Từ điển bệnh lý

Teo tinh hoàn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 04-04-2025

Tổng quan Teo tinh hoàn

Teo tinh hoàn là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn bị co lại và giảm kích thước một cách bất thường. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố như chấn thương, nhiễm trùng hoặc rối loạn nội tiết tố. Ngoài ra, một số bệnh lý mạn tính, tác dụng phụ của thuốc, hoặc những thay đổi do tuổi tác cũng có thể góp phần gây ra bệnh lý này.

Tỷ lệ mắc teo tinh hoàn trong dân số là khá thấp, có thể tăng lên đối với những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử mắc quai bị, điều trị ung thư, dùng thuốc nội tiết. Khi bị teo tinh hoàn, khả năng sản xuất tinh trùng và hormone testosterone bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm khả năng sinh sản và các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, việc nhận biết điều trị sớm là rất cần thiết để giảm tỉ lệ vô sinh trong cộng đồng.

Teo tinh hoàn là khi một hoặc cả hai tinh hoàn bị co lại và giảm kích thước bất thường

Teo tinh hoàn là khi một hoặc cả hai tinh hoàn bị co lại và giảm kích thước bất thường



Nguyên nhân Teo tinh hoàn

Teo tinh hoàn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm yếu tố bên ngoài và các vấn đề nội tiết hoặc di truyền:

Tổn thương vật lý: Chấn thương trực tiếp vào tinh hoàn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây teo tinh hoàn. Khi tinh hoàn bị va đập mạnh, các mô tinh hoàn bị tổn thương, làm giảm khả năng hoạt động của chúng. Sự chèn ép hoặc đứt vỡ, mất lưu thông máu đến tinh hoàn cũng có thể dẫn đến hoại tử mô và teo đi.

Nhiễm trùng: Các nhiễm trùng như quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, làm ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng sinh tinh. Nếu viêm không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Ngoài ra, viêm mào tinh hoàn cũng là một nguyên nhân có thể làm giảm chức năng sinh sản và gây bệnh nếu không được can thiệp sớm.

Rối loạn nội tiết tố: Sự mất cân bằng hormone có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn. Khi có sự suy giảm testosterone hoặc các rối loạn nội tiết khác liên quan đến quá trình phát triển sinh dục sẽ đồng thời tác động đến sự phát triển cấu trúc của tinh hoàn.

Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị, có thể gây tổn thương tế bào sinh tinh trong tinh hoàn, dẫn đến teo tinh hoàn. Các thuốc khác như thuốc kháng sinh mạnh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc điều trị bệnh lý tự miễn cũng có thể gây ra tình trạng trên.

Bệnh lý tự miễn: Trong các bệnh lý tự miễn, hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của cơ thể, bao gồm tinh hoàn. Điều này dẫn đến viêm và tổn thương, teo tinh hoàn nếu không được điều trị kịp thời.

Suy giảm lưu thông máu: Các vấn đề như xoắn tinh hoàn, rối loạn vận mạch có thể dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây hoại tử và teo tinh hoàn. 

Tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Khi tuổi tác tăng lên, khả năng sản xuất tinh trùng và hormone testosterone của tinh hoàn suy giảm. Các tế bào Leydig và tế bào Sertoli giảm dần về số lượng và chức năng.

Bệnh lý di truyền: Các bất thường nhiễm sắc thể giới tính như hội chứng Klinefelter có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Những người mắc các hội chứng này thường gặp các vấn đề về phát triển chức năng sinh dục, làm giảm hoặc không có khả năng sinh sản.

Sự sụt giảm hormone sinh dục nam có thể gây teo tinh hoàn

Sự sụt giảm hormone sinh dục nam có thể gây teo tinh hoàn



Phòng ngừa Teo tinh hoàn

Dự phòng teo tinh hoàn chủ yếu liên quan đến việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời khi có các dấu hiệu sớm, cụ thể: 

Tiêm vắc xin phòng quai bị: Quai bị là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm tinh hoàn ở nam giới, đặc biệt là trong độ tuổi trưởng thành. Tiêm vắc xin quai bị giúp phòng ngừa bệnh này, từ đó hạn chế nguy cơ viêm, teo tinh hoàn do quai bị.

Điều trị kịp thời các bệnh lý viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn: Khi phát hiện các triệu chứng nhiễm trùng hoặc viêm, việc điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ giúp giảm thiểu tổn thương cho tinh hoàn, tránh teo tinh hoàn vĩnh viễn.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Duy trì vệ sinh cơ thể và bộ phận sinh dục là rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh lý của nam giới. Mặt khác, nên sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su để giảm thiểu các bệnh lây qua đường tình dục, ảnh hưởng đến tinh hoàn.

Tránh các yếu tố gây tổn thương tinh hoàn: Chấn thương trực tiếp vào tinh hoàn có thể gây tổn thương mô, dẫn đến teo tinh hoàn. Nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa như mặc đồ bảo vệ khi tham gia các hoạt động thể thao mạnh (chạy xe đạp, đá bóng, võ thuật). Ngoài ra, việc tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao (như tắm nước nóng, sử dụng laptop trên đùi trong thời gian dài, hoặc ngồi trong các phòng xông hơi nóng) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của tinh hoàn. Do đó, cần lưu ý về vấn đề này trong đời sống hằng ngày.

Quản lý tốt các bệnh lý nền: các bệnh lý như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn. Việc kiểm soát và điều trị kịp thời các bệnh lý này sẽ giúp giảm nguy cơ teo tinh hoàn và các biến chứng liên quan.

Chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý: Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất sẽ giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản và giảm nguy cơ các bệnh lý làm tổn thương tinh hoàn. Việc tập luyện thể thao đều đặn giúp duy trì cân nặng hợp lý và cải thiện tuần hoàn máu, đồng thời hỗ trợ các chức năng nội tiết.

Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra các bệnh lý về tinh hoàn, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có thể can thiệp điều trị kịp thời đặc biệt với nam giới có tiền sử hoặc yếu tố nguy cơ như bệnh lý di truyền, yếu tố môi trường hoặc bệnh lý trước đó.

Tiêm vắc xin quai bị giúp phòng ngừa viêm và teo tinh hoàn

Tiêm vắc xin quai bị giúp phòng ngừa viêm và teo tinh hoàn




Các biện pháp chẩn đoán Teo tinh hoàn

Khám lâm sàng:

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bên ngoài và cảm nhận trực tiếp tinh hoàn thông qua các thao tác thăm khám tỉ mỉ. Đây là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình chẩn đoán.

Trong trường hợp teo tinh hoàn, một hoặc cả hai tinh hoàn có thể nhỏ hơn bình thường và có thể không đối xứng. Bác sĩ dùng tay sờ nắn các tinh hoàn để cảm nhận độ cứng, đàn hồi và sự đồng nhất của chúng. Việc thăm khám cũng giúp xác định các vấn đề liên quan như u nang, ung thư hoặc những tổn thương khác (viêm, tụ dịch,..).

Kiểm tra phản xạ cremasteric: Kích thích vùng đùi trong hoặc bìu, sẽ khiến tinh hoàn co lên. Nếu phản xạ này không có hoặc yếu, nó có thể chỉ ra vấn đề thần kinh ảnh hưởng đến tinh hoàn.

Kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng khác: các triệu chứng như vú phát triển, rối loạn cương dương, hoặc thay đổi về phân bố mỡ cơ thể,.. Gợi ý vấn đề liên quan đến nội tiết. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng toàn thân có thể liên quan đến teo tinh hoàn, chẳng hạn giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi, hoặc bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến hệ thống sinh dục. 

Cận lâm sàng

Xét nghiệm hormone: đây là kiểm tra quan trọng trong chẩn đoán teo tinh hoàn. Các hormone như testosterone, LH, FSH, Prolactin và Estradiol sẽ được đo để đánh giá chức năng tinh hoàn. Mức testosterone thấp và mức FSH, LH cao có thể cho thấy tình trạng teo tinh hoàn hoặc suy giảm chức năng của tinh hoàn.

Siêu âm tinh hoàn: Siêu âm là phương pháp hình ảnh không xâm lấn giúp phát hiện sự thay đổi kích thước tinh hoàn, sự hiện diện của khối u, dịch hoặc các bất thường khác trong tinh hoàn, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Sinh thiết tinh hoàn: khi cần đánh giá chi tiết hơn về mức độ tổn thương của tinh hoàn, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết. Đây là phương pháp lấy một mẫu mô từ tinh hoàn để xác định tính chất tế bào và các vấn đề khác liên quan đến chức năng của tinh hoàn.

Xét nghiệm di truyền: Trong trường hợp nghi ngờ teo tinh hoàn do nguyên nhân di truyền, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ hoặc giải trình tự gen. 

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI): Nếu nghi ngờ có khối u hoặc bất thường trong vùng bụng hoặc vùng chậu có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT scan hoặc MRI để xác định chính xác nguyên nhân.

Siêu âm tinh hoàn giúp kiểm tra được thể tích, cấu trúc tinh hoàn

Siêu âm tinh hoàn giúp kiểm tra được thể tích, cấu trúc tinh hoàn



Các biện pháp điều trị Teo tinh hoàn

Điều trị teo tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này và mức độ tổn thương của tinh hoàn. Mục tiêu của điều trị là làm giảm các triệu chứng, bảo vệ tối đa chức năng sinh sản và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Điều trị nội khoa:

Thuốc nội tiết: Nếu teo tinh hoàn do rối loạn nội tiết, việc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone như testosterone có thể giúp cải thiện các triệu chứng và ổn định các chức năng sinh lý liên quan đến tinh hoàn.

Kháng sinh điều trị nhiễm trùng: được chỉ định trong trường hợp teo tinh hoàn do viêm. Thuốc kháng sinh sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa teo tinh hoàn trở thành vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu tổn thương tinh hoàn đã quá nghiêm trọng hoặc điều trị muộn, chức năng tinh hoàn vẫn có thể bị suy giảm.

Điều trị các bệnh lý tự miễn: Trong teo tinh hoàn do tự miễn, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc ức chế miễn dịch để giảm phản ứng tự miễn, bảo vệ mô tinh hoàn khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch.

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật điều trị các bất thường cấu trúc: Trong một số trường hợp teo tinh hoàn liên quan đến các bất thường như xoắn tinh hoàn, bất thường mạch máu can thiệp sớm để tránh hoại tử mô do thiếu máu nuôi dưỡng, có thể dẫn đến teo tinh hoàn vĩnh viễn.

Phẫu thuật cắt tinh hoàn: Trong những trường hợp nghiêm trọng, nếu tinh hoàn bị hoại tử hoặc không thể phục hồi chức năng, phẫu thuật cắt tinh hoàn là biện pháp cuối cùng để đảm bảo sức khỏe toàn trạng cho bệnh nhân.

Phẫu thuật thu thập tinh trùng từ mô tinh hoàn: Trong trường hợp teo tinh hoàn hai bên, việc thu thập tinh trùng từ các mô tinh hoàn có thể được thực hiện qua phẫu thuật để hỗ trợ thụ tinh nhân tạo.

Điều trị thay thế và hỗ trợ sinh sản

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI): Khi teo tinh hoàn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và không thể phục hồi, các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng có thể giúp các cặp vợ chồng có con. 

Lưu trữ tinh trùng: Đối với bệnh nhân có kế hoạch điều trị ung thư hoặc những người có nguy cơ mất khả năng sinh sản do bệnh lý, lưu trữ tinh trùng trước khi điều trị giúp bảo tồn khả năng sinh sản của bệnh nhân trong trường hợp cần thiết sử dụng trong tương lai.

Trên đây là các thông tin cần thiết về teo tinh hoàn. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Baker, H. W. G., & Conway, A. J. (2010). Testicular atrophy: Causes and management. The Medical Journal of Australia, 192(9), 506-510.

Krausz, C., & Riera-Escamilla, A. (2018). Genetics of male infertility. Nature Reviews Urology, 15(6), 369-384.

Miller, K. K., & Klibanski, A. (2009). The role of the hypothalamic-pituitary-gonadal axis in the pathophysiology of anorexia nervosa. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 94(3), 1032-1039.

Tremblay, J., & Dufresne, J. (2015). Testicular atrophy: A review of etiology and treatment options. Canadian Urological Association Journal, 9(5-6), 365-370.

Zhao, H., & Li, Y. (2017). Testicular atrophy: A review of pathogenesis and treatment. Andrologia, 49(1), 1-8.

Mourmouras, V., & Tzortzatos, G. (2021). Testicular atrophy: Etiology, clinical approach, and management. Andrologia, 53(4), e13910.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ