Từ điển bệnh lý

Thuyên tắc phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-12-2024

Tổng quan Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi hay còn gọi là nhồi máu phổi hay tắc mạch phổi, bệnh là tình trạng tắc đột ngột các nhánh động mạch của phổi, do các nguyên nhân như cục máu đông, cục mỡ… việc bít tắc đột ngột nhánh động mạch này sẽ làm cho một phần của phổi bị thiếu dinh dưỡng và bị tổn thương, đồng thời lượng máu đi qua phổi đi nuôi cơ thể sẽ bị giảm cung cấp oxy, gây ảnh hưởng cho toàn bộ các cơ quan - bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả những cơ quan quan trọng như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn… Đồng thời, việc bít tắc tại phổi dẫn đến làm tăng áp suất máu lên tim bên phải, khiến tim to lên và co bóp kém hơn, dẫn đến không thể bơm máu đi khắp cơ thể, càng làm nguy hiểm hơn tình trạng thiếu oxy trong cơ thể. Nếu không được cấp cứu kịp thời, việc bít tắc này có thể dẫn đến tình trạng sốc và đe dọa tính mạng của người bệnh.

Hình ảnh cục máu đông di chuyển qua tim đến động mạch phổi và gây bít tắc dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi

Hình ảnh cục máu đông di chuyển qua tim đến động mạch phổi và gây bít tắc dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi



Nguyên nhân Thuyên tắc phổi

Ngay trong phần trước chúng ta đã được biết, các cục máu đông, cục mỡ… có thể gây tắc đột ngột nhánh động mạch phổi. Tuy nhiên các cục máu đông, các cục mỡ này từ đâu mà đến?

Các cục máu đông - hay còn gọi là huyết khối, là các cục máu được hình thành do tiểu cầu kết tụ lại và di chuyển trong máu, các bệnh lý có thể hình thành cục máu đông như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, suy giãn tĩnh mạch mức độ nặng, rối loạn đông máu, bệnh tim mạch… Ban đầu, các cục máu đông hình ảnh ở các động mạch hoặc tĩnh mạch ngoại vi, như ở chân, tay… hay ở các mạch máu vùng chậu hoặc trong ổ bụng. Sau đó, chúng di chuyển theo dòng chảy về tim và được tim co bóp đẩy lên mạch máu ở phổi, tại đây chúng sẽ bít tắc và dẫn đến thuyên tắc phổi.

Không chỉ cục máu đông, các cục mỡ xuất hiện trong các chấn thương vùng đùi, chậu cũng có khả năng xâm nhập vào máu và đi đến gây bít tắc các nhánh động mạch phổi. Do đó, những bệnh nhân phẫu thuật hay có chấn thương, gãy xương luôn cần phòng ngừa bệnh lý này.



Triệu chứng Thuyên tắc phổi

Do tình trạng tắc mạch máu phổi đột ngột, dẫn đến các triệu chứng của thuyên tắc phổi cũng xuất hiện đột ngột. Triệu chứng thường gặp là đau ngực, đau dữ dội và tăng lên khi hít thở vào, kèm theo là khó thở, hoa mắt chóng mặt. Các triệu chứng khác có thể gặp là ho, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh. Đồng thời, các triệu chứng của bệnh lý đi kèm khác gợi ý nguyên nhân như phù nề chân hoặc tay kèm theo tím và nóng phần chi bị phù nề, đau nhức chân khi đi lại hoặc khi đứng, các tĩnh mạch nông ở chân nổi lên ngoằn ngoèo..

Các triệu chứng của bệnh thuyên tắc phổi thường giống với các triệu chứng của một số bệnh lý khác như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, choáng… nên dễ nhầm lẫn và có thể bị bỏ sót. Vì thế, người bệnh nếu thấy có các triệu chứng này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán chính xác, tránh bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.

Đau ngực đột ngột là triệu chứng thường gặp của bệnh thuyên tắc phổi. Ngoài ra có thể kèm khó thở, ho ra máu, vã mồ hôi…

Đau ngực đột ngột là triệu chứng thường gặp của bệnh thuyên tắc phổi. Ngoài ra có thể kèm khó thở, ho ra máu, vã mồ hôi…



Đối tượng nguy cơ Thuyên tắc phổi

Từ các nguyên nhân kể trên, chúng ta có thể liệt kê những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi như sau

  • Tuổi: những người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ
  • Tiền sử bệnh lý: người mắc các bệnh tim mạch, rối loạn động máu, suy giãn tĩnh mạch hay đã từng có huyết khối trong lòng mạch luôn có nguy cơ bị thuyên tắc phổi
  • Tiền sử phẫu thuật: sau các phẫu thuật như mổ kết hợp xương, mổ gãy xương… sẽ có nguy cơ nhồi máu phổi do các cục mỡ di chuyển vào trong máu và bít tắc tại phổi
  • Tiền sử gia đình: có một số bệnh lý di truyền gây rối loạn đông máu cũng làm tăng nguy cơ gây thuyên tắc mạch phổi
  • Các bệnh lý đi kèm: một số bệnh ung thư gây tình trạng tăng đông, có khả năng tạo ra cục máu đông như ung thư phổi, ung thư buồng trứng; hoặc các bệnh lý nội khoa khác như các bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thấp khớp…
  • Phụ nữ có thai và những tháng đầu sau sinh: do tử cung to chèn ép vào các mạch máu vùng bụng - chậu dẫn đến dòng máu chảy chậm, tăng nguy cơ đông máu
  • Sử dụng thuốc nội tiết: một số thuốc có tác dụng phụ gây tăng đông máu như một số thuốc tránh thai hoặc thuốc bổ sung - thay thế hóc-môn
  • Tình trạng khác: thừa cân - béo phì, hút thuốc lá là các tình trạng tăng nguy cơ xơ vữa, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài ra còn có thể gặp thuyên tắc phổi sau khi đi tàu - xe hoặc máy bay đường dài mà được nghỉ ngơi, đứng lên đi lại

Khi người bệnh nằm trong những nhóm có nguy cơ kể trên, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của thuyên tắc phổi cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên sâu.



Các biện pháp chẩn đoán Thuyên tắc phổi

Khi người bệnh có những triệu chứng đột ngột kể trên, cần đến ngay cơ sở y tế. Tại đây, sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung một số thăm dò về chẩn đoán hình ảnh cũng như xét nghiệm máu như:

  • Chụp X-quang đánh giá tình trạng phổi, cung cấp cái nhìn tổng thể về phổi, khi có tổn thương nghi ngờ có thể bổ sung chụp cắt lớp vi tính
  • Chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi: phương pháp có độ chính xác cao, giúp phát hiện vị trí, nguyên nhân cũng như mức độ của bệnh thuyên tắc phổi, đồng thời cũng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, đánh giá thêm các tình trạng bệnh lý phổi đi kèm. Tuy nhiên không phải máy chụp cắt lớp vi tính nào cũng đánh giá được tình trạng mạch phổi cũng như chẩn đoán được thuyên tắc phổi. Các máy chụp có cắt lớp đa dãy, có tốc độ chụp nhanh mới đánh giá được tình trạng này. Đồng thời phải tiêm thuốc cản quang vào trong mạch máu, giúp làm sáng rõ các mạch trong cơ thể, phát hiện được vị trí bít tắc mạch phổi, từ đó đưa ra hướng xử trí cho người bệnh

Chụp cắt lớp vi tính phổi có vai trò quan trọng trong chẩn đoán thuyên tắc phổi

Chụp cắt lớp vi tính phổi có vai trò quan trọng trong chẩn đoán thuyên tắc phổi

  • Siêu âm tim và siêu âm mạch máu: tìm các cục máu đông ở ngoài phổi, đánh giá hình thái và chức năng của tim cũng như hệ mạch máu trong cơ thể.
  • Chụp MRI dành cho phụ nữ mang thai khi không thể dùng tia X.
  • Các xét nghiệm máu đánh giá tình trạng hồng cầu - bạch cầu - tiểu cầu, tình trạng đông máu, tình trạng viêm, chức năng gan - thận, điện giải… Đặc biệt xét nghiệm D-dimer trong máu, là xét nghiệm đặc hiệu cho chẩn đoán thuyên tắc phổi. Tuy nhiên không phải ở đâu cũng có thể làm được xét nghiệm này, cơ sở y tế cần được trang bị hệ thống máy xét nghiệm hiện đại mới có thể thực hiện được.

Các biện pháp điều trị Thuyên tắc phổi

Việc phát hiện sớm thuyên tắc phổi là vô cùng quan trọng, phát hiện và điều trị sớm giúp hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Phần lớn các trường hợp thuyên tắc phổi sẽ được dùng thuốc để làm tan cục máu đông - còn gọi là thuốc tiêu sợi huyết và kết hợp thuốc chống đông kéo dài. Một số trường hợp đặc biệt cần can thiệp mạch hoặc phẫu thuật - tùy theo tình trạng cũng như mức độ của bệnh. Ngoài ra các điều trị phối hợp khác cũng vô cùng quan trọng như thở oxy qua mũi hoặc mặt nạ, hay đặt nội khí quản khi người bệnh có tình trạng sốc, hay truyền dịch, bổ sung thuốc vận mạch khi người bệnh xuất hiện tụt huyết áp.

Các thuốc chống đông dùng trong thuyên tắc phổi thường dùng từ 3 - 6 tháng, sau đó tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đánh giá xem có cần sử dụng tiếp hay dừng lại. Ngoài ra người bệnh cần điều trị các bệnh lý gây ra thuyên tắc phổi như điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu, điều trị suy tĩnh mạch… Đặc biệt, bệnh nhân sau khi điều trị luôn có nguy cơ tái phát thuyên tắc phổi, do đó việc tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là cực kì quan trọng.

Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần phòng ngừa bệnh hiệu quả: duy trì cân nặng hợp lý - tránh tình trạng thừa cân béo phì, bỏ thuốc lá, tăng cường ăn hoa quả - rau củ, tập luyện thể dục thể thao đều đặn luôn giúp phòng ngừa tốt bệnh thuyên tắc phổi.

Vì là một bệnh lý cấp cứu có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nên việc đến đúng cơ sở y tế có đủ năng lực chẩn đoán và điều trị là rất quan trọng. Bệnh viện đa khoa MEDLATEC là một trong số ít các cơ sở y tế có hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Với máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy đến từ thương hiệu hàng đầu của Mỹ, cùng hệ thống máy xét nghiệm tự động hàng đầu Việt Nam, cùng với đó là đội ngũ chuyên gia - bác sĩ được đào tạo bài bản từ các bệnh viện tuyến trung ương, đảm bảo đủ năng lực khám và điều trị thuyên tắc phổi. Đến MEDLATEC, người bệnh còn có thể được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cũng như bảo hiểm thương mại phù hợp.

Khách hàng thăm khám chuyên gia Hô hấp tại BVĐK MEDLATEC

Khách hàng thăm khám chuyên gia Hô hấp tại BVĐK MEDLATEC

Hãy đến ngay với chúng tôi nếu bạn hoặc người thân của bạn nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ hoặc có các triệu chứng kể trên, để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ