Từ điển bệnh lý

Tràn dịch màng tinh hoàn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tràn dịch màng tinh hoàn

Đặc điểm cấu tạo của tinh hoàn:

Tinh hoàn là bộ phận được một túi mô mềm, lỏng lẻo gọi là bìu bao bọc bên ngoài. Vì thế nên chúng ta không thể quan sát được tinh hoàn bằng mắt thường nhưng có thể cảm nhận được nếu sờ nắn bìu. Mỗi tinh hoàn sẽ có gắn một ống dẫn tinh trùng tới dương vật. Thông thường nếu so sánh sẽ phát hiện ra một bên tinh hoàn sẽ nằm cao hơn so với bên còn lại.

Đặc điểm cấu tạo của tinh hoàn

Đặc điểm cấu tạo của tinh hoàn

Bìu có nhiệm vụ tiết ra một lượng nhỏ dịch với tác dụng chính là giúp bôi trơn để 2 viên tinh hoàn có thể dễ dàng di chuyển tự do bên trong bìu. Tĩnh mạch trong bìu đảm nhiệm chức năng hấp thụ lượng dịch sản xuất dư thừa, nhưng nếu lượng dịch được tạo ra và lượng dịch phải thoát đi có sự mất cân đối thì sẽ dẫn đến hiện tượng ứ đọng dịch và gây nên tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn. Điều này thường chỉ xuất hiện ở một bên tinh hoàn, tuy nhiên cũng có trường hợp xảy ra ở cả 2 bên khiến cho tinh hoàn bị gia tăng kích cỡ và sưng lên bất thường.

Khi một người cảm nhận được các dấu hiệu như đau đớn dữ dội vùng bẹn, cơn đau có lúc quặn lại theo từng đợt, kèm theo đó là 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn đều có biểu hiện phình, sưng to và sa xuống, phần tinh hoàn bị đẩy xuống dưới và da ở phần đầu của bìu căng bóng thì bệnh nhân cần ngay lập tức đi khám vì khả năng cao đây là triệu chứng của bệnh tràn dịch màng tinh hoàn. Hiện tượng này không thể xem nhẹ vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ sinh lý cũng như đời sống sinh hoạt của đấng mày râu.


Nguyên nhân Tràn dịch màng tinh hoàn

Đối tượng bị tràn dịch màng tinh hoàn bao gồm cả trẻ sơ sinh nam lẫn nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Trường hợp bệnh nhi là trẻ sơ sinh nam gặp hiện tượng này là do trong giai đoạn còn ở trong bụng mẹ, tinh hoàn của thai nhi cần phải di chuyển từ trên bụng của bé đi qua ống phúc tinh mạc xuống dưới bìu. Tuy nhiên khi hoàn tất quá trình di chuyển này, đường ống không được đóng kín làm tràn dịch từ ổ bụng xuống và khiến màng tinh bị ứ đọng nước. Ngoài ra còn có những ca bệnh bị tràn dịch màng tinh hoàn kết hợp với chứng thoát vị bẹn.

Đối với đàn ông trong độ tuổi trung niên, tràn dịch màng tinh hoàn có thể là do các nguyên nhân sau đây:

- Bệnh nhân bị nhiễm trùng tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục hoặc qua các chấn thương hở.

- Bị sưng bìu: nguyên nhân là do các nhiễm trùng hoặc chấn thương xảy ra bên trong bìu.

- Mắc bệnh ung thư tinh hoàn.

Mắc bệnh ung thư tinh hoàn gây tràn dịch màng tinh hoàn

Mắc bệnh ung thư tinh hoàn gây tràn dịch màng tinh hoàn

- Tràn dịch màng tinh hoàn cũng có thể là do phần nửa dưới cơ thể bệnh nhân bị phù nề.

- Các vấn đề khác xảy ra ở tinh hoàn dẫn tới hiện tượng tràn dịch như: khối u, chấn thương, nhiễm khuẩn tinh hoàn,...


Triệu chứng Tràn dịch màng tinh hoàn

Tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn thường không có biểu hiện phức tạp khi mới khởi phát. Dưới đây là các triệu chứng bệnh nhân cần lưu ý và theo dõi để đi khám kịp thời:

- Kích thước của bìu thay đổi: bìu sưng to lên, sa trĩu xuống dưới, da vùng này căng bóng, mới đầu chưa có cảm giác đau đớn. Khi soi đèn pin vào bìu có thể thấy ánh sáng xuyên qua được dễ dàng. Vì bìu to hơn so với bình thường nên sẽ ảnh hưởng nhiều tới các sinh hoạt thường ngày như đi bộ, vận động, thậm chí là khi quan hệ tình dục,...

- Tinh hoàn sưng to, cảm giác đau hoặc có triệu chứng cứng như đá.

Tinh hoàn sưng to, cảm giác đau hoặc có triệu chứng cứng như đá

Tinh hoàn sưng to, cảm giác đau hoặc có triệu chứng cứng như đá

- Người bệnh cảm thấy đau âm ỉ, đau dai dẳng hoặc có khi đau dữ dội, đau quặn lên theo từng đợt vùng bìu bẹn.

- Nếu bệnh nhân mắc bệnh viêm mào tinh hoàn hoặc viêm tinh hoàn thì cũng có thể dẫn đến hiện tượng kích thích màng tinh hoàn tiết xuất dịch. Lúc này bệnh nhân có biểu hiện sưng to tinh hoàn và mào tinh hoàn kèm theo đau đớn dữ dội.

- Trường hợp màng tinh hoàn bị tràn ít dịch thì sẽ khó để phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng. Khi đó cần dựa trên siêu âm để chẩn đoán được nhanh và chính xác hơn. Hình ảnh siêu âm nếu lớp dịch này dày trên 5mm thì mới có giá trị, vì nếu nhỏ hơn thì đây có thể chỉ là loại dịch sinh lý bình thường.

- Xuất hiện dịch mủ: dấu hiệu của viêm tinh hoàn cấp tính do vi khuẩn gây nên.

- Dịch máu có thể do chấn thương hoặc là cảnh báo của tổn thương do ung thư.

- Dịch dưỡng chấp: gây ra do giun chỉ: khi dịch này xuất hiện thì sẽ biểu hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh giun chỉ như đái dưỡng chấp, phù chân voi.

- Dịch vàng chanh: nguyên nhân xuất tiết dịch này thường là do bệnh toàn thân như ung thư hoặc bị bệnh lao.


Các biến chứng Tràn dịch màng tinh hoàn

Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tràn dịch màng tinh hoàn sẽ không có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng thì sẽ là mối đe dọa lớn không chỉ đối với chức năng sinh lý của cánh mày râu mà còn ảnh hưởng tới những cơ quan khác trong cơ thể người bệnh. Cụ thể như sau:

1. Khả năng sinh sản bị ảnh hưởng:

Khi hiện tượng tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra trong thời gian dài sẽ làm tinh hoàn bị “ngập lụt" và trì đọng trong một túi nước. Điều này khiến cho các tổ chức quan trọng của cơ quan sinh sản ở nam giới như ống dẫn tinh, mào tinh hoàn, tinh hoàn bị đình trệ hoạt động sản xuất tinh trùng. Số lượng cũng như chất lượng của tinh trùng vì thế mà giảm đi đáng kể và hệ quả là khả năng sinh sản của bệnh nhân cũng gặp nhiều trở ngại. Hay nói cách khác, người đàn ông có nguy cơ cao phải đối diện với hiếm muộn hoặc thậm chí là bị vô sinh.

2. Hoạt động quan hệ tình dục không được thuận lợi:

Khi lượng tinh dịch bị tràn quá nhiều sẽ gây nên hiện tượng kéo căng vùng da bìu của dương vật khiến khổ chủ phải trải qua những cơn đau đớn và sự khó chịu trong lúc quan hệ tình dục, dần dần nam giới mất đi hứng thú với chuyện chăn gối, tác động tiêu cực tới tâm lý của người bệnh và cả tâm trạng của bạn tình.

Hoạt động quan hệ tình dục không được thuận lợi do tràn dịch màng tinh

Hoạt động quan hệ tình dục không được thuận lợi do tràn dịch màng tinh

Gây áp lực cho tinh hoàn:

Cũng chính vì lượng dịch bị tràn quá nhiều sẽ làm cho tinh hoàn bị sa xuống và tinh hoàn phải chịu áp lực không nhỏ trong quá trình tuần hoàn máu. Việc này dẫn tới sự suy giảm trong khả năng sản xuất và cung ứng tinh trùng của tinh hoàn.

Một số tác nhân làm gia tăng khả năng bị tràn dịch tinh hoàn đó là: nhiễm trùng, chấn thương vùng bìu, các bệnh lây lan qua đường tình dục và thường gặp ở trẻ sinh non và đối tượng nam giới trong độ tuổi 40.


Phòng ngừa Tràn dịch màng tinh hoàn

Phương pháp tốt nhất giúp nam giới bảo vệ bản thân khỏi chứng tràn dịch màng tinh hoàn chính là giữ cho vùng bìa cũng như tinh hoàn không bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài. Trong trường hợp khi tham gia các môn thể thao đối kháng, nam giới cần lưu ý sử dụng các thiết bị bảo hộ vùng dưới.

Cần phải sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, tránh quan hệ bừa bãi với nhiều bạn tình.

Bên cạnh đó, nếu phái mạnh phát hiện ra những biểu hiện bất thường ở bộ phận sinh dục, cụ thể là ở vùng bìu như viêm, sưng và đau tinh hoàn thì cần đi khám nam khoa để kiểm tra, thăm dò và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng sau này.


Các biện pháp chẩn đoán Tràn dịch màng tinh hoàn

1. Thủ tục thăm khám lâm sàng

Trước tiên bác sĩ cần nắm được tổng quan thể trạng của bệnh nhân thông qua các thao tác sau:

- Kiểm tra và đánh giá mức độ đau đớn và mức độ tràn dịch màng tinh hoàn.

Kiểm tra và đánh giá mức độ đau đớn và mức độ tràn dịch màng tinh hoàn tại MEDLATEC

Kiểm tra và đánh giá mức độ đau đớn và mức độ tràn dịch màng tinh hoàn tại MEDLATEC

- Quan sát kỹ hơn và rõ ràng hơn chất dịch xung quanh tinh hoàn bằng cách chiếu ánh sáng qua bìu.

- Kiểm tra tình trạng thoát vị bẹn thông qua việc thăm khám khu vực bìu và thành bụng.

2 Phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu và nước tiểu: để xác định tình trạng viêm và cố gắng tìm nguyên nhân gây ra tình trạng tràn dịch tinh hoàn (ví dụ như bị viêm tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn, nhiễm trùng đường tiết niệu-sinh dục).

- Siêu âm để phát hiện dấu hiệu của khối u tinh hoàn hoặc hiện tượng thoát vị bẹn (nếu có).

- Trường hợp lượng dịch bị tràn quá lớn và không thể khám được, bác sĩ có thể tháo dịch bằng kim nhỏ và lấy dịch làm xét nghiệm tìm nguyên nhân (nhiễm trùng, lao, ung thư,...)


Các biện pháp điều trị Tràn dịch màng tinh hoàn

Rất nhiều người khi bị mắc căn bệnh này thường có chung một thắc mắc là tràn dịch màng tinh hoàn có chữa được không và chữa trong bao lâu thì khỏi. Đối với bệnh nhân là người trưởng thành, nếu bệnh không gây nên bất kỳ triệu chứng nào thì có thể chỉ cần điều trị thuốc và các biện pháp bảo tồn mà chưa cần điều trị can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật, thời gian để các triệu chứng biến mất còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh là gì. Dưới đây là một số biện pháp phổ biến hiện nay được sử dụng trong điều trị tràn dịch màng tinh hoàn ở nam giới:

1. Điều trị bằng thuốc:

Tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ thuốc phù hợp. Các loại thuốc có thể sẽ được lựa chọn là: Kháng sinh, Corticoid, chống viêm, giảm phù nề, phác đồ điều trị lao (nếu nguyên nhân do lao)...

2. Biện pháp phẫu thuật

Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp lượng dịch tràn lớn và gây khó chịu cho người bệnh. Để tiến hành phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một đường rất nhỏ ở phần bụng dưới hoặc trên bìu. Dịch sẽ được dẫn lưu ra ngoài khu vực này. Tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật.

Phẫu thuật để điều trị tràn dịch màng tinh

Phẫu thuật để điều trị tràn dịch màng tinh

3. Dẫn lưu dịch trong màng tinh hoàn

Cách để làm giảm lượng dịch màng tinh hoàn đó là dẫn lưu bớt ra ngoài bằng cách sử dụng kim dẫn lưu, nhưng biện pháp này chỉ là biện pháp điều trị triệu chứng và việc tràn dịch có thể quay trở lại nếu không tìm được nguyên nhân để điều trị

4. Thực hiện liệu pháp xơ hóa

Bên cạnh áp dụng kỹ thuật hay dẫn lưu dịch thì bệnh nhân có thể tiêm chất làm xơ, mục đích nhằm tránh tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn tái phát sau khi đã dẫn lưu chúng ra ngoài.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ