Từ điển bệnh lý

Tràn dịch màng phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tràn dịch màng phổi

Màng phổi là lớp màng rất mỏng bao xung quanh mỗi lá phổi trong lồng ngực. ở giữa hai lớp màng này là một khoang ảo, hay còn gọi là khoang màng phổi và có một lượng nhỏ chất lỏng khoảng vài ml chứa trong khoang nhằm giúp bôi trơn bề mặt phổi, tránh tổn thương khi hai lá phổi cọ xát vào nhau. Từ đó phổi được giãn nở tốt hơn khi chúng ta hít thở.

Tràn dịch màng phổi xảy ra khi phổi bị ứ nước, tức là chất lỏng tích tụ nhiều một cách bất thường trong khoang màng phổi. Thông thường lượng dịch lỏng tại khoang màng phổi chỉ có thể tích từ 10 - 20ml. Tràn dịch màng phổi gây nên các biến đổi trên cơ thể người bệnh như: gây khó thở, tức ngực và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều loại bệnh khác nhau. Nói cách khác, tràn dịch màng phổi không phải là một bệnh mà là một hội chứng do nhiều bệnh khác nhau gây nên.

Chất lỏng tích tụ nhiều một cách bất thường trong khoang màng phổi

Các con số liên quan đến tràn dịch màng phổi:

  • Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 1.000 bệnh nhân mắc tràn dịch màng phổi. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng mà có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong ở người bệnh;
  • Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh. Trong đó nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi ở các ca bệnh này đó là:
    • 500.000 ca do bị suy tim xung huyết;
    • 300.000 người bị viêm phổi;
    • 200.000 trường hợp trong thời kỳ thai nghén;
    • 150.000 bệnh nhân bị tắc mạch phổi;
    • 50.000 người mắc xơ gan cổ trướng.
  • Có từ 80 - 90% trường hợp bị tràn dịch màng phổi xác định được nguyên nhân, từ 10 - 20% số bệnh nhân không rõ nguyên nhân gây nên tràn dịch màng phổi;
  • Ngoài ra, tại các nước công nghiệp, trung bình cứ 100.000 người thì có 32 người bị tràn dịch màng phổi. Lý do dẫn tới hội chứng này đó là do bệnh về phổi như viêm phổi, tắc mạch phổi, bệnh suy tim hoặc các bệnh lý ác tính khác. Có khoảng 72% trường hợp những người bị suy tim phát hiện chất dịch trong phổi sau khi khám nghiệm tử thi, và từ 36 - 66% bệnh nhân điều trị nội trú ở bệnh viện bị tràn dịch màng phổi do viêm phổi.

 


Nguyên nhân Tràn dịch màng phổi

Ở trên đã tiết lộ các số liệu liên quan đến nguyên nhân gây nên tình trạng tràn dịch màng phổi. Ở phần này chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin chi tiết hơn về bệnh lý.

Nguyên nhân gây nên hội chứng tràn dịch màng phổi có thể được chia thành các nhóm dịch như sau:

  • Dịch tiết: nhiễm trùng tại phổi (do các tác nhân như virus, vi khuẩn, trùng amip, nấm, ký sinh trùng, sán lá gan, sán lá phổi,...), bệnh ung thư, bệnh lao, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ), tắc nghẽn động mạch phổi,...;
  • Dịch thấm: do các bệnh suy tim, suy dinh dưỡng, suy giáp, xơ gan cổ trướng, u nang buồng trứng;
  • Dịch màng phổi có màu sữa: viêm bạch mạch do giun chỉ, ống dưỡng chấp trong lồng ngực bị tổn thương hoặc chèn ép;
  • Dịch màng phổi có màu máu: do bị chấn thương lồng ngực, ung thư di căn đến phổi, ung thư màng phổi, tai biến do các thủ thuật thăm dò màng phổi,...

Những nguyên nhân thường gặp:

  • Viêm màng phổi: bệnh nhân bị ho có đờm, đau ngực và sốt cao. Hình ảnh chụp X-quang phổi cho thấy viêm phổi, dịch có thể chứa mủ, có thể tìm được vi khuẩn gây bệnh thông qua phương pháp cấy dịch màng phổi;
  • Lao màng phổi: khá phổ biến, chiếm 40% trong số các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân hay sốt nhẹ về buổi chiều, gầy sụt cân, ho ra máu, dịch màng phổi màu vàng chanh, tìm thấy vi khuẩn lao khi làm xét nghiệm dịch màng phổi;
  • Suy tim: những người đã từng mắc các bệnh về tim mạch, tiểu ít, phù 2 chân, dịch ít và màu trong, thường tràn dich sang hai bên;
  • Ung thư: phần lớn gặp ở những người lớn tuổi, đã từng hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào và tiếp xúc với khói bụi thường xuyên trong suốt nhiều năm. Dịch màu vàng chanh hoặc có màu đỏ, hút hết dịch thì lại tái phát, sụt cân, cơ thể suy sụp nhanh và khi làm xét nghiệm dịch màng phổi, có thể tìm thấy tế bào ung thư;
  • Hội chứng thận hư: tiểu ít, phù toàn thân, dịch màu trong;
  • Xơ gan cổ trướng: bệnh nhân nghiện rượu, có tiền sử bị xơ gan, gan to, dịch trong hoặc có màu vàng chanh.

Triệu chứng Tràn dịch màng phổi

  • Ho: bệnh nhân có thể bị ho khan hoặc ho ra đờm, đặc biệt ho nặng hơn khi thay đổi tư thế; 
  • Khó thở: đây là biểu hiện điển hình của tràn dịch màng phổi. Mức độ khó thở phụ thuộc vào mức độ tràn dịch, nếu tràn dịch càng nhiều thì bệnh nhân càng thấy khó thở;
  • Đau ngực: dấu hiệu này thường xuất hiện sớm, khiến người bệnh đau âm ỉ ở bên phổi bị tràn dịch, nếu nằm nghiêng về bên đối diện thì càng đau, đau tăng khi hít thở sâu;
  • Sốt: thường gặp nếu bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm trùng.

Triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân tràn dịch màng phổi


Các biến chứng Tràn dịch màng phổi

Phần lớn bệnh nhân sau khi trị liệu sẽ có thể hồi phục trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng, điều này cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi.  Có những ca bệnh bị biến chứng nghiêm trọng hơn do mắc độ nghiêm trọng của nguyên nhân gây bệnh.

  • Những biến chứng nặng có thể là:
  • Tràn khí dưới da;
  • Xẹp phổi;
  • Phù phổi hoặc tràn dịch phổi;
  • Suy hô hấp;
  • Chèn ép tim;
  • Màng phổi trung thất.

Đường lây truyền Tràn dịch màng phổi

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người. Việc tràn dịch màng phổi có lây hay không còn phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh.  Cụ thể đó là:

Nếu tràn dịch màng phổi do lao phổi gây nên:

Lao phổi là bệnh do vi khuẩn lao gây nên. Đây là loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền vi khuẩn khi người bệnh giao tiếp, nói chuyện, ho hoặc hắt hơi khiến nước bọt và chất dịch chứa vi khuẩn lao văng ra ngoài môi trường. Nếu chúng tiếp xúc với người lành, rất dễ đi theo đường không khí và gây bệnh. Do vậy, các ca bị tràn dịch màng phổi do lao phổi sẽ có thể lây cho người khác. Bệnh nhân cần có ý thức tự cách ly để chữa khỏi bệnh triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

Nếu bệnh nhân bị ung thư phổi dẫn đến tràn dịch màng phổi:

Thường thì bệnh nhân bị ung thư phổi ở giai đoạn 3 hoặc 4 mới xuất hiện tình trạng tràn dịch màng phổi. Bệnh ung thư phổi do nhiều nguyên nhân gây nên, do đó không có khả năng lây nhiễm sang người khác.


Phòng ngừa Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của rất nhiều loại bệnh liên quan đến phổi khác nhau như viêm phổi, u ác tính hoặc ung thư phổi. Một số bệnh khác có thể kể đến là áp – xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng… cũng có thể khiến phổi bị tràn dịch. Do đó, để phòng biến chứng, người bệnh cần được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở, bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp.

Bên cạnh đó, một số biện pháp có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hạn chế làm việc, sinh hoạt ở nơi có môi trường ô nhiễm, cải thiện môi trường sống.
  • Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến nhiệt. không ăn các thực phẩm sống (gỏi cá, tiết canh, nem chua, ăn sống).

Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến nhiệt

Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến nhiệt

  • Cách ly, giữ khoảng cách an toàn hoặc dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với bệnh nhân bị lao.
  • Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi.
  • Bỏ thuốc hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có người hút thuốc.

Các biện pháp chẩn đoán Tràn dịch màng phổi

  • Khám lâm sàng phát hiện tràn dịch màng phổi qua hội chứng 3 giảm: giảm rung, giảm âm, gõ đục;
  • Tiến hành chọc dò màng phổi thấy có dịch, cần xem xét màu sắc của dịch là gì. Những xét nghiệm dịch màng phổi giúp phân biệt dịch tiết và dịch thấm, từ đó xác định được nguyên nhân gây bệnh và có phương hướng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân;

Kỹ thuật chọc dò dịch màng phổi

Kỹ thuật chọc dò dịch màng phổi

  • Chụp X-quang ngực: trong trường hợp bị tràn dịch ít, sẽ thấy hình ảnh dịch tràn là tù góc sườn hoành, còn hình ảnh đám mờ đồng nhất ở ⅓ khu vực dưới phế trường là tràn dịch trung bình, tràn dịch nhiều là khi thấy mờ đều ½ phế trường đẩy tim sang bên đối diện;
  • Chụp cắt lớp vi tính ngực: cho phép cung cấp những hình ảnh chi tiết hơn về vị trí, mức độ tràn dịch và nâng cao khả năng tìm được nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi;
  • Nội soi màng phổi có sinh thiết: trước khi thực hiện người bệnh sẽ được tiến hành gây mê, sau đó bác sĩ rạch một đường nhỏ trên ngực bệnh nhân, vị trí giữa 2 xương sườn. Dịch được lấy bớt ra và một camera nhỏ sẽ được đưa vào khoang màng phổi nhằm kiểm tra, quan sát màng phổi. Tại đây chất dịch, sinh thiết - mô, tế bào sẽ được lấy ra để đem đi xét nghiệm;
  • Siêu âm màng phổi: đây là phương pháp thăm dò đơn giản và dễ thực hiện, không ảnh hưởng tới sức khoẻ của bệnh nhân.

Để chẩn đoán tràn dịch màng phổi, các bác sĩ tại bệnh viện Medlatec sẽ sử dụng các phương pháp như chụp CT 128 dãy, siêu âm màng phổi, chọc dò dịch màng phổi và làm các xét


Các biện pháp điều trị Tràn dịch màng phổi

Cần phát hiện sớm cũng như có biện pháp điều trị kịp thời chứng tràn dịch màng phổi. Để áp dụng được đúng phương pháp điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của hội chứng này, cần tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

Chọc hút dịch:

Nguyên nhân khiến cho phổi bị tràn dịch dù là do bất kỳ lý do gì thì cũng cần chọc hút bớt dịch để cho người bệnh dễ thở hơn và để làm xét nghiệm, sinh thiết. Nếu bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi sẽ sử dụng phương pháp dẫn lưu màng phổi. Khi đó một dụng cụ hình ống sẽ dùng để xuyên qua da tiến vào màng phổi và dẫn lưu mủ ra bên ngoài.

Điều trị nguyên nhân:

  • Tràn dịch màng phổi do lao: tuân thủ theo liệu trình điều trị bệnh lao, dùng thuốc kháng lao theo phác đồ;
  • Suy tim, xơ gan, suy thận, hội chứng thận hư: điều trị theo phương pháp của từng bệnh;
  • Ung thư: bệnh này cần điều trị ngoại khoa và dùng hoá xạ trị;
  • Viêm nhiễm: lựa chọn kháng sinh để đối phó với từng chủng loại vi khuẩn. Dùng thuốc có thể kéo dài trong 4 - 6 tuần.

Điều trị khác: 

  • Nghỉ ngơi nhiều tại giường;
  • Ăn những loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể;
  • Điều trị các triệu chứng sốt, đau ngực bằng Paracetamol;
  • Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân bằng vật lý trị liệu: tập thở, thổi bóng và tập những động tác giúp giãn nở lồng ngực, thực hiện trong thời gian dài. 
  • Trường hợp dịch màng phổi quá nhiều và tái phát nhanh, có thể gây dính màng phổi bằng Povidone. 

Tài liệu tham khảo

 Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Hệ thống Vinmec

Tràn dịch màng phổi: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị | Bệnh viện Tâm Anh

Chuyên gia giải đáp: Tràn dịch màng phổi có lây không? | Bệnh viện Medlatec


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ