Từ điển bệnh lý

Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 14-05-2025

Tổng quan Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân là nhóm chấn thương ở phần mềm, không gây gãy xương hay trật khớp. Bệnh thường ảnh hưởng đến dây chằng, gân, cân mạc, mô liên kết dưới da hoặc móng. Những tổn thương này thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhất là ở vận động viên, người phải hoạt động, đi lại trên đường gồ ghề hoặc mang giày dép không phù hợp với bàn chân.

Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân là nhóm chấn thương phần mềm, không liên quan gãy xương hay trật khớp.Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân là nhóm chấn thương phần mềm, không liên quan gãy xương hay trật khớp.

Các dạng tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân thường gặp bao gồm:

  • Bong gân: Xảy ra khi dây chằng quanh khớp bị căng, giãn hoặc rách một phần, chủ yếu ở dây chằng chày – mác trước và dây chằng gót – mác. Bệnh nhân thường có biểu hiện sưng, đau, khó xoay cổ chân hoặc đi lại.
  • Viêm cân gan chân: Là nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân, thường gặp ở người đứng lâu, chạy bộ hoặc có bất thường cấu trúc bàn chân. Dấu hiệu điển hình là đau vùng gót khi đi bước chân đầu tiên vào buổi sáng.
  • Viêm gân Achilles và gân cơ mác: Liên quan đến vận động quá mức, sai tư thế hoặc lệch trục bàn chân. Tổn thương thường âm ỉ, dai dẳng, gây đau phía sau gót hoặc ngoài mắt cá.
  • Tổn thương móng: Tụ máu dưới móng hoặc gãy móng, thường gặp ở người mang giày chật, móng bị va đập nhiều khi chạy hoặc chơi thể thao.

Tuy được xếp vào nhóm tổn thương nông, các chấn thương này vẫn có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không điều trị đúng cách, bao gồm: đau mạn tính, biến dạng gân hay móng, hoặc mất vững khớp. Việc xử trí sớm bằng các biện pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, chườm lạnh, kê cao chân, mang nẹp hoặc sử dụng giày hỗ trợ phù hợp có vai trò quan trọng giúp hồi phục và phòng ngừa biến chứng.

Tỷ lệ mắc bệnh tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Bong gân cổ chân

Bong gân là dạng tổn thương nông thường gặp nhất ở vùng cổ chân, đặc biệt trong các hoạt động thể thao hoặc sinh hoạt hàng ngày. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 2 triệu trường hợp bong gân cổ chân được ghi nhận tại các phòng cấp cứu ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Tổn thương này chiếm khoảng 25% trong tổng số các chấn thương thể thao, với tỷ lệ dao động từ 21-53% trong bóng rổ và từ 17-29% trong bóng đá. Đáng lưu ý, khoảng 40% trường hợp bong gân cổ chân ngoài có thể tiến triển thành đau dai dẳng, tái phát nhiều lần. Thậm chí người bệnh mất vững cổ chân mạn tính nếu không được điều trị và phục hồi chức năng đúng cách.

Viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là nguyên nhân hàng đầu gây đau gót chân, thường gặp ở người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Ước tính khoảng 10% dân số chung từng mắc bệnh này ít nhất một lần trong đời. Tỷ lệ cao nhất ghi nhận ở nhóm tuổi từ 40 đến 60. Bệnh chiếm từ 11% đến 15% trong số các biểu hiện đau bàn chân cần can thiệp y tế. Khoảng 83% người mắc là người lao động, đứng lâu hoặc vận động thường xuyên. Trong nhóm không điều chỉnh thói quen đi lại, cấu trúc bàn chân hoặc giày dép, tỷ lệ tái phát có xu hướng cao hơn rõ rệt.

Viêm cân gan chân là nguyên nhân hàng đầu gây đau gót chân.Viêm cân gan chân là nguyên nhân hàng đầu gây đau gót chân.

Viêm gân Achilles

Viêm gân gót thường gặp ở những người hoạt động thể chất cường độ cao hoặc hoặc có tư thế bàn chân không cân đối, điều này khiến gân gót phải chịu lực kéo quá mức. Dù không có số liệu cụ thể về tỷ lệ mắc, tình trạng này được ghi nhận phổ biến ở nhóm tuổi trung niên trở lên – giai đoạn mà tính đàn hồi của gân bắt đầu suy giảm. Bệnh có thể tiến triển âm thầm nhưng dễ tái phát nếu không điều chỉnh lối sống và hoạt động phù hợp.

Viêm gân cơ mác

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất gây đau vùng ngoài cổ chân khi vận động quá sức. Viêm gân cơ mác thường xảy ra ở người chạy bộ, vận động trên mặt phẳng nghiêng hoặc có thói quen xoay ngoài bàn chân khi di chuyển. Các trường hợp không điều trị đúng có thể tiến triển thành viêm gân mạn tính hoặc gây mất vững khi đi lại, nhất là khi leo cầu thang hoặc vận động gắng sức.

Tổn thương móng do chấn thương

Tổn thương móng – đặc biệt là tụ máu dưới móng – thường gặp ở vận động viên, nhất là trong các môn như chạy bộ đường dài hoặc đá bóng. Nguyên nhân phổ biến là do chấn thương hoặc mang giày quá chật. Nếu không được xử trí đúng cách, đặc biệt trong trường hợp tụ máu lớn dưới móng, tổn thương có thể dẫn đến biến dạng móng vĩnh viễn hoặc rụng móng.


Nguyên nhân Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Tổn thương nông vùng cổ chân và bàn chân thường xảy ra do tác động trực tiếp hoặc tái diễn lên các cấu trúc phần mềm như dây chằng, gân, cân mạc hoặc móng. Dưới đây là các nhóm nguyên nhân chính thường gặp:

Chấn thương cơ học cấp tính

Đây là nhóm nguyên nhân xảy ra đột ngột, thường gặp trong tai nạn sinh hoạt hoặc hoạt động thể thao:

  • Xoắn vặn cổ chân: Khi bàn chân gập xuống và xoay vào trong đột ngột, dây chằng quanh khớp bị căng quá mức, dễ gây bong gân, đặc biệt là dây chằng chày–mác trước và dây chằng gót–mác.
  • Tiếp đất sai tư thế: Khi chạy hoặc nhảy làm dồn lực không đồng đều lên bàn chân, dễ gây tổn thương cân gan chân hoặc gân cơ mác – nhất là ở người có vòm bàn chân bất thường.
  • Va đập trực tiếp: Móng chân bị chèn ép bởi vật cứng hoặc mang giày quá chật trong thời gian dài có thể dẫn đến tụ máu dưới móng, gãy móng hoặc biến dạng móng.

Chấn thương do vận động

Một số tổn thương xuất hiện khi phần mềm bị căng kéo liên tục do thói quen vận động không phù hợp:

  • Chạy bộ, đứng lâu, đi nhiều: Tăng áp lực lên gan chân, gây viêm hoặc thoái hóa cân gan chân, đặc biệt ở người có tư thế bàn chân bất thường hoặc mang giày không phù hợp.
  • Cử động cổ chân lặp đi lặp lại: Làm tăng áp lực lên các gân quanh cổ chân, nhất là gân Achilles, gân cơ mác và gân chày sau, dễ dẫn đến viêm gân hoặc đau mạn tính.
  • Môn thể thao có động tác xoay: Như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền có nguy cơ cao gây bong gân tái phát hoặc tổn thương mạn tính dây chằng cổ chân.

Các môn thể thao có động tác xoay cổ chân như bóng chuyền có nguy cơ cao gây bong gân tái phát.Các môn thể thao có động tác xoay cổ chân như bóng chuyền có nguy cơ cao gây bong gân tái phát.

Giày dép và môi trường

Yếu tố cơ học bên ngoài cũng góp phần quan trọng trong gây ra tổn thương phần mềm:

  • Giày không phù hợp: Giày quá chật, đế mỏng hoặc gót cứng làm tăng áp lực tại các điểm chịu lực như gan chân, vùng quanh mắt cá hoặc móng chân, góp phần thúc đẩy tổn thương nông, đặc biệt là viêm cân gan chân và tổn thương móng.
  • Bề mặt đi lại không ổn định: Di chuyển trên nền nghiêng, trơn hoặc gồ ghề dễ làm lệch trục bàn chân, gây mất vững cổ chân, từ đó dẫn đến bong gân hoặc viêm gân kéo dài.

Yếu tố giải phẫu

Một số đặc điểm cơ thể làm tăng nguy cơ tổn thương nông:

  • Vòm bàn chân bất thường: Bàn chân bẹt hoặc vòm cao làm thay đổi phân bố lực khi đi lại, dẫn đến phân bố tải trọng không đều, gây căng kéo bất thường lên cân gan chân hoặc gân ở vùng mắt cá ngoài.
  • Giới tính và độ tuổi: Nữ giới trung niên và người thường xuyên phải đứng lâu được ghi nhận có nguy cơ cao hơn với các tổn thương như viêm cân gan chân hoặc viêm gân Achilles.

Triệu chứng Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Các tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân thường có biểu hiện rõ ràng ngay sau chấn thương hoặc sau thời gian vận động kéo dài. Một số dấu hiệu lâm sàng thường gặp gồm:

  • Đau khu trú tại vùng tổn thương, tăng lên khi đi lại, vận động hoặc đè ép.
    • Bong gân cổ chân thường gây đau vùng ngoài mắt cá, đau tăng lên khi xoay trong cổ chân hoặc khi gập bàn chân xuống.
    • Viêm cân gan chân gây đau gót, đặc biệt lúc bước đi sau khi ngủ dậy.
    • Viêm gân Achilles thường gây đau mặt sau gót, tăng khi nhón chân hoặc chạy nhảy.
    • Tụ máu dưới móng biểu hiện bằng đau nhói, móng có màu tím sẫm hoặc đen sau khi chấn thương.
  • Sưng nề và bầm tím quanh khớp hoặc mô mềm, đặc biệt trong bong gân hoặc viêm gân giai đoạn cấp.
  • Giảm khả năng vận động tạm thời, như không thể nhón gót, bước đi tập tễnh hoặc không dồn được lực lên chân.
  • Biến dạng nhẹ nếu có thường do sưng nề, không kèm gãy xương hay trật khớp.

Các biến chứng Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Khả năng hồi phục

Phần lớn các trường hợp tổn thương nông vùng cổ chân và bàn chân có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Thời gian hồi phục tùy thuộc vào mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng của từng người bệnh:

  • Bong gân nhẹ đến vừa thường phục hồi hoàn toàn sau khoảng 1-2 tuần nếu được nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép đúng cách và vận động trở lại từng bước.
  • Viêm cân gan chân: Khoảng 70-80% người bệnh cải thiện rõ sau 9-12 tháng điều trị bảo tồn. Trong khoảng 5-10% trường hợp kéo dài dai dẳng, có thể cần đến can thiệp phẫu thuật để giải phóng cân gan chân hoặc chỉnh sửa tư thế bàn chân.
  • Viêm gân Achilles hoặc các gân quanh cổ chân: Nếu được nghỉ ngơi, điều chỉnh thói quen vận động và tập phục hồi hợp lý, phần lớn bệnh nhân có thể hồi phục trong vài tuần đến vài tháng, tùy mức độ viêm hoặc tổn thương cơ học kèm theo.
  • Tụ máu dưới móng: Nếu được dẫn lưu sớm, thường khỏi hoàn toàn. Móng chân sẽ mọc lại trong vòng 4-6 tháng mà không để lại di chứng nếu không có tổn thương nền móng đi kèm.

Biến chứng có thể gặp

Trong một số trường hợp, việc điều trị không đúng cách hoặc vận động lại quá sớm có thể dẫn đến các biến chứng kéo dài:

  • Bong gân cổ chân tái phát, đặc biệt nếu không tập luyện phục hồi sức cơ và kiểm soát thăng bằng sau chấn thương, có thể dẫn đến mất vững khớp cổ chân kéo dài.
  • Viêm cân gan chân mạn tính: Nếu không được điều trị đúng hoặc lạm dụng tiêm thuốc corticosteroid tại chỗ, có thể gây teo lớp đệm gót, hình thành gai xương gót hoặc đứt cân gan chân.
  • Viêm gân kéo dài: Có nguy cơ tiến triển thành thoái hóa gân, làm giảm độ đàn hồi và tăng nguy cơ rách gân một phần hoặc toàn phần nếu tiếp tục vận động quá mức.
  • Biến dạng móng sau tụ máu không xử lý đúng thời điểm có thể dẫn đến rụng móng, móng mọc lệch, gây khó khăn trong sinh hoạt và thẩm mỹ.

Tỷ lệ tái phát

  • Bong gân cổ chân có tỷ lệ tái phát cao, ước tính lên tới 40%, đặc biệt ở những người không thực hiện đầy đủ chương trình tập luyện phục hồi hoặc quay lại vận động quá sớm.
  • Viêm cân gan chân có thể tái phát nếu người bệnh không thể thay các yếu tố cơ học như hình dạng bàn chân, dáng đi hoặc loại giày sử dụng. Dù phần lớn trường hợp cải thiện sau vài tháng điều trị bảo tồn, nhưng triệu chứng có thể kéo dài và trở nên dai dẳng nếu không được theo dõi và can thiệp đúng cách.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

Một số yếu tố có thể làm kéo dài thời gian hồi phục hoặc tăng nguy cơ tái phát:

  • Mức độ tổn thương ban đầu: Tổn thương càng nặng thì thời gian điều trị và phục hồi càng lâu.
  • Tuân thủ điều trị và phục hồi chức năng: Người bệnh hợp tác tốt, tập luyện theo hướng dẫn thường phục hồi nhanh hơn và ít gặp biến chứng.
  • Cơ địa và tư thế bàn chân: Những người có bàn chân bẹt, vòm chân cao bất thường hoặc trục cổ chân không đều có nguy cơ tái phát cao hơn.
  • Đặc thù công việc hoặc thể thao: Người phải đứng lâu, đi lại nhiều, vận động viên chuyên nghiệp thường có nguy cơ tổn thương lặp lại nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp.

Các biện pháp chẩn đoán Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Chẩn đoán tổn thương nông chủ yếu dựa vào khai thác hoàn cảnh chấn thương và khám lâm sàng kỹ lưỡng:

Bong gân cổ chân:

  • Đau khu trú vùng ngoài cổ chân, sưng hoặc bầm tại vị trí dây chằng bị tổn thương.
  • Một số nghiệm pháp hỗ trợ đánh giá mức độ tổn thương dây chằng như:
    • Kéo bàn chân ra phía trước để kiểm tra độ ổn định của dây chằng chày – mác trước.
    • Nghiêng bàn chân vào trong để đánh giá xem dây chằng gót mác có bị giãn hoặc đứt hay không.

Viêm cân gan chân:

  • Đau rõ tại điểm bám của cân gan chân ở mặt trong gót.
  • Đau tái hiện khi gập ngón chân cái lên (nghiệm pháp Windlass).

Nghiệm pháp Windlass được dùng để đánh giá viêm cân gan chân.Nghiệm pháp Windlass được dùng để đánh giá viêm cân gan chân.

Viêm gân Achilles:

Đau vùng sau gót chân, có thể sờ thấy gân dày hoặc sần lên. Đau tăng khi nhón gót hoặc đi bộ nhanh.

Tổn thương móng:

Đau chói, móng đổi màu, thường tím hoặc đen. Nếu tụ máu nhiều, móng có thể tách rời.

Xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết

Phần lớn các tổn thương nông có thể xác định bằng thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần cận lâm sàng để loại trừ tổn thương nặng hơn:

X-quang cổ chân hoặc bàn chân:

  • Chỉ định khi người bệnh nghi ngờ bị tổn thương xương, sưng nề nhiều hoặc không thể đi lại được.
  • Áp dụng tiêu chuẩn Ottawa: chụp X-quang khi bệnh nhân đau vùng mắt cá và có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
    • Đau khi ấn vào mặt sau phần dưới xương chày hoặc xương mác.
    • Không thể đi ít nhất 4 bước ngay sau khi chấn thương và lúc thăm khám.

Siêu âm hoặc cộng hưởng từ (MRI)

  • Được chỉ định khi nghi ngờ viêm gân mức độ nặng, đứt gân hoặc tổn thương sâu không rõ qua thăm khám.
  • Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh dày cân gan chân, vôi hóa gân hoặc tụ dịch quanh gân.

Các biện pháp điều trị Tổn thương nông ở cổ chân và bàn chân

Phần lớn tổn thương nông vùng cổ chân và bàn chân có thể điều trị bảo tồn mà không cần can thiệp phẫu thuật. Mục tiêu chính là kiểm soát triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng ngừa biến chứng lâu dài.

Biện pháp không dùng thuốc

Các phương pháp chăm sóc ban đầu có vai trò quan trọng trong giai đoạn cấp tính:

  • Nghỉ ngơi, chườm lạnh và kê cao chân: Áp dụng trong 48-72 giờ đầu để giảm sưng và đau. Có thể chườm lạnh 20 phút mỗi lần, lặp lại vài lần mỗi ngày, kết hợp kê cao chân cao hơn tim khi nằm nghỉ.
  • Bảo vệ và băng ép: Sử dụng nẹp cổ chân, băng thun hoặc giày chuyên dụng để cố định vùng tổn thương, hạn chế các cử động sai tư thế. Với trường hợp viêm gân hoặc bong gân nhẹ, có thể dùng giày đế cứng hoặc lót silicon hỗ trợ gót.

Sử dụng băng ép để cố định vùng tổn thương, hạn chế các cử động sai tư thế.Sử dụng băng ép để cố định vùng tổn thương, hạn chế các cử động sai tư thế.

  • Tăng vận động có kiểm soát (PEACE & LOVE): Đây là một nguyên tắc mới được áp dụng trong điều trị chấn thương phần mềm, nhằm thay thế cách tiếp cận truyền thống chỉ dừng lại ở nghỉ ngơi và chườm lạnh. Khái niệm này nhấn mạnh đến việc hồi phục chủ động thông qua vận động sớm, phù hợp với khả năng chịu đựng của cơ thể.
    • PEACE – Giai đoạn đầu sau chấn thương

      • P (Protection – Bảo vệ): Hạn chế hoạt động trong 1-3 ngày đầu để tránh làm tổn thương nặng thêm.
      • E (Elevation – Kê cao): Kê cao chi tổn thương giúp giảm sưng.
      • A (Avoid anti-inflammatories – Tránh dùng thuốc kháng viêm): Hạn chế sử dụng NSAIDs trong giai đoạn đầu vì có thể cản trở quá trình phục hồi mô.
      • C (Compression – Băng ép): Dùng băng thun hoặc đai nén để giảm phù nề.
      • E (Education – Tư vấn người bệnh): Giúp người bệnh hiểu về quá trình hồi phục, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào điều trị thụ động.
    • LOVE – Giai đoạn phục hồi

      • L (Load – Tải trọng có kiểm soát): Tập vận động nhẹ nhàng để kích thích phục hồi.
      • O (Optimism – Tâm lý tích cực): Niềm tin vào khả năng hồi phục giúp cải thiện kết quả điều trị.
      • V (Vascularisation – Tăng tưới máu): Khuyến khích hoạt động nhẹ để cải thiện lưu thông máu đến vùng tổn thương.
      • E (Exercise – Tập luyện): Tập các bài phục hồi chức năng để lấy lại sức cơ, độ linh hoạt và giảm nguy cơ tái phát.
  • Tâm lý tích cực và hướng dẫn bài bản: Việc giải thích về tiến trình hồi phục và vai trò chủ động của người bệnh sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tái phát.

Điều trị nội khoa

  • Thuốc giảm đau thông thường: Có thể dùng paracetamol hoặc các thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen, naproxen) để giảm đau ngắn hạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, cần hạn chế dùng lâu dài do nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình lành mô mềm, đặc biệt là với tổn thương gân và cân gan chân.
  • Tiêm corticosteroid tại chỗ: Được xem xét trong những trường hợp viêm cân gan chân kéo dài, không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng vì nếu tiêm quá nhiều hoặc không đúng vị trí, có thể gây teo lớp đệm mỡ ở gót chân hoặc làm đứt cân. Riêng với vùng gân gót (Achilles), không nên tiêm vì có nguy cơ làm gân yếu đi và dễ bị đứt.

Phương pháp khác

  • Dẫn lưu máu tụ dưới móng: Với những trường hợp tụ máu lớn dưới móng gây đau dữ dội, có thể dùng kim vô trùng hoặc dụng cụ tạo một lỗ nhỏ trên móng để thoát máu ra ngoài. Thời điểm hiệu quả nhất là trong vòng 24 giờ đầu sau chấn thương.
  • Vật lý trị liệu chuyên sâu: Sau giai đoạn sưng viêm cấp tính, người bệnh nên được hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, tăng độ linh hoạt cổ chân, cải thiện sức cơ – đặc biệt nhóm cơ mác ngoài và cơ dép – giúp phòng ngừa tái phát bong gân hoặc viêm gân mạn tính.
  • Nẹp ban đêm và giày chỉnh hình: Trong viêm cân gan chân mạn tính, nẹp ban đêm giúp duy trì tư thế duỗi nhẹ gan chân khi ngủ, làm giảm đau vào buổi sáng. Ngoài ra, có thể kết hợp giày chỉnh hình, đệm gót hoặc đệm lót nâng vòm chân để cải thiện phân bố lực khi đi lại, hỗ trợ quá trình hồi phục.

Tài liệu tham khảo:

  1. Adigun, C. G. (2021, December). Nail trauma. MSD Manual Professional Edition. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/nail-disorders/nail-trauma
  2. Buchanan, B. K., Sina, R. E., & Kushner, D. (2024, January 7). Plantar fasciitis. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431073/
  3. Cleveland Clinic. (2025, February 21). Soft tissue injury. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/soft-tissue-injury
  4. Ma, C. B., Dugdale, D. C., & Conaway, B. (2024, November 7). Foot sprain – aftercare. A.D.A.M. Medical Encyclopedia [Internet]. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000652.htm
  5. Medina Pabón, M. A., & Naqvi, U. (2023, August 17). Achilles tendinopathy. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538149/
  6. Melanson, S. W., & Shuman, V. L. (2023, May 23). Acute ankle sprain. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459212/
  7. Saling, J., & Begum, J. (2023, May 25). Ankle injuries: Causes, treatments, and prevention. WebMD. https://www.webmd.com/fitness-exercise/ankle-injuries-causes-and-treatments

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ