Từ điển bệnh lý

Trật khớp gối : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-04-2025

Tổng quan Trật khớp gối

Trật khớp gối có thể được định nghĩa là mất sự thẳng hàng hoàn toàn giữa bề mặt khớp xương đùi xa và xương chày gần, ba xương ở đầu gối lệch khỏi vị trí bình thường. Chấn thương dây chằng chéo hoặc đa dây chằng cũng có thể gặp phải khi khớp gối bị trật.

Trật khớp gối thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới với tỉ lệ nam:nữ là 4:1. Trật khớp gối chiếm 0,001% đến 0,013% trong tổng số các chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này không được báo cáo đầy đủ, vì gần 50% trường hợp trật khớp gối có triệu chứng tự phục hồi, trước khi đến khám bệnh hoặc bị chẩn đoán nhầm.

Trật khớp gối là một chấn thương nặng và thường là một cấp cứu ngoại khoa vì có thể gây ra các biến chứng thần kinh mạch máu. Ngoài ra, chẩn đoán và xử trí trật khớp gối chậm trễ làm tăng nguy cơ xơ hóa khớp và mất ổn định khớp lâu



Nguyên nhân Trật khớp gối

  • Do chấn thương tai nạn giao thông, chấn thương liên quan đến thể thao tốc độ cao và ngã từ trên cao có thể gây trật khớp gối.
  • Do các động tác sai tư thế của khớp

Phân loại trật khớp gối

Trật khớp gối được mô tả bằng cách sử dụng hệ thống phân loại theo vị trí hoặc giải phẫu. 

  • Trật ra phía trước là phổ biến nhất do chấn thương quá mức, thường liên quan đến rách dây chằng chéo sau, tổn thương động mạch thường là rách nội mạc do lực kéo, tỷ lệ chấn thương dây thần kinh mác cao nhất.
  • Trật phía sau phổ biến thứ hai do tải trọng trục lên đầu gối lớn, có tỷ lệ tổn thương mạch máu cao nhất và tỷ lệ rách hoàn toàn động mạch khoeo cao nhất dựa trên phân loại này.
  • Trật bên thường liên quan đến tình trạng rách cả dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau.
  • Trật chính khá ít gặp giữa thường do gián đoạn dây chằng chéo sau.
  • Trật xoay xoay quanh 1 dây chằng bên.



Triệu chứng Trật khớp gối

Khi bị trật khớp gối, đầu tiên bạn có thể nghe thấy tiếng kêu rắc rắc do các xương trật ra ngoài khớp. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau dữ dội, đầu gối của bạn đau đến mức bạn không thể cử động hoặc duỗi thẳng được.
  • Cảm giác đầu gối lỏng lẻo, không vững
  • Hình dáng đầu gối bị biến dạng rõ rệt, phần xương bánh chè có thể lệch khỏi vị trí bình thường.
  • Khớp gối có thể sưng lên và bầm tím nghiêm trọng hạn chế việc kiểm tra tính toàn vẹn của dây chằng
  • Hạn chế vận động khớp gối


Bệnh nhân đau dữ dội khớp gối khi bị trật khớp gối

Bệnh nhân đau dữ dội khớp gối khi bị trật khớp gối



Các biến chứng Trật khớp gối

Trật khớp gối thường kèm theo nhiều biến chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tổn thương:

  • Xơ hóa khớp hoặc cứng khớp là biến chứng phổ biến nhất của trật khớp gối, xảy ra ở 38% bệnh nhân, khuyến khích vận động sớm như một biện pháp phòng ngừa xơ hóa khớp
  • Khớp gối có thể bị hạn chế vận động, mất vững khớp gối
  • Rối loạn cảm giác, vận động do tổn thương thần kinh. Chấn thương thần kinh mác trong trật khớp gối xảy ra ở 10% đến 40% bệnh nhân. 
  • Chấn thương mạch máu đặc biệt là động mạch khoeo được báo cáo ở 5% đến 15% trong số tất cả các trường hợp trật khớp gối. Huyết khối trong tổn thương nội mạch sẽ gây thiếu máu cục bộ sau đó. Nếu bỏ sót tổn thương mạch khoeo nguy cơ cắt cụt chi rất cao. 

Trật khớp gối nếu không được điều trị kịp có thể gây tàn tật cho người bệnh

Trật khớp gối nếu không được điều trị kịp có thể gây tàn tật cho người bệnh



Các biện pháp chẩn đoán Trật khớp gối

Tất cả bệnh nhân có triệu chứng gợi ý trật khớp gối đều cần được làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để tránh bỏ sót tổn thương. Cần đặc biệt chú ý đến các tổn thương liên quan đến thần kinh mạch máu của chi và sự ổn định của dây chằng của khớp.

  • Chụp X-quang thường quy được khuyến cáo cho tất cả các bệnh nhân có nghi ngờ trật khớp gối. Các dấu hiệu trên X-quang trong trật khớp gối bao gồm sự bất đối xứng hoặc không đều của khoảng khớp, bong điểm bám dây chằng bên, dây chằng chéo trước và chéo sau, vỡ xương bánh chè. Chụp X-quang có thể bình thường trong các trường hợp trật khớp gối tự phục hồi.
  • Chỉ số mắt cá chân-cánh tay (ABI) là tỷ lệ tưới máu chi dưới qua động mạch chày sau và mu chân và tưới máu chi trên qua động mạch cánh tay dùng để đánh giá tổn thương mạch máu của chi bị tổn thương. Bệnh nhân cần được đo ABI khi không bắt được mạch khoeo, mạch mu chân hoặc mạch chày sau.
  • Siêu âm Doppler là một lựa chọn không xâm lấn, rủi ro và chi phí thấp, giúp đánh giá tổn thương mạch máu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá các tổn thương phần mềm như dây chằng, sụn chêm

Bệnh nhân trật khớp gối cần được chụp X-quang trước và sau khi nắn

Bệnh nhân trật khớp gối cần được chụp X-quang trước và sau khi nắn



Các biện pháp điều trị Trật khớp gối

Mục tiêu của điều trị trật khớp gối là làm cho khớp gối vững, biên độ vận động khớp gối tốt và bệnh nhân không còn đau.

  • Cấp cứu ban đầu với bệnh nhân được chẩn đoán trật khớp gối là nắn trật càng sớm càng tốt. Nguyên tắc nắn trật khớp gối là kéo dọc trục và làm ngược biến dạng. 
  • Bệnh nhân sau nắn cần được bất động bằng các phương pháp:

+ Nẹp bột với tư thế gối gấp 20 - 30 độ.

+ Phương pháp cố định ngoài dành cho gãy trật hở khớp gối với tổn thương phần mềm nhiều, hay khớp gối không vững sau phẫu thuật phục hồi mạch máu.

+ Có thể dùng đinh để xuyên qua rãnh liên lồi cầu của xương đùi đến lồi củ mâm chày, dùng để cố định khớp gối có hiệu quả khi bao khớp sau bị rách hoàn toàn. Xuyên kim cố định khớp nên thận trọng, vì có thể bị nhiễm trùng chân đinh hoặc bị gãy đinh.

  • Trước và sau khi nắn bệnh nhân cần được đánh giá tổn thương mạch máu và thần kinh. Kiểm tra tổn thương mạch máu bằng cách bắt mạch chày sau, mạch mu chân, đo chỉ số ABI
  • Nếu bắt các mạch rõ, ABI > 0,9 bệnh nhân cần được theo dõi trong bệnh viện 24h.
  • Mạch ngoại vi không bắt được ABI < 0,9 bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm đánh giá tổn thương mạch
  • Nếu mạch ngoại vi không bắt được, kèm triệu chứng thiếu máu chi cấp tính, bệnh nhân cần được mổ cấp cứu ngay
  • Bệnh nhân có các dấu hiệu tổn thương mạch khoeo, chèn ép khoang cấp tính, trật hở khớp gối, nắn trật thất bại bệnh nhân cần được mổ cấp cứu ngay
  • Các bệnh nhân sau khi điều trị trật khớp gối cần phục hồi chức năng giúp cải thiện biên độ vận động và tránh xơ hóa khớp gối

Trật khớp gối có thể liên quan đến chấn thương thần kinh mạch máu dẫn đến mất chi. Chính vì thế khi có bất cứ dấu hiệu nào kể trên bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp. Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi là địa chỉ đáng tin cậy để bệnh nhân an tâm chữa bệnh.

Để đặt lịch thăm khám kiểm tra sức khỏe, quý khách hàng có thể liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

  1. https://emedicine.medscape.com/article/823589-medication#1
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470595/
  3. https://www.webmd.com/pain-management/knee-pain/knee-dislocation


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ