Từ điển bệnh lý

Thận nhiễm mỡ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-04-2025

Tổng quan Thận nhiễm mỡ

Thuật ngữ “thận nhiễm mỡ” lần đầu tiên xuất hiện trong tài liệu vào năm 1883 và 100 năm sau, người ta cho rằng tăng lipid máu là nguyên nhân gây ra tình trạng tích tụ lipid đặc trưng ở thận và độc tính với thận.

FKD có thể được coi là một phần của hội chứng thận hư hoặc liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu và thừa cân, béo phì. Ba biểu hiện lâm sàng riêng biệt, mỗi biểu hiện có tác động khác nhau đến thận và các biểu hiện toàn thân. FKD được mô tả theo sinh lý bệnh học như một thực thể mới bao gồm ba yếu tố riêng biệt dưới đây:

  1. Tác động của sự tích tụ mỡ trong ổ bụng lên thận. Bao gồm tăng mức lọc cầu thận, tăng huyết áp cầu thận, albumin niệu, kháng insulin ở thận và giải phóng cytokine tiền viêm.
  2. Tác động của mỡ lạc chỗ quanh thận , đặc biệt là rốn thận/RSF với 2 yếu tố là chèn ép vật lý bó mạch và dây thần kinh, điều hòa tăng hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS) và hệ thần kinh giao cảm và tăng tái hấp thu natri ở ống thận cùng với sự giải phóng cytokine tại chỗ.
  3. Các mô mỡ lạc chỗ ở nhu mô thận.

Phù là một triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân thận nhiễm mỡPhù là một triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân thận nhiễm mỡ

Định nghĩa

Thận nhiễm mỡ là một tình trạng bệnh lý trong đó có sự tích tụ mỡ bất thường trong các tế bào thận, ảnh hưởng đến chức năng của thận. Đây có thể là một phần của hội chứng thận hư hoặc liên quan đến các bệnh lý khác như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, hoặc tăng huyết áp.

Thận nhiễm mỡ là một bệnh lý có nguy cơ gây suy thận và nhiều biến chứng khácThận nhiễm mỡ là một bệnh lý có nguy cơ gây suy thận và nhiều biến chứng khác


Nguyên nhân Thận nhiễm mỡ

Nguyên phát: gặp chủ yếu ở trẻ em và không có nguyên nhân cụ thể.

Thứ phát: do các bệnh lý khác như:

  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Viêm cầu thận.
  • Đái tháo đường.
  • Viêm gan B.
  • Viêm gan C.
  • HIV.
  • Tác dụng phụ của thuốc như: chống viêm không steroid, kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư.
  • Chế độ sinh hoạt như ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như mỡ, nội tạng, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, lối sống ít vận động, dẫn đến thừa cân, béo phì.
  • Albumin máu thấp.

Triệu chứng Thận nhiễm mỡ

  • Phù toàn thân: Nguyên nhân là do mất protein, đặc biệt là albumin máu, một chất có tác dụng giữ áp lực keo ở mức ổn định, để kéo nước vào lòng mạch, nếu mất albumin, áp lực keo giảm, nước từ lòng mạch thoát ra khoảng gian bào gây phù. Hay gặp nhất là phù ở mặt, phù chân, cổ trướng do tràn dịch màng bụng.
  • Thiểu niệu: Bệnh nhân tiểu ít hơn so với bình thường.
  • Nước tiểu sẫm màu, có bọt.
  • Mệt mỏi, chán ăn.
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.
  • Huyết áp có thể bình thường hoặc tăng.

Bệnh nhân thận nhiễm mỡ có các bất thường về đi tiểuBệnh nhân thận nhiễm mỡ có các bất thường về đi tiểu


Các biến chứng Thận nhiễm mỡ

Thận nhiễm mỡ nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chức năng thận. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến của thận nhiễm mỡ:

  • Tràn dịch đa màng: tràn dịch màng bụng gây cổ trướng, tràn dịch màng phổi, màng tim gây khó thở.
  • Phù toàn thân.
  • Suy giảm chức năng thận: thận nhiễm mỡ kéo dài có thể làm tổn thương các tế bào thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Suy thận cấp có thể xảy ra đột ngột, trong khi suy thận mạn tính tiến triển từ từ và không hồi phục.
  • Thiếu máu: thận bị tổn thương không sản xuất đủ erythropoietin (hormone kích thích sản xuất hồng cầu), dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi và suy nhược.
  • Thận nhiễm mỡ có thể làm mất cân bằng các chất điện giải như natri, kali và canxi, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút, hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Tăng huyết áp: thận đóng vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp. Khi thận bị tổn thương, huyết áp có thể tăng cao, gây thêm áp lực lên thận và tim.
  • Thận nhiễm mỡ thường đi kèm với rối loạn lipid máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
  • Huyết khối tắc mạch: protein máu giảm, bệnh nhân dễ bị huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch, hậu quả là thuyên tắc phổi hoặc đột quỵ.
  • Nguy cơ nhiễm trùng tăng: giảm các protein miễn dịch làm bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc làm nặng lên các bệnh đang có, như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc toàn thân.
  • Rối loạn mỡ máu: tăng các chỉ số như cholesterol, triglyceride làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và từ đó tăng nguy cơ đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hoặc tăng nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) làm tăng khả năng mắc bệnh xơ gan.
  • Suy dinh dưỡng: mất nhiều protein làm trẻ có nguy cơ gầy sút cân.
  • Loãng xương: mất canxi qua nước tiểu do tổn thương thận có thể dẫn đến loãng xương, làm xương yếu và dễ gãy.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: các triệu chứng như phù nề, mệt mỏi, khó thở và đau đớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và tâm lý người bệnh.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn: nếu không được điều trị, thận nhiễm mỡ có thể tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối, đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
  • Tử vong: nếu thận nhiễm mỡ không được điều trị thích hợp bệnh có thể tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối.

Đối tượng nguy cơ Thận nhiễm mỡ

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh thận nhiễm mỡ, tuy nhiên những đối tượng sau đây dễ mắc tình trạng này hơn:

  • Người thừa cân, béo phì: Không riêng thận nhiễm mỡ, các bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ thì béo phì đều có nguy cơ làm tăng sự phát triển của bệnh. 
  • Đái tháo đường: Tình trạng tăng đường máu mạn tính dẫn đến tổn thương các mạch máu trong cơ thể, trong đó có các mạch máu nhỏ ở thận, kéo dài sẽ dẫn tới tổn thương thận mạn tính.
  • Tăng huyết áp: Áp lực máu trong lòng mạch tăng cao gây tổn thương đến thận và làm tăng nguy cơ thận nhiễm mỡ.
  • Rối loạn lipid máu: Chỉ số mỡ xấu trong cơ thể cao, chỉ số mỡ tốt thấp (ví dụ tăng cholesterol, triglyceride và LDL-cholesterol, giảm HDL-cholesterol), làm tăng mỡ trong thận dẫn đến bệnh thận nhiễm mỡ.
  • Tuổi: Tuổi tác tăng dần tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc cũng như làm nặng bệnh thận nhiễm mỡ cùng các bệnh lý chuyển hóa khác.
  • Yếu tố gia đình: Những người có bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc các bệnh chuyển hóa hoặc bị bệnh thận nhiễm mỡ sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với những người khác.
  • Dùng thuốc: Các thuốc theo nghiên cứu có thể gây nên bệnh thận nhiễm mỡ ví dụ như glucocorticoid, các thuốc kháng viêm non steroid (NSAIDs) như ibuprofen, diclofenac, naproxen, thuốc kháng sinh gây tổn thương cầu thận hoặc ống thận như penicillin, vancomycin, thuốc chống động kinh phenytoin, thuốc điều trị ung thư (Interferon, Pamidronate), Rifampicin điều trị chống lao, thuốc ức chế miễn dịch (tacrolimus, cyclosporine).


Phòng ngừa Thận nhiễm mỡ

Chúng ta cần dự phòng thận nhiễm mỡ ngay từ sớm để hạn chế tối đa các biến chứng, các biện pháp có thể được lựa chọn, bao gồm: 

  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống đủ nước.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia).
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức cho phép, tránh thừa cân, béo phì.
  • Kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
  • Tránh lạm dụng các thuốc có thể gây hại tới thận: kháng sinh, giảm đau,...
  • Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý trong đó có cả bệnh thận nhiễm mỡ.
  • Theo dõi chức năng thận trên cả xét nghiệm máu lẫn nước tiểu nếu bạn đang điều trị các thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận.

Các biện pháp chẩn đoán Thận nhiễm mỡ

Bác sĩ dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh.

Lâm sàng:

  • Phù: toàn thân, trắng, mềm và ấn lõm, phù nặng dần theo thời gian.
  • Thiểu niệu: tiểu ít tăng dần theo từng ngày.
  • Triệu chứng khác: mệt mỏi, chán ăn, tăng cân nhanh (do giữ nước).

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm nước tiểu: protein niệu, albumin niệu.
  • Xét nghiệm máu: giảm protein máu, giảm albumin máu, rối loạn lipid (tăng cholesterol, tăng triglyceride, LDL-C tăng), tăng đông máu (Fibrinogen, D-dimer tăng), BUN, creatinin máu để đánh giá chức năng thận.
  • Siêu âm thận: siêu âm giúp đánh giá kích thước thận xem có to hơn bình thường không, sự thay đổi về cấu trúc nhu mô thận. Đối với bệnh nhân thận nhiễm mỡ, sự tích tụ mỡ bên trong thận nên hình ảnh thận thường sẽ tăng âm.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ thận: giúp chẩn đoán phân biệt thận nhiễm mỡ với các tổn thương khác ở thận như u thận, sỏi thận.
  • Sinh thiết thận: khi cần thiết cần xác định tổn thương mô học có thể tiến hành sinh thiết thận. Hình ảnh điển hình thường không thấy tổn thương dưới kính hiển vi quang học nhưng dưới kính hiển vi điện tử sẽ thấy có mất chân lồi của tế bào podocyte.

Siêu âm thận là bước đầu để chẩn đoán bệnh thận nhiễm mỡSiêu âm thận là bước đầu để chẩn đoán bệnh thận nhiễm mỡ

Một số bệnh lý thận cần chẩn đoán phân biệt với thận nhiễm mỡ, bao gồm:

  • Hội chứng thận hư thứ phát.
  • Bệnh cầu thận màng.
  • Xơ hóa cầu thận khu trú.
  • Viêm cầu thận cấp.
  • Viêm cầu thận mạn.
  • Tổn thương thận cấp.
  • Bệnh thận mạn.

Các biện pháp điều trị Thận nhiễm mỡ

Bệnh nhân cần ngừng ngay các thuốc đang dùng có nguy cơ gây tổn thương đến thận đồng thời kiểm soát các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì. Các biện pháp điều trị cụ thể như sau:

  • Giảm triệu chứng phù: Bác sĩ kê nhóm thuốc lợi tiểu làm bệnh nhân đi tiểu nhiều lên, giảm giữ nước và muối, bệnh nhân đỡ phù. Có thể sử dụng lợi tiểu quai như furosemide hoặc lợi tiểu giữ kali như spironolactone.
  • Bù albumin máu: Bệnh nhân giảm albumin có thể bù bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch, nhưng chủ yếu sử dụng truyền tĩnh mạch albumin, nhằm duy trì lượng albumin ổn định tránh giảm áp lực keo gây phù cho người bệnh.
  • Kiểm soát huyết áp: Bệnh nhân thận nhiễm mỡ kéo dài có thể làm huyết áp cao, thầy thuốc cần sử dụng thuốc hạ huyết áp để ổn định huyết áp tránh tăng huyết áp lâu ngày gây nên các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, suy thận. Các thuốc hạ huyết áp có thể sử dụng như nhóm ức chế men chuyển (ví dụ perindopril, enalapril, lisinopril).
  • Kháng sinh: Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng, cần sử dụng kháng sinh để điều trị, tránh nhiễm khuẩn làm nặng bệnh thêm.

KẾT LUẬN

Thận nhiễm mỡ cũng là một bệnh lý khá phổ biến trong y học hiện đại, nó gây ra nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến thận cũng như các biến chứng lên các cơ quan khác nếu bệnh nhân không được can thiệp điều trị kịp thời dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn không kiểm soát được. Thông qua bài viết này, MEDLATEC cũng hy vọng gửi đến một số thông tin cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng thường gặp cũng như cách điều trị và dự phòng bệnh để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về căn bệnh thận nhiễm mỡ này, từ đó có thể dự phòng tốt cũng như nhận biết sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh để có thể thăm khám kiểm tra kịp thời nhằm tránh được các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đặt lịch kiểm tra sức khỏe tại MEDLATEC nếu bạn nghi ngờ bản thân đang mắc bệnh thận nhiễm mỡ. Số điện thoại đặt lịch tổng đài 24/7: 1900 56 56 56


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ