Từ điển bệnh lý

Tổn thương gân nhị đầu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tổn thương gân nhị đầu

Cơ nhị đầu là một cơ quan trọng ở vai và cánh tay. Cơ nhị đầu có hai bó cơ, được nối với củ trên ổ chảo thông qua một gân dài và nối với mỏm quạ thông qua một gân ngắn được gọi là đầu dài và đầu ngắn gân cơ nhị đầu. Từ vai gân nhị đầu đi xuống xương cánh tay và bám tận ở lồi củ xương quay.

Hình ảnh mô tả gân nhị đầu

Gân nhị đầu co giúp cơ nhị đầu di chuyển, tạo nên động tác gấp khuỷu, gấp nhẹ khớp vai, dạng nhẹ khớp vai khi xoay ngoài.

Tổn thương gân nhị đầu bao gồm một loạt các rối loạn gồm: viêm bao gân, rách một phần gân nhị đầu, đứt toàn bộ gân nhị đầu. Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính.

Tổn thương gân nhị đầu thường gặp ở đầu dài do vị trí này chịu lực nhiều hơn. Tỷ lệ đứt gân cơ nhị đầu khoảng 2,55 trên 100.000 bệnh nhân năm. Hầu hết bệnh nhân (hơn 95%) là nam giới, và các biến cố chấn thương thường xảy ra ở độ tuổi trung niên (35 tuổi đến 54 tuổi). Viêm đầu dài gân nhị đầu nguyên phát chiếm khoảng 5% các trường hợp bệnh lý cơ nhị đầu. Mặc dù ít phổ biến hơn nhiều, các trường hợp cá biệt chính thường được quan sát thấy ở các vận động viên trẻ tham gia các môn bóng chày, bóng mềm, bóng chuyền, thể dục dụng cụ và / hoặc bơi lội. Bệnh lý gân nhị đầu khi tìm thấy thường đi kèm với các tổn thương gân chóp xoay, viêm khớp cùng vai đòn, hội chứng SLAP khớp vai…


Nguyên nhân Tổn thương gân nhị đầu

Nguyên nhân

Nguyên nhân tổn thương gân nhị đầu là sự kết hợp của hai yếu tố: Yếu tố ngoại lai (các lực tác động bên ngoài) và yếu tố nội tại (tình trạng thoái hóa gân).

Các yếu tố nguy cơ của viêm gân đều xoay xung quanh hai nguyên nhân trên, bao gồm:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ tổn thương gân càng nhiều. Sở dĩ có tình trạng này là do quá trình lão hóa của cơ thể kết hợp với tình trạng vận động qua nhiều năm, các gân mệt mỏi và thoái hóa.

- Hoạt động thể lực mạnh, gắng sức: Cho dù đó là một phần của công việc, thể thao hay tập thể dục, những người hay nâng vật nặng qua đầu, chẳng hạn như cử tạ hoặc những người có công việc đòi hỏi lao động nặng, có thể gây ra hao mòn gân nhị đầu, gân chịu tác động lớn liên tục sẽ yếu và dễ tổn thương hơn.

- Vận động vai lặp đi lặp lại: Các môn thể thao đòi hỏi các chuyển động trên cao lặp đi lặp lại, chẳng hạn như bơi lội hoặc quần vợt, có thể khiến gân nhị đầu nhanh bị tổn thương.

- Hút thuốc: Theo Viện hàn lâm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), có mối liên hệ giữa việc sử dụng nicotine kéo dài với tình trạng kém chất lượng và giảm sức mạnh của gân.

- Các bệnh kèm theo: Đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, béo phì, viêm khớp, lạm dụng corticoid là những yếu tố nguy cơ lớn của tổn thương gân nhị đầu.

Hút thuốc kéo dài với tình trạng kém chất lượng và giảm sức mạnh của gân.

Cơ chế bệnh sinh

Sinh lý bệnh của viêm gân nhị đầu bắt đầu với giai đoạn đầu của viêm bao gân và tình trạng viêm thứ phát sau lực kéo lặp đi lặp lại, ma sát và xoay vai. Tình trạng viêm phát triển sớm ở phần gân ở rãnh nhị đầu. Đường kính của gân tăng lên phù nề và tiết dịch kèm theo, dẫn đến gân dễ tổn thương hơn khi nằm trong rãnh của nó. Ở giai đoạn này, nếu người bệnh không được điều trị hợp lý có thể tiến triển đến giai đoạn sau là xơ hóa, dày bao gân, tổn thương mạch máu. Cuối cùng, gân có thể trở nên “cố định” (bám dính một phần hoặc toàn bộ trong rãnh nhị đầu) làm trầm trọng hơn tình trạng tổn thương gân, đau và hạn chế vận động nhiều hơn.

Với những lực tác động mạnh hơn hoặc gân trong tình trạng thoái hóa nặng, gân nhị đầu có thể bị đứt một phần hoặc hoàn toàn.


Triệu chứng Tổn thương gân nhị đầu

Triệu chứng lâm sàng

Người bệnh bị tổn thương gân nhị đầu thường có biểu hiện đau và hạn chế vận động. Bệnh nhân đau vai thường khởi phát âm ỉ. Tình trạng đau tăng lên khi tay với lên cao, gập khuỷu tay... và đau tăng về đêm. Đau lan từ vai xuống mặt trước cánh tay. Đôi khi có thể nghe thấy tiếng lục cục ở cánh tay và vai.

Khai thác có thể thấy người bệnh có tiền sử hoặc hiện tại chơi các môn thể thao mạnh, công việc nặng, thường xuyên vận động lặp lại vai- cánh tay hoặc có bệnh lý kèm theo.

Khi khám bác sĩ sẽ quan sát khớp vai và cánh tay hai bên, đánh giá tính cân đối, tình trạng sưng nóng đỏ, sẹo mổ. Thông thường các tổn thương gân nhị đầu khi quan sát bên ngoài sẽ không phát hiện thấy bất thường, ngoại trừ trường hợp đứt hoàn toàn đầu dài gân nhị đầu. Khi đó, bác sĩ có thể thấy bầm tím tại cánh tay do tụ máu, cánh tay biến dạng bắp chuột- giống hình ảnh “popeye”.

Hình ảnh phần dưới cơ nhị đầu co lại thành khối do đứt đầu dài gân nhị đầu

Khi khám tại chỗ bác sĩ có thể thấy người bệnh đau khi ấn vào vị trí rãnh nhị đầu, vận động khớp vai hạn chế. Người bệnh thường đau nhiều khi cố gắng nâng vai về phía trước để chống lại sức đè xuống của bác sỹ (test pamp up). Các test kiểm ta uppercut và Yergason thường dương tính.

Triệu chứng cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

- X quang

Tất cả những bệnh nhân đau vai đều cần chụp Xquang khớp vai để đánh giá khớp. Hình ảnh khớp vai không mô tả được gân nhị đầu song rất cần thiết để đánh giá các bệnh lý kèm theo cũng như chẩn đoán phân biệt. Có nhiều tư thế chụp để đánh giá khớp vai. Tùy các tổn thương nghi ngờ mà bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định tư thế phù hợp. Xquang là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, sẵn có, chi phí rẻ nhưng cần tránh phương pháp này ở bệnh nhân mang thai.

- Siêu âm

Siêu âm phụ thuộc nhiều vào người thực hiện nhưng được cho là một công cụ nhanh chóng, hiệu quả về chi phí để chẩn đoán bệnh lý gân nhị đầu. Các phát hiện đặc trưng bao gồm gân tăng kích thước, viêm bao gân, phì đại bao hoạt dịch và dịch quanh rãnh nhị đầu. Siêu âm động (người bệnh co cơ và duỗi cơ khi siêu âm) giúp tăng độ nhau và độ đặc hiệu khi đánh giá các tổn thương dưới siêu âm.

- Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI) rất hữu ích trong việc đánh giá gân nhị đầu, rãnh nhị đầu, tình trạng dịch, phù nề hoặc các dấu hiệu của bệnh lý. Ngoài ra, MRI giúp xác định các bệnh lý khớp vai kèm theo, tổn thương xương dưới sụn. Bên cạnh đó, MRI còn có vai trò đánh giá toàn thể trước phẫu thuật và sau phẫu thuật.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) rất hữu ích trong việc đánh giá gân nhị đầu, rãnh nhị đầu

Chụp cộng hưởng từ (MRI) rất hữu ích trong việc đánh giá gân nhị đầu, rãnh nhị đầu

MRI hữu ích trong việc xác định vị trí gân nhị đầu liên quan đến rãnh nhị đầu. Sự vắng mặt của gân trong rãnh sẽ gợi ý đến thoát vị gân khỏi rãnh nhị đầu.

Xét nghiệm

Xét nghiệm có giá trị đánh giá các yếu tố nguy cơ kèm theo cũng như bệnh lý nền để bác sĩ sử dụng thuốc hợp lý hơn.


Phòng ngừa Tổn thương gân nhị đầu

Phương pháp dự phòng chủ yếu là ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như chấn thương, giảm các vận động quá sức, lặp đi lặp lại nhiều lần, hạn chế thuốc lá, điều trị các bệnh lý nền.


Các biện pháp chẩn đoán Tổn thương gân nhị đầu

Chẩn đoán tổn thương gân nhị đầu cần có sự kết hợp cả lâm sàng và cận lâm sàng. Cả hai yếu tố này đều rất quan trọng cho chẩn đoán bệnh. Nếu có một yếu tố nào không phù hợp, bác sĩ cần tìm và loại trừ các nguyên nhân đau vai khác.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt đối với một số căn nguyên cũng gây biểu hiện đau khớp vai, bao gồm:

- Chấn thương khớp vai

- Tổn thương gân chóp xoay

- Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

- Viêm khớp cùng vai đòn

- Viêm khớp vai, đông cứng khớp vai

- Bệnh giả viêm đa khớp gốc chi

- Hoại tử vô mạch chỏm xương cánh tay

- Chèn ép đám rối thần kinh cánh tay

- Thoái hóa cột sống cổ

- Bệnh lý hô hấp: U phổi, tràn khí màng phổi

- Bệnh lý tim mạch: Nhồi máu cơ tim.

Làm sao để chấn đoán được tổn thương gân nhị đầu?


Các biện pháp điều trị Tổn thương gân nhị đầu

Điều trị nội khoa

Đa phần, xử trí ban đầu của bệnh lý gân nhị đầu là không phẫu thuật. Một thời gian nghỉ ngơi và điều chỉnh hoạt động có lợi trong giai đoạn cấp tính, kết hợp với thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

- Vật lý trị liệu

Các phác đồ vật lý trị liệu thành công nhắm vào (các) yếu tố cơ bản góp phần vào bệnh lý gân nhị đầu. Trong giai đoạn cấp, vật lý trị liệu tập trung vào vấn đề giãn cơ, nghỉ ngơi để gân hồi phục. Khi giai đoạn cấp qua đi, các phương pháp tăng cường sức mạnh gân và cơ bắp nên được tập trung để khôi phục sự cân bằng của vùng vai và cổ gáy.

Vật lý trị liệu tại nhà

- Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc có tác dụng giảm tình trạng viêm gân, giảm đau cho người bệnh. Đây là thuốc được dụng phổ biến, một số thuốc trong nhóm không cần kê toa nên người bệnh có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc cần sử dụng thận trọng, phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Vì vậy dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ sẽ an toàn hơn.

- Tiêm corticoid

Tiêm corticoid được xem xét trong trường hợp viêm gân nhị đầu mà các triệu chứng dai dẳng, người bệnh đau nhiều. Corticoid chỉ nên vào bao gân, không được tiêm trực tiếp vào gân do có nguy cơ đứt gân. Vì vậy, tiêm bao gân dưới hướng dẫn siêu âm là phương pháp được bác sĩ ưu tiên hơn do độ chính xác cao hơn.

- Huyết tương giàu tiểu cầu

Đây là phương pháp mới, có khả năng giảm viêm và phục hồi gân, được chỉ định cho các trường hợp viêm, rách bán phần gân nhị đầu không đáp ứng với các điều trị cơ bản.

Điều trị ngoại khoa

Một số trường hợp có chỉ định phẫu thuật với các tổn thương gân nhị đầu, bao gồm:

- Gân viêm dai dẳng tạo thành tình trạng xơ hóa hoặc dính gân vào rãnh nhị đầu.

- Rách >25-50% gân nhị đầu (tùy tình huống lâm sàng cụ thể).

- Đứt hoàn toàn gân nhị đầu.

- Trật gân nhị đầu khỏi rãnh nhị đầu.

- Có các tổn thương khác kèm theo có chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật giúp giải phóng gân khi gân bị “kẹt” trong rãnh nhị đầu, cố định khi gân bị trật, hoặc nối gân trong những trường hợp đứt rách gân…

Mổ nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả

Tiên lượng

Đa phần tổn thương gân nhị đầu có thể phục hồi sau khi nghỉ ngơi, điều trị thuốc và không bị suy giảm sức mạnh vai hoặc khuỷu tay trong thời gian dài. Tuy nhiên, tổn thương gân cơ nhị đầu có thể gây đau dai dẳng và làm yếu khả năng ngửa cánh tay. Ngoài ra, với một vết đứt hoàn toàn ở gân nhị đầu, gân có thể rút lại đáng kể và việc sửa chữa sau này trong các trường hợp mãn tính sẽ là một thách thức về mặt kỹ thuật. Do đó, việc chẩn đoán kịp thời đứt gân cơ nhị đầu là rất quan trọng, đặc biệt là ở bệnh nhân trẻ tuổi, năng động.


Tài liệu tham khảo:

1. Nho SJ, Strauss EJ, Lenart BA, Provencher MT, Mazzocca AD, Verma NN, Romeo AA. Long head of the biceps tendinopathy: diagnosis and management. J Am Acad Orthop Surg. 2010 Nov;18(11):645-56.

2. Frank RM, Cotter EJ, Strauss EJ, Jazrawi LM, Romeo AA. Management of Biceps Tendon Pathology: From the Glenoid to the Radial Tuberosity. J Am Acad Orthop Surg. 2018 Feb 15;26(4):e77-e89.

3. Wilk KE, Hooks TR. The Painful Long Head of the Biceps Brachii: Nonoperative Treatment Approaches. Clin Sports Med. 2016 Jan;35(1):75-92.

4. Griffin JW, Leroux TS, Romeo AA. Management of Proximal Biceps Pathology in Overhead Athletes: What Is the Role of Biceps Tenodesis? Am J Orthop (Belle Mead NJ). 2017 Jan/Feb;46(1):E71-E78.

5. Harrison AK, Flatow EL. Subacromial impingement syndrome. J Am Acad Orthop Surg. 2011 Nov;19(11):701-8.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.