Từ điển bệnh lý

Thoái hóa cột sống : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-02-2025

Tổng quan Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là bệnh mạn tính phổ biến ở người già hoặc những người có tính chất công việc tác động trực tiếp đến hệ cột sống. Triệu chứng chính của thoái hóa là đau âm ỉ, đau tăng khi vận động, chủ yếu được phát hiện qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

Theo số liệu tại các cơ sở y tế thuộc hệ thống MEDLATEC, năm 2024 có khoảng 14 nghìn lượt khám chuyên khoa cơ xương khớp, trong đó có khoảng 24% người bệnh có tình trạng thoái hóa cột sống ở các vị trí khác nhau.

Phân loại theo vị trí giải phẫu của hệ cột sống, thoái hóa có thể xảy ra tại cột sống cổ, cột sống ngực và cột sống thắt lưng. Bài viết này đề cập đến hai bệnh có tỉ lệ thường gặp nhiều trong cuộc sống là thoái hóa ở cột sống cổ và thoái hóa ở cột sống thắt lưng.

Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống



Nguyên nhân Thoái hóa cột sống

Có nhiều nhóm nguyên nhân và tác động trong thời gian dài dẫn đến tình trạng tổn thương, thoái hóa các tổ chức, thành phần của cột sống như:

  • Quá trình lão hóa tự nhiên của con người, bao gồm cả sự lão hóa các thành phần của cột sống (sụn, đĩa đệm, khớp, tế bào thần kinh đi qua cột sống…)
  • Cột sống chịu áp lực quá tải kéo dài do tính chất đặc thù công việc phải ngồi nhiều, lao động nặng, bê vác vật nặng thường xuyên hoặc do thói quen ít vận động, nằm ngồi sai tư thế chuẩn…
  • Tiền sử chấn thương, tai nạn có tổn thương hệ cột sống nhưng chưa điều trị kịp thời hoặc bệnh kéo dài dẫn đến biến chứng thoái hóa.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu các vi chất liên quan đến sự phát triển của cơ, xương, khớp như canxi, magie, kẽm, collagen, vitamin.



Triệu chứng Thoái hóa cột sống

THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ

Định nghĩa

Thoái hóa cột sống cổ (thuật ngữ khoa học là Cervical spondylosis) là bệnh lý liên quan đến tình trạng thoái hóa sụn khớp, khớp và tổ chức quanh khớp, đĩa đệm ở cột sống cổ, vị trí thường gặp thoái hóa là đốt sống cổ C5-6-7.

Người bệnh thoái hóa cột sống cổ không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng chèn ép dây thần kinh, chèn ép các động mạch đốt sống hoặc chèn ép tủy gây nên các triệu chứng tại các cơ quan thần kinh, vận động tương ứng.

Triệu chứng

Tùy theo vị trí và thời gian cột sống cổ bị thoái hóa, có thể xuất hiện một hoặc một vài các triệu chứng đặc trưng như:

  • Hội chứng cột sống cổ: đau tại vị trí cột sống cổ hoặc co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ gây hạn chế vận động, đau tăng khi vận động mạnh 
  • Hội chứng rễ thần kinh vùng cổ: đau, tê bì tại vị trí cổ hoặc đau lan lan đến các vùng xung quanh cổ tùy thuộc vào vị trí rễ thần kinh bị tổn thương (vai, gáy, cánh tay, cổ tay,...). Đau tăng khi cử động cổ hoặc ngồi bất động cổ trong thời gian dài. Một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng chóng mặt, yếu cơ cánh tay, yếu cơ vai.
  • Hội chứng động mạch đốt sống với một hoặc nhiều các triệu chứng: đau nhức vùng đầu (đau nhiều vào buổi sáng), có thể kèm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nuốt vướng, đau vùng tai.
  • Hội chứng chèn ép tủy: triệu chứng thường gặp là đi lại khó khăn, mất cân bằng; yếu hoặc liệt cơ, giảm các giác tại chi trên hoặc chi dưới tùy mức độ và vị trí tủy bị tổn thương.
  • Một số triệu chứng khác kèm theo như: rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc, thường xuyên căng thẳng…

Chẩn đoán

Cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa cột sống như:

  • X- quang cột sống nhiều tư thế kiểm tra các bất thường của cột sống: đường cong sinh lí, gai xương, đĩa đệm, sụn, khớp đốt sống
  • Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính cột sống: kiểm tra mức độ chèn ép dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống…
  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: đánh giá tổn thương rễ thần kinh.
  • Xét nghiệm các chỉ số cơ bản: nhằm loại trừ các bệnh lý viêm nhiễm, ác tính và bổ sung cân nhắc cho chỉ định thuốc.

Sau khi tổng hợp các kết quả lâm sàng, cận lâm sàng ở trên, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định về tình trạng thoái hóa cột sống cổ. Trong đó, cần phân biệt với chấn thương cột sống cổ gây tổn thương đốt sống và đĩa đệm, bệnh lý liên quan đến ung thư xương, tủy xương, hệ động mạch…

Hình ảnh chụp X-quang thoái hóa cột sống tại hệ thống y tế MEDLATEC

Hình ảnh chụp X-quang thoái hóa cột sống tại hệ thống y tế MEDLATEC

THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Định nghĩa

Thoái hóa cột sống thắt lưng (thuật ngữ khoa học là Oteoarthritis of lumbar spine) là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm tại cột sống thắt lưng, đĩa đệm mất tính đàn hồi, dây chằng bao khớp bị xơ cứng. 

Bệnh tiến triển từ từ, đau tăng dần gây khó chịu cho người bệnh. Cột sống ở thắt lưng bị thoái hóa lâu dài khiến người bệnh vận động khó khăn, hạn chế di chuyển, cột sống có thể bị biến dạng, cong vẹo theo thời gian. Trường hợp thoái hóa cột sống nặng có thể dẫn đến các biến chứng: gai xương đốt sống, lỗ liên hợp đốt sống bị chèn ép, thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh.

Triệu chứng

  • Đau thắt lưng âm ỉ, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau, tê bì kéo dài nhiều tuần, có thể lan ra vùng lưng, xuống chân.
  • Có điểm đau khu trú tại cột sống hoặc đau lan ra các vùng lân cận trong trường hợp có đau rễ thần kinh. 
  • Triệu chứng đau có thể liên tục, mất ngủ kèm biến dạng cột sống (cong vẹo, gù) ở các trường hợp thoái hóa mức độ nặng. 

Chẩn đoán

Thoái hóa cột sống thắt lưng ít khi xảy ra độc lập mà đa phần sẽ có kết hợp với thoái hóa đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống. Ở người cao tuổi thoái hóa có thể đi kèm với loãng xương, lún xẹp đốt sống.

Cận lâm sàng tương tự như chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ, bao gồm: 

  • Chụp X- quang cột sống ở các tư thế khác nhau.
  • Chụp MRI hoặc chụp CT cột sống .
  • Điện cơ.
  • Đo mật độ xương: kiểm tra tình trạng loãng xương.
  • Xét nghiệm các chỉ số cơ bản.

Nếu các triệu chứng đau cột sống thắt lưng có đi kèm thêm sốt, gầy sút cân, có xuất hiện hạch… thì cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như: viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm, lao cột sống, ung thư xương…



Phòng ngừa Thoái hóa cột sống

Thoái hóa là diễn biến sinh lý tự nhiên của con người, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Các biện pháp dự phòng chỉ giúp hạn chế hoặc làm chậm quá trình lão hóa cơ thể và quá trình thoái hóa cột sống nói riêng bằng cách: điều chỉnh tư thế, thay đổi lối sống, luyện tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống khoa học.

  • Điều chỉnh tư thế đúng khi làm việc và thói quen sinh hoạt hàng ngày, tránh các áp lực xấu, lâu dài lên cột sống. Đặc biệt với các nghề nghiệp có tính chất liên quan nhiều đến hoạt động của hệ cột sống: nhân viên văn phòng ngồi nhiều, người lao động nặng, người thường xuyên bê vác, cõng đồ nặng…

Tư thế ngồi khuyến cáo

Tư thế ngồi khuyến cáo

  • Vận động, tập thể dục thường xuyên các bài tập hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt, dẻo dai của cơ xương khớp.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, bổ sung các vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp như canxi , magie, kali, omega. Duy trì cân nặng hợp lý. Cân nặng cơ thể càng lớn, áp lực lên cơ thể và lên cột sống càng lớn.
  • Ngoài ra cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến cột sống, tránh các tổn thương và biến chứng lâu dài gây thoái hóa cột sống.



Các biện pháp điều trị Thoái hóa cột sống

Trong điều trị các bệnh lý thoái hóa cột sống cần phối hợp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và luyện tập thay đổi tư thế. Kết quả của các phương pháp điều trị cần theo dõi trong thời gian dài, đòi hỏi người bệnh và gia đình phải phối hợp với bác sĩ, tuân thủ các hướng dẫn và luyện tập đều đặn hàng ngày.

  • Điều trị nội khoa: Ưu tiên điều trị theo triệu chứng (thuốc giảm đau, giãn cơ, chống viêm dạng uống) kết hợp với các thuốc chống thoái hóa có tác dụng chậm. Các phương pháp giảm đau áp dụng tùy thuộc mức độ đau, tình trạng bệnh.
  • Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: chườm nóng, chiếu hồng ngoại, sóng siêu âm, sáp parafin, máy tập kéo dãn cột sống, các bài tập vận động … giúp giảm đau, thư giãn cột sống.
  • Châm cứu: là phương pháp hỗ trợ giảm đau trong điều trị thoái hóa cột sống. Lưu ý cần được thực hiện đúng theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh các tai biến, rủi ro có thể xảy ra.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: khi điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm ngoài màng cứng, tiêm cạnh cột sống… nhằm giảm đau, chống viêm.
  • Ngoại khoa: Bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật khi tình trạng người bệnh có thoái hóa nặng (có chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép tủy sống, trượt đốt sống) ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc không đáp ứng điều trị sau 3 tháng dùng thuốc và phục hồi chức năng.

Tại hệ thống Y tế MEDLATEC có đầy đủ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang,… với đa dạng các dịch vụ kỹ thuật, gói khám sức khỏe phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị các mặt bệnh.

Liên hệ số hotline 1900 56 56 56 hoặc truy cập địa chỉ medlatec.vn để đặt lịch kiểm tra sức khỏe.


Tài liệu tham khảo:

Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ