỹ thuật đo HA đúng cũng là vấn đề rất quan trọng để đưa ra chỉ số HA đúng để từ đó chẩn đoán và điều trị đúng cho bệnh nhân.

Tiêu chuẩn chẩn đoán THA

Chẩn đoán THA có thể dựa vào đo HA tại phòng khám, đo HA tại nhà hoặc đo HA liên tục và trong nhiều trường hợp cần phối hợp các phương pháp đo này với nhau.

Huyết áp

HATT/HATTr (mmHg)

HA tại phòng khám

≥140 và/hoặc ≥90

HA đo tại nhà

≥135 và/hoặc ≥85

Holter huyết áp

HA trung bình 24 giờ

≥130 và/hoặc ≥80

HA trung bình ban ngày

≥135 và/hoặc ≥85

HA trung bình ban đêm

≥120 và/hoặc ≥70

Phân độ tăng huyết áp

Theo hội tim mạch Việt nam năm 2018, HA được chia thành các mức độ sau:

 

HA tâm thu (mmHg)

 

HA tâm trương (mmHg)

Tối ưu

<120

<80

Bình thường

120-129

và/hoặc

80-84

Bình thường cao

130-139

và/hoặc

85-89

THA độ 1

140-159

và/hoặc

90-99

THA độ 2

160-179

và/hoặc

100-109

THA độ 3

≥180

Và/hoặc

≥110

THA tâm thu đơn độc

≥140

<90

Nếu HATT và HATTr không cùng mức thì chọn mức của HATT hay HATTr cao nhất.


Các biện pháp điều trị Tăng huyết áp

Chiến lược điều trị THA theo nguy cơ tim mạch

Dựa vào phân tầng nguy cơ tim mạch cũng như phân độ THA (đã trình bày trên):

- HA bình thường cao: cần tư vấn thay đổi lối sống. Cân nhắc dùng thuốc ở các trường hợp nguy cơ tim mạch rất cao, nhất là bệnh mạch vành.

- THA độ 1:

+ Các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch thấp: nếu không kiểm soát được HA sau 1 đến 3 tháng thay đổi lối sống thì cân nhắc điều trị thuốc.

+ Các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao, cao, hoặc có bệnh thận, có tổn thương cơ quan đích cần điều trị thuốc ngay, kết hợp với thay đổi lối sống và mục tiêu điều trị cần đạt được sau 1 đến 3 tháng.

- THA từ độ 2 trở lên: Cần điều trị thuốc ngay kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống và cần đạt dược mục tiêu điều trị sau 1 đến 3 tháng.

Mục tiêu HA cần đạt được:

- Cần thiết: HA cần giảm xuống được thấp nhất là 20/10 mmHg tiến tới đạt mức <140/90 mmHg trong vòng 1-3 tháng.

- Tối ưu:

+  Bệnh nhân dưới 65 tuổi: mục tiêu HA cần đạt <130/80 mmHg và >120/70 mmhg

+ Bệnh nhân >65 tuổi: mục tiêu HA cần đạt <140/90 mmHg

- Tuy nhiên mức HA mục tiêu cần cá thể hóa trên từng bệnh nhân cũng như các bệnh kèm theo.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống)

- Giảm cần: duy trì BMI từ 18-23 kg/m2 và vóng eo ở nam <94cm, nữ <80cm

- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Tăng cường chất xơ, vitamin, cac thức ăn giảu kali (trừ trường hợp suy thận). Hạn chế ăn mặn (<5g muối/ngày), các chất kích thích, các loại mỡ động vật…

- Tăng cường rèn luyện thể thao: đi bộ, chạy bộ, bơi, Yoga, đạp xe… tối thiểu 30/ ngày và 5-7 ngày/ tuần.

Tăng cường rèn luyện thể thao

Tăng cường rèn luyện thể thao

- Hạn chế rượu, bia

- Kiêng thuốc lào, thuốc lá, tránh môi trường khói bụi.

- Giảm căng thẳng, lo âu

Điều trị thuốc

Theo khuyến cáo điều trị của phân hội tăng huyết áp quốc tế năm 2020, điều trị THA gồm: điều trị thiết yếu và điều trị tối ưu.

- Điều trị thiết yếu:

+ Sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ áp nào sẵn có, ưu tiên các thuốc kiểm soát được HA trong 24 giờ, chi phí vừa phải và dung nạp tốt.

+ Sử dụng phối hợp với tự chọn khi không có sẵn viên phối hợp hoặc viên phối hợp đắt vượt khả năng chi trả của người bệnh.

+ Khi thuốc lợi tiểu giống thiazide không có sẵn thì có thể dùng thuốc lợi tiểu thiazide.

+ Thay thế thuốc chẹn kênh calci DHP nếu không dung nạp được hoặc không có sẵn bằng các thuốc chẹn kênh calci không DHP như diltiazem hoặc verapamil.

- Điều trị tối ưu: Sử dụng viên thuốc phối hợp ngay từ đầu:

+ Bước 1: phối hợp liều thấp của 2 loại thuốc gồm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể với chẹn kênh calci.

+ Bước 2: phối hợp liều đầy đủ của 2 loại thuốc gồm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể với chẹn kênh calci.

+ Bước 3: Phối hợp 3 loại thuốc gồm: ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể + chẹn kênh calci + lợi tiểu.

+ Bước 4: THA kháng trị cần phối hợp 4 loại thuốc gồm: ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể + chẹn kênh calci + lợi tiểu + spironolatone.


Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y Tế (2020), “Hướng dẫn điều trị Tăng huyết áp 2020”.

2. Hội tim mạch Việt Nam (2018), “ Khuyến cáo điều trị Tăng huyết áp 2018”.

3. Bryan Williams, et al (2018) “ 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension: The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Cardiology (ESC) and the European Society of Hypertension (ESH)”

4. Thomas Unger, et al (2020), “2020 International Society of Hypertension Global Hypertension Practice Guidelines”

5. Bài giảng “chẩn đoán và điều trị tăng huyết ap” của PGS Nguyễn Thị Bạch Yến.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ