Từ điển bệnh lý

Tăng kali máu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tăng kali máu

Tăng kali máu không phải là một tình trạng hiếm gặp. May mắn thay, hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán tăng kali máu đều ở mức độ nhẹ (thường dung nạp tốt và còn sự bù trừ của cơ thể). Tuy nhiên, bất kỳ tình trạng nào gây tăng kali máu dù nhẹ cũng cần được điều trị để ngăn chặn sự tiến triển thành tăng kali máu nặng hơn. Tình trạng tăng kali máu nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến dẫn truyền điện cơ tim và có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn - tử vong. Khi không được nhận biết và điều trị đúng cách, tình trạng tăng kali máu nặng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Tình trạng tăng kali máu nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến dẫn truyền điện cơ tim và có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn - tử vong

Tình trạng tăng kali máu nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến dẫn truyền điện cơ tim và có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn - tử vong

Về mặt kỹ thuật, tăng kali máu có nghĩa là nồng độ kali trong máu tăng cao bất thường. Mức kali máu bình thường được tính theo đương lượng điện tích nhưng vì ion kali có 1 điện tích dương nên nó tương đương với nồng độ mol của kali trong máu, tham chiếu bình thường nằm trong khoáng 3.5 đến 5.0 mmol / L – mEq / L. Mức kali máu từ 5.1 mmol / L đến 6.0 mmol / L phản ánh tình trạng tăng kali máu nhẹ. Mức kali từ 6.1 mmol / L đến 7.0 mmol / L là tăng kali máu trung bình, và mức trên 7 mmol / L là tăng kali máu nặng – nguy kịch.

Cơ chế ảnh hưởng của nồng độ kali máu cao

Kali là thành phần hoạt động điện học của cơ vân, cơ trơn, cơ tim và dẫn truyền thần kinh: Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động của cơ trơn (chẳng hạn như cơ được tìm thấy trong đường tiêu hóa) và cơ xương – cơ vân (cơ tứ chi và thân mình), cũng như cơ tim. Nó cũng quan trọng đối với việc truyền tín hiệu điện bình thường đến khắp hệ thống thần kinh trong cơ thể.

Nhịp tim hay nhịp co bóp của cơ tim không thể duy trì bình thường nếu nồng độ của kali trong máu bất thường. Cả rối loạn hạ kali máu và tăng kali máu bất thường đều gây rối loạn nhip tim theo cùng một cơ chế nhưng theo chiều hướng trái ngược nhau.

Tác dụng lâm sàng quan trọng nhất của tăng kali máu liên quan đến nhịp co bóp điện học của tim. Trong khi tăng kali máu nhẹ có thể có tác dụng hạn chế trên tim, tăng kali máu vừa có thể gây ra các biến đổi điện tim (điện tim – hay điện tâm đồ là một đồ thị nhiều chuyển đạo theo dõi và mô tả hoạt động điện của cơ tim). Tăng kali máu nặng – nguy kịch có thể gây rối loạn giảm hoạt động điện của cơ tim dẫn đến cơ tim ngừng co bóp – ngừng tim – ngừng tuần hoàn.

Một tác động quan trọng khác của tăng kali máu là can thiệp vào hoạt động của cơ xương – cơ vân. Hội chứng liệt chu kỳ do tăng kali máu là một rối loạn di truyền hiếm gặp trong đó bệnh nhân có thể xuất hiện khởi phát đột ngột thường có chu kỳ tình trạng tăng kali máu, gây ra liệt cơ ngoại vi. Lý do của sự liệt cơ chưa được hiểu rõ ràng, nhưng nó có thể là do tăng kali máu ngăn chặn hoạt động điện của cơ.


Nguyên nhân Tăng kali máu

Nguyên nhân chính của tăng kali máu là rối loạn chức năng thận, các bệnh của tuyến thượng thận, chuyển dịch kali ra khỏi tế bào vào hệ tuần hoàn máu và thuốc.

Tăng kali máu và rối loạn chức năng thận

Bình thường thận bài tiết kali nên các rối loạn làm giảm chức năng của thận có thể dẫn đến tăng kali máu. 

Bình thường thận bài tiết kali nên các rối loạn làm giảm chức năng của thận có thể dẫn đến tăng kali máu. 

Bình thường thận bài tiết kali nên các rối loạn làm giảm chức năng của thận có thể dẫn đến tăng kali máu. 

Bao gồm:

  • Suy thận cấp và mạn tính
  • Viêm cầu thận,
  • Viêm thận lupus ,
  • Thải ghép thận cấp
  • Các bệnh tắc nghẽn đường tiết niệu, chẳng hạn như sỏi tiết niệu.

Hơn nữa, những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận đặc biệt nhạy cảm với các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ kali trong máu. Ví dụ, bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận có thể bị tăng kali máu ngày càng trầm trọng hơn khi được cung cấp các chất thay thế muối có chứa kali, bù kali (bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch) hoặc các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ kali trong máu. Ví dụ về các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ kali trong máu bao gồm:

  • Thuốc huyết áp ức chế men chuyển Angiotensin
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid
  • Thuốc huyết áp ức chế thụ thể Angiotensin II
  • Các thuốc lợi tiểu giữ kali

Tăng kali máu và các bệnh của tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận là những tuyến nhỏ nằm ngay trên cực trên của thận, có vai trò quan trọng trong việc tiết ra các hormone như cortisol và aldosterone. Aldosterone làm cho thận giữ lại natri và chất lỏng trong khi bài tiết kali trong nước tiểu. Do đó các bệnh về tuyến thượng thận, chẳng hạn như bệnh Addison, dẫn đến giảm bài tiết aldosterone có thể làm giảm bài tiết kali của thận, dẫn đến cơ thể giữ lại kali và do đó tăng kali máu.

Tăng kali máu và thay đổi kali

Kali có thể di chuyển ra khỏi tế bào. Tổng lượng kali dự trữ trong cơ thể của chúng ta là khoảng 50 mmol / kg trọng lượng cơ thể. Tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng 98% tổng lượng kali trong cơ thể nằm bên trong tế bào (nội bào), chỉ 2% nằm bên ngoài tế bào (trong tuần hoàn máu và mô ngoại bào). Chính lượng kali nằm trong máu tuần hoàn mới gây ra các rối loạn điện cơ. Các xét nghiệm máu chỉ đánh giá được lượng kali trong tuần hoàn này. Do đó, các điều kiện có thể làm cho kali di chuyển ra khỏi tế bào vào tuần hoàn máu có thể làm tăng nồng độ kali trong máu mặc dù tổng lượng kali trong cơ thể không thay đổi.

Một ví dụ về sự thay đổi kali gây tăng kali máu là nhiễm toan (acid) ceton do đái tháo đường. Insulin rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin). Nếu thiếu insulin, bệnh nhân đái tháo đường typ 1 có thể bị tăng mức đường huyết nghiêm trọng. Thiếu insulin cũng gây ra sự phân hủy các tế bào mỡ, với việc giải phóng các thể acid cetonic vào máu, làm cho máu có tính acid (do đó có thuật ngữ nhiễm toan ceton). Tình trạng nhiễm toan và nồng độ glucose cao trong máu kết hợp với nhau để làm cho nước và ion kali di chuyển ra khỏi tế bào vào hệ tuần hoàn máu. Bệnh nhân đái tháo đường thường cũng bị suy giảm khả năng bài tiết kali vào nước tiểu của thận. Sự kết hợp giữa chuyển dịch kali ra khỏi tế bào và giảm bài tiết kali qua nước tiểu gây ra tăng kali máu.

Một nguyên nhân khác gây tăng kali máu là sự phá hủy mô, các tế bào chết đi sẽ giải phóng kali vào hệ tuần hoàn máu. Ví dụ về sự phá hủy mô gây tăng kali máu bao gồm:

  • Chấn thương (nhất là thể vùi lấp có tiêu cơ vân cấp)
  • Bỏng mức độ nặng
  • Sau phẫu thuật lớn
  • Tan máu – ly giải hồng cầu do các nguyên nhân
  • Hội chứng ly giải U – các tế bào trong khối u tăng tưới máu bị tan vỡ hàng loạt
  • Tiêu cơ vân cấp (một tình trạng liên quan đến sự phá hủy các tế bào cơ đôi khi liên quan đến chấn thương cơ, ngộ độc rượu hoặc lạm dụng thuốc). Cơ chế gây tăng kali máu của tiêu cơ vân cấp thường kết hợp giữa phá huỷ tế bào và suy thận cấp.

Tăng kali máu và thuốc

Có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có chứa nhiều kali cũng như các thuốc khác có cơ chế tác động đến chuyển hoá kali của cơ thể

Ở những người bình thường, thận khỏe mạnh có thể thích ứng với lượng kali qua đường uống bằng cách tăng bài tiết kali qua nước tiểu, do đó ngăn ngừa sự phát triển của tăng kali máu. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều kali (thông qua thực phẩm, chất bổ sung hoặc chất thay thế muối có chứa kali) có thể gây tăng kali máu nếu có rối loạn chức năng thận. Thích nghi với tăng kali máu cũng có thể không đủ bù trừ nếu bệnh nhân không thải kịp kali qua nước tiểu, như trong suy thận, sử dụng thuốc ức chế bài tiết kali tại ống thận

Ví dụ về các loại thuốc làm giảm bài tiết kali trong nước tiểu bao gồm:

- Thuốc huyết áp ức chế men chuyển Angiotensin

- Thuốc huyết áp ức chế chọn lọc thụ thể Angiotensin II

- Thuốc chống viêm giảm đau không steroid

- Thuốc lợi tiểu giữ kali như:

  • Spironolacton (Aldacton),
  • Triamteren (Dyrenium), và
  • Trimethoprim - Sulfamethoxazol (Bisepton).

Mặc dù tăng kali máu nhẹ là phổ biến với những thuốc này, nhưng tăng kali máu nặng thường không xảy ra trừ khi những thuốc này được dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận.


Triệu chứng Tăng kali máu

Tăng kali máu có thể không có triệu chứng, có nghĩa là nó không gây ra bất kỳ cảm giác khó chịu nào cho người bệnh. Đôi khi, bệnh nhân tăng kali máu xuất hiện các triệu chứng mơ hồ bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ, liệt cơ
  • Ngứa da, dị cảm da

Buồn nôn, nôn, mệt mỏi

Buồn nôn, nôn, mệt mỏi

Các triệu chứng của tăng kali máu nghiêm trọng có thể thấy nếu bệnh nhân đến khám hoặc tự theo dõi được như mạch chậm yếu, huyết áp thấp. Tăng kali máu nghiêm trọng có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn. Nhìn chung, tăng kali máu mạn tính diễn tiến từ từ thường gặp trong bệnh thận mạn – suy thận thường thích nghi tốt và ít ảnh hưởng tới huyết động hơn so với tăng kali máu cấp tính. Trừ khi tăng kali cấp tính (thường trong suy thận cấp – hội chứng đè ép có phá huỷ cơ vân cấp), các triệu chứng của tăng kali máu mạn tính thường mơ hồ khó phát hiện. Cho đến khi nồng độ kali máu rất cao (mức tăng kali máu nặng nguy kịch) triệu chứng trở nên rầm rộ hoặc khởi phát ngay tình trạng rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Các bệnh mạn tính hoặc cấp tính căn nguyên gây tăng kali máu (như suy thận) cũng có các triệu chứng lâm sàng riêng. Xét nghiệm kali trong trường hợp này nhằm đánh giá tiến triển và biến chứng của các bệnh cảnh.


Các biện pháp chẩn đoán Tăng kali máu

Máu được rút từ tĩnh mạch (giống như các xét nghiệm máu khác). Nồng độ kali trong máu được xác định trong phòng xét nghiệm. Nếu nghi ngờ tăng kali máu, điện tim – điện tâm đồ thường được thực hiện, vì điện tâm đồ có thể cho thấy những thay đổi điển hình cho tăng kali máu trong các trường hợp vừa đến nặng. Điện tâm đồ cũng sẽ có thể xác định rối loạn nhịp tim do tăng kali máu.


Các biện pháp điều trị Tăng kali máu

Điều trị tăng kali máu phải được cá nhân hóa dựa trên nguyên nhân cơ bản của tăng kali máu, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hoặc sự xuất hiện của các thay đổi điện tâm đồ, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Tăng kali máu nhẹ thường được điều trị ngoại trú mà không cần nhập viện, đặc biệt nếu bệnh nhân khỏe mạnh, điện tâm đồ bình thường và không có các tình trạng liên quan khác như nhiễm toan và suy giảm chức năng thận. Điều trị khẩn cấp là cần thiết nếu tình trạng tăng kali máu nghiêm trọng và đã gây ra những thay đổi trên điện tâm đồ. Tăng kali máu nghiêm trọng được điều trị tốt nhất tại bệnh viện, thường là tại khoa cấp cứu có theo dõi nhịp tim liên tục.

Điều trị tăng kali máu có thể áp dụng đơn độc hoặc kết hợp các biện pháp sau tuỳ theo tình trạng bệnh:

  • Chế độ ăn hạn chế kali (đối với trường hợp nhẹ).

Chế độ ăn hạn chế kali (đối với trường hợp nhẹ).

Chế độ ăn hạn chế kali (đối với trường hợp nhẹ).

  • Ngừng các loại thuốc làm tăng nồng độ kali trong máu.
  • Truyền tĩnh mạch chậm insulin có bù glucose phù hợp giúp kéo kali khẩn cấp từ máu vào nội bào
  • Tiêm calci tĩnh mạch đối kháng tác dụng của kali ở cơ vân và quan trọng hơn lầ cơ tim.
  • Kiềm hoá máu bằng natri bicarbonat bù trừ tình trạng nhiễm toan và kéo bớt kali từ máu vào nội bào
  • Dùng thuốc lợi tiểu quai – lợi tiểu thải kali (furosemid) nhằm tăng đào thải ion kali tại quai ống thận qua nước tiểu, làm hạ kali dòng máu qua thận. 
  • Các loại thuốc khí dung giãn phế quản được dùng trong hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhóm kích thích Beta 2 adrenergic cũng góp phần vận chuyển ion kali từ máu vào nội bào
  • Các loại thuốc được gọi là nhựa trao đổi cation được dùng đường uống gắn bắt chọn lọc ion kali và trao đổi với ion calci tại đường tiêu hoá cũng giúp tăng thải kali
  • Thận nhân tạo, dành cho những bệnh nhân tăng kali máu nặng – nguy kịch không đáp ứng với các biện pháp kể trên hoặc trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận kém đáp ứng với lợi tiểu

Điều trị tăng kali máu cũng bao gồm điều trị bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào (ví dụ bệnh thận cấp – mạn , bệnh tuyến thượng thận, phá hủy mô) của tăng kali máu.


Tài liệu tham khảo:

  • Simon LV. Hyperkalemia. StatPearls. 2020
  • Lehnhardt A et al. Pathogenesis, diagnosis and management of hyperkalemia. Pediatr Nephrol. 2011

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.