Từ điển bệnh lý

Thiểu kinh, hiếm kinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 21-02-2025

Tổng quan Thiểu kinh, hiếm kinh

Thiểu kinh và hiếm kinh là hai rối loạn kinh nguyệt phổ biến, liên quan đến độ dài chu kỳ và lượng máu kinh ở phụ nữ. Hai tình trạng này thường hay bị nhầm lẫn trên lâm sàng. Thiểu kinh (oligomenorrhea) hay còn gọi là kinh thưa được định nghĩa là chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 35 ngày hoặc ít hơn 6 kỳ trong một năm. Trong khi đó, hiếm kinh (hypomenorrhea) là tình trạng lượng máu kinh ít hơn bình thường, dù chu kỳ vẫn đều đặn mỗi tháng. Nguyên nhân gây ra thiểu kinh và hiếm kinh có thể liên quan đến các rối loạn nội tiết, suy buồng trứng hay các tác động của can thiệp y tế. 

Khoảng 10-15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị mắc các vấn đề liên quan đến bất thường kinh nguyệt này. Việc hiểu rõ và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh giúp đưa ra phác đồ điều trị hợp lý và cải thiện đời sống sinh sản cho người phụ nữ.

 Thiểu kinh, hiếm kinh là những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ

Thiểu kinh, hiếm kinh là những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ



Nguyên nhân Thiểu kinh, hiếm kinh

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): là tình trạng rối loạn nội tiết phổ biến ở nữ giới, trong đó buồng trứng sản xuất quá nhiều androgen gây rối loạn quá trình rụng trứng. Đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt trong PCOS là không đều, kéo dài. Mỗi năm thường có ít hơn 9 chu kỳ, thậm chí không hành kinh. PCOS có thể liên quan đến các vấn đề như kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Suy buồng trứng sớm: được chẩn đoán khi tình trạng buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40, dẫn đến giảm sản xuất hormone sinh dục nữ. Khi buồng trứng không sản xuất đủ hormone chu kỳ kinh nguyệt ngay lập tức bị ảnh hưởng, có thể bị gián đoạn hoặc không đều, lượng máu kinh ít đi rõ rệt. Các chị em thường đến gặp bác sĩ khi có rối loạn kinh nguyệt kết hợp với các triệu chứng mãn kinh sớm khác, như bốc hỏa và khô âm đạo.

Tăng prolactin máu: Prolactin là hormone giúp kích thích tiết sữa sau sinh. Khi mức prolactin trong máu tăng cao, đặc biệt khi không có thai hay trong thời kỳ cho con bú, có thể gây rối loạn nội tiết, ức chế rụng trứng, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do các khối u tuyến yên hoặc tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh lý khác.

Rối loạn tuyến giáp: Tuyến giáp điều chỉnh và ảnh hưởng đến mọi hoạt động sống của cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Các vấn đề liên quan đến nội tiết tuyến giáp đều có nguy cơ gây thiểu kinh, hiếm kinh. Suy giáp có thể làm chậm quá trình rụng trứng và dẫn đến chu kỳ dài. Ngược lại, cường giáp có thể làm cho chu kỳ ngắn và không đều. Hormone tuyến giáp thay đổi kéo theo sự rối loạn của estrogen, progesteron dẫn đến lượng kinh nguyệt có thể ít đi.

 Hội chứng Cushing: đây là tình trạng tăng quá mức hormone cortisol, gây rối loạn chuyển hóa. Tình trạng này làm chức năng tuyến yên thay đổi, giảm khả năng rụng trứng và có thể biểu hiện lên thiểu kinh, lượng kinh ít.

Stress và thay đổi thói quen sinh hoạt: Căng thẳng kéo dài gây xáo trộn hệ thống nội tiết, đặc biệt là trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng, gián tiếp gây thiểu kinh, hiếm kinh hoặc vô kinh. Bên cạnh đó, các thay đổi trong lối sống như tăng, giảm cân quá mức, chế độ ăn kiêng không đúng cách, hoặc thay đổi môi trường sống cũng tác động đến nội tiết, gây rối loạn kinh nguyệt.

Do thuốc và các can thiệp y tế: Các loại thuốc tránh thai, thuốc điều trị rối loạn tâm thần hoặc các phương pháp điều trị hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc tránh thai hoặc thuốc nội tiết có thể làm thay đổi mức độ hormone trong cơ thể. Hóa trị và xạ trị có thể làm gây suy giảm chức năng buồng trứng. Ngoài ra, một số can thiệp y tế như bóc u nang buồng trứng có thể làm giảm dự trữ buồng trứng, gây suy buồng trứng sớm, dẫn đến kinh nguyệt bị mất đi hoặc không đều.

Dính buồng tử cung: hay còn gọi là hội chứng Asherman, là tình trạng có sự hình thành sẹo trong buồng tử cung, thường do các thủ thuật như nạo hút thai. Những tổn thương này thường gây tái tạo niêm mạc tử cung bất thường dẫn đến việc ra kinh bị rối loạn.

Lạc nội mạc tử cung: là hiện tượng nội mạc tử cung lạc chỗ tại vị trí khác ngoài buồng tử cung. Lạc nội mạc tử cung có thể gây rối loạn nội tiết dẫn đến kinh nguyệt không đều, giảm khả năng sinh sản.

Các bệnh lý mãn tính khác: Một số bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, và bệnh tim mạch có thể làm rối loạn chức năng của trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn.


Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây thiểu kinh, hiếm kinhchứng buồng trứng đa nang có thể gây thiểu kinh, hiếm kinh



Phòng ngừa Thiểu kinh, hiếm kinh

 Dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong duy trì nội tiết tố ổn định, nền tảng cho một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Tăng cường thực phẩm giàu phytoestrogen (đậu nành, hạt lanh) giúp cân bằng nội tiết. Bổ sung sắt, kẽm, vitamin D, B6, B12, folate hỗ trợ chức năng buồng trứng. Duy trì BMI lý tưởng (18.5 - 23), tránh sụt cân quá mức hoặc béo phì vì cả hai đều có thể làm rối loạn kinh nguyệt.

 Thực hiện lối sống lành mạnh: Lựa chọn các hình thức luyện tập với cường độ phù hợp (yoga, pilates, bơi lội, đi bộ,..) và đều đặn giúp tăng cường lưu thông máu đến cơ quan sinh dục nhưng không làm mất cân bằng nội tiết tố. Giảm stress bằng các phương pháp như thiền, hít thở sâu, ngủ đủ giấc để tránh rối loạn kinh nguyệt. 

Kiểm soát và điều trị bệnh lý liên quan:

+ PCOS: kiểm soát cân nặng, chế độ ăn ít đường, tập thể dục, có thể dùng metformin hoặc inositol theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện kháng insulin.

+ Suy buồng trứng sớm: theo dõi AMH, FSH, bổ sung estrogen nếu cần để bảo vệ xương và tim mạch.

+ Rối loạn tuyến giáp: kiểm tra TSH, FT4 định kỳ, điều chỉnh hormone tuyến giáp theo chỉ định.

+ Sau can thiệp tử cung: Nếu có nguy cơ dính buồng tử cung (nạo thai, bóc polyp), nên dùng estrogen hỗ trợ phục hồi nội mạc tử cung.

Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có bất thường: Thăm khám sức khỏe định kỳ và khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong chu kỳ kinh nguyệt là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe sinh sản và phát hiện sớm các nguyên nhân gây bệnh. Việc thăm khám kịp thời giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

Tránh stress giúp giảm rối loạn kinh nguyệt

Tránh stress giúp giảm rối loạn kinh nguyệt

Trên đây là các thông tin cần thiết về thiểu kinh, hiếm kinh. Để chẩn đoán và điều trị tốt bệnh lý này, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Các biện pháp chẩn đoán Thiểu kinh, hiếm kinh

Chẩn đoán thiểu kinh và hiếm kinh cần dựa vào tiêu chuẩn và kết hợp giữa hỏi bệnh, thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là chu kỳ có tính chất đều đặn, độ dài từ 24 đến 38 ngày, với số ngày hành kinh từ 3 đến 7 ngày và lượng máu mất đi trong mỗi chu kỳ thường dao động từ 30 đến 80 ml. 

Thiểu kinh: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày hoặc ít hơn 6 chu kỳ kinh nguyệt trên một năm.

Hiếm kinh: Lượng máu kinh ít hơn bình thường, thường dưới 10 ml mỗi chu kỳ.

Hỏi bệnh:

Các yếu tố nguy cơ:

- Tiền sử dùng thuốc có ảnh hưởng nội tiết: thuốc tránh thai, thuốc điều trị rối loạn tâm thần, hormon thay thế,..

- Tiền sử hóa, xạ trị, phẫu thuật vùng chậu, can thiệp buồng tử cung,..

- Tăng giảm cân bất thường.

- Stress kéo dài, hay thức khuya, mới thay đổi môi trường sống.

Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt:

Bác sĩ khai thác thông tin về thời gian bắt đầu có kinh nguyệt lần đầu tiên, khoảng cách giữa 2 lần ra kinh, tính chất đều đặn của chu kỳ, số ngày hành kinh, số lượng máu kinh (số băng vệ sinh sử dụng/ngày) và những sự thay đổi gần đây.

Các triệu chứng liên quan kèm theo:

- Rậm lông, mụn trứng cá gặp trong bệnh cảnh của hội chứng buồng trứng đa nang.

- Bốc hỏa, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục dấu hiệu của suy buồng trứng sớm.

- Tiết sữa bất thường do tăng prolactin máu.

- Nhìn mờ, đau đầu, rối loạn vận động: liên quan đến các tổn thương sọ não, u tuyến yên.

- Hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, run tay hoặc ủ rũ, chậm chạp,...gặp trong bệnh lý rối loạn hormon tuyến giáp.

Khám lâm sàng:

Đánh giá toàn trạng: BMI, huyết áp, mạch, nhiệt độ, tình trạng dinh dưỡng, vận động, kích thước tuyến giáp, lông tóc móng,..

Kiểm tra dấu hiệu nội tiết bất thường: rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu kiểu nam, tăng sắc tố da, tiết sữa bất thường,.

Khám phụ khoa: đánh giá sự phát triển của hệ sinh dục nữ. Tử cung, buồng trứng nhỏ gặp trong hội chứng suy buồng trứng sớm. Loại trừ các trường hợp dính buồng tử cung, chít hẹp lỗ cổ tử cung, màng trinh không thủng ảnh hưởng đến việc ra kinh.

Cận lâm sàng:

Tùy vào nguyên nhân nghi ngờ mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

 Xét nghiệm nội tiết: giúp đánh giá trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng (FSH, LH, Estradiol, Progesteron, Prolactin,..). Nội tiết tuyến giáp (TSH, FT3, FT4, T3, T4) được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ rối loạn kinh nguyệt do nguyên nhân tuyến giáp.

Siêu âm tử cung – phần phụ: kiểm tra giải phẫu tử cung, nội mạc tử cung và buồng trứng tìm nguyên nhân gây thiểu kinh, hiếm kinh.

Nội soi buồng tử cung: trong trường hợp nghi ngờ bất thường kinh nguyệt có liên quan đến nội mạc tử cung.

Xét nghiệm khác (khi cần thiết): các xét nghiệm đánh giá các chỉ số nội tiết khác, chức năng gan, thận, đường máu và kiểm tra bệnh lý liên quan. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên: nếu nghi ngờ u tuyến yên trong trường hợp tăng prolactin máu.


Các biện pháp điều trị Thiểu kinh, hiếm kinh

Điều trị thiểu kinh, hiếm kinh cần cá thể hóa theo từng nguyên nhân gây bệnh và cải thiện các đặc điểm của kinh nguyệt, cụ thể:

Liệu pháp nội tiết: estrogen, progesterone kết hợp thường được sử dụng để điều chỉnh kinh nguyệt. Tùy vào tình trạng rối loạn các bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và thời gian điều trị khác nhau.

Điều trị nguyên nhân: 

Hội chứng buồng trứng đa nang: 

+ Thay đổi lối sống: Giảm cân (nếu thừa cân) giúp cải thiện độ nhạy insulin. Thực hiện chế độ ăn ít đường, ít tinh bột, tăng cường chất xơ. Tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần với cường độ phù hợp.

+ Dùng thuốc: Thuốc ức chế androgen để điều chỉnh triệu chứng, Progesterone liệu pháp (MPA, dydrogesterone, cyproterone acetate): có thể được chỉ định vào 10-14 ngày mỗi tháng để điều chỉnh nội mạc tử cung.

+ Hỗ trợ sinh sản: Clomiphene citrate hoặc Letrozole thường dùng để kích thích rụng trứng trong trường hợp bệnh nhân mong con. 

Suy buồng trứng sớm:

+ Liệu pháp hormone thay thế: Estrogen kết hợp Progesterone để duy trì nội tiết, giảm các triệu chứng do mãn kinh sớm gây ra, đồng thời thiết lập vòng kinh nhân tạo cho người phụ nữ . Estrogen tại chỗ có thể được sử dụng để giảm tình trạng khô âm đạo.

+ Hỗ trợ sinh sản: IVF với trứng hiến tặng là phương pháp hiệu quả nhất trong trường hợp suy buồng trứng.

Tăng Prolactin máu:

+ Dùng thuốc: Cabergoline hoặc Bromocriptine để kê đơn để làm giảm nồng độ Prolactin trong máu. 

+ Phẫu thuật khối u tuyến yên: nếu prolactin cao do u tuyến yên, có chèn ép ảnh hưởng thị giác cần xem xét phẫu thuật để giảm biến chứng.

Dính buồng tử cung:

+ Nội soi buồng tử cung gỡ dính.

+ Dùng estrogen liều cao để tái tạo nội mạc tử cung.

Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị

Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát tốt đường huyết giúp ổn định nội tiết. Tập thể dục thường xuyên, lựa chọn phương pháp và cường độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp nâng cao thể trạng, cải thiện chu kỳ kinh nguyệt. 

 Thuốc nội tiết thường được sử dụng trong điều trị thiểu kinh, hiếm kinh

Thuốc nội tiết thường được sử dụng trong điều trị thiểu kinh, hiếm kinh



Tài liệu tham khảo:

American College of Obstetricians and Gynecologists. (2020). Abnormal Uterine Bleeding.

Hennegan J, Brooks DJ, Schwab KJ, Melendez-Torres GJ. (2020) Measurement in the study of menstrual health and hygiene: A systematic review and audit.

Riaz, Y., Parekh, U. (2023). Oligomenorrhea. In StatPearls.

Balen, A. H., Morley, L. C., Misso, M., Franks, S., Legro, R. S., Wijeyaratne, C. N., ... & Teede, H. J. (2016). The management of anovulatory infertility in women with polycystic ovary syndrome: An analysis of the evidence to support the development of global WHO guidance. Human Reproduction Update, 22(6), 687-708.

Fraser, I. S., Critchley, H. O. D., Broder, M., & Munro, M. G. (2007). The FIGO recommendations on terminologies and definitions for normal and abnormal uterine bleeding.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ