Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Tiêu xương sọ là một bệnh lý hiếm gặp, đặc trưng bởi hiện tượng một phần xương hộp sọ dần bị tiêu biến theo thời gian. Người bệnh có thể nhận thấy sự thay đổi bất thường về hình dạng đầu, với các vùng lõm rõ rệt tại vị trí tổn thương. Ngoài biến dạng hình thể, bệnh còn có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như đau đầu kéo dài, chóng mặt, rối loạn thị giác, hoặc thậm chí co giật, đặc biệt khi vùng tiêu xương nằm gần các cấu trúc não quan trọng.
Nguyên nhân chính xác của tiêu xương sọ hiện vẫn chưa được xác định. Một số giả thuyết cho rằng bệnh có thể liên quan đến rối loạn vi tuần hoàn nuôi xương hoặc sự bất thường trong hoạt động của các tế bào hủy xương. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên các kỹ thuật hình ảnh học như CT hoặc MRI. Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến âm thầm và rất hiếm gặp, nên thường bị bỏ sót ở giai đoạn sớm.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho tiêu xương sọ. Việc quản lý bệnh chủ yếu nhằm theo dõi tiến triển, giảm nhẹ triệu chứng và bảo vệ chức năng thần kinh. Trong một số trường hợp nặng, có thể cần can thiệp phẫu thuật để tái tạo phần hộp sọ bị mất, giúp bảo vệ não và phục hồi hình dạng đầu.
Tiêu xương sọ là một căn bệnh hiếm gặp, xảy ra khi một phần xương hộp sọ dần dần bị tiêu biến đi theo thời gian
Việc xác định đúng nguyên nhân gây tiêu xương sọ đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và định hướng điều trị. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
Đây là nguyên nhân rất thường gặp. Khi xương sọ bị nứt hoặc vỡ, vùng tổn thương có thể không hồi phục hoàn toàn và dần bị tiêu đi theo thời gian. Ngoài ra, chấn thương có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp máu cho xương, khiến mô xương bị hoại tử dẫn đến tiêu biến. Vì vậy, những bệnh nhân có chấn thương cũ, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền về xương, cần được theo dõi sát các biến đổi tại vị trí tổn thương.
Các vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào xương sọ qua đường máu hoặc qua các vết thương hở có thể gây viêm xương tủy. Viêm kéo dài làm phá hủy mô xương, gây tiêu xương khu trú hoặc lan rộng. Các triệu chứng kèm theo thường gặp bao gồm sốt, đau đầu, sưng đỏ vùng da đầu, hoặc chảy dịch mủ nếu có đường rò. Trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch là đối tượng dễ mắc dạng nhiễm trùng này. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xương có thể dẫn đến biến chứng như áp xe não, viêm màng não rất nguy hiểm.
Tiêu xương có thể xảy ra sau các phẫu thuật mở sọ, như phẫu thuật loại bỏ khối u, dẫn lưu máu tụ, hoặc đặt vật liệu cấy ghép. Các yếu tố góp phần dẫn đến tính trạng này là nhiễm trùng sau mổ, tuần hoàn máu không đầy đủ tại mảnh ghép xương hoặc phản ứng miễn dịch với vật liệu cấy ghép nhân tạo. Việc tiêu xương sau mổ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể gây suy giảm chức năng bảo vệ của sọ.
Các khối u nguyên phát tại xương sọ như u tế bào khổng lồ, u xơ xương, u máu, u xương dạng nang có thể ăn mòn và phá hủy mô xương. Ngoài ra, các khối u di căn từ phổi, vú, tuyến tiền liệt hoặc thận cũng có thể lan đến xương sọ và gây tiêu xương. Các khối u lành tính thường tiến triển chậm và âm thầm. Ngược lại, u ác tính có xu hướng phát triển nhanh, xâm lấn mô xung quanh và thường biểu hiện bằng các triệu chứng như đau, sưng, hoặc biến dạng rõ rệt.
Các bệnh lý chuyển hóa như loãng xương nặng, cường tuyến cận giáp, hoặc bệnh Paget xương đều có thể làm giảm mật độ xương và dẫn đến tiêu xương tại nhiều vị trí, bao gồm cả hộp sọ. Trong bệnh Paget, xương mới sinh ra bất thường và không vững chắc, dễ bị tiêu và biến dạng.
Một số bệnh lý hệ thống tác động đến mô liên kết xương, đặc biệt là ở những vị trí xương mỏng như hộp sọ. Ở những bệnh nhân này, tiêu xương có thể diễn ra âm thầm, ít triệu chứng, thường chỉ được phát hiện khi có biến chứng thần kinh hoặc khi chụp phim kiểm tra các cơ quan khác.
Khi vùng đầu bị tỳ đè kéo dài (do thiết bị y tế, cố định sai tư thế, hoặc do dị tật bẩm sinh) có thể dẫn đến tiêu xương bởi áp lực. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân nằm lâu, hôn mê, hoặc trẻ sơ sinh gối đầu một phía quá lâu. Ngoài ra, các dụng cụ y khoa như vít, nẹp, hay mảnh ghép đặt lệch vị trí cũng tạo áp lực liên tục làm xương tiêu đi quanh vùng tiếp xúc.
Một số trẻ sinh ra đã có bất thường về sự hình thành xương sọ do các hội chứng di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa xương bẩm sinh, như hội chứng Gorham-Stout (bệnh tiêu xương tiến triển), loạn sản xương sợi (fibrous dysplasia). Những trường hợp này hiếm gặp và khó điều trị dứt điểm.
Các khối u nguyên phát tại xương sọ có thể ăn mòn và phá hủy mô xương
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa tiêu xương sọ là bảo vệ vùng đầu khỏi chấn thương. Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc chơi thể thao là điều vô cùng quan trọng. Ở người cao tuổi hoặc những người có vấn đề về thăng bằng cần chú ý đến môi trường sống của mình để giảm nguy cơ té ngã.
Các bệnh lý như loãng xương, cường cận giáp hay các vấn đề nội tiết, viêm nhiễm khác có thể làm tăng nguy cơ tiêu xương sọ. Vì vậy, việc điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng mạn tính như viêm tai giữa, viêm xoang và kiểm soát tốt các bệnh nền khác giúp giảm nguy cơ tiêu xương ở vùng sọ.
Nếu người bệnh đã từng bị chấn thương hoặc nhiễm trùng ở vùng da đầu, cần theo dõi thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu tiêu xương sớm và có phương án điều trị kịp thời. Khi có các biểu hiện bất thường như đau đầu kéo dài, vùng sọ lõm xuống, hoặc có dịch rỉ ra từ da đầu, người bệnh cần đến bác sĩ ngay.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của hệ xương. Việc bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ các thực phẩm như sữa, cá, trứng và rau xanh giúp xương chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng rượu bia và thuốc lá để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cơ thể nói chung và hệ xương nói riêng.
Cần theo dõi và thăm khám định kỳ sau chấn thương đầu để phát hiện sớm các biến chứng như tiêu xương sọ
Tiêu xương sọ có thể âm thầm hoặc biểu hiện ra ngoài với nhiều mức độ khác nhau. Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ cần phối hợp nhiều phương pháp từ lâm sàng đến cận lâm sàng, cụ thể:
- Hỏi bệnh: Việc khai thác bệnh sử kỹ càng giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân và đánh giá mức độ tiêu xương sọ. Cụ thể:
+ Triệu chứng hiện tại: Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau đầu khu trú, cảm giác lõm, sưng hay mềm vùng hộp sọ, rỉ dịch và các dấu hiệu rối loạn thần kinh khác.
+ Tiền sử chấn thương đầu: Cần khai thác đầy đủ, ngay cả những chấn thương lâu năm cũng có thể gây tiêu xương thứ phát.
+ Tiền sử phẫu thuật sọ não: Mổ lấy máu tụ, u não, mở sọ giảm áp… dễ để lại vùng xương yếu và có nguy cơ tiêu xương.
+ Bệnh lý nhiễm trùng vùng đầu mặt cổ: Khi bị viêm tai giữa, viêm xoang, áp xe da đầu... vi khuẩn có thể lan tới xương sọ, gây phá hủy mô xương.
+ Bệnh lý hệ thống: Như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, cường cận giáp, hoặc tiền sử ung thư (gợi ý u di căn).
+ Thuốc đang dùng: Một số thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển của xương như dùng Corticoid kéo dài (gây loãng xương), bisphosphonates (tăng nguy cơ tiêu xương vùng hàm)...
- Khám bệnh: Khám thực thể là phần cần thiết giúp bác sĩ nhận định tổn thương.
+ Lõm bất thường trên hộp sọ: Có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy rõ ở các vùng tiêu xương nông.
+ Đau khi ấn hoặc sưng mềm, gợi ý viêm xương hay tổn thương tiến triển.
+ Khối vùng đầu hoặc da đầu rỉ dịch mủ: Nghi ngờ viêm xương tủy hoặc áp xe dưới da.
+ Rối loạn thần kinh đi kèm: Như yếu chi, nói ngọng, co giật, gợi ý tổn thương lan vào nhu mô não.
- X-quang sọ: Là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, được chỉ định đầu tay để phát hiện vùng khuyết xương lớn, tổn thương loãng xương lan tỏa. Tuy nhiên, phương pháp này không phát hiện được tổn thương nhỏ hoặc khu trú sâu.
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scan): Là kỹ thuật cốt lõi trong chẩn đoán tiêu xương sọ. CT mang lại hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương sọ: vị trí, hình dạng, độ sâu vùng tiêu, mật độ xương, bờ tổn thương (nhẵn hay nham nhở)... Ngoài ra, kỹ thuật này cũng có thể phát hiện các tổn thương kèm theo tại nhu mô não và vùng lân cận.
- Cộng hưởng từ sọ não (MRI): Rất phù hợp để đánh giá mô mềm, màng não, não và tủy xương. MRI có vai trò khi nghi u não, u xâm lấn xương, viêm tủy xương mạn, hoặc áp xe nội sọ. Phương pháp này còn giúp phân biệt khối u lành và ác dựa vào đặc điểm tín hiệu, ngấm thuốc, và lan rộng.
- PET-CT: Dùng để phát hiện tổn thương di căn xương hoặc các ổ u hoạt động chuyển hóa cao.
- Sinh thiết mô xương: Được chỉ định khi có tổn thương nghi ngờ ác tính hoặc cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Sinh thiết có thể qua phẫu thuật mở hoặc sinh thiết kim dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh.
- Đo mật độ xương: Nếu nghi ngờ loãng xương lan tỏa hoặc ở người cao tuổi.
- Các xét nghiệm hỗ trợ xác định nguyên nhân:
+ Xét nghiệm đánh giá viêm: Công thức máu, CRP, cấy máu, cấy dịch mủ nếu có.
+ Xét nghiệm chuyển hóa xương: Canxi, phospho, PTH, vitamin D, chức năng thận.
+ Định lượng alkaline phosphatase (ALP): Có thể tăng trong bệnh Paget xương.
CT scan là cận lâm sàng chính trong chẩn đoán tiêu xương sọ
Việc điều trị tiêu xương sọ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ tổn thương và tình trạng toàn thân của người bệnh. Mục tiêu điều trị nhắm ngăn tiến triển tiêu xương, xử lý nguyên nhân và phục hồi thẩm mỹ hoặc chức năng nếu có thể.
Áp dụng khi tổn thương nhỏ, không gây biến dạng hay triệu chứng nặng, hoặc đang ở giai đoạn sớm. Điều trị phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh tiêu xương.
+ Nhiễm trùng: Dùng kháng sinh toàn thân (theo kháng sinh đồ nếu có), có thể phối hợp với thuốc kháng viêm, giảm đau.
+ Loãng xương, rối loạn chuyển hóa: Bổ sung canxi, vitamin D liều phù hợp. Dùng thuốc chống hủy xương như bisphosphonates hoặc denosumab theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh cần kiểm soát tốt bệnh lý liên quan. Bệnh nhân cần tránh va chạm, chấn thương đầu vì vùng tiêu xương dễ vỡ hơn bình thường. Nếu tiêu xương ổn định, không lan rộng hay ảnh hưởng thần kinh có thể theo dõi định kỳ bằng CT sọ não mỗi 3-6 tháng.
Phẫu thuật được chỉ định khi vùng tiêu xương lớn gây biến dạng sọ hoặc có triệu chứng chèn ép thần kinh, rò dịch não tủy, nguy cơ tổn thương mô não bên dưới. Ngoài ra, khi nghi ngờ u ác tính hoặc áp xe, cần xử trí triệt để, bác sĩ cũng sẽ tiến hành can thiệp ngoại khoa. Một số kĩ thuật thường được áp dụng, bao gồm:
- Tái tạo hộp sọ: Chất liệu tái tạo thường lấy từ xương tự thân (phần khác của hộp sọ, xương sườn) hoặc các vật liệu nhân tạo giúp khôi phục hình dạng sọ, bảo vệ não, và cải thiện tâm lý người bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương: Với khối u hoặc ổ viêm không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cần phẫu thuật cắt toàn bộ vùng tổn thương và kết hợp tái tạo cùng lúc.
Trên đây là các thông tin cần thiết về tiêu xương sọ. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám, quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!