Từ điển bệnh lý

Thai trứng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Thai trứng

Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là một hiện tượng thai nghén không bình thường mà không chị em phụ nữ nào mong muốn xảy ra khi có thai. Vậy, cùng bác sỹ chuyên khoa tìm hiểu về thai trứng cũng như cách phòng ngừa thai trứng để chị em phụ nữ có được niềm vui trọn vẹn khi biết mình có thai.

Thai trứng là nỗi ám ảnh của nhiều chị em

Thai trứng là gì?

Có thể nói, thai trứng trong cơ thể người phụ nữ là một bệnh lý của tế bào nuôi, do các gai rau thoái hóa, sưng mọng lên tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau như chùm nho, thường thì toàn bộ tử cung chứa các túi dịch trông giống như trứng ếch.

Về phân loại, có 2 loại thai trứng, cụ thể:

- Thai trứng hoàn toàn: là loại chửa trứng mà tất cả các gai rau phình to thành các túi chứa dịch, không có tổ chức thai.

- Thai trứng bán phần : là loại chửa trứng gồm cả trứng và thai, thai còn sống hoặc đã chết, hoặc một phần thai, màng ối.

Theo các nghiên cứu thì tỷ lệ thai trứng thường gặp nhiều ở các nước Đông Nam Á, như ở Malaysia tỷ lệ 2.8:1.000 người có thai, Việt Nam tỷ lệ 1:500 người có thai. Nhưng nguyên nhân gây thai trứng, hiện nay các chuyên gia khoa học cũng chưa xác định được chính xác. Một số yếu tố có nguy cơ gây lên bệnh lý này như:

- Tuổi của người mẹ. Theo nghiên cứu, nếu tuổi người mẹ mang thai trên 40 tuổi thì có nguy cơ mang thai trứng gấp 5.2 lần so với người mẹ mang thai ở độ tuổi 21 đến 35, và ngược lại nếu người mẹ mang thai dưới 20 tuổi cũng tăng đáng kể nguy cơ thai trứng.

- Một số trường hợp có tiền sử thai nghén bất thường cũng làm tăng nguy cơ thai trứng như: có tiển sử mang thai trứng,…

- Ngoài ra còn một số các trường hợp khác như: suy dinh dưỡng (thiếu đạm và thiếu vitamin A), hệ miễn dịch của cơ thể bất thường,…

Theo đó, khi mang thai ở độ tuổi đã cao hoặc có tiền sử thai nghén bất thường thì bạn nên tới cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe thai kỳ thường xuyên, định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ đồng thời quá trình thăm khám có thể hiểu được các dấu hiệu khi chửa trứng.


Triệu chứng Thai trứng

Khi có dấu hiệu chậm kinh, hẳn rất nhiều chị em phụ nữ rất vui mừng vì mình đã có thai, tuy nhiên, không phải ai cũng có một quá trình mang thai bình thường như bao các mẹ bầu khác, một số mẹ bầu chỉ khi đi khám thai ở những lần mang thai đầu tiên hoặc có triệu chứng bất thường đi khám được bác sỹ chẩn đoán thai trứng. Vậy những dấu hiệu nào gợi ý của bệnh thai trứng?

- Ra máu âm đạo hay còn gọi là rong hyết: đây có lẽ là triệu chứng xảy ra sớm nhất sau khi có dấu hiệu chậm kinh một vài tuần. Ra huyết trong chửa trứng thường là máu đen hoặc đỏ, ra dai dẳng kéo dài dẫn đến mẹ bầu có thể bị thiếu máu.

Chị em nên thận trọng khi bị rong huyết

- Nghén nặng với các biểu hiện nôn nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi, có thể xuất hiện phù , xét nghiệm nước tiểu có protein niệu.

- Một biểu hiện hay gặp nữa của thai trứng là mẹ bầu thấy bụng mình to nhanh, không phù hợp với tuổi thai, khi sờ nắn thấy bụng mềm. Siêu âm thì không thấy hoạt động của tim thai.

Không phải trường hợp thai trứng cũng có đầy đủ các dấu hiệu điển hình như trình bày ở trên, các dấu hiệu này cũng có thể gặp trong các bệnh lý khác như: u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai, thai chết lưu,… Vì vậy, để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý và có hướng xử trí kịp thời, các mẹ bầu khi xuất hiện các dấu hiệu như trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để khám. Bác sỹ chuyên khoa sẽ thực hiện các xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán thai trứng như:

- Định lượng Beta-HCG huyết thanh: trong thai trứng nồng độ Beta-HCG máu tăng rất cao, thường trên 100.000 đơn vị U/ L hay gặp trong thai trứng hoàn toàn, đối với thai trứng bán phần nồng độ Beta-HCG máu có thể giống như thai bình thường.

- Định lượng Estrogen huyết thanh: nồng độ Estrogen máu trong thai trứng thường thấp hơn so với thai thường.

- Siêu âm đầu dò ngả âm đạo: trong thai trứng hoan toàn siêu âm sẽ thấy có hình ảnh tuyết rơi, hoặc hình ảnh ruột bánh mỳ, đối với thai trứng bán phần sẽ thấy hình ảnh túi ối. Không thấy hình ảnh của âm vang thai cũng như tim thai. Có thể sờ thấy nang hoàng tuyến ở một hoặc hai bên buồng trứng.

- Thăm khám âm đạo: bác sỹ thường thấy tử cung to hơn so với tuổi thai, mật độ mềm, không sờ thấy các bộ phận thai. Ngoài ra, có thể thây nhân di căn ở âm đạo, nang hoàng tuyến ở hai bên phần phụ, di động.


Các biến chứng Thai trứng

Vì các dấu hiệu của thai trứng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với ở các bệnh lý khác.Do vậy, thai trứng nên không được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Các biến chứng thường gặp của thai trứng như:

- Băng huyết do sảy thai trứng: đây là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng mẹ bầu.

- Thủng tử cung: trong quá trình tiển triển của thai trứng do các gai rau ăn sâu vào các lớp cơ tử cung, hậu quả gây thủng tử cung, gây chảy máu trong ổ bụng, nếu không được xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng,

- Ung thư nguyên bào nuôi: Khoảng 15 - 27% trường hợp thai trứng có biến chứng ác tính.

Ung thư nguyên bào nuôi

Vậy khi có thai trứng cần phải xử trí như thế nào để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm như trên?


Phòng ngừa Thai trứng

Để phòng ngừa hiện tượng chửa trứng, bạn nên lưu ý một số điều bên dưới đây:

- Không nên để mang thai ở độ tuổi quá sớm (trước 20 tuổi) hoặc quá muộn (sau 40 tuổi).

- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trước khi mang thai và trong quá trình mang thai, đặc biệt là acid folic và vitamin A.

- Việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là việc làm hết sức cần thiết để sàng lọc các vấn đề liên quan đến di truyền và miễn dịch.

Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là vô cùng cần thiết

Ngoài việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý thì bạn cũng cần có lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya,... giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, tràn đầy nhựa sống.


Các biện pháp điều trị Thai trứng

Mẹ bầu khi được chẩn đoán xác định chửa trứng cần phải được xử trí càng sớm càng tốt để phòng biến chứng băng huyết do sẩy thai trứng hoặc thủng tử cung gây ra, cũng như phát hiện sớm biến chứng ung thư nguyên bào nuôi:

- Nạo hút thai trứng là phương pháp được sử dụng hiện nay bằng máy hút dưới áp lực chân không trong quá trình nạo hút, ngoài ra kết hợp với truyền dịch huyết thanh ngọt đẳng trương 5% pha với 5 đọn vị oxytocin có tác dụng giúp tử cung co hồi tốt, tránh làm thủng tử cung khi nạo và cầm máu.

- Sau 2 - 3 ngày, tiến hành nạo lại lần thứ 2.

- Sau nạo hút thai trứng, người bệnh sẽ phải dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng.

- Bệnh phẩm thu được sau khi nạo trứng cần được gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh lý để biết được thai trứng lành tính hay ác tính.

- Phương pháp nạo hút thai trứng được sử dụng phổ biến cho những phụ nữ còn trẻ tuổi, vẫn còn nhu cầu có con. Đối với những phụ nữ trên 40 tuổi, không muốn có con, bác sỹ có thể tư vấn phương pháp điều trị là cắt tử cung. Vì theo một số nghiên cứu nhận thấy rằng cắt tử cung dự phòng sau nạo trứng đã giảm tỷ lệ biến chứng ác tính khoảng 3.6% trong số 20% phụ nữ được mổ sau nạo trứng.

Tuy vậy sau nạo thai trứng hoặc sau cắt tử cung vẫn không thể loại trừ được biến chứng ác tính, do đó bác sỹ vẫn khuyến cáo theo dõi nồng độ HCG trong máu.

Cần theo dõi sau nạo thai trứng như thế nào?

- Sau nạo hút thai trứng, chị em phụ nữ cần phải theo dõi sự co hồi tử cung , tình trạng chảy máu âm đạo, tình trạng nhiễm trùng như : sốt, đau bụng dưới,... Nếu thấy bất thường, cần phải báo ngay với bác sỹ chuyên khoa đang điều trị và theo dõi.

- Theo dõi nồng độ HCG trong máu trong 1 năm cụ thể : định lượng HCG trong máu bằng xét nghiệm beta-HCG 1-2 tuần/ 1 lần sau khi làm thủ thuật cho đến khi nồng độ HCG trong máu âm tính ba lần liên tiếp. Sau đó, cứ hai tháng xét nghiệm một lần cho đến hết 12 tháng.

- Phải tránh thai tuyệt đối trong vòng 1 năm. Vì nếu có thai trước thời điểm này, nồng độ HCG trong máu sẽ tăng lên và bác sỹ sẽ không thể dự đoán được liệu mô bất thường có quay trở lại không.

Bởi vậy, khi mắc phải hiện tượng chửa trứng, bạn cần chú ý thực hiện đúng căn dặn của bác sĩ và tái khám định kỳ, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị tại các cơ sở y tế kém uy tín điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như sức khỏe sinh sản của bạn sau này.

Nếu có bất thường nên thăm khám ở đâu?

Với hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ là một trong những địa chỉ gợi ý về việc khám sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe tiền hôn nhân và đặc biệt khám các vấn đề Nam - Sản khoa hoàn hảo cho bạn. Bởi MEDLATEC có:

- Đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm, luôn tâm huyết với nghề, quan tâm, lắng nghe tâm tư, chia sẻ nguyện vọng với bệnh nhân như người thân trong gia đình.

- Hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển như Anh, Đức,... hỗ trợ trực tiếp quá trình thăm khám cho kết quả nhanh chóng, chính xác.

- Tổng đài 1900 56 56 56 sẵn sàng phục vụ bạn 24/7 để đặt lịch khám và tư vấn miễn phí.

- Tích kiệm và tối ưu chi phí cho bệnh nhân thông qua chính sách bảo hiểm y tế và bảo hiểm bảo lãnh của gần 40 đơn vị bảo hiểm.

Thông qua nội dung trên đây, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu được thai trứng là gì và cách phòng ngừa bệnh lý này. Nếu có bất cứ vấn đề gì trong thăm khám Sản phụ khoa, bạn có thể liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc đặt lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56 các chuyên gia Sản khoa của bệnh viện luôn sẵn sàng phục vụ, chăm sóc sức khỏe của bạn.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ