Từ điển bệnh lý

Thoát vị đĩa đệm : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Thoát vị đĩa đệm

Cấu tạo và chức năng của đĩa đệm

Trước khi tìm hiểu về thoát vị đĩa đệm, chúng ta cần hiểu rõ về cấu tạo và chức năng của đĩa đệm. Đĩa đệm là những lớp đệm sụn nằm giữa các thân đốt sống từ cổ xuống đến hết thắt lưng, chúng có cấu tạo gồm:

  • Vòng sợi ngoài: Một lớp bao bọc bên ngoài, có chức năng bảo vệ phần nhân bên trong.
  • Nhân nhầy: Phần bên trong đĩa đệm, có tính đàn hồi cao, giúp hấp thụ lực và tạo sự linh hoạt cho cột sống.

Đĩa đệm là phần nằm giữa các thân đốt sống (màu đỏ)

Đĩa đệm là phần nằm giữa các thân đốt sống (màu đỏ)

Nhờ cấu tạo như vậy, đĩa đệm có vai trò vô cùng quan trọng như:

  • Hấp thụ lực: Giảm thiểu lực tác động lên cột sống khi chúng ta vận động.
  • Tạo sự linh hoạt: Giúp cột sống cử động dễ dàng.
  • Bảo vệ tủy sống và dây thần kinh: Ngăn ngừa tổn thương cho các cấu trúc thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị đẩy ra ngoài vòng sợi, chèn ép vào các rễ thần kinh hoặc tủy sống, gây ra các triệu chứng đau nhức, tê bì tùy theo vị trí bị chèn ép.

Tùy theo vị trí đĩa đệm bị thoát vị, có thể chia thành

- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

- Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực.

- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Tùy theo sự chèn ép của phần thoát vị vào tủy sống, có thể chia thành

- Thoát vị thể trung tâm.

- Thoát vị thể cạnh trung tâm.

- Thoát vị trong lỗ tiếp hợp.

Tùy theo vị trí của phần thoát vị so với thân cột sống, có thể chia thành

- Thoát vị ra sau.

- Thoát vị ra trước.

- Thoát vị nội xốp.


Nguyên nhân Thoát vị đĩa đệm

Có rất nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:

  • Thoái hóa cột sống: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt ở người cao tuổi. Quá trình lão hóa làm cho lớp vòng xơ đĩa đệm mất dần độ đàn hồi, dễ bị rách bởi các gai xương dẫn đến nhân nhầy bên trong bị thoát vị ra ngoài.
  • Chấn thương: Các tác động vật lý mạnh vào cột sống làm cột sống bị sai tư thế hoặc chèn ép đột ngột có thể làm rách vòng xơ gây thoát vị nhân nhầy.
  • Lao động nặng: Những người làm công việc nặng nhọc, phải mang vác nhiều thường dễ bị thoát vị đĩa đệm.
  • Tư thế không đúng: Ngồi làm việc lâu, vận động hay lao động sai tư thế, cúi đầu nhiều cũng là những yếu tố nguy cơ.
  • Bẩm sinh: Một số người có cấu trúc cột sống bất thường từ khi sinh ra cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.
  • Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa yếu tố di truyền và nguy cơ mắc bệnh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm

  • Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn do quá trình thoái hóa tự nhiên của cột sống.
  • Giới tính: Nam giới thường dễ bị thoát vị đĩa đệm hơn nữ giới.
  • Béo phì: Cân nặng quá lớn gây áp lực lên cột sống.
  • Một số bệnh lý: Bệnh tiểu đường, viêm khớp, loãng xương...

Béo phì làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm

Béo phì làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm



Triệu chứng Thoát vị đĩa đệm

  • Đau nhức: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, đau có thể xuất hiện ở lưng, cổ, lan xuống chân hoặc tay. Đau có thể âm ỉ hoặc đột ngột, tăng lên khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Tê bì: Cảm giác tê bì tùy thuộc vào vị trí chèn ép
  • Yếu cơ: Cơ bắp yếu đi, khó vận động, lâu dần việc đau đớn giảm vận động có thể khiến người bệnh bị teo cơ
  • Rối loạn cảm giác: Mất cảm giác hoặc giảm cảm giác ở một số vùng cơ thể mà dây thần kinh bị chèn ép chi phối.
  • Rối loạn đại tiểu tiện: Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, có thể gây ra các rối loạn về đại tiểu tiện.

Triệu chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm là đau nhức, lan theo dây thần kinh

Triệu chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm là đau nhức, lan theo dây thần kinh



Phòng ngừa Thoát vị đĩa đệm

Việc phòng ngừa thoát vị đĩa đệm là rất quan trọng, đặc biệt là cho những người có nguy cơ cao. Dưới đây là một số phương pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường các bài tập thể dục có thể cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh của cơ bắp xung quanh cột sống. Các bài tập như yoga, bơi lội hoặc đi bộ giúp tăng cường sức khỏe chung và cột sống.
  • Giữ tư thế đúng: Khi ngồi, đứng hoặc nâng đồ vật, hãy chắc chắn giữ tư thế đúng. Sử dụng ghế hỗ trợ lưng hoặc đeo đai bảo vệ cột sống, tránh ngồi trong thời gian dài mà không thay đổi tư thế. Khi nâng đồ vật, hãy dùng chân thay vì lưng để tránh tạo áp lực lên cột sống.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân tạo thêm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Giữ cho cơ thể ở trọng lượng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống cân đối và tập luyện là điều cần thiết để phòng ngừa thoát vị.
  • Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể dẫn đến co cơ và tăng nguy cơ chấn thương. Tìm kiếm các phương pháp thư giãn như thiền, yoga hoặc các hoạt động giải trí để giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
  • Cải thiện dinh dưỡng: Một chế độ ăn giàu canxi, vitamin D và các axit béo omega-3 có thể hỗ trợ sức khỏe xương và đĩa đệm. Hãy đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đủ rau xanh, trái cây, hạt và cá mỗi ngày.

Những hiểu lầm phổ biến về thoát vị đĩa đệm

Khi nói về thoát vị đĩa đệm, có nhiều hiểu lầm mà mọi người thường mắc phải, ví dụ như:

  • Thoát vị đĩa đệm chỉ xảy ra ở người già: Mặc dù lão hóa là một yếu tố nguy cơ, thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thậm chí ở thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành trẻ tuổi do chấn thương hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
  • Tất cả các trường hợp đều cần phẫu thuật: Nhiều người tin rằng thoát vị đĩa đệm luôn cần phẫu thuật. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều có thể được điều trị hiệu quả bằng các biện pháp bảo tồn như vật lý trị liệu và dùng thuốc.
  • Đau là dấu hiệu duy nhất: Mặc dù đau là triệu chứng chính, thoát vị đĩa đệm cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như tê, ngứa hoặc yếu cơ, mà nhiều người có thể không chú ý.



Các biện pháp chẩn đoán Thoát vị đĩa đệm

Các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường rất đa dạng và không đặc hiệu, do đó để chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm, bác sĩ sẽ dựa vào nhiều thông tin.

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng của người bệnh, kết hợp với tiền sử bệnh lý trước đó của họ. Sau đó sẽ khám các triệu chứng thực thể, làm các nghiệm pháp để đánh giá tình trạng lâm sàng của người bệnh. Từ đó sẽ chỉ định bổ sung các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán
  • Chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính: Bác sĩ sẽ sử dụng tia X để chiếu qua vùng cơ thể nghi ngờ có thoát vị, từ đó ghi lại hình ảnh của cột sống. Từ đó phân tích các dấu hiệu gián tiếp gợi ý đến thoát vị đĩa đệm như gai xương thoái hóa cột sống, hẹp khe đĩa đệm, trượt đốt sống…Tuy nhiên, kĩ thuật này sử dụng tia X nên hạn chế dùng ở một số đối tượng như phụ nữ có thai và chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ.
  • MRI: Đây là phương pháp chính xác nhất để xác định vị trí và mức độ thoát vị đĩa đệm. Kĩ thuật này sử dụng sóng từ trường để dựng lại hình ảnh đĩa đệm cũng như tủy sống, từ đó xác định chính xác được số lượng đĩa đệm có thoát vị, vị trí thoát vị, mức độ chèn ép của thoát vị đĩa đệm vào tủy sống cũng như dây thần kinh. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cũng như lên kế hoạch điều trị và theo dõi tình trạng thoát vị đĩa đệm. Đặc biệt, kĩ thuật không sử dụng tia X nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên vì có từ trường nên hạn chế sử dụng khi người bệnh có các thiết bị điện tử - kim loại trong người như nẹp vít, máy tạo nhịp tim…
  • Điện cơ: Đánh giá chức năng của dây thần kinh bị chèn ép.



Các biện pháp điều trị Thoát vị đĩa đệm

  • Điều trị bảo tồn: Trong giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường khuyên nên điều trị bảo tồn bao gồm:

o Nghỉ ngơi: Hạn chế các hoạt động gây đau.

o Thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc chống viêm. Tuy nhiên việc sử dụng cần lưu ý tiền sử bệnh lý dạ dày, do đó luôn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

o Vật lý trị liệu: Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để giảm đau và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Đồng thời các bài tập kéo giãn cột sống có thể giúp các thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ trở về bình thường.

o Tiêm thẩm phân ngoài màng cứng: sử dụng kim để đưa vào tủy sống, sau đó tiêm thuốc chống viêm vào khoang ngoài màng cứng để làm giảm viêm của dây thần kinh. Đây là kĩ thuật khó, cần làm dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh (như máy CT, máy DSA) nên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.

Hình ảnh tiêm thẩm phân ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm tại bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Hình ảnh tiêm thẩm phân ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm tại bệnh viện đa khoa MEDLATEC

  • Phẫu thuật: Nếu các biện pháp bảo tồn không hiệu quả sau một thời gian dài, phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo có thể được xem xét.
  • Lối sống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng hợp lý, và tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường sức khỏe cột sống.

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là nhận thức rõ về các nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cột sống của bản thân. Với sự chú ý và chăm sóc đúng mực, bạn có thể tránh khỏi những tác hại mà thoát vị đĩa đệm mang lại.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến thoát vị đĩa đệm, hãy gọi ngay đến số hotline 1900 56 56 56 của MELATEC để được khám và tư vấn sớm nhất.



Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Nội khoa - NXB Y học
  2. Chẩn đoán hình ảnh cơ bản - NXB Giáo dục


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ