Từ điển bệnh lý
Thai quá ngày sinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Thai quá ngày sinh
Bình thường, quá trình mang thai sẽ kéo dài khoảng 40 tuần tức 280 ngày. Nếu một thai nghén diễn ra dài hơn bình thường 2 tuần tức là từ tuần thứ 42 trở đi thì được gọi là thai quá ngày sinh.
Theo thống kê thì chỉ có khoảng 4% các trường hợp thai quá ngày sinh thực sự. Tuy nhiên, thực thế thì có khá nhiều trường hợp bà mẹ mang thai nhớ nhầm ngày dự kiến sinh hoặc nhớ nhầm ngày đầu kỳ kinh cuối dẫn đến bị chẩn đoán nhầm là thai quá ngày sinh.
Khi thai nhi quá ngày sinh, nước ối dần dần giảm, bánh rau cũng có tình trạng vôi hóa và giảm dần sự trao đổi chất giữa mẹ và con, vì vậy thai nhi sẽ dĩnh dưỡng kém, dễ cạn ối, suy thai, hít phân su… nặng hơn có thể mất tim thai. Do đó, bà mẹ mang thai bị quá ngày sinh thường có nguy cơ phải phẫu thuật mổ lấy thai.
Khi thai nhi quá ngày sinh, nước ối dần dần giảm, bánh rau cũng có tình trạng vôi hóa và giảm dần sự trao đổi chất giữa mẹ và con
Để tránh những tai biến cho thai, bà mẹ cần chú ý ghi nhớ ngày dự sinh, hoặc biết cách tính ngày sinh chính xác để đề phòng chẩn đoán nhầm hoặc để thai bị quá ngày sinh mà không biết, nguy hiểm cho sức khỏe thai nhi.
Các tính ngày sự kiến sinh:
- Tính theo ngày đầu chu kỳ kinh cuối: thai phụ cần nhớ chính xác ngày đầu tiên ra máu âm đạo của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng theo lịch dương. Số ngày sẽ cộng thêm 7 ngày, và số tháng sẽ cộng thêm 9 tháng thì ta sẽ được ngày dự kiến sinh của thai. Ví dụ: ngày đầu chu kỳ kinh cuối là 07/01/2021 thì ngày dự kiến sinh là 14/10/2021.
Nếu bà mẹ có thói quen nhớ ngày hành kinh theo lịch âm thì có thể so sánh với lịch dương để tính ngày dự sinh. Hoặc có thể từ ngày đầu kỳ kinh cuối theo lịch âm cộng thêm 15 ngày và tháng hành kinh cuối cùng theo lịch âm cộng với 9. Ví dụ: ngày đầu kỳ kinh cuối theo lịch âm là ngày 02/4/2021 thì ngày dự kiến sinh theo lịch dương sẽ là ngày 17/01/2022.
Cách tính tuổi thai theo ngày đầu kỳ kinh cuối có thể không chính xác với chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Xác định ngày dự kiến sinh theo siêu âm thai trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ có thể cho con số với độ chính xác cao. Tuy nhiên, nếu siêu âm ở các tuần tuổi thai lớn hơn thì sai lệch ngày dự kiến sinh trên siêu âm cũng lớn dần. Nếu thai nhi phát triển nhanh so với tuổi thai thực tế thì ngày dự kiến sinh trên siêu âm thai tại thời điểm hiện tại sẽ lùi lại, và ngược lại, ngày dự kiến sinh sẽ bị xa thêm nếu thai phát triển nhỏ hơn so với tuổi thai.
- Ngoài ra, còn nhiều cách tính tuổi thai khác dựa vào ngày quan hệ tình dục, dựa vào vòng kinh bình thường trước khi mang thai của bà mẹ… tuy nhiên, hiện nay, y học đang sử dụng chủ yếu 2 cách tính ngày dự kiến sinh như trên.
Nguyên nhân Thai quá ngày sinh
Các nhà nghiên cứu vân chưa thực sự tìm hiểu được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng thai quá ngày sinh. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng, tỷ lệ các bà mẹ có thai bị quá ngày sinh mà không có dấu hiệu chuyển dạ thường tăng lên trong những trường hợp như sau:
- Các thai phụ có chỉ số BMI trong ngưỡng béo phì sẽ có nguy cơ mang thai quá ngày sinh cao hơn so với các thai phụ có chỉ số BMI trong giới hạn cho phép.
Các thai phụ có chỉ số BMI trong ngưỡng béo phì sẽ có nguy cơ mang thai quá ngày sinh cao hơn
- Tỷ lệ thai quá ngày sinh cũng tăng lên ở những bà mẹ đã từng mang thai trên 42 tuần ở những lần có thai trước đó.
- Các thai phụ con so, tức là mang thai lần đầu cũng chiếm một số lượng lớn trong nhóm thai quá ngày sinh.
- Hoặc, thai phụ mang thai mà giới tính của bé là nam. Điều này có thể hơi hoang đường, nhưng thực tế lại đúng như vậy.
Triệu chứng Thai quá ngày sinh
- Dựa trên các nghiên cứu về thai quá ngày sinh, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, có những thay đổi từ phía thai, phần phụ của thai có thể kể đến từ những biểu hiện vôi hóa bánh rau theo độ trưởng thành của bánh rau và tuổi thai. Thai càng gia tăng về tuổi thai thì bánh rau vôi hóa càng nhiều. Đến khi thai quá 42 tuần, vôi hóa bánh rau nhiều dẫn đến trao đổi máu, dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang con và ngược lại sẽ bị giảm sút.
- Khi trao đổi máu qua bánh rau giảm thì lưu lượng máu thai nhi nhận được cũng giảm theo. Đồng nghĩa với việc máu qua thận của thai nhi giảm, lọc máu giảm làm lượng nước tiểu thai nhi thải ra cũng bị giảm theo. Dẫn đến tình trạng nước ối giảm nhiều khi thai quá ngày sinh. Đây là dấu hiệu thường có ở những thai quá ngày sinh, nước ối giảm rất rõ rệt và có thể thiểu ối, cạn ối.
- Khi nước ối giảm, thai nhi cử động sẽ khó khăn hơn. Các phần của thai dễ chèn ép vào dây rốn gây ra tình trạng giảm trao đổi oxy trong khi tình trạng trao đổi dinh dưỡng và oxy đã bị nghèo nàn hơn khi bánh rau bị calci hóa nhiều. thi nhi sẽ rất dễ rơi vào trạng thái suy thai.
- Khi suy thai, tuần hoàn máu thai nhi sẽ huy động ưu tiên cho các cơ quan quan trọng như tim, não, gan… vì vậy, các cơ quan kém quan trọng hơn như ruột sẽ bị thiếu máu, kích thích tăng nhu động làm tống phân su ra ngoài buồng ối. Nước ối sẽ chuyển màu xanh hoặc vàng úa do lẫn phẫn su. Ngoài ra, thiếu máu ruột còn gây tình trạng hoại tử ruột. Trẻ đẻ ra phải phẫu thuật cắt đoạn ruột hoại tử, khả năng sống sót không nhiều, nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề.
- Khi phân su tống ra buồng ối thì thai nhi có thể nuốt, hít vào và hậu quả là hội chứng hít phân su. Tình trạng này gây viêm phổi sơ sinh, suy hô hấp sơ sinh nặng nề và thai nhi có thể tử vong.
Khi phân su tống ra buồng ối thì thai nhi có thể nuốt, hít vào và hậu quả là hội chứng hít phân su
- Ngoài ra: các đặc điểm thai quá ngày sinh sau khi đẻ ra có thể thấy móng tay dài, nếp nhăn ở lòng bàn tay, lòng bàn chân nhiều. Thấy cả các nếp nhăn trên trán, da đầu. Màu ra do bị nhuộm màu nước ối nên có thể có màu vàng hoặc xanh lá cây. Lớp mỡ dưới da bị teo đi nhiều làm da nhăn nheo, da khô hơn bình thường.
Các biến chứng Thai quá ngày sinh
- Thai nhi vẫn liên tục phát triển trong tử cung, khiến cho trọng lượng thai thường lớn, thai to bất thường
- Thai quá ngày sinh thường có thiểu ối, cạn ối.
- Tình trạng suy thai làm thai nhi phóng phân su ra nước ối.
- Vì tình trạng thai suy, có thể nặng hơn là hội chứng hít phân su, khiến thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ. Nếu trẻ được đẻ ra thì cũng yêu cầu chế độ chăm sóc sơ sinh tích cực, nguy cơ tử cung sơ sinh cao.
- Thai quá ngày sinh khi không thể xuất hiện chuyển dạ đẻ tự nhiên thì cần khởi phát chuyển dạ, thai to cũng là một yếu tố gây đẻ khó, nguy cơ sinh tổn thương tầng sinh môn khi đẻ thường, hoặc nguy cơ sinh mổ cao.
- Những trường hợp thai quá ngày sinh thường diễn biến hậu sản dễ xảy ra chảy máu sau sinh.
Các biện pháp chẩn đoán Thai quá ngày sinh
- Một thai kỳ kéo dài trên 42 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ đẻ thì được gọi là thai quá ngày sinh.
- Siêu âm thường quy cho bà mẹ mang thai trong 12 tuần tuổi thai đầu tiên để xác định ngày dự kiến sinh, phòng trường hợp bà mẹ có thể nhớ nhầm ngày đầu chu kỳ kinh cuối hoặc kinh nguyệt không đều.
Siêu âm thường quy cho bà mẹ mang thai
- Yêu cầu các thai phụ đi khám thai sau tuần thai 40 định kỳ 2 ngày/lần để siêu âm đánh giá thai và phần phụ của thai, monitoring sản khoa để phát hiện cơn co tử cung, phát hiện sớm suy thai. Cần nhập viện theo dõi thai khi thai ngoài 41 tuần tuổi thai.
- Siêu âm cũng có thể xác định được mức độ vôi hóa bánh rau, tiên lượng tình trạng thai nhi già tháng dễ bị suy thai, suy hô hấp, thậm chí tử vong do dinh dưỡng và oxy giảm.
- Trọng lượng thai thường nặng, thai to, vì vậy đẻ đường âm đạo khó khăn và dễ gây ra các tai biến khi đẻ.
Các biện pháp điều trị Thai quá ngày sinh
1. Tuyến y tế cơ sở: khi thầy thuốc khai thác được ngày dự kiến sinh hay ngày đầu kỳ kinh cuối của thai phụ, xác định hoặc nghi ngờ chẩn đoán thai quá ngày sinh thì cần tư vấn tình trạng thai, các tai biến nguy hiểm có thể xảy ra trong trường hợp thai quá ngày sinh cho thai phụ và gia đình biết và tiến hành chuyển tuyến có thể phẫu thuật (nếu cần) ngay.
2. Tuyến y tế chuyên khoa:
- Tiếp nhận bệnh nhân, xác định lại chẩn đoán có thật sự là thai quá ngày sinh hay không.
- Nếu chính xác thai quá ngày sinh, cần cho bệnh nhân nhập viện theo dõi.
- Siêu âm xác định các chỉ số cân nặng, mức độ vôi hóa bánh rau, và đặc biệt là đo chỉ số ối để phát hiện sớm tình trạng thiểu ối, cạn ối.
Bác sĩ khai thác được ngày dự kiến sinh hay ngày đầu kỳ kinh cuối của thai phụ
- Thực hiện thủ thuật soi ối để xác định màu sắc nước ối. Nếu đã có suy thai, thai tống phân su ra nước ối thì nước ối sẽ có màu xanh của phân su.
- Monitoring sản khoa (test không đẻ kích): đây là phương pháp thăm dò không xâm lấn để xác định sự xuất hiện của cơn co tử cung, cử động thai, đáp ứng tim thai với các cử động thai, và phát hiện sớm tình trạng suy thai. Theo dõi monitoring trung bình 2 ngày 1 lần.
- Hoặc sử dụng test đả kích bằng bình thức vê đầu vú, hoặc truyền tĩnh mạch nhỏ giọt oxytocin…
- Nếu phát hiện có suy thai thì chuyển mổ lấy thai ngay.
- Nếu khám cổ tử cung xác định chỉ số Bishop<5 thì có thể sử dụng thuốc làm mềm cổ tử cung như Misoprostol 50mcg/lần ngậm dưới lưỡi. Mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Chú ý: không dung quá 3 lần/ngày.
- Nếu cổ tử cung mềm mỏng, mở tốt (chỉ số Bishop >5) thì có thể giục sinh bằng cách bấm ối để rút ngắn chuyển dạ hoặc truyền nhỏ giọt oxytocin đường tĩnh mạch để tạo cơn co bóp tử cung.
- Cần chú ý chăm sóc trẻ sơ sinh già tháng cẩn thận. Ngay khi trẻ được đẻ ra cần phải lau khô, ủ ấm, hút đờm dãi để làm sạch đường thở nhất là trường hợp sơ sinh có hít phân su. Tiêm bắp sâu vitamin K1 phòng xuất huyết não cho trẻ. Dinh dưỡng tốt và theo dõi sức khỏe của trẻ đến khi trẻ ổn định.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!