Từ điển bệnh lý

Thoát vị bẹn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 11-04-2025

Tổng quan Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn (inguinal hernia) là tình trạng một phần ruột hoặc mô mỡ trong bụng chui ra ngoài thông qua một điểm yếu ở vùng bẹn, tạo thành một khối phồng có thể nhìn thấy hoặc sờ được. Hiện tượng này xảy ra khi thành bụng không đủ chắc để giữ các cơ quan bên trong đúng vị trí.

Thoát vị bẹn có hai loại. Thoát vị bẹn gián tiếp, thường gặp nhất, xuất hiện từ khi sinh do một lỗ nhỏ chưa đóng kín trong thành bụng, khiến ruột dễ chui qua. Thoát vị bẹn trực tiếp xảy ra khi cơ vùng bụng bị yếu dần theo thời gian, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người hay mang vác nặng.

Tình trạng này có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở nam giới. Người bệnh có thể cảm thấy đau tức hoặc khó chịu ở vùng bẹn, nhất là khi ho, đứng lâu hoặc vận động mạnh. Nếu khối thoát vị bị kẹt và không đẩy trở lại vào bụng được, có thể gây nghẹt ruột, rất nguy hiểm và cần phẫu thuật ngay. Nếu không có thể gây tắc ruột hoặc hoại tử, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Thoát vị bẹn có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở nam giới

Thoát vị bẹn có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở nam giới



Nguyên nhân Thoát vị bẹn

Nguyên nhân của thoát vị bẹn có thể chia thành hai nhóm chính: nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải.

Nguyên nhân bẩm sinh: 

Do ống phúc tinh mạc không đóng kín: Trong giai đoạn phát triển bào thai, ống phúc tinh mạc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tinh hoàn di chuyển từ ổ bụng xuống bìu ở bé trai. Sau khi hoàn thành quá trình này, ống phúc tinh mạc thường đóng lại để ngăn chặn các cơ quan trong ổ bụng đi xuống vùng bẹn. Nếu ống phúc tinh mạc không đóng kín hoàn toàn hoặc chỉ đóng một phần, nó sẽ tạo thành một đường thông từ ổ bụng xuống vùng bẹn, tạo điều kiện cho các tạng như ruột hoặc mạc nối lớn chui qua, gây thoát vị bẹn gián tiếp. Đây là dạng thoát vị bẹn phổ biến nhất ở trẻ em. Ở nữ giới, nếu tồn tại dị tật tương tự, dây chằng tròn có thể đi qua ống bẹn, làm tăng nguy cơ thoát vị.

Tác động của yếu tố di truyền:Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thoát vị bẹn có thể có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người từng bị thoát vị bẹn, nguy cơ mắc bệnh ở thế hệ sau có thể cao hơn.

Nguyên nhân mắc phải

Suy yếu cơ thành bụng do lão hóa: Khi tuổi tác tăng lên, các cơ và mô liên kết trong thành bụng dần suy yếu, làm mất đi sự bền vững của cấu trúc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tạng trong ổ bụng chui ra ngoài. Điều này đặc biệt phổ biến ở nam giới lớn tuổi, do cấu trúc giải phẫu của ống bẹn vốn đã là một điểm yếu tự nhiên.

Tăng áp lực trong ổ bụng: Những yếu tố làm tăng áp lực trong ổ bụng có thể khiến thành bụng bị đẩy ra ngoài qua những điểm yếu, gây thoát vị bẹn.

+ Mang vác vật nặng thường xuyên: Người lao động chân tay, vận động viên cử tạ có nguy cơ cao do thường xuyên nâng vật nặng, làm tăng áp lực lên thành bụng.

+ Ho mãn tính: Bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp mạn tính như viêm phế quản, COPD có thể bị ho kéo dài, làm gia tăng áp lực lên vùng bụng dưới.

+ Táo bón kéo dài: Việc rặn mạnh khi đi đại tiện làm gia tăng áp lực nội ổ bụng, khiến thành bụng bị đẩy ra ngoài qua các điểm yếu.

+ Béo phì: Trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực lên thành bụng, làm suy yếu cấu trúc mô liên kết và tăng nguy cơ thoát vị.

+ Mang thai: Thai kỳ làm giãn cơ thành bụng và tăng áp lực ổ bụng, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba.

Tiền sử phẫu thuật vùng bụng: Một số loại phẫu thuật như mổ lấy thai, phẫu thuật ruột thừa, hoặc các phẫu thuật vùng bẹn, đặc biệt là ở vùng bụng dưới có thể làm suy yếu cơ và mô liên kết, tạo ra điểm yếu trên thành bụng, từ đó làm tăng nguy cơ thoát vị.

Suy yếu cơ thành bụng gây nên tình trạng thoát vị bẹn

Suy yếu cơ thành bụng gây nên tình trạng thoát vị bẹn



Phòng ngừa Thoát vị bẹn

Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì làm gia tăng áp lực lên thành bụng, đặc biệt khi ho, rặn mạnh hoặc vận động nặng, từ đó dẫn đến thoát vị. Duy trì cân nặng ổn định bằng chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ của bệnh. 

Vận động khoa học: Tập thể dục đúng cách giúp tăng cường cơ bụng và hạn chế nguy cơ thoát vị bẹn. Khi nâng vật nặng, cần thực hiện đúng tư thế bằng cách gập gối và giữ lưng thẳng, không nên nín thở và rặn mạnh vì điều này có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng. Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh nhóm cơ trọng tâm như plank, gập nhẹ nhàng và bài tập cơ sàn chậu có thể hỗ trợ nâng đỡ thành bụng. Cần tránh các động tác gây áp lực cao như nâng tạ nặng hoặc squat sai tư thế.

Tránh táo bón kéo dài: Táo bón làm người bệnh phải rặn mạnh khi đại tiện, từ đó làm tăng áp lực ổ bụng và gây thoát vị bẹn. Để phòng ngừa táo bón, cần bổ sung đầy đủ chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám và uống đủ nước hàng ngày. Ngoài ra, việc tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ và tránh nhịn đại tiện giúp duy trì nhu động ruột khỏe mạnh, giảm áp lực không cần thiết lên vùng bụng dưới.

Điều trị các bệnh lý nền: Một số bệnh lý mạn tính có thể làm tăng áp lực ổ bụng dẫn đến thoát vị bẹn. Các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn có thể khiến người bệnh ho kéo dài, làm thành bụng suy yếu theo thời gian. Do đó, việc kiểm soát tốt các bệnh lý này giúp giảm nguy cơ thoát vị.

Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm suy yếu mô liên kết, giảm độ bền chắc của cơ bụng. Ngoài ra, thuốc lá còn là nguyên nhân gây ho mãn tính, làm gia tăng áp lực ổ bụng kéo dài. Việc bỏ thuốc lá không chỉ giúp giảm nguy cơ thoát vị bẹn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Tập thể dục đúng cách giúp tăng cường cơ bụng và hạn chế nguy cơ thoát vị bẹn

Tập thể dục đúng cách giúp tăng cường cơ bụng và hạn chế nguy cơ thoát vị bẹn




Các biện pháp chẩn đoán Thoát vị bẹn

Chẩn đoán thoát vị bẹn chủ yếu dựa vào hỏi bệnh, khám lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng nhằm xác định tình trạng, mức độ nghiêm trọng cũng như loại thoát vị.

Khám lâm sàng

Xác định yếu tố nguy cơ: 

+ Bệnh nhân có từng bị thoát vị bẹn trước đây.

+ Tiền sử phẫu thuật vùng ổ bụng hoặc vùng bẹn.

+ Nghề nghiệp và lối sống có liên quan đến các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng như lao động nặng, chơi thể thao cường độ cao.

+ Bệnh lý mạn tính như ho kéo dài, táo bón.

+ Béo phì

+ Tiền sử gia đình có người mắc thoát vị bẹn.

Triệu chứng cơ năng: 

+ Khối phồng vùng bẹn: Xuất hiện rõ hơn khi đứng, ho, rặn mạnh và có thể biến mất khi nằm nghỉ.

+ Cảm giác đau tức hoặc khó chịu: Mức độ đau có thể từ nhẹ đến trung bình, thường tăng lên khi vận động nhiều. Một số trường hợp có thể có cảm giác kéo căng, nóng rát tại vùng thoát vị.

+ Bìu mất cân xứng hai bên: Ở nam giới, thoát vị có thể kéo dài xuống bìu, gây mất cân đối hai bên bìu.

Các triệu chứng cảnh báo biến chứng thoát vị nghẹt:

+ Đau dữ dội, liên tục, không giảm khi nghỉ ngơi.

+ Khối thoát vị căng cứng, không thể đẩy vào ổ bụng.

+ Buồn nôn, nôn, chướng bụng, bí trung đại tiện (dấu hiệu của tắc ruột).

Khám thực thể: Mục tiêu của thăm khám là xác định sự hiện diện của thoát vị, phân loại và đánh giá mức độ nguy hiểm của nó.

+ Quan sát khối thoát vị: Quan sát ở trạng thái tự nhiên, không gắng sức và yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng và ho mạnh. Nếu xuất hiện khối phồng vùng bẹn, nhiều khả năng có thoát vị. Nếu khi bệnh nhân nằm khối thoát vị tự biến mất, có thể đây là thoát vị có thể đẩy lên được.

+ Sờ nắn vùng bẹn: Đánh giá kích thước khối thoát vị, độ mềm và khả năng đẩy vào ổ bụng. Bác sĩ sờ lỗ bẹn nông và lỗ bẹn sâu, đặt ngón tay vào lỗ bẹn nông và yêu cầu bệnh nhân ho. Nếu cảm giác đẩy lên mạnh tại lỗ bẹn sâu, có thể là thoát vị gián tiếp, đẩy lên tại vùng tam giác Hesselbach, có thể là thoát vị trực tiếp.

+ Nghiệm pháp Valsalva: Yêu cầu bệnh nhân rặn mạnh hoặc ho để làm khối thoát vị phồng lên rõ hơn.

Cận lâm sàng: Cận lâm sàng được chỉ định trong các trường hợp thoát vị nhỏ, khó phát hiện trên lâm sàng, cần chẩn đoán phân biệt hoặc nghi ngờ biến chứng.

Siêu âm vùng bẹn: giúp đánh giá kích thước, thành phần bên trong khối thoát vị như ruột hay mạc nối lớn. Mặt khác, siêu âm giúp phân biệt thoát vị với các bệnh lý khác như hạch viêm, u mỡ hay giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Chụp MRI (Cộng hưởng từ): có độ nhạy cao trong phát hiện thoát vị nhỏ hoặc thoát vị tái phát. Đặc biệt hữu ích với thoát vị thể ẩn, khi các triệu chứng không rõ ràng trên lâm sàng.

Chụp CT-Scan: thường được chỉ định khi nghi ngờ thoát vị nghẹt hoặc có biến chứng tắc ruột. Giúp đánh giá mức độ tổn thương cũng như mối liên quan của khối thoát vị với các cơ quan xung quanh.

Đau bụng dữ dội vùng hạ vị có thể là triệu chứng của thoát vị bẹn

Đau bụng dữ dội vùng hạ vị có thể là triệu chứng của thoát vị bẹn



Các biện pháp điều trị Thoát vị bẹn

Điều trị thoát vị bẹn nhằm mục đích đưa các tạng bị thoát vị trở lại vị trí ban đầu, củng cố thành bụng và ngăn ngừa biến chứng. Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể được theo dõi mà chưa cần can thiệp ngay.

 Điều trị bảo tồn (theo dõi không phẫu thuật)

Trong những trường hợp thoát vị bẹn nhỏ, không gây triệu chứng hoặc gây triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể được theo dõi thay vì phẫu thuật ngay lập tức. Phương pháp này áp dụng chủ yếu cho những người lớn tuổi, có bệnh lý nền nặng, không đủ điều kiện để phẫu thuật.

Bệnh nhân cần hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng như mang vác nặng, ho kéo dài, tránh táo bón. Một số người có thể sử dụng đai thoát vị để hỗ trợ giữ khối thoát vị trong ổ bụng. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài vì không điều trị được nguyên nhân gốc rễ của bệnh và có thể làm tăng nguy cơ thoát vị nghẹt. Do vậy, bệnh nhân cần tái khám định kỳ hoặc khám ngay khi có triệu chứng.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để cho thoát vị bẹn. Có hai kỹ thuật chính là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ thực hiện đường rạch tại vùng bẹn, đưa tạng thoát vị trở lại ổ bụng và củng cố thành bụng bằng cách khâu mô tự thân hoặc đặt lưới nhân tạo. Phương pháp này phổ biến và có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, nhưng thời gian hồi phục thường lâu hơn so với phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật nội soi là phương pháp ít xâm lấn hơn, giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn và ít đau hơn sau mổ. Có hai kỹ thuật nội soi phổ biến là TAPP (Transabdominal Preperitoneal Repair) và TEP (Totally Extraperitoneal Repair). Phẫu thuật nội soi thường được ưu tiên ở những bệnh nhân có thoát vị hai bên. 

Trên đây là các thông tin cần thiết về thoát vị bẹn. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Burcharth, J., Pedersen, M., Bisgaard, T., Pedersen, C., & Rosenberg, J. (2013). The inheritance of groin hernia: a systematic review. Hernia, 17(2), 183-189. 

Burcharth, J., Pedersen, M. S., Bisgaard, T., Pedersen, C., & Rosenberg, J. (2015). Nationwide prevalence of groin hernia repair. PLOS ONE, 10(1), e0116887. 

Kingsnorth, A., & LeBlanc, K. (2021). Inguinal hernia: Pathophysiology and management. The Lancet, 398(10297), 1561-1571. 

Jenkins, J. T., & O'Dwyer, P. J. (2022). Inguinal hernias: Advances in surgical repair. BMJ, 376, e063946. 

Zendejas, B., Ramirez, T., Jones, T., & Kuchena, A. (2023). Etiology of inguinal hernias: An updated review. Journal of Gastrointestinal Surgery, 27(4), 1789-1802. 


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ