Bác sĩ: ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: Hơn 15 năm
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng khiếm khuyết mãn tính về chức năng vận động ở người trưởng thành do đau và chức năng khớp bị thay đổi. Trước đây, thoái hóa khớp được hiểu rằng đây là quá trình phá hủy sụn khớp do nguyên nhân cơ học trong một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh thực sự của thoái hóa khớp lại phức tạp hơn thế, nó bao gồm quá trình thoái hóa sụn khớp, quá trình viêm cùng với sự tham gia của các enzym phân hủy protein (proteinase).
Khớp cổ chân là một khớp nối giữa cẳng chân và bàn chân, khớp có vai trò quan trọng trong quá trình vận động của cơ thể. Thoái hóa khớp cổ chân gây ra những triệu chứng như đau, sưng, cứng khớp, hạn chế vận động, gây nên những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy thoái hóa khớp cổ chân có triệu chứng thế nào? Những ai dễ bị thoái hóa sớm và khi có thoái hóa, nên xử lý thế nào. Các thông tin sau đây có thể giúp các bạn hiểu hơn về bệnh lý này.
Thoái hóa khớp cổ chân là gì?
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng các mô trong khớp cổ chân bị tổn thương, phá vỡ theo thời gian. Quá trình này có sự tham gia của các quá trình cơ học (vận động, chấn thương), quá trình viêm mạn tính. Bệnh lý này gây ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số và có xu hướng gia tăng theo tuổi. Rất hiếm khi ghi nhận trường hợp thoái hóa khớp ở những đối tượng dưới 40 tuổi.
Khớp cổ chân được cấu tạo nên từ 4 bộ phận là sụn, xương, bao hoạt dịch và mô mềm xung quanh. Mỗi bộ phận có những tổn thương khác nhau cũng như mức độ tổn thương khác nhau.
Sụn khớp: sụn khớp có vai trò chủ yếu trong việc cung cấp một bề mặt trơn tru, có độ ma sát thấp để các đầu khớp có thể chuyển động bình thường. Trong thành phần sụn khớp có các sợi collagen đan xen vào nhau tạo thành 1 mạng lưới, mạng lưới này giúp kiểm soát các proteoglycan trong sụn. Biến đổi ở bề mặt sụn khớp là biến đổi sớm nhất trong thoái hóa khớp. Ban đầu, lớp collagen bị lỏng lẻo, làm cho các proteoglycan hút nước và giãn nở, bề mặt sụn sẽ phù nề. Khi thoái hóa khớp tiến triển, mạng lưới collagen bị tổn thương nhiều lên, các cytokine tiền viêm được tiết ra, hoạt hóa các protease, các cytokine và protease này tạo thành vòng xoáy gây tổn thương mạng lưới collagen và phá hủy tế bào sụn.
Cấu trúc khớp cổ chân
Xương: ở người bệnh thoái hóa khớp, các đầu xương dưới sụn sẽ dày lên do tăng sản xuất collagen không được khoáng hóa đúng cách. Các gai xương xuất hiện, thường ở vị trí điểm bám của gân hoặc dây chằng. Khi thoái hóa khớp tiến triển hơn, có thể thấy hình thành các nang xương, tuy nhiên không thấy hiện tượng bào mòn xương. Điều này khác với các tổn thương khớp do nguyên nhân khác như viêm khớp dạng thấp hay gout.
Bao hoạt dịch: viêm bao hoạt dịch là một trong những biểu hiện thường thấy trong thoái hóa khớp. Ngoài ra phì đại màng hoạt dịch cũng được ghi nhận trong khá nhiều trường hợp. Viêm bao hoạt dịch góp phần gây nên triệu chứng đau của người bệnh. Tuy nhiên, khác với viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm bao hoạt dịch không phải yếu tố khởi phát trong thoái hóa khớp.
Mô mềm quanh khớp cổ chân: các mô mềm như dây chằng, bao khớp thường cũng bị ảnh hưởng của thoái hóa khớp. Các bao khớp dày lên, dây chằng bị tổn thương có thể dẫn đến đứt dù không có tiền sử chấn thương trước đó.
Lão hóa: như chúng ta đã biết, rất hiếm khi ghi nhận trường hợp thoái hóa khớp trước 40 tuổi, đồng khởi tỷ lệ mắc của bệnh lý này cũng gia tăng rõ rệt theo tuổi. Những thay đổi theo tuổi như giảm dần mạng lưới collagen trong khớp, sụn khớp mỏng đi theo tuổi…là các yếu tố thuận lợi để thoái hóa khớp xuất hiện.
Chấn thương khớp: thoái hóa khớp thường phát triển trên những chấn thương như rạch dây chằng, gãy xương thấu khớp hay các chấn thương gây bong sụn khớp, Ở khớp cổ chân, ¾ trường hợp thoái hóa khớp có liên quan đến tình trạng chấn thương trước đó. Tại sao chấn thương lại gây thoái hóa khớp? Các nghiên cứu cho thấy sau chấn thương, một loạt yếu tố viêm được tiết ra như interleukin, TNF alpha. Các chất này sẽ gây nên những vòng xoáy tổn thương tại khớp, đặc biệt là tại bề mặt sụn.
Béo phì: khi cân nặng của cơ thể bị dư thừa, áp lực lên các khớp sẽ tăng lên rõ rệt. Các khớp sẽ tăng sản xuất các cytokine tiền viêm và tế bào mỡ tiết ra adipokine như leptin. Các chất này tác động và thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp.
Di truyền: thường liên quan đến thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi, do biến đổi hiếm gặp ở collagen loại II, IX và XI. Đây là những collagen được tìm thấy trong sụn khớp. Vì loại collagen này được tìm thấy cả trong dịch kính, nên một số người bệnh cũng có cả triệu chứng về mắt.
Yếu tố giải phẫu: một số bất thường về giải phẫu chi dưới có thể làm gia tăng thoái hóa khớp. Những bất thường về giải phẫu sẽ kéo theo hoạt động khớp bị thay đổi làm tăng sản xuất các cytokine tiền viêm và enzyme phân giải protein.
Giới tính: thoái hóa khớp dường như có tỷ lệ cao hơn ở nữ giới, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh.
Các bệnh lý kèm theo khác: một số bệnh lý gây nên tổn thương tại khớp cổ chân như viêm khớp dạng thấp, Gout, bệnh lý máu khó đông…làm gia tăng xuất hiện thoái hóa khớp.
Có những loại thoái hóa khớp cổ chân nào?
thoái hóa khớp cổ chân được chia thành 2 nhóm:
Thoái hóa tiên phát: người bệnh không ghi nhận tiền sử chấn thương hay bệnh lý nào có thể gây tác động lên khớp. Loại thoái hóa này chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Thoái hóa khớp thứ phát: chiếm đa số các trường hợp. Bệnh lý xuất hiện sau chấn thương hoặc một bệnh lý toàn thân hay tại chỗ khác.
Đau: ở người bệnh có thoái hóa khớp sẽ có tình trạng đau kiểu cơ học, tức là triệu chứng đau tăng lên khi vận động khớp, giảm đi khi nghỉ ngơi. Đặc điểm nữa của triệu chứng đau do thoái hóa khớp đó là cảm giác đau thường tăng lên về chiều tối. Một số người bệnh có thể có triệu chứng thần kinh (dị cảm tại khớp) hoặc tổn thương mô mềm xung quanh. Triệu chứng đau thường diễn biến qua 3 giai đoạn, tuy nhiên diễn biến có thể không giống nhau ở tất cả người bệnh.
Giai đoạn 1: đau từng lúc, hầu như chưa có hạn chế vận động
Giai đoạn 2: cơn đau liên tục hơn, bắt đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Giai đoạn 3: đau liên tục, xen kẽ với những cơn đau dữ dội, hạn chế vận động nghiêm trọng.
Hạn chế vận động: người bệnh có hạn chế cả vận động chủ động và vận động thụ động tại khớp cổ chân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường liên quan đến gai xương cũng như tổn thương dày bao hoạt dịch của khớp. một số yếu tố như tràn dịch khớp cùng gây nên triệu chứng này.
Lục cục khớp: các khớp khi vận động có thể phát ra tiếng lục cục, thường hay liên quan đến tổn thương sụn khớp gây mất tình trạng láng mịn cũng như liên quan đến giảm tiết dịch khớp cổ chân khi có thoái hóa khớp.
Biến dạng khớp cổ chân: là triệu chứng của giai đoạn muộn của thoái hóa khớp. Thường phối hợp với triệu chứng teo cơ vùng quanh khớp.
Hình ảnh cổ chân biến dạng ở người bệnh thoái hóa khớp.
Cứng khớp: tình trạng cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, khi khớp cổ chân không hoạt động trong một khoảng thời gian. Cứng khớp đa số ít hơn 30 phút, giảm và mất đi sau vận động.
Teo cơ: các cơ quanh khớp teo dần ở giai đoạn muộn của thoái hóa khớp.
Các xét nghiệm máu không có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán thoái hóa khớp, chủ yếu để phân biệt trong trường hợp nghi ngờ đau khớp do nguyên nhân khác hoặc để phối hợp chẩn đoán thoái hóa khớp thứ phát. Một số xét nghiệm có thể làm như bilan viêm, xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, vảy nến…
X- quang khớp thường quy: là phương tiện thông dụng nhất để chẩn đoán thoái hóa khớp cổ chân. X- quang khớp cổ chân thường quy cho phép đánh giá hầu hết các tổn thương đặc trưng của thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, gai xương hay đặc xương dưới sụn. Tuy nhiên, trong giai đoạn sớm của thoái hóa khớp cổ chân, X-quang có thể kém nhạy cảm và mức độ tổn thương phát hiện trên X-quang có thể không tương xứng với triệu chứng bệnh. Có nhiều thang điểm để đánh giá mức độ thoái hóa khớp trên phim X-quang, tuy nhiên phân độ theo Kellgren và Lawrence được sử dụng rộng rãi nhất. Theo cách phân độ này, thoái hóa khớp chia thành 5 độ, từ độ 0 đến độ 4.
Độ 0: X-quang khớp bình thường
Độ 1: nghi ngờ có hẹp khe khớp, có thể có gai xương
Độ 2: Có gai xương, có thể có hẹp khe khớp nhẹ kèm theo
Độ 3: Gai xương vừa phải, hẹp khe khớp rõ, có thể có biến dạng đầu xương
Độ 4: gai xương lớn, hẹp khe khớp nhiều, đặc xương dưới sụn, biến dạng đầu xương rõ rệt.
Siêu âm: giúp phát hiện các tổn thương nhu tràn dịch khớp, dày bao hoạt dịch khớp. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của siêu âm là phụ thuộc nhiều vào người thực hiện và không đánh giá được các cấu trúc sâu.
Đối với khớp cổ chân, điều trị gồm hai phần: điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
Các bước điều trị thoái hóa khớp cổ chân
Tài liệu tham khảo:
PGS. TS Nguyễn Đình Khoa, Cập nhật chẩn đoán và điều trị Thoái hóa khớp 2019.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!