Từ điển bệnh lý

Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-02-2025

Tổng quan Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em

Hormone tăng trưởng là gì và có tác dụng gì?

Suy dinh dưỡng chiều cao hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi, là tình trạng trẻ có chiều cao dưới 90% so với chiều cao tiêu chuẩn hay chiều cao thấp hơn 2SD (độ lệch chuẩn). Chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng này, bên cạnh đó, việc thiếu hụt hormone tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thấp bé nghiệm trọng ở trẻ em. Theo thống kê, tỷ lệ thấp còi do thiếu hormone tăng trưởng giao động trong khoảng 1:4000 đến 1:10.000.

Hormone tăng trưởng hay còn gọi là hormone phát triển cơ thể (GH) là một hormone được tiết ra từ thùy trước tuyến yên. GH có bản chất là một phân từ protein nhỏ với 191 acid amin. GH vừa có tác dụng làm tăng kích thước tế bào, vừa có tác dụng làm tăng phân chia tế bào. Đối với mô xương và sụn, GH vừa có tác dụng làm dài xương, vừa có tác dụng làm dày xương.

GH tác động lên mô sụn, làm mô sụn tăng sinh, do đó làm các xương dài ra. Đồng thời GH kích thích tế bào tạo xương, làm tăng lắng đọng calci, phosphat lên bề mặt xương nên làm xương dày hơn.

GH không trực tiếp tác động lên các mô trong cơ thể mà thông qua một chất trung gian là Somatomedin hay còn gọi là yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF). Có 4 loại Somatomedin nhưng liên quan chủ yếu đến hoạt động của GH là somatomedin C (IGF-1).

Ở những bệnh nhân có thiếu hụt hormone tăng trưởng, do cơ thể giảm cả kích thước tế bào cũng như giảm quá trình phân chia tế bào, do đó cả chiều cao và cân nặng đều thấp hơn so với những người bình thường khỏe mạnh khác.

Phân loại thiếu hụt hormone tăng trưởng

Việc thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải

Những trẻ thiếu hormone tăng trưởng bẩm sinh thường có chiều dài sơ sinh giảm nhẹ, và các biểu hiện có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau trẻ có thể có các biểu hiện khác liên quan đến suy tuyến yên như dương vật nhỏ, tinh hoàn ẩn, tăng bilirubin liên hợp kéo dài…

Thiếu hụt hormone tăng trưởng mắc phải thường liên quan đến những tổn thương ở khu vực hạ đồi tuyến yên như khối u sọ hầu, chấn thương, hóa chất, xạ trị, nhiễm trùng…

Xác định trẻ thấp còi như thế nào?

Để chẩn đoán, việc đầu tiên phải xác định chiều cao của trẻ. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thực hiện đo chiều cao ở tư thế nằm và việc đo chiều cao thường khó chính xác. Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, thực hiện đo chiều cao ở tư thế đứng.

 Cách đo chiều cao ở trẻ em

Cách đo chiều cao ở trẻ em

Sau khi đo chiều cao của trẻ, kết quả được vẽ trên biểu đồ tăng trưởng. Qua biểu đồ này sẽ xác định được chiều cao của trẻ nằm trong khoảng giới hạn bình thường hay thấp còi hay vượt trội thông qua xác định các phần trăm chiều cao hoặc điểm Z.

Với những trường hợp không rõ ràng, trẻ cần được theo dõi tốc độ phát triển chiều cao. Điều này được thực hiện bằng cách xác định chiều cao thứ tự thời gian và vẽ lại thành biểu đồ. Khoảng thời gian theo dõi tối thiểu phải là 6 tháng mới đủ tin cậy để đánh giá tốc độ phát triển chiều cao ở trẻ. 

Trẻ được xác định là chậm phát triển chiều cao khi có một trong những yếu tố sau:

Chậm phát triển: nếu đường cong chiều cao theo tuổi của trẻ lệch xuống dưới qua hai đường cong chiều cao chính, tương ứng với từ trên phần trăm 25 xuống dưới phần trăm thứ 10.

Biểu đồ tăng trưởng ở trẻ trên 2 tuổi

Biểu đồ tăng trưởng ở trẻ trên 2 tuổi

Tốc độ phát triển chiều cao chậm so với lứa tuổi:

Độ tuổi

Tốc độ phát triển chiều cao

2-4 tuổi

< 5.5 cm/năm

4-6 tuổi

<5cm/năm

6 tuổi- dậy thì

<4 cm/năm (bé trai), <4.5 cm/năm (bé gái)

Có chiều cao thấp nghiêm trọng, tức là chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng -2.5 độ lệch chuẩn (≤ -2.5SD) hoặc có chiều cao thấp không quá nghiêm trong nhưng có chậm phát triển.



Nguyên nhân Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em

Loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng thấp còi như hội chứng Turner, suy giáp, các bệnh lý về xương. Trẻ cần được khai thác các yếu tố tiền sử bệnh lý, làm xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáp, xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ loại trừ nguyên nhân Turner…

Nếu không tìm thấy các bất thường như trên, nghĩ nhiều đến tình trạng thấp còi do nguyên nhân thiếu hụt hormone tăng trưởng. Khi đó cần làm xét nghiệm yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF-1), đo hormone tăng trưởng GH, và Protein liên kết yếu tố tăng trưởng giống insulin 3 (IGFBP-3) và đo tuổi xương.

Trẻ có tuổi xương và tốc độ tăng trưởng bình thường, có thể loại trừ thiếu hụt hormone tăng trưởng.

Nếu trẻ có tất cả các đặc điểm gồm chậm phát triển nghiêm trọng, tuổi xương chậm, nồng độ GH, IGF-1 và IGFBP-3 thấp rõ ràng, đủ điều kiện để chẩn đoán thiếu hụt hormone tăng trưởng, không cần làm nghiệm pháp GH động (Growth hormone stimulation test - Nghiệm pháp kích thích hormone tăng trưởng). 

Trường hợp trẻ có chậm phát triển mức độ nhẹ, có giảm IGF-1 và IGFBP-3 nhưng không điển hình khi đó cần làm nghiệm pháp kích thích hormone tăng trưởng và chụp cộng hưởng từ tuyến yên.



Đối tượng nguy cơ Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em

Những trẻ em có tình trạng thấp bé vừa phải và tốc độ tăng trưởng chiều cao bình thường, chỉ cần đánh giá cơ bản qua chụp x quang tuổi xương. 

Những trẻ em cần đánh giá toàn diện khi có một trong những dấu hiệu sau:

  • Chậm phát triển;
  • Tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm;
  • Có chiều cao thấp nghiêm trọng
  • Có triệu chứng hướng đến rối loạn hoạt động của trục hạ đồi tuyến yên như hạ đường máu, tinh hoàn ẩn, rung giật nhẫn cầu, tiền sử có khối u nội sọ, tiền sử chấn thương vùng đầu…
  • Có triệu chứng của rối loạn các hormone khác của tuyến yên như suy giáp trung ương, suy vỏ thượng thận…



Các biện pháp chẩn đoán Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em

Việc xét nghiệm GH để đánh giá hoạt động của tuyến yên rất khó, vì nồng độ GH giao động nhiều trong ngày và cũng có nhiều yếu tố tác động đến nồng độ GH. Khoảng 60% khoảng thời gian trong ngày nồng độ GH trong huyết thanh thấp, thường nằm thấp hơn giới hạn có thể đo của các máy xét nghiệm. Do đó xét nghiệm đo nồng độ GH trong huyết thanh không có nhiều giá trị giúp cho việc chẩn đoán, chủ yếu để chẩn đoán phân biệt với trường hợp không nhạy cảm với GH.

Biến động của nồng độ hormone tăng trưởng trong ngày

Biến động của nồng độ hormone tăng trưởng trong ngày

Do đó việc chẩn đoán thiếu hụt hormone tăng trưởng chủ yếu dựa vào lâm sàng, xét nghiệm IGF-1, IGFBP-3 và nghiệm pháp kích thích GH.

Ưu điểm của xét nghiệm IGF-1, IGFBP-3 là nồng độ các chất này phản ánh nồng độ của GH được tiết ra, đồng thời nồng độ của chúng khá ổn định trong ngày, không biến thiên nhiều như nồng độ GH. 

Biện luận kết quả xét nghiệm IGF-1 và IGFBP-3:

Nồng độ IGF-1 và IGFBP-3

Tuổi xương

Chậm phát triển 

Biện luận kết quả

<-2SD

Chậm

Chậm -2 → -3SD

Nghi ngờ thiếu hụt hormone GH, làm nghiệm pháp kích thích GH

< -2SD

Chậm rõ rệt

< -3SD

Loại trừ nguyên nhân khác→ khẳng định thiếu hụt hormone GH



0→ -2SD

Chậm

Chậm

Nghi ngờ thiếu hụt hormone GH, làm nghiệm pháp kích thích GH

Chậm không rõ ràng

Chậm không rõ ràng

  • - Cần đánh giá loại trừ nguyên nhân khác
  • - Nếu không tìm thấy nguyên nhân khác→ làm nghiệm pháp kích thích GH

SD ≥0

-

-

Không nghĩ đến thiếu hụt GH

IGF-1 và IGFBP-3 không đồng nhất

  • - Ưu tiên sử dụng kết quả IGF-1, trừ trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • - Sử dụng khoảng tham chiếu theo giới tính, theo tuổi


Xét nghiệm kích thích hormone tăng trưởng

Chỉ định làm nghiệm pháp kích thích hormone tăng trưởng nếu nghi ngờ có thiếu hụt hormone. Tuy nhiên nghiệm pháp không phải tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, cần xét nghiệm thêm tuổi xương và nồng độ IGF-1 và IGFBP-3 để phối hợp đánh giá.

  • Cách thực hiện: bệnh nhân được nhịn ăn qua đêm, từ 8-12h. Bệnh nhân được sử dụng các yếu tố để kích thích hormone GH, sau đó các mẫu máu (huyết thanh0 được lấy theo các mốc thời gian quy định để đo biến thiên của nồng độ hormone GH.
  • Đánh giá kết quả: đa số các quốc gia đang sử dụng mốc nồng độ GH sau kích thích >10 mcg/L được coi là bình thường, tuy nhiên một số quốc gia đang sử dụng. 

Các chất được sử dụng để kích thích tăng nồng độ GH:

  • Clonidine: bệnh nhân được uống clonidine với liều 5mcg/kg, tối đa 250mcg, GH được đo ở các thời điểm 0 - 30 - 60 - 90 phút. GH thường có nồng độ cao nhất vào 1h sau uống clonidine.
  • Arginine: thuốc được truyền qua tĩnh mạch với liều 0.4g/kg, tối đa 40g trong vòng 30 phút. Nồng độ GH được đo ở các thời điểm 0 - 30 - 60- 90 - 120 phút. Nồng độ GH thường cao nhất ở thời điểm 1h sau truyền thuốc.
  • Glucagon: thuốc được tiêm dưới da liều 0.03mg/kg, tối đa 1mg, nồng độ GH được đo từ 1 - 2- 3h sau đó. Nồng độ GH thường cao nhất ở thời điểm sau tiêm 2-3h.
  • Insulin: Tiêm TMC insulin liều 0.05-0.1IU/kg, GH được đo ở các mốc thời gian 0 - 15 - 30 - 45 - 90 phút sau tiêm. GH thường cao nhất ở mốc 15 - 30 phút. Tuy nhiên insulin ít được sử dụng ở trẻ em do nguy cơ hạ đường máu.
  • Macimorelin acetate cũng được sử dụng ở một số quốc gia, chủ yếu cho người trưởng thành, tuy nhiên chưa có dữ liệu an toàn cho trẻ em.

Lưu ý: Có thể bổ sung hormone sinh dục steroid trước khi làm nghiệm pháp để giảm nguy cơ dương tính giả, đặc biệt ở trẻ chưa dậy thì và trên 11 tuổi ở nam, trên 10 tuổi ở nữ. Với những trẻ có bất thường tuyến giáp kèm theo, cần bổ sung hormone tuyến giáp, đưa nồng độ T4 tự do về bình thường trước khi làm nghiệm pháp.



Các biện pháp điều trị Thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em

Việc thiếu hụt hormone tăng trưởng chỉ được chỉ định ở những trẻ có bằng chứng thiếu hụt rõ ràng và các đầu xương chưa cốt hóa hoàn toàn. Các bệnh nhân sẽ được bổ sung hormone tăng trưởng tái tổ hợp. Có hai nhóm thuốc được sử dụng:

Hormone tăng trưởng tái tổ hợp tác dụng ngắn: cần được tiêm hàng ngày (somatropin).

Hormone tăng trưởng tái tổ hợp tác dụng kéo dài: Lonapegsomatropin (mỗi tuần một lần), Somapacitan (dùng một lần mỗi tuần), Somatrogon (dùng một lần mỗi tuần).

Các bệnh nhân sẽ được tiêm với liều khởi đầu theo nguyên tắc có sẵn, sau đó điều chỉnh liều dần dựa trên tốc độ tăng trưởng, nồng độ IGF-1 cũng như cân nặng của từng bệnh nhân. Việc đo IGF-1 sẽ được thực hiện 5 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị hoặc bắt đầu điều chỉnh liều.

Sau khi bệnh nhân đạt được nồng độ IGF-1 bình thường, các xét nghiệm có thể lặp lại sau mỗi 6-12 tháng. Thời gian điều trị của bệnh nhân thường kéo dài cho đến khi quá trình tăng trưởng tuyến tính gần như hoàn tất, tức là tăng trưởng chiều cao <2-2.5cm/ năm. Sau đó bệnh nhân cần được đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone để xem xét có duy trì điều trị tiếp hay dừng lại.



Tài liệu tham khảo:

  1. Erick J Richmond Padilla, MDAlan D Rogol, MD, PhD, Diagnosis of growth hormone deficiency in children, uptodate, 2024
  2. Erick J Richmond Padilla, MDAlan D Rogol, MD, PhD, Treatment of growth hormone deficiency in children, uptodate, 2024.
  3. Human growth hormone (somatotropin) for the treatment of growth failure in children, NICE, 2010. http://www.nice.org.uk/guidance/TA188 (Accessed on January 05, 2016).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ