Từ điển bệnh lý
Thoái hóa khớp háng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng là một trong những thoái hóa khớp phổ biến nhất, chỉ sau khớp gối. Nó gây tổn thương tất cả các thành phần của khớp, bao gồm sụn khớp, xương dưới sụn, màng hoạt dịch, dây chằng, cơ...
Thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng gây ra tình trạng đau, hạn chế vận động gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nó có tác động rất lớn đến nền kinh tế, với tỷ lệ nghỉ việc và nghỉ hưu sớm vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội. Người ta ước tính rằng hơn 1 triệu tổng số ca thay khớp háng được thực hiện trên toàn thế giới mỗi năm, mà phần lớn là do thoái hóa khớp.
Nguyên nhân Thoái hóa khớp háng
Nguyên nhân của thoái hóa khớp háng nguyên phát chưa rõ ràng. Một số nguy cơ của thoái hóa khớp háng là:
a. Yếu tố nguy cơ tại khớp
- Hình thái khớp
Các tình trạng như loạn sản khớp và các rối loạn phát triển khác dẫn đến bất thường cấu trúc khớp được cho là đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thoái hóa khớp háng sau này trong cuộc đời. Những thay đổi nhẹ về loạn sản thường có thể không được chú ý và dẫn đến bệnh thoái hóa khớp. Các rối loạn hình thái khớp làm quá trình vận động tại khớp mâu thuẫn với nhau gây tổn thương tại chỗ.
- Cơ quanh khớp
Các cơ xung quanh khớp có tác dụng giảm sốc khi khớp có những vẫn động quá tầm, đặc biệt các cơ lớp sâu. Khi các cơ bị tổn thương hoặc yếu cơ, co cứng cơ, teo cơ dẫn đến những vận động sai cho khớp háng, dễ gây tình trạng xung đột khớp, dẫn đến thoái hóa khớp.
- Chấn thương khớp.
Khi chấn thương dẫn đến mất cấu trúc khớp cũng như rách hoặc đứt các phần mềm xung quanh. Nếu những tổn thương này không được sửa chữa nhanh chóng sẽ khiến khớp tổn thương tăng dần.
b. Yếu tố nguy cơ toàn thân
- Tuổi tác
Cùng với sự tăng dần của tuổi tác là tình trạng thoái hóa của các tế bào. Khớp háng cũng như thế. Các tế bào sụn sau những tác động lâu dài dần dần sẽ tăng quá trình hủy sụn, giảm quá trình sản xuất sụn dẫn đến thoái hóa. Tuy nhiên, thực tế là sự lão hóa của các mô khớp và sự phát triển của bệnh thoái khớp là hai quá trình độc lập. Nó có liên quan song không phải mối quan hệ nhân quả hoàn toàn.
- Giới tính
Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp háng cao hơn ở nam giới dưới 50 tuổi, trong khi sau 50 tuổi, nữ giới lại bị thoái hóa khớp nhiều hơn. Tình trạng này có thể được giải thích do những thay đổi sau mãn kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy estrogen có tác dụng bảo vệ khớp.
Phụ nữ sau 50 tuổi bị thoái hóa khớp nhiều hơn nam giới
- Béo phì
Trọng lượng cơ thể dư thừa là một yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp không chỉ ở các khớp chịu trọng lượng mà còn ở bàn tay. Cân nặng quá mức làm tăng tải trọng lên khớp, bên cạnh đó, tình trạng béo phì gây tiết các hormone làm tăng quá trình dị hóa các thành phần khớp.
- Di truyền
Một số nghiên cứu cho thấy rằng di truyền có một vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh nguyên của thoái hóa khớp háng. Trên những cặp đôi song sinh, có 60% cùng thoái hóa khớp. Có một số gen đã được xác định có liên quan đến thoái hóa khớp háng. Người mang các gen này làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa. Phần lớn đây là gen liên quan đến sự phát triển của khớp hoạt dịch.
- Nghề nghiệp
Một số công việc liên quan đến công việc chân tay nặng nhọc và các hoạt động thể thao có tác động mạnh và liên quan đến thoái hóa khớp háng. Các căng thẳng lặp đi lặp lại và quá tải cơ sinh học, đặc biệt là khi có bất thường giải phẫu khớp háng đã có từ trước, là những nguyên nhân có thể xảy ra. Người nông dân đặc biệt dễ bị viêm khớp háng do những công việc nặng nhọc họ phải làm.
Cơ chế bệnh sinh
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương ở tất cả các thành phần của khớp, đặc biệt là sụn khớp.
Những thay đổi quan sát được trong thoái hóa khớp được cho là kết quả của một mạng lưới phức tạp của các yếu tố sinh hóa. Các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài và cả môi trường bên trong cơ thể khiến các tế bào sụn giải phóng các enzyme tiêu protein, làm phá vỡ các cấu trúc của những phân tử lớn. Trong khi đó những phân tử lớn bị phá vỡ lại chính là những phân tử tạo nhất nhờn và bảo vệ khớp. Các tễ bào hoạt dịch tiết các cytokine gây ra tình trạng viêm nội khớp. Sụn dần dần bị tổn thương, hàm lượng nước trong sụn tăng lên, mạng lưới collagen bị phá vỡ. Những tế bào tạo khớp lúc này không còn đủ khả năng sửa chữa hoàn toàn các tổn thương này. Dần dần, theo thời gian, các tổn thương tích tụ tăng dần ở tất cả các thành phần, người bệnh có biểu hiện lâm sàng đau, hạn chế vận động và trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ, X-quang, cắt lớp vi tính, hình ảnh thoái hóa khớp được biểu hiện.
Triệu chứng Thoái hóa khớp háng
1. Lâm sàng
Triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp háng là đau quanh khớp háng. Cơn đau có thể phát triển chậm và trầm trọng hơn theo thời gian hoặc có thể khởi phát đột ngột. Đau và cứng khớp có thể phát triển vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi, nghỉ ngơi. Vận động nhẹ nhàng, giãn cơ thường giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp. Những triệu chứng này tiến triển từng đợt. Nếu không được điều trị hợp lý, những đợt tiến triển này tăng dần, cơn đau thường xuyên hơn, có thể đau cả về đêm làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Các triệu chứng người bệnh có thể tự nhận biết mình có khả năng bị thoái hóa khớp háng, bao gồm:
- Đau và cứng khớp nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi, nghỉ ngơi. Thường chỉ vài phút, tối đa 30 phút.
- Đau ở háng hoặc đùi lan ra mông hoặc xuống đầu gối
- Đau tăng khi hoạt động mạnh
- Cứng khớp háng gây khó khăn khi đi lại hoặc cúi gập người
- Cảm giác khớp háng chuyển động không nhịp nhàng, tiếng lục cục khi vận động khớp.
- Giảm phạm vi chuyển động ở khớp háng dẫn đến đi lại khó khăn, dáng đi khập khiễng.
Triệu chứng thoái hóa khớp háng.
2. Cận lâm sàng
a. Xét nghiệm
Xét nghiệm máu trong thoái hóa khớp háng hoàn toàn bình thường. Cũng giống như các thoái hóa khớp khác, xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán phân biệt và tìm những bệnh lý phối hợp liên quan đến điều trị thoái hóa khớp.
b. Chẩn đoán hình ảnh
- X-quang
X-quang là phương pháp đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp để đánh giá thoái hóa khớp. Giống thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng có thể được phân loại trên Xquang dựa vào tiêu chuẩn của Kellgren và Lawrence.
- Giai đoạn 1: Đặc xương dưới sụn
- Giai đoạn 2: Hẹp nhẹ khe khớp, gai xương nhỏ, bề mặt khớp không đều
- Giai đoạn 3: Hẹp nhiều khe khớp, gai xương lớn, bề mặt khớp không đều
- Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp nhiều, dính khớp, biến dạng các đầu xương.
Hình ảnh X-quang thoái hóa khớp háng. A. Hẹp khe khớp (vùng đánh dấu bằng gạch kẻ trắng) B. Bờ khớp không đều (mũi tên dày hơn) kèm theo gai xương (mũi tên mỏng hơn). C. Thoái hóa khớp giai đoạn cuối với biến dạng chỏm xương đùi (hình sao) và khuyết xương (hình tròn).
- Cắt lớp vi tính
Cắt lớp vi tính giúp phát hiện tổn thương khớp háng sớm hơn Xquang. Bên cạnh đó, nó giúp chẩn đoán thoái hóa khớp với các bệnh lý khác.
- Cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ là phương pháp nhạy nhất để đánh giá khớp háng. Nó giúp đánh giá sụn, xương dưới sụn, dây chằng, cơ,... Cộng hưởng từ nên được chỉ định trong các trường hợp không phân biệt được thoái hóa khớp háng với các bệnh lý khác hoặc cần thêm thông tin cho quá trình phẫu thuật. Do chi phí chụp cộng hưởng từ cao nên hiện chưa phổ biến trong chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp
- Siêu âm khớp
Siêu âm khớp giúp đánh giá lượng dịch khớp trong những giai đoạn thoái hóa khớp tiến triển. Bên cạnh đó, siêu âm có thể thấy hình ảnh gai xương thoái hóa, các dấu hiệu để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, đặc biệt bệnh lý khớp viêm.
Các biến chứng Thoái hóa khớp háng
Khớp háng là một trong những khớp chịu trọng tải chính cho cơ thể và cũng là khớp quyết định khả năng đi lại cho người bệnh. Thoái hóa khớp háng không gây tử vong song kéo theo rất nhiều vấn đề khác. Nó làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động và kinh tế cũng như nguy cơ tàn tật.
Đối tượng nguy cơ Thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng thường ảnh hưởng đến người cao tuổi, song tình trạng này đã xuất hiện từ 30 tuổi trở đi ở một số người và ngày càng có xu hướng trẻ hóa hơn. Ước tính có tới 6% người lớn có triệu chứng thoái hóa khớp gối và khoảng 3% có triệu chứng thoái hóa khớp háng ở những người >30 tuổi.
Phòng ngừa Thoái hóa khớp háng
- Duy trì cân nặng ổn định
- Tập thể dục phù hợp
- Tránh chấn thương
Các biện pháp chẩn đoán Thoái hóa khớp háng
Năm 1991, ACR đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp háng. Tiêu chuẩn dựa vào lâm sàng có hoặc không có Xquang.
Tiêu chí lâm sàng A |
Tiêu chí lâm sàng B |
Tiêu chí lâm sàng cộng với X quang |
---|---|---|
Đau khớp háng; VÀ Xoay trong <15 °; VÀ Tốc độ máu lắng ≤45 mm / h hoặc gấp khớp háng ≤115 ° nếu không có xét nghiệm tốc độ máu lắng |
Đau khớp háng; VÀ Đau khi xoay trong; VÀ Cứng khớp buổi sáng ≤60 phút; VÀ Trên 50 tuổi |
Đau khớp háng; VÀ bất kỳ 2 trong các tiêu chuẩn sau: - ESR <20 mm / h Hình ảnh gai xương trên Xquang Hẹp khe khớp trên Xquang |
Chẩn đoán phân biệt
- Hoại tử vô mạch
- Bệnh Paget
- Viêm khớp dạng thấp
- Giả viêm đa khớp gốc chi
- Viêm phần mềm quanh khớp háng
Các biện pháp điều trị Thoái hóa khớp háng
a. Điều trị không dùng thuốc
- Tập thể dục
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, ít tải trọng lên khớp kháng giúp cải thiện vận động và giảm đau cho người bệnh. Nên tập vận động khớp háng dưới nước, tập kéo giãn cơ vùng hông. Các hoạt động cần hạn chế khi thoái hóa khớp háng bao gồm: chơi golf, chạy bộ. Thay vào đó nên đi xe đạp, yoga nhẹ nhàng, bơi lội.
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, ít tải trọng lên khớp kháng
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị chính trong thoái hóa khớp háng ở giai đoạn đầu và nhẹ, nhằm mục đích tăng cường cơ vùng hông và duy trì khả năng vận động của khớp. Vật lý trị liệu được cung cấp trong giai đoạn sau của thoái hóa khớp háng có thể mang lại ít hoặc không có lợi ích.
- Giảm cân
Tăng 10 pound có thể tạo thêm 60 pound áp lực lên khớp háng trong mỗi bước đi. Giảm cân giúp giảm lực ép lên khớp có thể làm chậm quá trình mất sụn.
- Điện xung
Điện xung là phương pháp điều trị hỗ trợ giúp giảm đau cho người bệnh.
- Điều trị bằng nhiệt
Trong giai đoạn cấp tính, người bệnh có sưng và đau nhiều, cần áp lạnh để giảm sưng và giảm đau, chậm tuần hoàn. Ở giai đoạn mạn tính, chườm ấm làm tăng lưu thông máu, giãn cơ, giảm cứng khớp. Đôi khi người bệnh cần được áp dụng luân phiên cả 2 phương pháp để tìm được phương pháp phù hợp nhất.
- Giày và nẹp phù hợp / Hỗ trợ chung
Bệnh nhân nên được giáo dục về giày dép thích hợp có đặc tính giảm sốc để giảm thoái hóa khớp chi dưới. Các trường hợp thoái hóa khớp nặng, nên kết hợp thêm nạng để tránh dồn lực xuống khớp.
Châm cứu không được khuyến khích như một phương pháp điều trị thoái hóa khớp. Giáo dục bệnh nhân có thể giúp kết hợp nhiều cách tiếp cận vào điều trị thoái khớp háng và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
b. Điều trị thuốc
- Acetaminophen và Thuốc chống viêm không steroid
Acetaminophen (paracetamol) thường được khuyên dùng như một loại thuốc đầu tay cho bệnh thoái hóa khớp để giảm đau. Tuy nhiên, thời gian tác dụng của acetaminophen ngắn (4-6 tiếng) nên người bệnh thường phải dùng lặp lại trong ngày. Trong khi đó, các loại chống viêm không steroid khác có thời gian tác dụng kéo dài hơn, số lần sử dụng thuốc ít hơn nên hay được ưu tiên lựa chọn trên lâm sàng. Thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ là một phương pháp hỗ trợ tốt cho thoái hóa khớp nói chung. Song khớp háng là khớp nằm sâu nên thuốc bôi khó tác động hơn. Khi dùng acetaminophen cũng như các loại chống viêm không steroid khác cần cân nhắc giữa hiệu quả của thuốc và các tác động không mong muốn để lựa chọn thuốc hợp lý, đặc biệt ở những người cao tuổi.
- Tiêm nội khớp
Thuốc corticosteroid; axit hyaluronic; và, tương đối gần đây, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, là phương pháp phổ biến để điều trị đau liên quan đến thoái hóa khớp háng. Corticosteroid giúp giảm đau trong thời gian ngắn, và các hướng dẫn khuyến cáo sử dụng chúng như một chất bổ trợ cho các phương thức điều trị không phẫu thuật khác.
- Thuốc chống thoái hóa
Các thuốc chống thoái hóa như glucosamine sulfate, diacerein, tinh chất không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành,... có hiệu quả giảm tiến triển thoái hóa khớp, giảm các triệu chứng lâm sàng và cải thiện tầm vận động khớp, song cần dùng kéo dài.
c. Phẫu thuật
Phẫu thuật khớp háng trong thoái hóa khớp bao gồm: chỉnh trục khớp trong những trường hợp lệch trục, thay khớp háng toàn phần/bán phần trong thoái hóa khớp nặng, hoặc nội soi làm sạch ổ khớp, giảm tiến triển thoái hóa.
Sau phẫu thuật người bệnh cần được chăm sóc, tập phục hồi chức năng hợp lý.
- Andrianakos AA, Kontelis LK, Karamitsos DG, et al. ESORDIG Study Group. Prevalence of symptomatic knee, hand, and hip osteoarthritis in Greece. The ESORDIG study. J Rheumatol. 2006 Dec;33(12):2507–13.
- Johnson VL, Hunter DJ. The epidemiology of osteoarthritis. Best Pract Res Clin Rheumatol. 2014 Feb;28(1):5–15
- Altman R, Alarcon G, Appelrouth D, et al. The American College of Rheumatology criteria for the classification and reporting of osteoarthritis of the hip. Arthritis Rheum. 1991;34(5):505–514.
- Zhang W, Doherty M, Arden N, et al. EULAR Standing Committee for International Clinical Studies Including Therapeutics (ESCISIT) EULAR evidence based recommendations for the management of hip osteoarthritis: Report of a task force of the EULAR Standing Committee for International Clinical Studies Including Therapeutics (ESCISIT) Ann Rheum Dis. 2005 May;64(5):669–81.
- Bartels E, Juhl C, Christensen R, Hagen K, Danneskiold-Samsøe B, Dagfinrud H, Lund H. Aquatic exercise for the treatment of knee and hip osteoarthritis. 2016 Mar 23;3:CD005523.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!